Tài năng bẩm sinh là gì

Bạn có phải là người có tài? Dù câu trả lời là “Có” hay “Không”, hãy tin tôi – bạn chính là một viên ngọc thô. Và bạn sẽ trở thành một tài năng thực thụ nếu biết thể hiện năng lực của mình một cách phù hợp. Hiện tại bạn có thể không tin điều đó. Do đó, hãy thử tự thuyết phục bản thân, xem bạn thực sự có tài nhưng chưa bộc lộ hay không.

Vì sao bạn không thử đánh giá mình dựa trên những khái niệm và ý kiến của các chuyên gia. Rất đơn giản. Tất cả những gì bạn phải làm là đánh dấu Có, Không hoặc? trước mỗi mệnh đề liệt kê trong danh sách dưới đây.

Thế nào là người có tài? Hãy để các chuyên gia giải đáp. Chúng ta sẽ bắt đầu với những khái niệm và thuật ngữ phổ biến nhất.

Webster định nghĩa trí thông minh như sau:

  • Năng lực thích ứng với bất kỳ hoàn cảnh nào, đặc biệt trong môi trường mới lạ, và gặt hái thành công nhờ tự điều chỉnh hành vi phù hợp.
    • Bạn có rèn luyện năng lực này không?
    • Bạn có tìm hiểu và vận dụng năng lực này không?
    • Bạn có sử dụng từ điển để tra cứu những từ ngữ bạn chưa hiểu rõ trong chương này hay không?
  • Khả năng nhận thức được mối tương quan giữa các sự vật hiển nhiên, từ đó có thể định hướng hành động đến mục tiêu mong muốn.
    • Bạn có vận dụng năng lực này không?
    • Bạn sẽ cải thiện năng lực này chứ?
  • Thành công trong việc nắm bắt và giải quyết vấn đề, đặc biệt là những vấn đề mới mẻ và sâu sắc.
    • Bạn đã từng trải nghiệm qua điều này chưa?
    • Bạn có tin rằng hiện tại mình có thể cải thiện khả năng nắm bắt và giải quyết vấn đề hay không?
  • Khả năng thấu hiểu cùng những phản ứng và năng lực thích nghi khácnhằm nắm bắt chân lý, bản chất và ý nghĩa của sự vật hiện tượng.
    • Bạn có hiểu rõ chân lý, bản chất và ý nghĩa của sự vật hiện tượng?
    • Bạn có thể nâng cao tầm hiểu biết của mình về chân lý, bản chất và ý nghĩa của sự vật hiện tượng?

Các nhà tâm lý học xuất chúng định nghĩa trí thông minh như sau:

