Tại sao phải xác định đối tượng nghiên cứu


Cao Thị Hoàng Oanh – Công ty Luật Phuoc&Partners

Tôi còn nhớ ngày đầu tiên tôi đến với nghiên cứu khoa học không phải là mục tiêu gì quá lớn lao, chỉ đơn thuần là giết thời gian và chứng tỏ với một ai đó rằng “Tôi có thể làm được điều mà bạn không làm được“. Loay hoay mãi mà tôi cũng không biết nên chọn đề tài gì, làm cái gì, sống gì với đề tài này. Cho đến một ngày, tôi gặp Thầy. Hai thầy trò nói chuyện với nhau suốt 2 tiếng đồng hồ. 2/3 thời gian tôi và thầy nói chuyện “trên trời dưới đất”, đông tây kim cổ. Và 1/3 thời gian còn lại, thầy chỉ hỏi tôi đúng 3 câu hỏi thôi. Nghe thì chỉ có 3 câu thôi, nhưng thực tế nó khiến tôi phải mất hơn 1 tháng để tìm ra câu trả lời. Còn nhớ hôm ấy, trước khi ra khỏi phòng, thầy còn nói với theo rằng, khi nào trả lời được thì hãy quay lại gặp thầy. Đơn giản vậy đấy!!! Nhưng cũng chỉ có 3 câu hỏi này thôi, tôi đã tự tay làm ra được công trình nghiên cứu khoa học đầu tiên của riêng mình, tự thân biết cách tiếp cận vấn đề và cho ra đời các tác phẩm sau này.

Vì kiến thức và kinh nghiệm đâu chỉ của riêng mình nên tôi xin mạn phép chia sẻ với các bạn và các anh chị một số vấn đề, đặc biệt cho những ai bắt đầu làm quen với nghiên cứu khoa học để tham khảo thêm. À, cũng xin nói luôn rằng nếu ai đang mong đợi tôi sẽ chỉ ra cho các bạn bước 1, bước 2, bước 3,… n bước là gì thì tốt nhất các bên nên bấm next hoặc out ra khỏi trang này ngay vì nó không chứa đựng những điều mà các bạn/anh/chị muốn đâu. Tôi không mong là bài chia sẻ này có thể chạm được đến cái gốc của vấn đề nhưng hy vọng chí ít nó cũng chạm đến gần cái lõi.

Như đã nói ở trên, tôi đoán rằng hẳn các anh chị và các bạn cũng đang thắc mắc 3 câu hỏi mà thầy tôi đã hỏi tôi ngày hôm ấy là gì? Thực tế, nó chính là:

            1. Nghiên cứu khoa học để làm gì?

            2. Nghiên cứu khoa học về cái gì? và

            3. Nghiên cứu khoa học trong phạm vi nào? 

Nói cách khác, để bắt tay nghiên cứu, bạn phải xác định được mục tiêu nghiên cứu (để làm gì?), đối tượng nghiên cứu (về cái gì?) và trong phạm vi nào (phạm vi nghiên cứu?). Chắc hẳn một số bạn vẫn còn đang phì cười và thầm nhủ “Biết rồi khổ quá nói mãi, mục tiêu, phạm vi và đối tượng ai chả biết, nói hoài làm gì vì mấy cái này thầy cô nói ra rả trong những buổi định hướng nghiên cứu khoa học rồi?!”. Nhưng tôi tin rằng trong số chúng ta đây, vẫn còn có nhiều bạn/anh/chị nghe, đọc, thấy ra rả những cụm từ này nhưng không hiểu tại sao phải làm cái này. (Mà cái sai lầm tai hại của một số bạn là không biết đặt câu hỏi TẠI SAO cho mọi vấn đề mình giải quyết).

