Tết thượng nguyên tương ứng với ngày tháng năm nào năm 2024

Dù diễn ra định kỳ mỗi năm và thu hút đông đảo người dân tham gia nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Nguyên Tiêu

Tết Nguyên Tiêu là ngày Rằm đầu tiên trong năm mới, diễn ra vào mùng 15 tháng Giêng hàng năm. Dù diễn ra định kỳ mỗi năm và thu hút đông đảo người dân tham gia nhưng không phải ai cũng hiểu rõ về nguồn gốc và ý nghĩa của ngày lễ lớn này!

Tết Nguyên Tiêu là một ngày hội lớn trong năm

Tết Nguyên Tiêu là gì? Vì sao Rằm tháng Giêng được gọi là Tết Nguyên Tiêu?

Tết Nguyên Tiêu (hay còn có tên gọi khác là Rằm tháng Giêng) là ngày lễ có nguồn gốc từ Trung Quốc, kéo dài trong hai ngày 14 - 15 tháng Giêng Âm lịch. Theo ông Đinh Đức Tiến, Tiến sĩ khoa Lịch Sử của trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Rằm tháng Giêng được gọi là Tết Nguyên Tiêu là do gắn liền với những sự tích của Trung Quốc và dần dần hình thành nhiều phiên bản khác nhau.

Theo ghi chép của nhiều tài liệu, Tết Nguyên Tiêu có nguồn gốc từ Tây Hán tại Trung Quốc. Vào thời điểm đó, mọi người thường tổ chức lễ hội rước đèn đỏ long trọng. Song, mọi chuyện sẽ không có gì khi các cung nữ trong cung nhớ nhà nhưng lại không thể rời khỏi cung thành.

Lúc này, viên sủng thần của Hán Vũ Đế - Đông Phương Sóc đã thấu cảm nỗi lòng của các cung nữ. Vì vậy, ông đã hiến kế cho nhà vua rằng vào ngày Rằm tháng Giêng, vua và người nhà nên lánh nạn trong cung và cho treo đèn lồng đầy sân để giả cảnh lửa cháy, đánh lừa Hỏa thần. Sau khi nghe Đông Phương Sóc trình bày, nhà vua đã đồng ý và kể từ đó, vào ngày Rằm tháng Giêng, cả nước đều treo lồng đèn và nhờ vậy, các cung nữ đã gặp được người thân của mình trong niềm vui khôn xiết.

Việc treo lồng đèn vào ngày Rằm tháng Giêng giúp các cung nữ có thể gặp lại người thân theo sự tích của Trung Quốc

Trải qua nhiều năm, ngày lễ này vẫn tiếp tục được lưu truyền và lan rộng đến Việt Nam và được biến tấu để phù hợp với văn hóa của nước ta. Do đó, cách thức đón Tết Nguyên Tiêu cũng có sự khác biệt đôi chút so với quốc gia láng giềng Trung Quốc.

Có một sự tích khác về nguồn gốc của Tết Nguyên Tiêu được dân gian lưu truyền lại, đó là từ thuở xa xưa, một con thiên nga từ trên trời bay xuống đã bị một người thợ săn bắn chết. Ngọc Hoàng sau khi biết chuyện đã vô cùng tức giận, sai Thiên Binh Thiên Tướng đốt trụi trần gian vào mùng 15 tháng 1. Song, một vài vị tiên không đồng ý và họ đã liều mình xuống trần gian, hiến kế để chúng sinh thoát khỏi kiếp nạn trên.

Kể từ đó, vào ngày 15 tháng 1 Âm lịch hàng năm, nhà nhà đều treo đèn lồng và bắn pháo hoa nhằm đánh lừa Ngọc Hoàng rằng trần gian đã được đốt trụi, giúp nhân gian tránh khỏi thảm cảnh diệt vong.

Ý nghĩa của ngày Tết Nguyên Tiêu

Tết Nguyên Tiêu chính là đêm rằm đầu tiên của năm mới, trong đó từ “Nguyên” có nghĩa là thứ nhất, “Tiêu” có nghĩa là đêm. Bên cạnh đó, người ta gọi Tết Nguyên Tiêu là ngày Tết Thượng Nguyên, dùng để phân biệt với Tết Trung Nguyên (Rằm tháng Bảy) và Tết Hạ Nguyên (Rằm tháng Mười).

Tết Nguyên Tiêu là một ngày vô cùng quan trọng và ý nghĩa với Phật giáo hàng năm. Do đó, dân gian thường truyền miệng câu nói “Cúng quanh năm không bằng Rằm tháng Giêng” hoặc “Lễ Phật quanh năm không bằng lễ Phật vào ngày Rằm tháng Giêng”.

