Thị phần môi giới chứng khoán là gì

VNDIRECT chính thức trở thành công ty chứng khoán số 1 về thị phần môi giới chứng khoán Phái sinh cả năm 2018 (theo công bố của HNX).

Theo số liệu thống kê của HNX, Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT chính thức giữ ngôi vị số 1 với 23,92% thị phần môi giới chứng khoán phái sinh cả năm 2018, theo sau là HSC với 22,40%, MBS với 16,57%, SSI 14,53% và bỏ xa các công ty chứng khoán khác ở nhóm dưới.

STT Tên Thành viên Thị phần
1 Công ty Cổ phần Chứng khoán VNDIRECT 23.92%
2 Công ty Cổ phần Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh 22.40%
3 Công ty Cổ phần Chứng khoán MB 16.57%
4 Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI 14.53%
5 Công ty Cổ phần chứng khoán NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng 13.61%
6 Công ty Cổ phần Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam 4.16%
7 Công ty Cổ phần Chứng khoán Bản Việt 2.36%
8 Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam 1.29%

Thị phần môi giới HĐTL của các CTCK trên thị trường chứng khoán phái sinh trong năm 2018 – Nguồn: HNX

Trong cả năm 2018, VNDIRECT luôn giữ vị trí ổn định hàng đầu về môi giới phái sinh. Cụ thể, VNDIRECT là công ty top 1 thị phần môi giới HĐTL trong Qúy 1 & Quý 2 năm 2018, tương ứng 25,29% và 27,35% thị phần. VNDIRECT giữ vị trí top 2 trong Quý 3 & Quý 4 năm 2018, tương ứng 23,98% và 21,49% thị phần môi giới HĐTL.

Kết quả đáng khích lệ nói trên là nhờ VNDIRECT luôn xác định chiến lược tập trung tư vấn giúp nhà đầu tư sử dụng công cụ phái sinh đúng mục đích phòng vệ rủi ro và hiệu quả đầu tư bền vững. Bên cạnh đó, công ty luôn chú trọng đầu tư vào hạ tầng công nghệ nhằm duy trì và đảm bảo hệ thống giao dịch ổn định với tốc độ được đánh giá cao nhất trên thị trường (trên 1,000 lệnh/s). Không những vậy, đội ngũ sản phẩm liên tục cải tiến để hỗ trợ tối đa khách hàng giao dịch phái sinh. Trong năm 2018, VNDIRECT đã cho ra đời bộ lệnh điều kiện phái sinh, 10 bước giá, biểu đồ kỹ thuật có thể tương tác, và các app để nhà đầu tư có thể đặt lệnh mọi lúc, mọi nơi.

Nhiều nhà đầu tư tổ chức và nước ngoài bị hấp dẫn bởi thị trường phái sinh sôi động ở Việt Nam và đã tin tưởng tìm đến các công ty chứng khoán đứng đầu như VNDIRECT. Năm tới, ngoài việc tiếp tục đưa ra những nền tảng công nghệ vượt trội, VNDIRECT hướng tới mở rộng tập khách hàng tổ chức và nước ngoài trên cả HĐTL Chỉ số lẫn các sản phẩm phái sinh sắp ra mắt như HĐTL Trái phiếu chính phủ và Chứng quyền có bảo đảm.

Thị phần môi giới chứng khoán cơ sở của VNDIRECT cũng đạt được kết quả ấn tượng trong năm 2018. Trên sàn HOSE, VNDIRECT lọt vào top 4 thị phần môi giới cổ phiếu và chứng chỉ quỹ, top 6 thị phần môi giới trái phiếu trong năm 2018. Đồng thời, VNDIRECT cũng giữ vị trí top 2 thị phần môi giới cổ phiếu trên sàn HNX & top 2 thị phần môi giới cổ phiếu trên sàn UPCoM.

 

Trong quý 3/2021, top 10 công ty chứng khoán thị phần môi giới lớn nhất ghi nhận lãi 1.283 tỷ đồng từ hoạt động môi giới, tăng hơn 4 lần so với con số lãi của quý 3 năm 2020. Mô hình hoạt động của công ty chứng khoán tại Việt Nam có ba nguồn thu chính: môi giới, cho vay margin và hoạt động tự doanh. Trong cơ cấu doanh thu của các công ty chứng khoán, hoạt động môi giới chỉ xếp sau Tự doanh với tỷ lệ chiếm khoảng 20-23% và tăng trưởng đều theo từng năm.

