Theo hồ chí minh cách mạng bạo lực là gì

Cách mạng giải phóng dân tộc phải được tiến hành bằng con đường cách mạng bạo lực.

Các thế lực đế quốc sử dụng bạo lực để xâm lược và thống trị thuộc địa, đàn áp dã man các phong trào yêu nước. "Chế độ thực dân tự bản thân nó, đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu rồi". Chưa đánh bại được lực lượng và đè bẹp ý chí xâm lược của chúng thì chưa thể có thắng lợi hoàn toàn. Vì thế, con đường để giành và giữ độc lập dân tộc chỉ có thể là con đường cách mạng bạo lực.

Đánh giá đúng bản chất cực kỳ phản động của bọn đế quốc tay sai, Hồ Chí Minh vạch rõ tính tất yếu của bạo lực cách mạng. "Trong cuộc đấu tranh gian khổ chống kẻ thù của giai cấp và của dân tộc, cần dùng bạo lực cách mạng, chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền.

Quán triệt quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin, coi sự nghiệp cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Hồ Chí Minh cho rằng bạo lực cách mạng là bạo lực của quần chúng.

Trong thời kỳ vận động giải phóng dân tộc 1940-1945, Người cùng với Trung ương Đảng chỉ đạo xây dựng cơ sở của bạo lực cách mạng bao gồm 2 lực lượng: lực lượng chính trị quần chúng và lực lượng vũ trang nhân dân. Theo sáng kiến của Người, Mặt trận Việt Minh được thành lập. Đó là nơi tập hợp, giác ngộ và rèn luyện lực trong chính trị quần chúng, một lực lượng cơ bản và giữ vai trò quyết định trong tổng khởi nghĩa vũ trang.

Hình thức của bạo lực cách mạng bao gồm cả đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, nhưng phải "tùy tình hình cụ thể mà quyết định những hình thức đấu tranh cách mạng thích hợp, sử dụng đúng và khéo kết hợp các hình thức đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị để giành thắng lợi cho cách Mạng"1.

Trong cách mạng tháng Tám, bạo lực thể hiện bằng khởi nghĩa vũ trang với lực lượng chính trị là chủ yếu. Đó là công cụ đập tan chính quyền của bọn Phátxít Nhật và tay sai  giành chính quyền về tay nhân dân.

Trong chiến tranh cách mạng, lực lượng vũ trang và đấu tranh vũ trang giữ vị trí quyết định trong việc tiêu diệt lực lượng quân sự địch, làm thất bại những âm mưu quân sự và chính trị của chúng. Nhưng đấu tranh vũ trang không tách biệt với đấu tranh chính trị. Theo Hồ Chí Minh, các đoàn thể cách mạng càng phát triển, quần chúng đấu tranh chính trị càng mạnh thì càng có cơ sở vững chắc để tổ chức lực lượng vũ trang và tiến hành đấu tranh vũ trang.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về bạo lực cách mạng khác hẳn tư tưởng hiếu chiến- của các thế lực đế quốc xâm lược. Xuất phát từ tình yêu thương con người, quý trọng sinh mạng con người. Người luôn tranh thủ khả năng giành và giữ chính quyền ít đổ máu. Người tìm mọi cách ngăn chặn xung đột vũ trang, tận dụng mọi khả năng giải quyết xung đột bằng biện pháp hòa bình, chủ động đàm phán, thương lượng, chấp nhận những nhượng bộ có nguyên tắc.