Vào ngày Rằm tháng Giêng, mỗi gia đình sẽ bày mâm cơm cúng để thể hiện lòng thánh kính, biết ơn của các thành viên trong gia đình, của các Phật tử đối với Đức Phật và ông bà tổ tiên. Đây cũng là ngày Rằm đầu tiên trong năm nên cũng thể hiện sự cầu mong năm mới an lành và nhiều tài lộc. Tùy vào điều kiện kinh tế, quan niệm tín ngưỡng và phong tục tập quán mà mỗi vùng miền sẽ có các mâm cơm khác nhau. Song, dù ít hay nhiều thì mâm cơm vẫn cần được chuẩn bị tươm tất và người cúng cần bày tỏ sự chân thành, thành tâm và lòng thành kính với Đức Phật và ông bà, tổ tiên của mình.

Những việc cần làm vào ngày Tết Nguyên Tiêu

Vào ngày Tết Nguyên Tiêu, chúng ta hãy thực hiện các việc làm sau:

1. Chuẩn bị mâm cơm cúng tươm tất, chỉn chu

Theo quan niệm dân gian, ngày cúng Tết Nguyên Tiêu tốt nhất chính là vào đúng Rằm tháng Giêng, vào giờ Ngọ. Song, nếu có việc bận, chúng ta cũng có thể cúng vào ngày trước đó, tức mùng 14 tháng Giêng Âm lịch.

Mâm cơm cúng Tết Nguyên Tiêu cũng cần chuẩn bị tươm tất và chỉn chu hơn so với các ngày Rằng hàng tháng. Theo đó, trên mâm cỗ cúng Tết cần có thêm xôi gấc, đĩa giò,... và được chia thành hai mâm cỗ: mâm cỗ cúng Phật và mâm cỗ cúng gia tiên.

Thông thường, mâm cỗ cúng Tết Nguyên Tiêu bao gồm các món ăn sau:

  • 5 lạng thịt vai luộc.
  • 1 chén canh măng.
  • 1 dĩa xào thập cẩm.
  • 1 dĩa nem.
  • 1 dĩa rau xào.
  • 1 dĩa giò.
  • 1 dĩa xôi gấc.
  • 1 dĩa hoa quả.
  • Các vật phẩm khác bao gồm: rượu, trầu cau, đèn cầy, vàng mã.

Đặc biệt, trong mâm cúng Tết, chúng ta không thể nào thiếu món bánh trôi nước ( chè xôi nước) nhằm thể hiện mong muốn mọi việc trong năm đều trôi chảy, hanh thông.

Mâm cơm cúng Tết Nguyên Tiêu cần được chuẩn bị thật tươm tất

Với mâm cơm cúng Phật vào ngày Tết Nguyên Tiêu, chúng ta cần chuẩn bị các món ăn sau:

  • Hoa quả.
  • Chè xôi.
  • Các món đậu.
  • Món canh, món xào.

Đặc biệt, trong mâm cơm cúng Phật vào Tết Nguyên Tiêu, chúng ta cần có đủ màu sắc tượng trưng cho Ngũ hành và không thể thiếu món bánh trôi nước (chè xôi nước), tương tự như mâm cỗ cúng Tết kể trên.

Mâm cỗ mặn cúng gia tiên trong ngày Rằm tháng Giêng sẽ bao gồm 4 bát và 6 dĩa tùy theo kinh tế và phong tục của gia đình. Theo đó, 4 bát sẽ bao gồm các món: miến, ninh măng, mọc và bóng; 6 dĩa sẽ bao gồm các món: thịt heo, thịt gà, giò chả, nem thính. Tùy vào gia đình mà có thể thay bằng các món khác như đồ chua, đĩa xào, xôi hoặc bánh chưng, kèm theo đó là bát nước chấm.

Sau khi đã chuẩn bị tươm tất, đầy đủ các mâm cúng, chúng ta sẽ dâng lên bàn thờ Đức Phật và bàn thờ gia tiên và đọc bài văn khấn sau:

– Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.

– Con kính lạy ngài Bản xứ Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân cùng chư vị Tôn thần.

– Con kính lạy Ông Bà nội ngoại.

(chúng) con tên là: … Ngụ tại số: …

Hôm nay là ngày Rằm tháng Giêng năm…, gặp tiết Nguyên tiêu, con bày tỏ lòng thành, sửa sang hương đăng, sắm sanh lễ vật, dâng lên trước án.

(chúng) con kính mời ngài Bản xứ Thần linh Thổ địa, ngài Bản gia Táo quân, thần tiên Ngũ phương Bát hướng Tài thần. Cúi xin các ngài linh thiêng nghe thấu lời mời, giáng lâm trước án, chứng giám lòng thành thụ hưởng lễ vật.