  • “Khả năng của sinh vật nhằm hòa hợp bản thân và hoàn toàn thích ứng với môi trường.” (T. I. Engle) (Psychology: Principle and Application – tạm dịch: Tâm lý học: Lý thuyết và thực hành – World Book Company phát hành năm 1945.)
    • Bạn có hài lòng với khả năng thích ứng của bản thân đối với môi trường?
    • Bạn có thể thích nghi tốt hơn với con người, nơi chốn, hoàn cảnh và sự vật xung quanh?
  • “Khả năng do mỗi cá nhân sở hữu nhằm thích nghi với hoàn cảnh và vấn đề mới.” (Lester và Alice Crowe, Learning to live with others – tạm dịch: Học cách chung sống với người khác – D.C. Heath & Co. phát hành năm 1944.)
    • Bạn có thường thích nghi được với hoàn cảnh và vấn đề mới nhờ quan điểm tư duy tích cực hay không?
    • Bạn có sẵn sàng phấn đấu cải thiện bản thân nhằm thích nghi với hoàn cảnh và vấn đề mới một cách khôn ngoan hơn chứ?
  • “Khả năng nhìn thấu được vấn đề và đề ra cách giải quyết nhờ vận dụng những điều đã tiếp thu từ trải nghiệm trong quá khứ. Trí thông minh không thể đo đếm dựa trên mức độ nhiều hay ít, mà phụ thuộc vào phương cách hành động. Một người được cho là có trí thông minh khi anh ta xử lý vấn đề một cách khôn ngoan. Điều này liên quan trực tiếp đến khả năng trí tuệ, được định nghĩa như một thể thống nhất bao gồm khả năng quan sát, thấu hiểu và suy ngẫm… Trí thông minh phụ thuộc vào kiến thức, nhưng chủ yếu nhằm vận dụng chứ không chỉ tiếp thu. Chúng ta thường đánh giá ai đó rằng tuy anh ta hiểu biết rộng, nhưng vẫn là kẻ ngu dốt vì những gì anh áp dụng được từ vốn hiểu biết của mình là không đáng kể.” (Robert W. Woodworth và Mary Rose Sheehan) (First course in Psychology – tạm dịch: Tâm lý học nhập môn – Henry Holt & Co., N. Y., năm 1951.)
    • Bạn có thường nhìn thấu được vấn đề và đề ra cách giải quyết nhờ vận dụng những điều đã tiếp thu từ trải nghiệm trong quá khứ hay không?
    • Bạn sẽ cố gắng nhận ra vấn đề của mình và tìm cách giải quyết chúng từ những kinh nghiệm mình đã trải qua trước đây chứ?
    • Bạn có hiểu được ý nghĩa của khái niệm phương cách hành động? Trong phương cách của bạn, có bao gồm đầy đủ khả năng quan sát, thấu hiểu và suy ngẫm hay không?
    • Bạn có thể trau dồi khả năng quan sát, thấu hiểu và suy ngẫm chứ?
    • Bạn có hiểu về thuật ngữ vốn hiểu biết hành động được sử dụng trong cuốn sách này?
    • Bạn có hiểu về thuật ngữ phương pháp?
    • Bạn có vận dụng những kiến thức mình biết nhằm chinh phục những mục tiêu cụ thể?
    • Bạn có hiểu khái niệm trí thông minh được đánh giá như thế nào thông qua các bước: thực hành… ứng dụng… hành động… quan sát… thấu hiểu… suy ngẫm… vận dụng… hay không?
  • William H. Roberts đã viết: “Điều quan trọng cần phải hiểu là sự khác biệt giữa trí thông minh và tri thức. Trí thông minh là năng lực trí tuệ. Nó không phải kiến thức, nhưng chúng ta cần có năng lực này để nắm bắt được kiến thức. Nó cũng không phải kỹ năng, nhưng lại là điều kiện để trau dồi kỹ năng. Tuy nhiên, trí thông minh vượt trội không phải là điều kiện đảm bảo cho thành công trong học tập, sự nghiệp cũng như trong cuộc sống nói chung…” (Psychology you can use – tạm dịch: Tâm lý học ứng dụng, Harcourt, Brace & Co., năm 1943.)
    • Bạn có hiểu rằng trí thông minh là một loại năng lực, không phải kiến thức, không phải kỹ năng nhưng lại là điều kiện để trau dồi kỹ năng hay không?
    • Có thật trí thông minh không phải là điều kiện đảm bảo cho thành công hay không?
    • Bạn có biết rằng năng lực này là một khả năng tiềm ẩn?
  • Joseph Tiffin và Frederick B. Knight đã viết: “Trí thông minh, hay hành động khôn ngoan, phụ thuộc vào (1) cảm giác thông suốt, (2) khả năng tiếp thu và nắm vững kiến thức, (3) trí tưởng tượng phong phú, (4) khả năng thích ứng với môi trường, (5) thói quen tự phê bình, (6) sự sự tin và (7) động lực mạnh mẽ.” (Psychology of normal people – tạm dịch: Tâm lý học đại chúng, D. C. Heath & Co., năm 1940.)
    • Bạn có tin rằng mình sẽ cải thiện được tất cả các khả năng trên?
    • Bạn có chắc rằng cảm giác của mình đã thông suốt?
    • Bạn có khả năng tiếp thu và nắm vững kiến thức hay không?
    • Bạn có trí tưởng tượng phong phú hay không?
    • Trí tưởng tượng có thể rèn luyện và phát huy. Bạn có sẵn sàng thử?
    • Bạn thích nghi với hoàn cảnh như thế nào? Chẳng hạn, khi công việc bạn làm cản trở một công việc khác, bạn có nhận ra vấn đề và tìm cách xử lý?
    • Bạn có tự tin không?
    • Bạn có động lực mạnh mẽ thúc đẩy bản thân làm những điều nên làm và những điều bạn muốn hay không?