 Tôi có một vài dịp quan sát các bạn sinh viên nghiên cứu khoa học, đa phần tôi có hỏi các bạn khi nghiên cứu thì quan tâm cái gì nhất, đáng buồn là, hầu hết chỉ chăm chăm vào cái phần mang tên gọi “Dàn Ý Chi Tiết” nói nôm na là cái mục lục. Cũng có bạn liên hệ với tôi nhưng điều đầu tiên bạn đó hỏi tôi đó là “Chị ơi, chị thấy dàn ý chi tiết của em như thế nào? Chứ không phải nói với tôi câu đầu tiên là “Chị ơi, đề tài của em là gì, em định nghiên cứu về cái gì,… hay em nghiên cứu nhằm mục đích gì….” Thực tế, cái mục lục mà các bạn bỏ ra hết 50% thời gian ấy, nó chỉ đơn giản là cái sườn, bạn chỉ có thể vẽ ra đc cái sườn bò hay sườn heo nếu bạn hình dung ra được con bò và con heo.

Thứ nhất là “Mục tiêu nghiên cứu”. Nghĩa là gì, là các bạn phải xác định được bạn muốn cái công trình bạn làm ra sẽ đạt được điều gì? Các công trình trước (của cùng đề tài như bạn) đã đạt được cái gì? Tại sao bạn chọn đề tài này mà không phải là đề tài khác? Còn khía cạnh nào của đề tài này mà bạn chưa đào sâu tới? Bạn có bổ sung hay phát triển được gì thêm về đề tài đó hay không?

Giả sử như đã có một đề tài “Bảo vệ bí mật kinh doanh theo pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam”. Đề tài này chỉ mới nói chung về hoạt động bảo vệ bí mật kinh doanh của pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam. Rõ ràng, ngoài pháp luật sở hữu trí tuệ ra, bí mật kinh doanh cũng còn được bảo hộ theo pháp luật cạnh tranh Việt Nam nữa. Nếu như bạn chọn đề tài “Bảo vệ bí mật kinh doanh theo pháp luật cạnh tranh Việt Nam” thì nó sẽ ra làm sao. Giả sử như vậy, chí ít bạn cũng phải mong muốn là giúp cho người nào đọc tác phẩm của bạn hiểu được quy định của pháp luật cạnh tranh Việt Nam trong việc bảo hộ bí mật kinh doanh, quy định có khả thi không, có tiến bộ không,…còn nhiều nữa và đó gọi là mục tiêu nghiên cứu mà bạn muốn nhắm đến người đọc của mình.

Thứ hai là “Đối tượng nghiên cứu“. Bạn phải xác định được bạn nghiên cứu cái gì ở đề tài đó vì có rất nhiều vấn đề xoay quanh mà phải bạn phải khoanh vùng nó lại. Thường thì lực bất tòng tâm và không ai có thể nghiên cứu được hết tất tần tật các vấn đề trong ngần ấy số trang (thường bị hạn chế khoảng 40-50 trang A4 cho một công trình nghiên cứu khoa học của sinh viên). Do đó, các bạn cũng phải cân nhắc được bạn nghiên cứu cái gì ở trong này, chứ không lại thành đầu voi đuôi chuột. Đặt tên đề tài thì rất hoành tráng nhưng đối tượng nghiên cứu của mình tìm hoài lại chẳng thấy đâu thì khốn khổ.

 Thứ ba là “Phạm vi nghiên cứu“. Bạn nghiên cứu đề tài này trong khuôn khổ nào? Tất nhiên bạn cũng phải tự vẽ cho mình cái hồ hoặc cái ao để bạn bơi, chứ không thể nào bạn có thể bơi một mình trong cái đại dương mênh mông được. Tôi thấy một số bạn có thói quen đặt tên nghiên cứu nghe rất là kêu như thế này, “Bảo vệ bí mật kinh doanh theo pháp luật Việt Nam và pháp luật các nước – Kinh nghiệm cho Việt Nam”. Tôi cũng tự hỏi không biết là các bạn ấy có thể nghiên cứu hết từng ấy pháp luật các nước hay không trong khi trên thế giới có đến hơn 190 quốc gia, tương ứng chúng ta có hơn 190 hệ thống pháp luật. Nếu mà các bạn ghi là “theo pháp luật các nước” mà trong bài của các bạn chỉ có lèo tèo 2,3 hệ thống pháp luật thì rõ ràng là “treo đầu dê bán thịt chó”, nói nặng hơn là đánh lừa người đọc, dân gian người ta hay kháo nhau là “lừa tình”. Thay vì như vậy, các bạn có thể xác định như thế này thì sẽ dễ định hướng người đọc hơn bằng cách ghi như sau “Bảo vệ bí mật kinh doanh theo pháp luật Việt Nam và pháp luật Hoa Kỳ – Kinh nghiệm cho Việt Nam” Nhìn vào tên đề tài, rõ ràng ai cũng biết bạn đang muốn viết cái gì, viết về cái gì và viết trong phạm vi nào.

