Theo em vì sao bức thư cảm ơn của giáo sư william l stidger vô cùng ý nghĩa với cô giáo cũ của ông

Xuất bản ngày 25/04/2019 - Tác giả: Huyền Chu

Chi tiết đáp án đề thi minh họa vào 10 Ngữ Văn Khánh Hòa 2019 dành cho các em học sinh lớp 9 tham khảo để chuẩn bị cho kì thi sắp tới

Mục lục nội dung

Nhằm giúp các em học sinh lớp 9 chuẩn bị tốt nhất cho kì thi tuyển sinh vào lớp 10 môn Ngữ Văn sắp tới thì Sở GD&ĐT Khánh Hòa đã đưa ra đề thi minh họa vào 10 Ngữ văn 2019 nằm trong bộ đề thi thử vào 10 môn văn , đây cũng là tài liệu vô cùng hữu ích, hi vọng các em sẽ đạt kết quả tốt nhất.

Đề thi tham khảo vào 10 môn Ngữ Văn tỉnh Khánh Hòa

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO KHÁNH HÒA

KỲ THI TUYỂN SINH VÀO LỚP 10 THPT

Năm học 2019 - 2020

ĐỀ THI MINH HỌA

Môn thi: NGỮ VĂN

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

SỨC MẠNH CỦA MỘT BỨC THƯ CẢM ƠN

Giáo sư William L. Stidger ngồi xuống và viết một bức thư cảm ơn cho một giáo viên vì sự động viên lớn lao mà bà dành cho ông khi ông còn là học sinh của bà 30 năm về trước. Một tuần sau, ông nhận được bức thư hồi âm với nét chữ viết tay run rẩy, rằng:

Willie yêu quý của ta! Ta muốn em biết rằng lời nhắn của em vô cùng ý nghĩa với ta. Một cụ già cô đơn 80 tuổi như ta, sống đơn độc trong một căn phòng nhỏ, lủi thủi nấu ăn một mình, dường như chỉ còn lay lắt như chiếc lá cuối cùng trên cây. Có lẽ, em sẽ bất ngờ, Willie ạ, khi biết rằng ta đã dạy học 50 năm và trong khoảng thời gian dài đằng đẵng đó, bức thư của em là bức thư cảm ơn đầu tiên ta nhận được. Ta nhận được nó trong một buổi sáng lạnh lẽo và hiu hắt buồn. Chính bức thư ấy đã sưởi ấm trái tim già nua cô đơn của ta bằng niềm vui mà trước nay ta chưa từng một lần được cảm nhận.

(Nguồn: //songtrongtinhyeu. blogspot.com)

Câu 1. Hãy nêu rõ mối quan hệ giữa các nhân vật trong văn bản.

Câu 2. Bà giáo đã nhận được bức thư cảm ơn đầu tiên vào hoàn cảnh nào?

Câu 3. Tìm và phân tích hiệu quả nghệ thuật của các phép tu từ có trong câu văn:

“Chính bức thư ấy đã sưởi ấm trái tim già nua cô đơn của ta bằng niềm vui mà trước nay ta chưa từng một lần được cảm nhận”.

Câu 4. Thông điệp của văn bản trên là gì?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ văn bản ở phần đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) bàn về nội dung: phải biết nói lời cảm ơn.

Câu 2 (5,0 điểm)

Cảm nhận của em về vẻ đẹp tâm hồn những cô thanh niên xung phong trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi (Lê Minh Khuê).

- HẾT -

Đáp án đề thi minh họa môn Ngữ Văn vào 10 Khánh Hòa 2019

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1.

Văn bản trên gồm các nhân vật: Giáo sư William L. Stidger và cô giáo cũ của ông.

Mối quan hệ của họ: William L. Stidger là học sinh cũ của bà giáo

Câu 2.

Bà giáo nhận được bức thư giữa lúc bà đang sống sống đơn độc trong một căn phòng nhỏ, lủi thủi nấu ăn một mình, dường như chỉ còn lay lắt như chiếc lá cuối cùng trên cây, đặc biệt sau 50 năm làm nghề dạy học, đó là bức thư cám ơn đầu tiên mà bà nhận được.