“Một đứa trẻ có thiên phú có thể thực hiện những hoạt động có ý nghĩa của con người một cách xuất sắc và liên tục lặp lại điều đó,” tôi đã nghe tiến sĩ Witty phát biểu như thế khi tham dự một lớp giảng của ông. Tiến sĩ Paul Andrew Witty là giáo sư có uy tín trong ngành giáo dục và đang đảm nhiệm chức trưởng khoa Tâm lý Giáo dục thuộc Đại học Northwestern.

Bạn có liên tục lặp lại những thành tích vượt trội trong một số hoạt động khi so sánh với những hoạt động khác hay không?

Ấn bản mới của Từ điển Đại học Webster – do nhà xuất bản Merriam phát hành – có định nghĩa những thuật ngữ như sau:

  1. THIÊN PHÚ: được thiên niên hay tạo hóa ban tặng một hoặc nhiều lợi ích, khả năng; có tài năng.

    Bạn có tin rằng mỗi người trong chúng ta đều được trời phú cho một khả năng?

  2. CÁC THUẬT NGỮ ĐỒNG NGHĨA VỚI THIÊN PHÚ: biệt tài, năng khiếu, thiên tài, tài năng, sở trường và thế mạnh – đều được dùng để chỉ những khả năng hoặc năng lực đặc biệt trong một hoạt động cụ thể.
    • Mỗi người đều có những khả năng hoặc năng lực đặc biệt trong một hoạt động nào đó? Bạn đã khám phá ra khả năng đó của mình chưa?
    • Nếu bạn chưa khám phá ra khả năng đặc biệt của mình, bạn sẽ thử tìm chứ?
  3. NĂNG KHIẾU: sở hữu khuynh hướng thiên bẩm trong một số hoạt động nào đó và có xu hướng dễ dàng thành công trong lĩnh vực đó.

    Bạn có biết mình có khuynh hướng thiên bẩm trong lĩnh vực nào không?

  4. THIÊN TÀI: khả năng trí tuệ bẩm sinh hay thiên phú; tài năng; sức mạnh phi thường của trí sáng tạo hay khả năng phát minh trong bất kỳ lĩnh vực nào (ví dụ: con người có cốt cách thiên tài).
    • Mỗi người đều mang trong mình những khả năng trí tuệ hay tài năng bẩm sinh, thiên phú, nhưng không ai biết cách phát huy chúng. Từ những thành tựu đã đạt được, bạn có nghĩ rằng mình đã biết cách vận dụng chúng không?
    • Bạn có từng phát minh hay sáng chế ra thứ gì đó chưa?
    • Trong thời gian tới, bạn có sẵn sàng rèn luyện lối tư duy sáng tạo và nỗ lực phấn đấu cho mục tiêu cụ thể hay không?
  5. TÀI NĂNG: Đa phần đối lập với thiên tài (thông thường, nhưng không phải lúc nào cũng thế); phát huy năng khiếu bẩm sinh trong lĩnh vực sở trường của chủ thể với mục đích trau dồi và phát triển khả năng thiên bẩm.

    Các lĩnh vực sở trường sẽ giúp phát triển tài năng. Bạn có trong mình khả năng thiên bẩm nhằm phát huy tài năng còn tiềm ẩn. Bạn có đang rèn luyện chúng thường xuyên không?

Trong bài giảng tôi đề cập trong đoạn trước, tiến sĩ Witty có phát biểu: “Những đứa trẻ có tố chất thiên bẩm sẽ vượt trội hơn các bạn bè cùng trang lứa cả về tầm vóc, sự bền bỉ và thể chất nói chung.”

  • Bạn có thể cải thiện sức bền và tình trạng thể chất nói chung của mình không?

    “Con đường phát triển học vấn của những đứa trẻ có tài năng thiên phú – những đứa trẻ thần đồng – vô cùng khác thường. Trong các lĩnh vực đọc hiểu và tư duy ngôn ngữ, chúng thường bộc lộ thế mạnh của mình; mặt khác, điểm yếu của chúng thường nằm ớ khả năng ghi chép và giao tiếp.”

