Soạn văn 12 mấy ý nghĩ về thơ năm 2024

Nguyễn Đình Thi (1924 – 2003) là một nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học và nhạc sĩ Việt Nam thời hiện đại.

Ông sinh ngày 20 tháng 12 năm 1924 ở Luông Pra Băng (Lào). Tuy nhiên, nguyên quán của ông là ở làng Vũ Thạch, hiện nay là phố Bà Triệu thuộc địa phận phường Tràng Tiền, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Cha ông là một viên chức Sở bưu điện Đông Dương, từng sang làm việc ở Lào.

Những năm 1940 ông tham gia Tổ Văn hóa Cứu quốc. Năm 1945 ông tham dự Hội nghị Quốc dân Tân Trào, sau đó được bầu làm Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I. Sau Cách mạng tháng Tám, Nguyễn Đình Thi làm Tổng thư ký Hội Văn hóa cứu quốc.

Ông thuộc thế hệ các nghệ sĩ trưởng thành trong kháng chiến chống Pháp. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình. Ông được nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I năm 1996.

Sau năm 1954 ông tham gia công tác quản lý văn học nghệ thuật. Từ năm 1958 đến năm 1989 làm Tổng Thư ký Hội nhà văn Việt Nam. Từ năm 1995, ông là Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật.

Nguyễn Đình Thi đã qua đời ngày 18-4-2003 nhưng sự nghiệp của ông, trí tuệ và tài năng của ông đã trở thành bất tử. Do những công lao và cống hiến xuất sắc trên nhiều mặt, Nguyễn Đình Thi đã được Đảng và Nhà nước trao tặng: Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mĩ hạng Nhất; Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng.

2. Sự nghiệp văn học

Nguyễn Đình Thi là người hoạt động chính trị, đã từng là sĩ quan quân đội, nhưng nhắc đến ông là mọi người nghĩ đến một nghệ sĩ đa tài. Ông sáng tác nhạc, làm thơ, viết tiểu thuyết, kịch, tiểu luận phê bình. Ở lĩnh vực nào ông cũng có những đóng góp đáng trân trọng.

Với tình cảm gắn bó tha thiết với đất Việt yêu thương, với niềm tự hào về truyền thống vẻ vang của dân tộc, Nguyễn Đình Thi đã cho ra đời những bài thơ bất hủ như Đất nước, Nhớ, Bài thơ Hắc Hải, Lá đỏ.

Trong lĩnh vực văn xuôi, Nguyễn Đình Thi cũng có những đóng góp rất đáng trân trọng. Xung kích – tiểu thuyết đầu tay của ông đã tái hiện sinh động cuộc chiến đấu của một đại đội xung kích trong chiến thắng Trung Du (1951). Tác phẩm này đã đạt giải thưởng văn nghệ 1951 – 1952. Thu đông năm nay (1954), Bên bờ sông Lô (1957), Vào lửa (1966), Mặt trận trên cao (1967)… đều là những tác phẩm mang tính thời sự nóng hổi về cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mĩ.

Thành công lớn nhất ở thể loại văn xuôi phải kể đến hai tập của tiểu thuyết Vỡ bờ. Bộ tiểu thuyết này đã tái hiện bức tranh nhiều chiều của xã hội Việt Nam thời kỳ 1939 – 1945. Nó thể hiện khát vọng của nhà văn muốn vươn tới khái quát một phạm vi rộng lớn từ đô thị cho tới nông thôn, để có thể đạt tới tính chất tổng hợp quá trình vận động của lịch sử cách mạng giải phóng dân tộc, thông qua sự thăng trầm của những số phận đại diện cho một số tầng lớp xã hội trước biến cố lớn lao của lịch sử dân tộc.

Không những làm thơ, viết truyện mà Nguyễn Đình Thi còn là một cây bút viết lí luận, phê bình văn học khá sắc sảo và có phong cách riêng. Ông viết nhiều tiểu luận tiến bộ dưới ảnh hưởng của quan điểm văn nghệ mác xít. Tiểu luận Nhận đường của ông đã giúp thế hệ văn nghệ sĩ lúc bấy giờ tìm ra con đường đi đúng đắn.