Việc tiến hành chiến tranh chỉ là giải pháp bắt buộc cuối cùng. Chí khí không còn khả năng hòa hoãn, khi kẻ thù ngoan cố bám giữ lập trường thực dân, chỉ muốn giành thắng lợi bằng quân sự thì Hồ Chí Minh mới kiên quyết phát động chiến tranh. Tư tưởng bạo lực cách mạng và tư tưởng nhân đạo, hòa bình thống nhất biện chứng với nhau. Yêu thương con người, yêu chuộng hòa bình, tự do, công lý, tranh thủ mọi khả năng hòa bình để giải quyết xung đột, nhưng một khi không thể tránh khỏi chiến tranh thì phải kiên quyết tiến hành chiến tranh, kiên quyết dùng bạo lực cách mạng, dùng khởi nghĩa và chiến tranh cách mạng để giành, giữ và bảo vệ hòa bình, vì độc lập, tự do. Đánh giặc không phải là tiêu diệt hết lực lượng, mà chủ yếu là đánh bại ý chí xâm lược của chúng, kết hợp giành thắng lợi về quân sự với giải pháp ngoại giao để kết thúc chiến tranh.

Theo Hồ Chí Minh, trong sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc "lực lượng chính là ở dân". Người chủ trương: tiến hành khởi nghĩa toàn dân và chiến tranh nhân dân.

Xuất phát từ tương quan lực lượng lấy nhỏ đánh lớn, lấy ít địch nhiều. Hồ Chí Minh không chủ trương tiến hành kiểu chiến tranh thông thườg, có chiến tuyến rõ rệt, chỉ dựa vào lực lượng quân đội và dốc toàn lực vào một số trận sống mái với kẻ thù mà chủ trương phát động chiến tranh nhân dân, dựa vào lực lượng toàn dân, có lực lượng vũ trang làm nòng cốt, đấu tranh toàn diện với kẻ thù đế quốc với tư tưởng chiến lược tiến công, phương châm chiến lược đánh lâu dài và dựa vào sức mình là chính. Hồ Chí Minh nói: "Không dùng toàn lực của nhân dân về đủ mọi mặt để ứng phó, không thể nào thắng lợi được"! .

Toàn dân khởi nghĩa, toàn dân nổi dậy là nét đặc sắc trong tư tưởng Hồ Chí Minh về hình thái bạo lực cách mạng.

Trong chiến tranh, "quân sự là việc chủ chốt", nhưng đồng thời phải kết hợp chặt chẽ với đấu tranh chính trị. "Thắng lợi quân sự đem lại thắng lợi chính trị, thắng lợi chính trị sẽ làm thắng lợi quân sự to lớn hơn"[1]  .

Đấu tranh ngoại giao cũng là một mặt trận có ý nghĩa chiến lược, có tác dụng thêm bạn bớt thù, phân hóa và cô lập kẻ thù. phát huy yếu tố chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, tranh thủ đồng tình ủng hộ của quốc tế. Hồ Chí Minh chủ trương "vừa đánh vừa đàm", "đánh là chủ yếu, đàm là hỗ trợ".

Đấu tranh kinh tế là ra sức tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm, phát triển kinh tế của ta, phá hoại kinh tế của địch. Người kêu gọi "hậu phương thi đua với tiền phương", coi "ruộng rẫy là chiến trường, cuốc cày là vũ khí, nhà nông là chiến sĩ", "tay cày tay súng, tay búa tay súng, ra sức phát triển sản xuất để phục vụ kháng chiến".

Chiến tranh về mặt văn hóa hay tư tưởng so với những mặt khác cũng không kém quan trọng.

Mục đích của cách mạng và chiến tranh chính nghĩa là vì độc lập, tự do, làm cho khả năng tiến hành chiến tranh nhân dân trở thành hiện thực, làm cho toàn dân tự giác tham gia kháng chiến.

Trước những kẻ thù lớn mạnh. Hồ Chí Minh chủ trương sử dụng phương châm chiến lược đánh lâu dài.

Tự lực cánh sinh cũng là một phương châm chiến lược rất quan trọng, nhằm phát huy cao độ nguồn sức mạnh chủ quan, tránh tư tưởng bị động trông chờ vào sự giúp đỡ bên ngoài. Mặc dù rất coi trọng sự giúp đỡ quốc tế nhưng Hồ Chí Minh luôn đề cao sức mạnh bên trong, phát huy đến mức cao nhất mọi nỗ lực của dân tộc, đề cao tinh thần độc lập, tự chủ.