 Một điều nữa cũng xin lưu ý với các bạn rằng bạn phải biết khoanh vùng đối tượng đọc bài nghiên cứu của bạn. Nói một cách dễ hiểu là bạn viết cho ai đọc? Luật sư đọc, hay doanh nhân đọc, hay người nghiên cứu luật đọc, hay luật gia, chuyên viên pháp luật đọc? Với một công trình nghiên cứu khoa học để phục vụ cho ngành khoa học pháp lý thì chắc hẳn bạn đã tự tìm ra được câu trả lời cho riêng mình? Từ đó, bạn cũng sẽ tìm ra được cách dùng từ, ngôn ngữ, ngắt câu, chấm câu sau cho phù hợp rồi.

Sau khi tìm ra được các câu trả lời cho 3 câu hỏi lớn ở trên, tôi tin rằng các bạn đã hình dung ra được con heo của bạn nó ốm hay nó mập. Sau đó bạn mới bắt đầu lên dàn ý chi tiết đây. Một lần nữa, xin nhấn mạnh rằng dàn ý chi tiết là cái sườn ghi nhận những gì bạn sẽ thể hiện từ ý nghĩa trong đầu ra giấy. Nói nôm na, dàn ý chi tiết chính là cái sườn heo đấy, nó sẽ phác họa ra bạn sẽ nặn con heo nó như thế nào, ốm hay mập, mập ở phần bụng hay phần chân, trang trí cho con heo đó bằng hoa hay bằng lá (đó chính là đi tìm bản án, bài viết, luận điểm, quan điểm làm phong phú cho bài viết của mình).

Chúc các bạn thành công trên con đường nghiên cứu của mình. Mong rằng bài viết trên đây là bổ ích và không khiến các bạn chán ngấy cái công việc “tốn nơ ron, hao não” mà “ít tiền” này mà vẫn luôn giữ được tâm huyết với nghiên cứu khoa học.

Ngày 13 tháng 05 năm 2013

Cao Thi Hoang Oanh

Tác giả đang làm việc tại Công ty Luật Phuoc&Partners với lĩnh vực chuyên sâu là đầu tư và doanh nghiệp.

Tác giả mong nhận được các ý kiến đóng góp và chia sẻ từ mọi người. Mọi ý kiến đóng góp xin được gửi về địa chỉ email: hoặc liên lạc qua địa chỉ facebook: //www.facebook.com/caohoangoanh

Thẻ:chia sẻ về nghiên cứu khoa học, doi tuong nghien cua, mục tiêu nghiên cứu, nghiên cứu khoa học, đối tượng nghiên cứu

Góc NCKH

Nghiên cứu khoa học là gì ?

NGHIÊN CỨU KHOA HỌC LÀ GÌ?

“Nghiên cứu khoa học” (NCKH) là một khái niệm không xa lạ nhưng cũng khá trừu tượng với những ai mới bắt đầu tìm hiểu nó. Nếu bạn là một trong những người mới bắt đầu đó thì bạn đến đúng chỗ rồi đấy, hãy cùng YRC khám phá một vài điều căn bản về NCKH nhé!

1. Khái niệm

NCKH là một hoạt động xã hội, hướng vào việc tìm kiếm những điều mà khoa học chưa biết: hoặc là phát hiện bản chất sự vật, phát triển nhận thức khoa học về thế giới; hoặc là sáng tạo phương pháp mới và phương tiện kĩ thuật mới để cải tạo thế giới.