(chúng) con kính mời chư vị Hương linh gia tiên nội ngoại nghe lời khẩn cầu, kính mời của con cháu, giáng về chứng giám tâm thành, thụ hưởng lễ vật.

Con lại kính mời ông bà tiền chủ, hậu chủ tại gia về hưởng lễ vật, chứng giám lòng thành phù hộ độ trì cho gia chung chúng con được vạn sự tốt lành.

Sau khi khấn xong, vái 3 vái.

2. Đi chùa lễ Phật

Vào ngày 14 hoặc 15 của Rằm tháng Giêng, người dân sẽ đi chùa lễ Phật nhằm cầu mong những điều tốt đẹp, may mắn sẽ đến với gia đình trong năm mới, đồng thời sám hối cho gia đình, bản thân, cầu mong mọi điều xui xẻo sẽ qua đi. Lưu ý, khi đi lễ chùa, mọi người chỉ nên sắm lễ chay, ăn mặc kín đáo, nghiêm trang và thành tâm cầu khấn.

Ngoài ra, trong ngày này, mọi người cũng thực hiện các công việc thiện nguyện, làm việc thiện để tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn, vơi đi phần nào nỗi lo toan của cuộc sống. Nhiều người lầm tưởng, làm việc thiện phải là các công việc lớn lao, cần có tài chính nhưng thực tế, chúng ta chỉ cần thăm nuôi những gia đình có hoàn cảnh khó khăn hoặc chỉ đơn giản là giúp đỡ những người xung quanh.

3. Phóng sinh

Vào ngày Rằm tháng Giêng, người ta thường có xu hướng phóng sinh cá chép, cá cảnh, chim,... để giải thoát sự giam cầm cho các loài động vật. Lưu ý, khi phóng sinh, chúng ta chỉ nên mua những loài động vật đang chuẩn bị “lên thớt” và chọn những nơi vắng vẻ, không có người săn bắt. Tuyệt đối không nên mua chim trong lồng được người ta bán sẵn bởi như thế sẽ khiến chúng ta dễ mang “nghiệp” vào người.

4. Dọn dẹp bàn thờ gia tiên

Tết Nguyên Tiêu là dịp để mọi người trong gia đình dọn dẹp bàn thờ và làm lễ cúng Đức Phật, gia tiên. Trong lúc dọn dẹp cần lưu ý, không xê dịch bát hương và nên thắp một nén nhang để cầu xin tổ tiên, Đức Phật về việc mình lau dọn bàn thờ nhằm dâng lên mâm cúng cùng hoa thơm và các vật phẩm khác.

5. Thả đèn hoa đăng

Vào ngày Tết Nguyên Tiêu, nhiều nơi ở Việt Nam còn tổ chức hoạt động thả đèn hoa đăng (loại đèn có hình dạng hoa sen) trên các con sông hoặc hồ nước trong khuôn viên nhà chùa. Hành động này nhằm cầu may mắn, an nhiên, thành công trong năm tới cho bản thân và gia đình, đồng thời thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Mọi người thường thả đèn hoa đăng để cầu mong bình an, may mắn trong năm mới

Những việc cần kiêng kỵ, không nên làm vào ngày Rằm tháng Giêng

  • Không nên để thùng gạo cạn đáy bởi người xưa quan niệm rằng, nhà nào để thùng gạo cạn đáy sẽ đói kém quanh năm.
  • Không câu cá: Việc câu cá vào ngày trăng tròn sẽ dễ mang đến vận xui rủi.
  • Không nói tục, chửi bậy để tránh thị phi, tai tiếng, rước họa vào thân.
  • Không đến những nơi âm khí nặng như mồ mả, nơi hoang vu, bệnh viện để tránh bị vận xui đeo bám.
  • Không xê dịch bát hương trong quá trình lau dọn bàn thờ.
  • Không dùng hoa, quả giả để dâng lên bàn thờ và dùng các vật phẩm đã qua sử dụng để thờ cúng để tránh bất kính với Đức Phật và các bậc gia tiên.
  • Không đặt tiền giả hay tiền không phải do mình làm ra lên bàn thờ.

Hy vọng qua bài viết này, chúng ta đã hiểu hơn về ngày Tết Nguyên Tiêu và những việc cần làm trong ngày lễ trọng đại theo tín ngưỡng Phật giáo. Hãy thực hiện các việc làm bằng cái tâm và làm thật nghiêm túc, tránh đùa cợt để không tỏ sự bất kính với Đức Phật và ông bà, tổ tiên.

Chủ đề