Câu 3.

“Chính bức thư ấy đã sưởi ấm trái tim già nua cô đơn của ta bằng niềm vui mà trước nay ta chưa từng một lần được cảm nhận”.

- Các phép tu từ:

+ nhân hóa (bức thư ấy đã sưởi ấm)

+ hoán dụ (trái tim già nua, cô đơn).

- Tác dụng: Nhấn mạnh tâm trạng, cảnh ngộ cô đơn của bà giáo và tô đậm ý nghĩa, sức mạnh tuyệt vời của những lời cảm ơn từ người học sinh cũ.

-> Nó đã thực sự sưởi ấm trái tim già nua, đem lại niềm hạnh phúc cho cô giáo cũ.

Câu 4.

Thông điệp của văn bản: Biết nói lời cảm ơn là điều cần thiết trong cuộc sống.

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Giải thích vấn đề:

  • Lời cảm ơn là gì?
  • Giải thích vì sao phải cảm ơn? Và cảm ơn có tác dụng gì?
  • Giới thiệu tầm quan trọng của việc cảm ơn đối với cuộc sống của chúng ta hiện nay

Bàn luận vấn đề

  • Người Việt Nam ta xưa nay rất coi trọng tình trọng nghĩa, ngay thẳng, biết nói cảm ơn khi nhận ơn. Đó là một nguyên tắc đạo đức. Lời cảm ơn được đưa ra nhằm bày tỏ được tấm lòng của chúng ta với người giúp đỡ mình.
  • Tại sao phải cảm ơn: Để lương tâm được thanh thản…. Đơn giản mình nhận ơn của người khác thì mình phải cảm ơn.
  • Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như mỗi chúng ta không biết cảm ơn? (khi đó liệu mọi người còn dám giúp đỡ ta không?)
  • Thực trạng hiện nay: Các bạn trẻ thờ ơ, vô cảm với người khác; văn hóa cảm ơn, xin lỗi ngày càng bị mai một.
  • Giải pháp: Chúng ta cần học tập rèn luyện bản thân, biết những điều hay lẽ phải qua đó có những hành động tốt, đẩy lùi nhưng căn bệnh vô cảm. Hãy nói lời cảm ơn để gắn kết yêu thương.

Kết: Khẳng định lại một lần nữa tầm quan trọng của cảm ơn: thể hiện được nét văn hóa của một con người.

Xem ngay link sau để viết được một đoạn văn hay bạn nhé: Đoạn văn bàn về nội dung phải biết nói lời cảm ơn

Câu 2 (5,0 điểm)

Cảm nhận của em về vẻ đẹp tâm hồn những cô thanh niên xung phong trong truyện ngắn Những ngôi sao xa xôi (Lê Minh Khuê).

Tham khảo dàn ý sau đây:

A. Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm

- Lê Minh Khuê là cây bút nữ chuyên viết về truyện ngắn.

- Trải nghiệm cuộc sống chiến trường nên nhà văn có những trang viết rất chân thực và sinh động về cuộc sống chiến đấu của những cô thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn.

- “Những ngôi sao xa xôi” là một trong những truyện ngắn đầu tay của tác giả được viết vào năm 1971.

- Truyện ca ngợi vẻ đẹp của ba cô gái thanh niên xung phong hồn nhiên, dũng cảm, lạc quan. Đó là hình ảnh đẹp của thế hệ trẻ Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Mĩ.

B. Thân bài:

1. Khái quát: dẫn dắt vào bài:

Truyện có ba nhân vật: Phương Định, Nho và Thao. Ba cô gái có chung một trận tuyến chống giặc Mĩ, họ chung nhau
phẩm chất anh hùng, và họ là một tập thể nhỏ rất gắn bó, yêu thương nhau. Nhưng mỗi nhân vật vẫn là một cá tính, và đó chính là thành công của tác giả trong việc xây dựng nhân vật.

