Social introvert là gì

Mọi người hẳn đã quen với hai định nghĩa Người hướng nội (Introvert) và Người hướng ngoại (Extrovert). Chúng ta có xu hướng phân loại mình vào một trong hai nhóm tính cách này để liên hệ tới bản thân hoặc giới thiệu mình với người khác. Có bao giờ bạn cảm thấy mình không hoàn toàn thuộc hai nhóm trên, hoặc mình có đặc điểm của cả hai nhóm không?

Thực tế, rất ít người hướng nội hoặc hướng ngoại hoàn toàn, mà thường nghiêng về một bên nhiều hơn bên còn lại. Bởi vì hai khái niệm này không thuộc hệ nhị phân, mà nằm trên một “phổ” (spectrum). Và nếu đã là “phổ” thì sẽ có những người nằm đâu đó ở giữa, những người này được gọi là Ambivert (tạm dịch: Người hướng trung). 

Người hướng trung là gì?

Tính cách hướng trung sẽ nằm đâu đó ở giữa hướng nội và hướng ngoại

Ambivert hay Người hướng trung là người mang những đặc trưng của cả hai kiểu hướng nội và hướng ngoại. Họ thường điều chỉnh tính cách và hành động của mình dựa theo hoàn cảnh xã hội, cảm xúc, và mục tiêu cá nhân. Có thể hôm nay họ là linh hồn của bữa tiệc, nhưng hôm sau họ cũng có thể cảm thấy không muốn gặp ai và muốn dành thời gian một mình. 

Người hướng trung còn những tên gọi khác như: Người hướng nội cởi mở (outgoing introvert), Người hướng ngoại khép kín (antisocial extrovert) hoặc là Người hướng nội dễ gần (social introvert). 

Dấu hiệu bạn là Người hướng trung

Theo Adam Grant, nhà tâm lý học và giáo sư tại trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania, hai phần ba dân số là Người hướng trung, chỉ có một phần ba là người cực hướng nội hoặc cực hướng ngoại. Dưới đây là 8 dấu hiệu  của Người hướng trung:

1. Bạn có khả năng làm việc độc lập hoặc theo nhóm và thấy ổn với cả hai.

2. Bạn cảm thấy thoải mái khi giao lưu xã hội, tuy nhiên ở cạnh quá nhiều người trong một khoảng thời gian dài sẽ khiến bạn cạn kiệt năng lượng.

3. Bạn khá thích thú với việc được làm trung tâm của sự chú ý, nhưng không muốn điều đó diễn ra quá lâu.

4. Một số người nghĩ bạn trầm tính, trong khi số khác lại nhận định bạn rất hoạt ngôn.

Mỗi người sẽ có cách nhìn nhận khác nhau về Người hướng trung

5. Việc di chuyển không quá cần thiết đối với bạn nhưng bạn cũng không thích phải ở một chỗ quá lâu.

6. Bạn đắm chìm trong suy nghĩ của bản thân cũng như cách bạn chìm đắm vào cuộc trò chuyện.

7. Những câu chuyện tán gẫu xã giao không làm khó bạn, nhưng bạn cũng không phủ nhận việc đôi khi chúng cũng nhàm chán.

8. Bạn đa nghi nhưng cũng biết cách đặt niềm tin khi cần.

Thế mạnh của Người hướng trung

Sự giao thoa giữa kỹ năng giao tiếp của tính hướng ngoại và khả năng lắng nghe của tính hướng nội tạo nên điểm mạnh của Người hướng trung

Khả năng lắng nghe và giao tiếp tốt, dễ được mọi người tin tưởng

Giao tiếp tốt là thế mạnh của tính hướng ngoại, lắng nghe giỏi là khả năng nổi bật của tính hướng nội, và Người hướng trung là sự kết hợp hài hoà của cả hai kỹ năng thiết yếu này. Do mang đặc trưng của cả hai loại tính cách, Người hướng trung có thể cân bằng giữa việc nói chuyện và lắng nghe trong cuộc hội thoại. Họ dễ dàng tạo thiện cảm với người đối diện, khiến người khác cảm thấy thoải mái và dễ tạo dựng sự tin tưởng.  