Độc lập, tự chủ, tự lực tự cường kết hợp với tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế là một quan điểm nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Người đă động viên sức mạnh của toàn dân tộc, đồng thời ra sức vận động, tranh thủ sự giúp đỡ quốc tế to lớn và có hiệu quả cả về vật chất và tinh thần, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại đó kháng chiến thắng lợi.

thanhnguyen gửi vào T3, 23/12/2014 - 22:49

Nước Việt Nam là một nước anh hùng, suốt chiều dài lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc ta dù nhỏ bé nhưng luôn phải gồng mình đấu tranh chống lại các thế lực ngoại bang xâm lược. Trong quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm, biết bao chiến công hiển hách của cha ông ta đã được lưu danh muôn thuở. Chắc chắn là người Việt Nam, chúng ta không bao giờ quên những vị anh hùng như: Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Hưng Đạo Vương, Trần Quốc Tuấn, Vua Quang Trung Nguyễn Huệ,…và rất nhiều vị anh hùng trong lịch sử oai hùng của dân tộc. Các vị ấy đều là những vị tướng tài giỏi về võ nghệ, tinh thông binh pháp, nghệ thuật dụng binh như thần,…tài thao lược của các thế hệ cha ông đã được nhân dân ta đúc kết lại thành truyền thống đánh thắng giặc ngoại xâm của dân tộc ta. Đó không chỉ là truyền thống quý báu của dân tộc mà còn là nghệ thuật quân sự của một nước nhỏ nhưng rất đỗi anh hùng.

Tiếp thu truyền thống đánh giặc giữ nước hào hùng của dân tộc, đứng trước cảnh nước mất nhà tan, nhân dân đói khổ lầm than, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã ra đi tìm đường cứu nước. Và Người đã giúp nhân dân Việt Nam lựa chọn đúng đắn con đường cách mạng nước mình: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[1]. Theo chủ nghĩa Mác-Lênin, cách mạng vô sản ở thuộc địa phải gắn liền với cách mạng chính quốc và phải tiến hành bằng con đường bạo lực. Vận dụng một cách khoa học và sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin về con đường bạo lực trong cách mạng vô sản vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã trở thành một nhà quân sự thiên tài với nghệ thuật sử dụng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực cách mạng, quyết định đúng đắn con đường khởi nghĩa vũ trang, toàn dân đánh giặc của nhân dân Việt Nam, đem lại hòa bình độc lập tự do cho cả dân tộc.

Quan điểm sử dụng bạo lực cách mạng là một trong những quan điểm nằm trong hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh về quân sự. “Tư tưởng Hồ Chí Minh về quân sự bao gồm những quan điểm, tư tưởng có tính quy luật về đấu tranh vũ trang và chiến tranh cách mạng, về lực lượng quốc phòng và lực lượng vũ trang ở Việt Nam trong thời đại mới, nhằm thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là một bộ phận quan trọng trong toàn bộ hệ thống tư tưởng Hồ Chí Minh, là cơ sở cho sự hình thành và phát triển đường lối quân sự của Đảng và học thuyết quân sự Việt Nam trong thời hiện đại, nó góp phần làm phong phú thêm kho tàng lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin về quân sự và đã trở thành di sản quí báu của dân tộc và thế giới”[2]. Tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh được hình thành từ truyền thống anh dũng đấu tranh chống giặc ngoại xâm của cha ông ta. Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, truyền thống quân sự của nhân dân đã được đúc kết thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt chiều dài lịch sử tạo thành sức mạnh giúp dân tộc ta giữ vững độc lập chủ quyền, bảo toàn từng tấc sông thước núi. Tư tưởng Hồ Chí Minh về quân sự còn là sự kế thừa và vận dụng sáng tạo những luận điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về quân sự vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng nước ta. Trong đó quan điểm sử dụng bạo lực cách mạng trong đấu tranh cách mạng đã được Hồ Chí Minh vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp với hoàn cảnh cách mạng Việt Nam và nâng lên tầm một nghệ thuật quân sự, đó là nghệ thuật sử dụng bạo lực cách mạng trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh. C.Mác và Ph.Ăngghen là những người đã đặt nền móng cho học thuyết của giai cấp vô sản về chiến tranh và quân đội. Qua quá trình nghiên cứu các cuộc cách mạng xã hội, Mác và Ăngghen khẳng định vai trò của bạo lực khi nó phục vụ cho mục đích cải tạo xã hội bằng cách mạng và do giai cấp tiên tiến sử dụng để khắc phục sự chống đối của lực lượng phản động. C.Mác đã từng khẳng định: Bạo lực là bà đỡ của một chế độ xã hội mới đang thai nghén trong lòng xã hội cũ vì giai cấp thống trị, bóc lột không bao giờ tự giao chính quyền cho lực lượng cách mạng. Bạo lực là công cụ mà sự vận động xã hội dùng để tự mở đường cho mình và đập tan những hình thức cứng đờ hóa đá. Giai cấp công nhân là giai cấp có sứ mệnh lịch sử xây dựng xã hội mới tất yếu phải sử dụng bạo lực cách mạng với nhiều hình thức khác nhau kể cả hình thức vũ trang nhằm thiết lập chính quyền của giai cấp vô sản và thủ tiêu chế độ tư bản. Đó là cách mạng vô sản, cách mạng vô sản ở thuộc địa phải gắn liền với cách mạng chính quốc và phải tiến hành bằng con đường bạo lực.