  • Bạn có thể cải thiện tốc độ đọc hiểu, khả năng lĩnh hội và nhận thức về ngôn ngữ của mình không?

    “Những học sinh có tài thường rất xuất sắc trong khía cạnh phát triển ngôn ngữ và bộc lộ cảm xúc.”

  • Cũng với những khả năng ngôn ngữ như trên, bạn có thể vận dụng chúng theo cách hiệu quả hơn không?

    “Khả năng tiếp thu tức thời của những đứa trẻ thần đồng là một tố chất đặc biệt, đã được nhắc đi nhắc lại trong các nghiên cứu của những tác giả trong lĩnh vực này.

  • Bạn có khám phá ra phương pháp nào giúp bạn tiếp thu kiến thức nhanh chóng hơn không?

Sau bài giảng, tôi đã đề nghị tiến sĩ Witty giải thích về vai trò của động lực trong quá trình phát triển của những đứa trẻ thần đồng. Ông cũng đồng ý với tôi rằng động lực chính là yếu tố quan trọng bậc nhất.

Thomas Edison đã khẳng định: Thiên tài là sản phẩm của 1% cảm hứng và 99% nỗ lực. Ông cũng cho rằng: Các yếu tố quan trọng nhất của thành công bao gồm: Trí tưởng tượng cộng với lòng nhiệt huyết và ý chí hành động.

  • Bạn có thực sự phát huy được trí tưởng tượng, lòng nhiệt huyết và ý chí hành động nhờ biết tự động viên?

    Trong tác phẩm The gifted child – tạm dịch: Đứa trẻ Thần đồng của mình, tiến sĩ Witty đã hé lộ bản chất của khái niệm “thiên tài”. Ông viết:

    Thuật ngữ “thiên tài” là khái niệm sai lầm đối với một đứa trẻ có tố chất. Thuật ngữ đó chỉ nên dùng để tôn vinh những cá nhân đã cống hiến hết sức mình nhằm sáng tạo ra những giá trị phi thường và vĩnh cửu. Đối với những người có chỉ số IQ từ 180 trở lên, và vẫn đang trong quá trình phát triển bản thân không ngừng, và được cho là có tài năng tiềm ẩn: thời gian sẽ chứng minh liệu những mầm non này có phát huy được tính cần cù, sự bền bỉ, tính tự giác và trí sáng tạo, để xứng với hai chữ “thiên tài” hay không.

  • Cảm hứng hành động sẽ phát huy tính cần cù, sự bền bỉ, tính tự giác – và biến trí tưởng tượng thành thành quả phát minh. Bạn đã bao giờ nỗ lực cống hiến hết sức mình nhằm sáng tạo ra những giá trị phi thường và vĩnh cửu, từ niềm cảm hứng của bản thân hay chưa?

Nếu bạn vẫn chưa điền hết những khoảng trống trước mỗi mệnh đề trong danh sách trên, hãy nhanh chóng hoàn thành chúng. Khi làm thế, bạn sẽ khám phá ra rằng: Mình cũng là một thiên tài trong tương lai.

Nếu bạn xem lại những gì đã tìm hiểu trong những chương trước, cũng như trong nội dung của chương sau, “Sức mạnh thay đổi Vận mệnh”, bạn sẽ thấy mỗi người đều có thể vận dụng cảm hứng hành động, phương pháp và vốn hiểu biết để phát huy sức mạnh trong tiềm thức – từ các thế lực hữu hình và vô hình. Napoleon Hill đã kể với tôi rằng, Thomas Edison khi đề cập đến vai trò của những sức mạnh đó đã nhận xét như sau: Quyền lực vô hình chi phối khắp mọi nơi. Quyền lực vô hình đó vượt xa những gì bạn biết, vượt xa trí thông minh bạn được thừa hưởng và giới hạn khả năng tư duy bạn có thể thích ứng. Chúng không thể đo đếm bằng chỉ số IQ.