2. Hoàn cảnh sống và chiến đấu:

- Mở đầu truyện ngắn, nhà văn Lê Minh Khuê đã giới thiệu với chúng ta điều kiện sống của ba cô gái trong tổ trinh sát mặt đường: “Chúng tôi có ba người. Ba cô gái. Chúng tôi ở trong một hang dưới chân cao điểm. Con đường qua trước cửa hang, kéo lên đồi, đi đến đâu đó, xa! Đường bị đánh lở loét, màu đất đỏ, trắng lẫn lộn. Hai bên đường không có lá xanh. Chỉ có những thân cây bị tước khô cháy. Những cây nhiều rễ nằm lăn lóc. Những tảng đá to. Một vài cái thùng xăng hoặc thành ô tô méo mó, han gỉ nằm trong đất”.

+ Sống và chiến đấu trên tuyến đường Trường Sơn đầy bom đạn, ngòi bút của Lê Minh Khuê đã dựng lại được không khí chiến trường ác liệt bằng một giọng văn bình thản, dung dị.

+ Không cần tô vẽ, tự bản thân khung cảnh ấy, với những hình ảnh của hung thần chiến tranh đã đủ gây ấn tượng về sự ác liệt. Trong hoàn cảnh ấy, chỉ cần sống thôi, đã đủ cam đảm.

- Nhưng các cô gái không chỉ sống ở nơi cao điểm. Họ còn chiến đấu:

+ “Việc của chúng tôi là ngồi đây. Khi có bom nổ thì chạy lên, đo khối lượng đất lấp vào hố bom, đếm bom chưa nổ và
nếu cần thì phá bom”. Hàng loạt công việc nặng nhọc, đòi hỏi sức mạnh cơ giới.

+ Hơn cả nặng nhọc, đó là nhiệm vụ hiểm nghèo. Họ “bị bom vùi luôn”, họ “chạy trên cao điểm cả ban ngày. Mà ban
ngày chạy trên cao điểm không phải chuyện chơi. Thần chết là một tay không thích đùa. Hắn ta lẩn trong ruột những quả bom”. Chạy trên cao điểm ( nơi giặc tập trung ném bom) nghĩa là chạy dưới mưa bom bão đạn. Cái chết luôn rình rập, bủa vây từ ba bề bốn bên. Nhiệm vụ của họ thật quan trọng nhưng cũng đầy gian khổ, hi sinh, phải mạo hiểm với cái chết, luôn căng thẳng thần kinh, đòi hỏi sự dũng cảm và bình tĩnh hết sức.

=> Không có sự tô vẽ ( lời kể của người trong cuộc, cô Phương Định chọn giọng thản nhiên như không) nhưng chính vì thế mà trang viết của Lê Minh Khuê đã ghi lại một cách ít lời nhất cuộc chiến đấu ác liệt của tổ trinh sát mặt đường.

3. Vẻ đẹp chung của ba cô gái

a. Họ có lòng yêu nước sâu sắc, sống có lí tưởng cao đẹp.

Cuộc sống gian khổ giữa chiến trường ác liệt, công việc đầy nguy hiểm và luôn phải đối mặt với cái chết, nhưng ba cô gái vẫn giữ được sự hồn nhiên, trong sáng của tuổi trẻ, luôn thể hiện tinh thần dũng cảm không sợ hi sinh, lòng lạc quan và tình đồng đội gắn bó sâu sắc. Họ ngời sáng lên vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu.

- Các cô gái thanh niên xung phong trong “Những ngôi sao xa xôi” là những người có lòng yêu nước sâu sắc, có lí
tưởng cao đẹp, sống, cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho đất nước. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc “nước còn giặc còn đi đánh giặc”, “Chiến trường giục giã bước hành quân”, họ rời xa gia đình, xa mái trường, tình nguyện vào cái nơi mà sự mất còn chỉ diễn ra trong gang

b. Tinh thần trách nhiệm cao với công việc, lòng dũng cảm, gan dạ không sợ gian khổ hi sinh.