Có thể hòa hợp với bất kỳ ai

Đôi lúc thì những những người có tính cách trái ngược có thể gặp khó khăn trong việc trò chuyện và tìm điểm chung. Người trầm tính có thể cảm thấy rất khó xử trong môi trường mới, trong khi những người sôi nổi có thể nhanh chóng thấy buồn chán.

Tuy nhiên Người hướng trung thường ít gặp phải những vấn đề này. Họ có thể đàm đạo hăng say với bạn về bất cứ chủ đề gì, đồng thời cũng là người kiên nhẫn lắng nghe câu chuyện của bạn. 

Có thể xử lý những tình huống cực đoan

Người hướng trung còn có khả năng tìm sự cân bằng giữa các tình huống xã hội và sự cô đơn. Khi mà những người cực kỳ khép kín hoặc quá cởi mở cảm thấy bất an khi phải bước ra khỏi vùng an toàn, thì Người hướng trung có khả năng thích ứng linh hoạt hơn. Họ có khả năng điều chỉnh bản thân để phù hợp với yêu cầu của hoàn cảnh.

Hạn chế khi là Người hướng trung

Khả năng cân bằng tốt là điểm mạnh, nhưng cũng là hạn chế của những Người hướng trung. Họ thường là cầu nối giữa mọi người nhờ tính cách linh hoạt và thấu hiểu.

Tuy nhiên, trọng trách giữ sự cân bằng trong tập thể đôi khi cũng đem lại ảnh hưởng tiêu cực. Họ có thể cảm thấy như bị rút cạn năng lượng khi liên tục phải thay đổi bản thân để phù hợp với hoàn cảnh hoặc đối tượng giao tiếp. 

Liên tục phải điều chỉnh bản thân để thích nghi cũng khiến Người hướng trung cảm thấy cạn kiệt năng lượng

Hơn nữa, những Người hướng trung chưa có nhận thức rõ ràng về các sắc thái khác nhau cũng có thể cảm thấy lạc lõng và bối rối về bản thân. Ví dụ, khi một tình huống bất ngờ xảy đến, họ không biết phải lựa chọn mặt tính cách phù hợp nào để phản ứng. Từ đó, họ phải chịu đựng áp lực khi không thể xử lý tình huống như cách mình mong muốn. 

Vai trò của Người hướng trung

Trong mối quan hệ

Như đã nói, Người hướng trung là những người làm hài hoà các mối quan hệ và là mảnh ghép gắn kết những người với tính cách trái ngược nhau. Nhờ có khả năng giao tiếp và thấu hiểu tự nhiên, họ xây dựng các mối quan hệ sâu sắc và bền chặt hơn. Mặt hướng ngoại của họ có thể đem đến các cơ hội gặp gỡ những con người mới, còn mặt hướng nội thì giúp họ nuôi dưỡng chiều sâu của tình bạn. 

Trong công việc 

Nghiên cứu của Adam Grant công bố vào năm 2018 chia sẻ về thế mạnh của Người hướng trung trong công việc kinh doanh và vị trí lãnh đạo. Theo đó, Người hướng trung đạt được doanh số bán hàng tốt nhất bởi họ sở hữu sự hài hoà tự nhiên của cả hai tính cách.

Họ chủ động trong giao tiếp mà không bị tỏ ra quá tự tin. Đồng thời, họ nhạy cảm và biết lắng nghe đối tác của mình nhưng không hề bị lép vế. Nhờ đó người hướng trung có thể trở thành những nhà kinh doanh, chủ doanh nghiệp, hoặc nhà lãnh đạo lý tưởng trong tương lai. 

Chủ đề