Trên cơ sở nắm vững những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức sâu sắc bản chất của chế độ thực dân: “Chế độ thực dân, tự bản thân nó, đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu rồi”[3]. Thực tiễn đã chứng minh điều đó, năm 1858, thực dân Pháp đã dùng bạo lực phản cách mạng để xâm lược nước ta, chúng dùng quân đội - “một công cụ to dùng để áp bức” với hạm đội, tàu chiến, binh lính tinh nhuệ và các loại vũ khí hiện đại thời bấy giờ để uy hiếp, xâm lược một triều đình phong kiến với vài khẩu súng thần công và những anh lính khố. Sau khi chiếm được nước ta, chúng tiếp tục dùng bạo lực phản cách mạng để bóc lột nhân dân ta tới tận xương tủy, không những thế chúng còn đàn áp đẫm máu những phong trào đấu tranh của nhân dân ta dù cho đó có là đấu tranh theo phương pháp hòa bình hay dấy binh khởi nghĩa. Bác đã nhận rõ bản chất của bọn xâm lược, “lũ giặc cướp nước, chết thì chết, nết không chừa. Càng gần thất bại thì chúng càng hung ác”[4]. Trong bản Tuyên ngôn độc lập Bác đã từng chỉ rõ: “Ngày 9 tháng 3 năm nay, Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc bỏ chạy hoặc đầu hàng. Thế là chẳng những chúng không “bảo hộ” được ta, trái lại, trong 5 năm, chúng dã man bán nước ta hai lần cho Nhật. Trước ngày mồng 9 tháng 3, biết bao lần Việt Minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật. Bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng, lại thẳng tay khủng bố Việt Minh hơn nữa. Thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên Bái và Cao Bằng”[5]. Cho nên Người khẳng định: “Độc lập tự do không thể cầu xin mà có được”. Vì vậy, để thực hiện cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, cũng như cuộc đấu tranh để bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ chủ nghĩa xã hội, tất yếu phải “Dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng, giành lấy chính quyền và bảo vệ chính quyền”. Đó là quan điểm mấu chốt trong tư tưởng quân sự Hồ Chí Minh, đã được thể hiện trong Khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 cũng như trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bạo lực cách mạng ở Việt Nam là sức mạnh của quần chúng nhân dân dân được giác ngộ và tổ chức thành hai lực lượng: Lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang, hai hình thức đấu tranh: Đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự, kết hợp khởi nghĩa vũ trang và chiến tranh cách mạng. Vì vậy, khởi nghĩa vũ trang là cuộc nổi dậy to lớn của quần chúng với sự kết hợp chặt chẽ giữa đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự, dùng vũ khí để đánh đuổi bọn cướp nước, giành chính quyền. Người nói: Tùy tình hình cụ thể mà quyết định những hình thức đấu tranh cách mạng thích hợp, sử dụng đúng và khéo kết hợp các hình thức đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị để giành thắng lợi cho cách mạng. Quán triệt quan điểm: Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng, Người đã chỉ rõ, bạo lực cách mạng ở đây là bạo lực cách mạng của quần chúng, nghĩa là toàn dân vùng dậy đánh đuổi quân xâm lược.