- Họ xung phong vào chiến trường, gặp gỡ nhau ở mục đích lí tưởng sống. Họ đã có mặt trên mọi tuyến đường của Tổ quốc để phá bom, nối liền mạch máu giao thông để bộ đội ta tiếp lương tải đạn ra chiến trường. Họ thực sự là những anh hùng mà không tự biết. Nét chung này không chỉ có ở đây mà còn được nói đến ở nhiều tác phẩm khác như “Gửi em, cô thanh niên xung phong” của Phạm Tiến Duật, “Khoảng trời hố bom” của Lâm Thị Mỹ Dạ và truyện ngắn “Mảnh trăng cuối rừng” của Nguyễn Minh Châu... Tạo thành biểu tượng gương mặt đẹp và đáng yêu của những cô gái mở đường thời kháng chiến chống Mĩ.

- Qua thực tế chiến đấu, cả ba cô gái đều có tinh thần trách nhiệm cao với công việc, lòng dũng cảm, gan dạ không sợ gian khổ hi sinh:

+ Mặc dù còn rất trẻ, luôn phải đối mặt với bom rơi, đạn nổ, họ có thể hi sinh bất cứ lúc nào, nhưng để con đường được thông suốt nên các cô luôn sẵn sàng trong việc ra trận. Có lệnh là lên đường bất kể trong tình huống nào. Họ làm việc một cách tự nguyện, luôn nhận khó khăn, nguy hiểm về mình: “Tôi một quả bom trên đồi. Nho hai quả dưới lòng đường. Chị Thao một quả dưới cái chân hầm ba – ri – e cũ”. Đối mặt với hiểm nguy, các cô cũng nghĩ đến cái chết nhưng là “một cái chết mờ nhạt không cụ thể” quan trọng là “liệu mìn có nổ, bom có nổ không?”. Như thế họ đã đặt công việc lên trên cả tính mạng của mình.

+ Họ bình tĩnh, can trường và có tinh thần dũng cảm. Những lúc căng thẳng nhất, chị Thao móc cái bánh bích quy trong túi ra nhai. Họ nói đến công việc phá bom với giọng điệu bình thản: “Quen rồi. Một ngày chúng tôi phá bom đến năm lần. Ngày nào ít: ba lần”. Khi phá bom, bước tới những quả bom chưa nổ, họ không đi khom mà cứ đường hoàng, thẳng lưng bước tới. Đối mặt với cái chết, các cô không hề run sợ mà bình tĩnh moi đất, đặt dây, châm lửa, tính toán sao cho chính xác.

c. Họ có tâm hồn trong sáng, lạc quan, yêu đời

- Cả Phương Định, Nho và Thao đều là những cô gái có tâm hồn trong sáng, lạc quan, yêu đời. Trong chiến đấu họ can trường bao nhiêu thì trong cuộc sống sinh hoạt họ hồn nhiên tươi trẻ bấy nhiêu.

+ Khi bị bom vùi, từ cõi chết trở về, họ tự vẽ chân dung ngộ nghĩnh của mình để vui cười: “Có khi bò trên cao điểm về chỉ thấy hai con mắt lấp lánh. Cười thì hàm răng lóa lên khuôn mặt nhem nhuốc. Những lúc đó, chúng tôi gọi nhau
là “những con quỉ mắt đen”. Nét kí họa xinh đẹp này làm ta liên tưởng đến câu thơ của Phạm Tiến Duật: “Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”, hay là sự ngỡ ngàng trong câu thơ của nhà thơ Tố Hữu:

+ Họ có cuộc sống nội tâm phong phú, đáng yêu, dễ xúc cảm, nhiều mơ ước. Họ thích làm đẹp cho cuộc sống của mình ngay cả trong hoàn cảnh chiến trường ác liệt. Nho thích thêu thùa,thích ăn kẹo, thích bơi lội tắm tắp ngoài suối; chị Thao chăm chép bài hát, thích làm đỏm – áo lót thêu, lông mày tỉa; Phương Định thích ngắm mình trong gương, ngồi bó gối mộng mơ và hát...

+ Họ hồn nhiên như những đứa trẻ trước cơn mưa đá. Và trận mưa đã trở thành nỗi nhớ - sự nối dài quá khứ hôm qua và khát vọng mai sau. Kỉ niệm sống dậy như những khoảng sáng trong tâm hồn, những cảm xúc hồn nhiên như nguồn sống, điểm tựa, giúp họ thêm vững vàng, thêm sức mạnh vượt qua những khó khăn, nguy hiểm.