2. Phân loại

Có nhiều cách phân loại NCKH. Trong bài viết này, YRC sẽ đề cập 2 cách phân loại thường gặp: theo chức năng nghiên cứu và theo tính chất của sản phẩm nghiên cứu

a. Theo chức năng nghiên cứu:

  • Nghiên cứu mô tả (Descriptive research):nhằm đưa ra một hệ thống tri thức giúp con người phân biệt các sự vật, hiện tượng xung quanh; bao gồm mô tả định tính và mô tả định lượng, mô tả một sự vật, hiện tượng riêng lẻ hoặc so sánh giữa nhiều sự vật, hiện tượng khác nhau.
  • Nghiên cứu giải thích (Explanatory research):nhằm làm rõ các qui luật chi phối các hiện tượng, các quá trình vận động của sự vật.
  • Nghiên cứu dự báo (Anticipatory research):nhằm chỉ ra xu hướng vận động của các hiện tượng, sự vật trong tương lai
  • Nghiên cứu sáng tạo (Creative research):nhằm tạo ra các qui luật, sự vật mới hoàn toàn

b. Theo tính chất của sản phẩm nghiên cứu:

Nghiên cứu cơ bản (Fundamental research): các nghiên cứu nhằm phát hiện thuộc tính, cấu trúc bên trong của các sự vật, hiện tượng.

  • Nghiên cứu ứng dụng (Applied research):vận dụng thành tựu của các nghiên cứu cơ bản để giải thích sự vật, hiện tượng; tạo ra các giải pháp, qui trình công nghệ, sản phẩm để áp dụng vào đời sống và sản xuất.
  • Nghiên cứu triển khai (Implementation research):vận dụng các nghiên cứu cơ bản và ứng dụng để tổ chức triển khai, thực hiện ở qui mô thử nghiệm

3. Các khái niệm cơ bản của nghiên cứu khoa học

a. Đề tài nghiên cứu (research project):

Là một hình thức tổ chức NCKH do một người hoặc một nhóm người thực hiện để trả lời những câu hỏi mang tính học thuật hoặc ứng dụng vào thực tế. Mỗi đề tài nghiên cứu có tên đề tài (research title), là phát biểu ngắn gọn và khái quát về các mục tiêu nghiên cứu của đề tài.

b. Nhiệm vụ nghiên cứu (research topic):

Là những nội dung được đặt ra để nghiên cứu trên cơ sở tên đề tài nghiên cứu đã được xác định.

c. Đối tượng nghiên cứu (research focus):

Là bản chất cốt lõi của sự vật hay hiện tượng cần xem xét và làm rõ trong đề tài nghiên cứu.

d. Mục tiêu và mục đích nghiên cứu:

  • Mục tiêu nghiên cứu (research objective): những nội dung cần được xem xét và làm rõ trong khuôn khổ đối tượng nghiên cứu đã xác định nhằm trả lời câu hỏi “Nghiên cứu cái gì?”. Dựa trên mục tiêu, các câu hỏi nghiên cứu được xây dựng.
  • Mục đich nghiên cứu (research purpose): ý nghĩa thực tiễn của nghiên cứu. Mục đích trả lời câu hỏi “ Nghiên cứu nhằm vào việc gì?” hoặc “ Nghiên cứu để phục vụ cho cái gì?”

e. Khách thể nghiên cứu (research population):

Là sự vật chứa đựng đối tượng nghiên cứu. Khách thể nghiên cứu có thể là một không gian vật lý, một quá trình, một hoạt động, hoặc một cộng đồng.

f. Đối tượng khảo sát (research sample):

Là mẫu đại diện của khách thể nghiên cứu

g. Phạm vi nghiên cứu (research scope):

Là sự giới hạn về đối tượng nghiên cứu, đối tượng khảo sát và thời gian nghiên cứu (do những hạn chế mang tính khách quan và chủ quan đối với đề tài và người làm đề tài)

Mong rằng một vài điều căn bản về NCKH trên sẽ giúp ích cho bạn. YRC chúc bạn có những đề tài nghiên cứu thành công trong tương lai nhé!

Tham khảo:

  1. Vũ Cao Đàm. (1999)Phương pháp luận nghiên cứu khoa học. NXB Khoa học và Kĩ thuật, tr.20.
  2. Lê Văn Hảo. (2015)Phương pháp nghiên cứu khoa học.Trường Đại học Nha Trang.

Nguồn ://yrc-ftu.com



Video liên quan

Chủ đề