Tuy đề cao vai trò của bạo lực cách mạng nhưng Hồ Chí Minh không tuyệt đối hóa vai trò của bạo lực, của đấu tranh vũ trang trong chiến tranh cách mạng. Với người đấu tranh vũ trang chỉ là một trong những phương pháp để thực hiện mục tiêu chính trị của cách mạng. Với tinh thần ấy, sau khi về nước chuẩn bị cho công tác giành chính quyền. Tháng 12 năm 1944, sau khi nghiên cứu kỹ tình hình cách mạng trong nước và trên thế giới, Bác ra chỉ thị thành lập đội “Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân”. Với lời căn dặn: “Chính trị trọng hơn quân sự”, “tuyên truyền trọng hơn tác chiến”, “người trước, súng sau”. Chỉ thị thành lập đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân của Bác tuy ngắn nhưng rất súc tích bao gồm các vấn đề chủ yếu về đường lối quân sự của Đảng ta, đó là các vấn đề về kháng chiến toàn dân, động viên và vũ trang toàn dân. Chỉ thị còn nói rõ về nguyên tắc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, phương châm xây dựng ba thứ quân, phương thức hoạt động kết hợp quân sự với chính trị của lực lượng vũ trang, nguyên tắc tác chiến và chiến thuật du kích của lực lượng vũ trang.

Quán triệt quan điểm của Bác, Cách mạng Tháng 8 năm 1945 mặc dù ta đã tích cực chuẩn bị lực lượng từ rất lâu, quyết tâm nếm mật nằm gai chờ ngày thời cơ tới. Nhưng khi ngày thời cơ đến toàn dân, toàn quân ta đã làm nên một cuộc cách mạng sâu sắc, triệt để nhưng không hề gây ra một thương vong lớn nào. Đó là minh chứng cho nghệ thuật sử dụng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng của người, bạo lực cách mạng ở đây là bạo lực của toàn dân là phong trào toàn dân đánh giặc, là sự kết hợp nhuần nhuyễn khoa học giữa phương pháp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang, sao cho đạt được thắng lợi mà không gây thương vong cho cả ta và địch. Đây là một trong những nét độc đáo mang đậm tính nhân văn của nghệ thuật quân sự Hồ Chí Minh.

Quan điểm bạo lực cách mạng của Hồ Chí Minh, không hề đối lập với tinh thần yêu chuộng hòa bình và chủ nghĩa nhân đạo. Đó là sự tiếp nối truyền thống nhân nghĩa của cha ông ta “Việc nhân nghĩa cốt để yên dân; Quân điếu phạt trước lo trừ bạo”. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong cuộc đấu tranh chính nghĩa để giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, việc sử dụng bạo lực cũng nhằm mục đích hòa bình: “Dụng việc binh là việc nhân nghĩa, muốn cứu dân, cứu nước”. Hòa bình theo Người phải là nền hòa bình thật sự, gắn liền với độc lập, chủ quyền của tổ quốc và tự do, dân chủ của nhân dân. Nếu mục tiêu đó không được đáp ứng, phương thức tiến hành chiến tranh tất yếu là bạo lực cách mạng. Đó chính là nghệ thuật khéo léo dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng của Người.