Trong 4 quý trở lại đây, mảng môi giới ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu lợi nhuận gộp, từ 13,6% trong Q3/20 lên 23,8% trong Q2/21. Tuy nhiên, hoạt động tự doanh vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu lợi nhuận gộp (>50%) nên lợi nhuận của ngành này vẫn chịu tác động lớn từ biến động trên thị trường chứng khoán. Theo ước tính của FiinPro, trong năm 2021, hoạt động tự doanh sẽ mang lại 54,1% cơ cấu doanh thu, tiếp đến là môi giới với 23,7% doanh thu, cuối cùng là Margin với tỷ lệ doanh thu chiếm 22,2%.

Theo VnEconomy

Trong quý 3, Chứng khoán VPS tiếp tục dẫn đầu về thị phần môi giới cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và chứng quyền có bảo đảm trên sàn HOSE với 16,50%, tăng so với quý trước; SSI đứng ở vị trí thứ 2 với thị phần 11,58%; Chứng khoán VNDirect vượt qua HSC ở vị trí thứ 3 với thị phần 7,72%, Chứng khoán HSC đứng vị trí thứ tư với 6,79%.

Thị phần môi giới thông thường không đồng thuận với khoản lợi nhuận gộp mà mảng này mang lại cho các công ty chứng khoán. Tức là, thị phần môi giới cao nhưng lợi nhuận gộp có thể sẽ thấp và ngược lại tuỳ thuộc vào mức độ chiết khấu để “chèo kéo” khách hàng của mỗi công ty khác nhau.

Cụ thể, với VPS – thị phần số 1 môi giới, doanh thu nghiệp vụ môi giới quý 3/2021 ghi nhận 844 tỷ đồng, tăng gần 6 lần so với quý 3/2020. Chi phí nghiệp vụ môi giới cũng tăng theo, ghi nhận 680 tỷ đồng, dẫn đến lãi gộp từ nghiệp vụ môi giới 164 tỷ đồng. Với số lãi này, VPS thua xa cả SSI, VND và HSC, thậm chí còn chưa bằng so với thị phần thứ 6 là TCBS.

Tại SSI, doanh thu nghiệp vụ môi giới quý 3 ghi nhận 667 tỷ đồng, tăng 5 lần so với quý 3/2020; chi phí nghiệp vụ môi giới 368 tỷ đồng, do đó, SSI lãi gộp gần 300 tỷ đồng từ hoạt động môi giới.

VnDirect với vị trí thứ ba thị phần môi giới quý 3 vừa qua cũng ghi nhận doanh thu hoạt động môi giới 433 tỷ đồng, tăng gần 3 lần với quý 3/2020. Chi phí hoạt động môi giới 235 tỷ đồng, lãi gộp từ mảng này nhờ đó đạt 198 tỷ đồng. Tiếp theo là Chứng khoán HSC với doanh thu hoạt động môi giới đạt 369 tỷ đồng, lãi 175 tỷ.

Ở vị trí thứ 6, TCBS ghi nhận lợi nhuận môi giới 201 tỷ đồng, vượt mặt VPS và VND, HSC.

TCBS cũng đồng thời là công ty chứng khoán có hệ số biên lợi nhuận gộp mảng môi giới cao nhất 82% tiếp theo là FPTS với 58%. Trong khi hệ số này ở VPS là 18,5%, MAS là 5,5%.

Thống kê mới nhất từ gần 60 công ty chứng khoán trên thị trường cho thấy, tính đến cuối quý 3/2021, dư nợ margin đạt gần 154.000 tỷ đồng, tăng 10,5% so với cuối quý 2 và tăng tới 68% so với con số của cuối năm 2020. Đây cũng là kỷ lục cho vay margin trên sàn chứng khoán Việt Nam. Riêng 20 công ty chứng khoán top đầu cho vay margin dư nợ tính đến cuối quý 3 là 122.579 tỷ đồng, tăng 67% so với con số cuối năm 2020 là 73.010 tỷ đồng.

Chứng khoán SSI tiếp tục “soán ngôi vua” cho vay margin với dư nợ cho vay tiếp tục tăng lên mức 18.293 tỷ đồng, cao hơn 13% so với quý 2 và 98% so với cuối năm ngoái. Đứng ở vị trí thứ hai là Mirae Asset với dư nợ cho vay 14.799 tỷ đồng. Tiếp theo là TCBS với dư nợ cho vay 11.932 tỷ đồng. VnDirect cũng cho vay với dư nợ 11.317 tỷ đồng. Đây cũng đều là những công ty chứng khoán có tốc độ cho vay margin chóng mặt trong 9 tháng năm 2021. Một số công ty chứng khoán có tỷ lệ cho vay/vốn chủ sở hữu ngấp nghé 2 lần như MBS là 1,88 lần; MAS là 1,89 lần; HSC là 1,87 lần; FPTS là 1,68 lần.