=> Có thể nói, bom đạn thử thách làm sáng ngời phẩm chất anh hùng nhưng không làm mất đi nét đẹp dịu dàng, hương sắc của tâm hồn các thiếu nữ. Đó là sự phát hiện về sức sống diệu kì của những tâm hồn giàu lí tưởng.

d. Họ là những người có tình đồng đội gắn bó.

- Ở họ còn có tình đồng đội gắn bó, thân thiết: hiểu được tính tình, sở thích của nhau, quan tâm chăm sóc nhau rất chu đáo. Phương Định bồn chồn, lo lắng khi chờ chị Thao và Nho đi trinh sát trên cao điểm. Khi Nho bị thương, Phương Định và chị Thao đã lo lắng, băng bó chăm sóc Nho cẩn thận với niềm xót xa như chị em ruột thịt và cảm thấy “đau hơn người bị thương”. Cũng giống như hai người đồng đội của mình, Phương Định yêu mến những người đồng đội trong tổ và cả đơn vị của mình. Đặc biệt, cô dành tình yêu và niềm cảm phục cho tất cả những người chiến sĩ mà hằng đêm cô gặp trên trọng điểm của con đường vào mặt trận.

=> Có thể nói, giữa nơi cái sống cận kề cái chết, sự yêu thương, đùm bọc nhau giữa những cô gái thanh niên xung phong thật không gì sánh nổi. Chính tình đồng đội sâu nặng đã giúp cho những con người giản dị, bình thường vượt lên đạn bom của kẻ thù.

=> Quả thật, đó là những cô gái mang trong mình những tính cách tưởng như không thể cùng tồn tại: vô cùng gan dạ, dũng cảm trong chiến đấu mà cũng hồn nhiên,vô tư trong cuộc sống. Những người như họ thật đáng trân trọng biết bao !

4. Vẻ đẹp riêng của ba cô thanh niên xung phong

- Ở mỗi nhân vật còn có những nét tính cách riêng. Đó chính là sức sống của nhân vật trong lòng bạn đọc, là tài
năng của nhà văn trong sáng tạo nghệ thuật.

+ Nho là một cô gái trẻ, xinh xắn, “trông nó nhẹ, mát mẻ như một que kem trắng”, có “cái cổ tròn và những cúc áo nhỏ nhắn” rất dễ thương khiến Phương Định “muốn bế nó trên tay”. Nho lại rất hồn nhiên – cái hồn nhiên trẻ thơ: “vừa tắm dưới suối lên, cứ quần áo ướt, Nho ngồi, đòi ăn kẹo”; khi bị thương nằm trong hang vẫn nhổm dậy, xòe tay xin mấy viên đá mưa. Nhưng trong chiến đấu thì rất dũng cảm, hành động thật nhanh gọn: “Nho cuộn tròn cái gối, cất
nhanh vào túi”, “quay lưng lại chúng tôi, chụp cái mũ sắt lên đầu...” Và trong một lần phá bom, cô đã bị sập hầm, đất phủ kín lên người. Mặc dù bị thương rất đau nhưng cô không rên la, không muốn cho đồng đội phải lo lắng.

+ Nhân vật Phương Định cũng trẻ trung như Nho, là một cô học sinh thành phố, nhạy cảm và hồn nhiên, thích mơ mộng và hay sống với những kỉ niệm của tuổi thiếu nữ vô tư về gia đình và về thành phố của mình. Ở đoạn cuối truyện, sau khi trận mưa đá tạnh, là cả một dòng thác kỉ niệm về gia đình, về thành phố trào lên và xoáy mạnh như sóng trong tâm trí cô gái. Có thể nói đây là những nét riêng của các cô gái trẻ Hà Nội vào chiến trường tham gia đánh giặc, tuy gian khổ nhưng vẫn giữ được cái phong cách riêng của người Hà Nội, rất trữ tình và đáng yêu.