Nhân nói về chỉ số IQ, tiến sĩ Wetty cũng nhận định:

“Nếu những đứa trẻ thần đồng hay những thiếu niên có tố chất thật sự hứa hẹn khả năng sáng tạo ở một tầm cao mới, thì những tiêu chuẩn trí tuệ thông thường sao có thể đủ sức đánh giá năng lực của chúng. Vì trí sáng tạo sẽ quyết định khả năng sáng tạo, và khả năng sáng tạo lại là điều kiện để hệ thống hóa, kiểm soát và vận dụng hiệu quả vốn kiến thức và kinh nghiệm trong quá khứ. Bài đánh giá chỉ số thông minh bao gồm cả những yếu tố không phù hợp; nội dung của nó thiếu đi những tình huống then chốt nhằm đánh giá chính xác trí sáng tạo và khả năng sáng tạo.”

Qua nhiều năm, tôi đã nhận ra rằng điều duy nhất chỉ số IQ không thể thực hiện là đánh giá khả năng trí tuệ thật sự. Cấu trúc của bài đánh giá đã bỏ qua sức mạnh của trí sáng tạo và sức mạnh của tiềm thức.

Hiểu được điều đó, tôi có thể động viên người khác ở tầm cao hơn bằng cách khuyến khích họ lựa chọn môi trường thích hợp nhất giúp họ vươn đến mục tiêu, và nhận ra tầm quan trọng của thứ sức mạnh họ đang sở hữu khi tác động đến tiềm thức từ, nhờ ý thức được mục tiêu đề ra.

Những đứa trẻ mồ côi được những gia đình tử tế nhận nuôi có xu hướng cải tiến chỉ số IQ theo thời gian. Mức cải tiến tuy không đáng kể, nhưng cũng chênh lệch từ mười đến hai mươi điểm.

Đó là những gì được Robert Woodworth và Mary Rose Sheehan đề cập đến trong tác phẩm Tâm lý học Nhập môn. Ngoài ra, thí nghiệm trên quá trình học vấn của những người trưởng thành cũng cho thấy: khi bạn cải thiện khả năng nắm bắt từ ngữ và lĩnh hội kiến thức, chỉ số IQ của bạn cũng được cải thiện. Để duy trì khuynh hướng này, bạn chỉ cần tập thói quen đọc sách. Hãy đọc ít nhất bốn cuốn sách hay mỗi năm, một tạp chí mỗi tháng như Tập san dành cho độc giả, và các điểm báo vào mỗi buổi sáng và tối. Trong bốn cuốn sách, hãy đảm bảo có ít nhất một quyển viết về đề tài kỹ năng sống.

Mặt khác, bạn cũng có thể đăng ký một khóa đọc hiểu nhanh. Có rất nhiều khóa học cho bạn lựa chọn, và hầu hết đều mang lại hiệu quả, chỉ cần bạn thật sự nghiêm túc và tập trung khi theo học; nếu không có cảm hứng, bạn sẽ không thể tiến bộ. Khóa học sẽ đem lại cho bạn vốn hiểu biết trong hành động. Đó chính là một phần trong phương thức hoàn mỹ của thành công.

Thế nhưng chỉ số IQ thực sự có ý nghĩa gì không? Câu trả lời hiển nhiên là “Có”. Chúng là công cụ để đánh giá xem mỗi cá nhân đã được chuẩn bị sẵn sàng đến đâu, dựa trên các nền tảng tiêu chuẩn cụ thể.

Giờ đây, bạn đã ý thức được sức mạnh tiềm ẩn của mình, hãy cùng tôi đến với chương tiếp theo, “Sức mạnh thay đổi Vận mệnh”, và hãy xem bạn sẽ vận dụng sức mạnh đó như thế nào.

Trong bạn tiềm ẩn một sức mạnh vô hạn. Phát huy tốt hay không – hoàn toàn phụ thuộc vào bạn. Bạn dự định sẽ tiến xa đến đâu với sức mạnh đó?

Hãy ghi nhớ câu nói sau của Thomas Edison: “Thành công phụ thuộc vào trí tưởng tượng, cộng với lòng nhiệt huyết và ý chí hành động.”

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.

Video liên quan

Chủ đề