Làn sóng nhà đầu tư F0 đổ vào thị trường trong bối cảnh các kênh đầu tư khác như vàng, gửi tiết kiệm, sản xuất kinh doanh kém hấp dẫn đã giúp các công ty chứng khoán có một năm bội thu nhờ hoạt động môi giới, cho vay margin và tự doanh. Tuy vậy, so với môi giới và tự doanh thì doanh thu của các công ty chứng khoán từ hoạt động Margin là không đáng kể.

Từ vị trí ngoài top 10, VPS mất ba năm để chiếm ngôi đầu của SSI và bỏ xa HSC, VNDS, VCSC trong cuộc đua thị phần môi giới chứng khoán.

"Chúc mừng VPS là công ty chứng khoán thứ ba sau MBS năm 2009 và HCM năm 2012 có thị phần môi giới một quý trên HSX vượt SSI".

Đó là dòng trạng thái ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch Công ty cổ phần Chứng khoán SSI, đăng trên trang cá nhân vào đầu tháng 4, không lâu sau khi bảng xếp hạng thị phần môi giới định kỳ hàng quý được công bố. Trước thời điểm này, SSI là đơn vị nhiều năm liền luôn đứng đầu thị phần môi giới. Việc dành lời chúc mừng cho đối thủ trực tiếp cho thấy sự quan tâm không nhỏ của ông Hưng về thị phần môi giới, thậm chí giống như một lời ngầm khẳng định SSI sẽ chiếm lại ngôi đầu một cách chóng vánh như từng xảy ra.

Tuy nhiên, kịch bản không lặp lại. Công ty cổ phần Chứng khoán VPS đã ba quý liên tiếp dẫn đầu thị phần môi giới trên sàn chứng khoán TP HCM với khoảng cách ngày càng được nới rộng so với đối thủ xếp sau. VPS nâng thị phần từ 13,24% trong quý đầu năm lên 16,5% trong quý III. Sự áp đảo còn thể hiện qua bảng thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội khi công ty này dẫn đầu thị phần môi giới HNX và UPCoM với tỷ lệ lần lượt 17,02% và 23,95%. Riêng chứng khoán phái sinh, công ty chiếm 56,68% và lớn hơn tổng thị phần của các đối thủ khác trong top 10 cộng lại.

Trong khi đó, thị phần của SSI giảm từ 11,89% trong quý đầu năm xuống 11,58% trong quý III. Công ty cổ phần Chứng khoán TP HCM (HSC) còn ghi nhận mức giảm mạnh hơn khi từ 8,23% xuống 6,79%, qua đó mất vị trí thứ ba vào tay Công ty cổ phần Chứng khoán VNDirect (VNDS). Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) tiếp tục đứng thứ năm nhưng thị phần chỉ còn 4,9% - mức thấp nhất tính theo từng quý trong gần 5 năm trở lại đây, đồng thời bắt đầu chịu hơi nóng phả ra từ đối thủ phía sau là Công ty Chứng khoán MB (MBS).

"Chỗ đứng của VPS bây giờ rất vững nên phía sau muốn chiếm lại không hề dễ", lãnh đạo một công ty chứng khoán quy mô trung bình nhận định.

Đánh giá về thành công của VPS, ông cho rằng công ty này đã chuẩn bị trong một thời gian dài bởi lần đầu tiên họ xuất hiện trong top 10 là quý I/2018 – tức 3 năm trước – với 2,86% thị phần. Họ thuộc hệ sinh thái VPBank nên có lợi thế nguồn vốn lớn để cho vay ký quỹ cao, đánh trúng thứ nhà đầu tư cá nhân rất cần. Việc áp dụng chính sách miễn phí giao dịch phái sinh trong thời gian dài cũng giúp họ được lòng những nhà đầu tư có tần suất mua bán liên tục. Bên cạnh đó, họ cũng đầu tư rất nhiều cho đội ngũ môi giới, trả hoa hồng cao để đội ngũ này chào mời nhà đầu tư mới và nhà đầu tư có thâm niên đang giao dịch tại những công ty khác qua nhiều kênh.

Sự trỗi dậy của VPS trong cuộc đua thị phần còn đến từ sự hụt hơi của những công ty khác. Theo thống kê của VnExpress, trong nửa thập kỷ qua, có 19 công ty từng xuất hiện trong bảng xếp hạng top 10 thị phần môi giới. Tuy nhiên, chỉ có 5 cái tên luôn góp mặt trong danh sách này dù thứ hạng nhiều lần biến động là SSI, HSC, VNDS, VCSC và MBS.

"VCSC có lợi thế khách hàng tổ chức nhưng chín tháng đầu năm khối ngoại giao dịch kém sôi động (thể hiện qua thanh khoản chỉ chiếm 7-8% thay vì 12-15% như các năm trước), còn HSC và SSI chủ động phát triển công nghệ trước khi kéo lượng khách hàng lớn về", ông Nguyễn Triệu Phát, Trưởng phòng môi giới Khối khách hàng cá nhân, Công ty TNHH Chứng khoán ACB, lý giải thêm về nguyên nhân thị phần môi giới của VPS tăng lên còn nhóm sau đi xuống.