+ Trong ba người thì Nho và Phương Định trẻ hơn nên cũng hồn nhiên và giàu mơ mộng, còn chị Thao lớn tuổi hơn nên những ước mơ và dự định về tương lai cũng thiết thực hơn. Người tổ trưởng ấy chiến đấu rất dũng cảm, chỉ huy rất kiên cường nhưng lại rất sợ khi phải nhìn thấy máu và còn sợ cả vắt nữa. Ở chị, ta cảm nhận được vẻ của một người chị, một người chị nông thôn, đầy tinh thần trách nhiệm, dám quyết đoán, biết hi sinh và nhường nhịn, biết vượt lên chính mình để tỏ ra mạnh mẽ làm chỗ dựa cho hai người đồng đội nhỏ tuổi hơn. Chị Thao rất nữ tính và có ý thức làm đẹp, nhưng cách chị làm, có gì đó làm ta thấy thật thú vị, thật thương... Thêu chỉ màu vào áo trong, tỉa lông mày nhỏ xíu...chép thật nhiều bài hát nhưng hát thì sai nhạc...Cái riêng, cái đẹp của chị Thao chính là: người ta chân thành sống vui với tất cả những gì mình thích, mình có, mình yêu...

=> Những nét riêng đó đã làm cho các nhân vật sống hơn và cũng đáng yêu hơn. Trái tim đỏ rực của họ là “những ngôi sao xa xôi” mãi mãi lung linh, toả sáng.

5. Đánh giá:

- Mỗi người có một cá tính riêng nhưng ở họ đều ngời sáng vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng Việt Nam, của tuổi trẻ Việt Nam. Viết về ba cô thanh niên xung phong, Lê Minh Khuê đã không tô vẽ, không mĩ lệ mà miêu tả hết sức cụ thể, chân thực bằng cách cá thể hóa nhân vật với những hình ảnh rất đời thường. Họ đã từ cuộc đời bước vào trang sách, trởthành những anh hùng – những ngôi sao trên bầu trời Trường Sơn.

6. Nhận xét về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm

- Lê Minh Khuê đã tỏ ra rất sắc sảo trong việc thể hiện khung cảnh và không khí sôi sục ở một trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn bằng một vài nét điển hình. Thành công hơn cả là nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật. Bằng cách để cho Phương Định đứng ra kể chuyện, tác giả đã phản ánh một cách tự nhiên và tinh tế tâm trạng của những cô gái ở chiến trường, luôn đối mặt với cái chết mà vẫn sống hồn nhiên, lạc quan và không kém phần lãng mạn. Chiến tranh làm cho họ dày dạn và cứng cỏi hơn, nhưng vẫn không thể làm mất đi nét hồn nhiên, trong sáng của tuổi trẻ.

- Trong truyện tuy có nhiều chi tiết về cuộc sống gian khổ, hiểm nguy, về những chiến công thầm lặng và sự dũng cảm, hi sinh của thanh niên xung phong trên tuyến đường Trường Sơn ác liệt nhưng cái tạo nên sức hấp dẫn của truyện ngắn này là ở sự am hiểu cặn kẽ của tác giả về đời sống của những con người đang hiến dâng tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Qua đó, người đọc hình dung được phần nào về chủ nghĩa anh hùng cách mạng của tuổi trẻ Việt Nam và dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu
nước oanh liệt.

C. Kết bài:

Nhà văn khiến lòng ta sống lại hình ảnh tuyệt đẹp và những chiến công phi thường của tổ trinh sát mặt đường, của Định, của Nho, của Thao, của hàng ngàn, hàng vạn cô thanh niên xung phong thời chống Mĩ. Chiến công thầm lặng của họ mãi mãi là một bài ca bất tử.

Tham khảo: Hình ảnh những nữ thanh niên xung phong trong Những ngôi sao xa xôi

Ngoài Đề thi minh hoa vào 10 Ngữ Văn tỉnh Khánh Hòa 2019 còn có rất nhiều trường đã đưa ra các đề thi thử đa dạng với nhiều dạng bài khác nhau vẫn nằm trong kiến thức ôn luyện được giới hạn. Các em có thể tham khảo Đề thi thử vào lớp 10 để có hành trang tốt nhất cho kì thi quan trọng trước mắt.

Tham khảo thêm:

Video liên quan

Chủ đề