Quan điểm dùng bạo lực cách mạng chống lại bạo lực phản cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cơ sở cho đường lối quân sự với phương pháp cách mạng đúng đắn của Đảng ta trong suốt thời kỳ cách mạng. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến thắng lợi của Đảng, của quân và dân ta trong khởi nghĩa giành chính quyền và trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đem lại nền hòa bình cho dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ cho sông núi Việt Nam.

Ngày nay trong điều kiện hòa bình, nước ta được hưởng độc lập tự do, Đảng ta đã là Đảng cầm quyền, chính quyền đã về tay của toàn thể nhân dân lao động. Việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh được đẩy mạnh thực hiện và đi vào chiều sâu. Trong đó quan điểm của Bác về sử dụng bạo lực cách mạng để giành chính quyền và giữ chính quyền vẫn còn giữ nguyên giá trị trong điều kiện mới. Người nói: Chiến tranh ngày nay, đánh ở mặt sau, đánh về kinh tế, về chính trị, về tinh thần không kém quan trọng như đánh ngoài mặt trận. Phải biết phối hợp mọi phương pháp ấy mới có thể đi tới thắng lợi hoàn toàn. Hiện nay, cả nước ta thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế sâu rộng trên tất cả các mặt thì nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc được đặt ra với nhu cầu ngày càng toàn diện, triệt để và sâu sắc hơn. Trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực và trong nước có những diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch luôn tìm mọi cách để khôi phục lại địa vị của mình, với những nguy cơ của đất nước: Tụt hậu về kinh tế, chệch hướng xã hội chủ nghĩa, diễn biến hòa bình và tham nhũng,…Đảng ta ta cần có đủ bản lĩnh và trí tuệ, quân đội ta phải đủ sức mạnh để đập tan những âm mưu chống phá của kẻ thù. Và việc sử dụng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng nhằm xuyên tạc, nói xấu, chống lại chế độ, chính phủ, nhà nước và lợi ích chân chính của nhân dân ta là một điều tất yếu. Chúng ta cần ghi nhớ rằng: Bạo lực cách mạng theo quan điểm của Bác đó là sức mạnh của quần chúng nhân dân được giác ngộ và tổ chức thành hai lực lượng, lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang. Biểu hiện thành hai hình thức đấu tranh là đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự. Trong đó đấu tranh quân sự là phục vụ cho đấu tranh chính trị bởi “Quân sự mà không có chính trị là vô dụng mà có hại”.

Đòi hỏi cấp thiết trong tình hình cách mạng hiện nay là Đảng và Nhà nước ta cần chú trọng thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, bên cạnh đó, quan tâm hơn nữa việc giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức cách mạng cho quần chúng nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, những người chủ tương lai của đất nước. Là thanh niên của thế hệ mới, phải có lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định với chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tuyệt đối trung thành với sự lãnh đạo của Đảng và nhà nước. Bên cạnh đó, chúng ta cần tăng cường xây dựng quân đội chính quy tinh nhuệ, xứng đáng với lời khen tặng của Bác “Quân đội ta trung với Ðảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”[6]. Có như vậy, ta mới đảm bảo vững về chính trị, mạnh về quân sự, cùng với quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng tạo nền tảng vững chắc cho nước ta vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội, một ước mơ chung của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta./.

___________________________

[1]. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 9, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, trang 314.

[2]. Đề cương bài giảng Tư tưởng Hồ Chí Minh, NXB Chính trị - Hành chính, Hà Nội, 2013, trang 141.

[3]. Trong bài “Phụ nữ An Nam và sự đô hộ của Pháp” đăng trên báo Lơ Paria (Người cùng khổ) ngày 1-8-1922, Người viết: “Chế độ thực dân, tự bản thân nó đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu rồi”.

[4]. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 6, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, trang 135.

[5]. Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 3, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, trang 556.

[6]. Hồ Chí Minh Toàn Tập, tập 2, NXB Chính Trị quốc Gia, Hà Nội.2000, tr.350.

Video liên quan

Chủ đề