Bảng xếp hạng thị phần môi giới được xem là cuộc đua của các công ty chứng khoán trong nước, bởi tính theo quý III, chỉ có Mirae Asset Việt Nam (MAS) và KIS Việt Nam (KIS) là hai công ty có vốn nước ngoài góp mặt. Một số công ty ngoại khác như Chứng khoán KB Việt Nam, Maybank Kim Eng trước đây cũng vào top nhưng nhanh chóng bị đánh bật chỉ sau một quý.

Nhà đầu tư được nhân viên công ty chứng khoán hướng dẫn xem bảng giá. Ảnh: Quỳnh Trần.

Lãnh đạo một công ty chứng khoán vốn Đài Loan cho rằng nguyên nhân chính là do công ty ngoại thường hoạch định chiến lược dài hạn, chịu áp lực từ đơn vị chủ quan nên phải từng bước mở rộng tệp khách hàng và không dám "xé rào" các quy định của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước. Ngược lại, một số công ty trong nước mạnh dạn huy động vốn để cung cấp đòn bẩy tài chính cao và trả hoa hồng lớn nhằm thu hút môi giới. Thậm chí, có những công ty còn chấp nhận vi phạm lỗi không quá nghiêm trọng và chịu phạt để bành trướng thị phần nhanh hơn.

"Tăng thị phần bao nhiêu phần trăm là chỉ tiêu kinh doanh rất quan trọng, tương đương chỉ tiêu lợi nhuận bao nhiêu", vị này nói, đồng thời khẳng định chính ông và những công ty chứng khoán ngoại đang chia nhau các vị trí từ 11-20 cũng rất tham vọng chen chân vào nhóm đầu.

Ông Nguyễn Thanh Tùng – Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cũng cho biết rất xem trọng thị phần môi giới và đang thật sự hoà mình vào cuộc đua thị phần bằng việc cải tiến sản phẩm liên tục. Công ty này hiện có thị phần khoảng 1,7% và đặt mục tiêu trong ba năm tới sẽ tăng lên khoảng 3,2% để có một suất trong top 10.

Theo ông Tùng, dòng tiền của nhà đầu tư F0 từ kênh tiết kiệm chảy qua chứng khoán đang thay đổi cục diện thị trường và mối quan tâm của các công ty chứng khoán. Nhiều công ty phải cấp tập triển khai eKYC để lôi kéo nhà đầu tư cá nhân mới với hi vọng cải thiện thị phần. Tuy nhiên, để giữ chân họ lâu và khiến họ giao dịch nhiều hơn thì công ty chứng khoán nào cũng cần đáp ứng ba yếu tố là sản phẩm vừa vặn với nhu cầu của nhà đầu tư; đội ngũ tốt và công nghệ hiện đại.

Đồng quan điểm trên nhưng ông Phát bổ sung thêm yếu tố chất lượng tư vấn. Ông Phát cho biết, xu hướng hiện nay là nhà đầu tư tự tìm đến những công ty chứng khoán có mức phí cạnh tranh để mở tài khoản và sử dụng các công cụ hỗ trợ, báo cáo phân tích miễn phí để giao dịch. Vai trò của môi giới vì thế giảm đi hoặc nếu còn thì môi giới đó phải rất giỏi, tư vấn sâu và thậm chí đến mức thân thiết để giúp khách hàng xây dựng chiến lược đầu tư.

"Điều này cho thấy để lấy được thị phần bây giờ phải cạnh tranh và đầu tư rất nhiều. Một số công ty muốn tăng nhanh còn phải xây dựng đội ngũ đi săn và chăm sóc những nhà đầu tư "cá mập" bởi giá trị một giao dịch của họ có thể gấp hàng trăm lần các nhà đầu tư nhỏ", ông Tùng nói.

Cuộc đua thị phần nhiều khả năng không có diễn biến nào bất ngờ trong quý cuối năm bởi để thay đổi những yếu tố kể trên cần nhiều thời gian chuẩn bị. Hầu hết lãnh đạo công ty chứng khoán nhận định, thị trường đang trên đà tăng và nhà đầu tư trong guồng giao dịch nên dù công ty chứng khoán tung chính sách hấp dẫn thì cũng khó kéo được nhà đầu tư bỏ chỗ hiện tại để sang chỗ mới. Bảng xếp hạng chỉ thực sự thay đổi khi thị trường xuất hiện một biến động lớn, dòng tiền rút ra và khi quay lại sẽ tìm công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ tốt hơn.

Phương Đông

Video liên quan

Chủ đề