Tuy không phải là một người chuyên viết kịch bản nhưng cho đến nay hàng chục vở kịch của Nguyễn Đình Thi đã để lại dấu ấn sâu sắc trên sân khấu kịch Việt Nam. Ông mang đến cho kịch tiếng nói mới mẻ. Từ vở Con nai đen (1961) đến Hoa và Ngần (1975), Giấc mơ (1983), Rừng trúc (1978), Nguyễn Trãi ở Đông Quan (1979), Người đàn bà hóa đá (1980), Tiếng sóng (1980), Cái bóng trên tường (1982), Trương Chi (1983), và Hòn Cuội (1987), kịch bản nào cũng là những nỗ lực cách tân không mệt mỏi của Nguyễn Đình Thi, nhằm mở rộng dung lượng sức chứa cũng như làm giàu thêm tính văn học, nâng cao tầm khái quát và chiều sâu triết lí của kịch.

II. Tác phẩm “Mấy ý nghĩ về thơ”

1. Hoàn cảnh ra đời

Tháng 9-1949, có một sự kiện văn nghệ đáng chú ý, đó là Hội nghị tranh luận văn nghệ ở Việt Bắc nhằm đẩy mạnh phong trào sáng tác văn nghệ theo đường lối của Đảng để phục vụ nhân dân, phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp. Cùng với kịch của Lộng Chương, văn của Nguyễn Tuân, Hội nghị còn tranh luận về thơ của Nguyễn Đình Thi và mở rộng ra một vấn đề thuộc quan niệm về thơ. Nguyễn Đình Thi đã phát biểu quan niệm của mình về thơ trong bài Mấy ý nghĩ về thơ đăng trên báo Văn nghệ số 10-1949. Bài tiểu luận này của Nguyễn Đình Thi nêu lên những quan niệm mới mẻ, có chiều sâu về thơ, trong đó có những suy nghĩ, đề xuất của tác giả có thể gọi là táo bạo trong hoàn cảnh năm 1949 lúc bấy giờ.

2. Nội dung tác phẩm

Tác giả khẳng định thơ là tiếng nói tâm hồn của con người, nhưng tâm hồn đó phải có tư tưởng và được biểu hiện bằng hình ảnh. “Thơ là nơi tư tưởng, tình tự, quấn quýt với hình ảnh như hồn với xác để tạo ra cái biết toàn thể, biết bằng tất cả tâm hồn, không phải chỉ biết bằng ý niệm, bằng tri thức”.

Đồng thời, tác giả phân tích những yếu tố đặc trưng khác của thơ:

  • Hình ảnh phải từ cảm xúc mà có, mà lóe sáng trong thơ và hiện lên một cách tự nhiên trong lòng nhà thơ.
  • Nhịp điệu, nhạc điệu trong thơ quan trọng nhất là nhịp điệu, nhạc điệu bên trong tâm hồn nhà thơ.
  • Ngôn ngữ trong thơ phải có hồn, có sức gợi, phải kết tinh trong đó tình cảm, cảm xúc của thi nhân.
  • Đường đi của thơ là con đường đưa thẳng vào tình cảm, từ trái tim nhà thơ đến trái tim người đọc.

Tác giả quan niệm thơ là tổng hợp, kết tinh. Văn xuôi cho phép không mười phần hoàn hảo, nhưng thơ thì luôn đòi hỏi sự toàn bích.

Về thơ tự do, thơ không vần, Nguyễn Đình Thi có một số quan niệm rất mới, có thể nói là rất táo bạo trong bối cảnh lúc bấy giờ: “Không có vấn đề thơ tự do, thơ có vần và thơ không vần. Chỉ có thơ thực và thơ giả, thơ hay và thơ không hay, thơ và không thơ”. Điều này là một sự “phá cách” đối với thơ truyền thống.

3. Ý nghĩa

Quan niệm về thơ của Nguyễn Đình Thi vẫn còn giá trị đến ngày nay vì sự đúng đắn trong nội dung tư tưởng, sự hấp dẫn trong nghệ thuật biểu đạt.

Tiểu luận vẫn còn giá trị thời sự, tính khoa học đúng đắn, đi vào bản chất của thơ và làm mối quan hệ chặt chẽ của thơ với cuộc sống.

4. Nghệ thuật

Văn phong gần gũi, thân tình, chia sẻ tâm huyết, quan niệm và tình cảm chân thành với những người đồng nghiệp về thơ ca.

Nghệ thuật lập luận hấp dẫn: hệ thống luận điểm chặt chẽ tiến bộ, trải nghiệm sâu sắc, tư duy sắc bén, hình ảnh sống động, từ ngữ sắc sảo, dẫn chứng giàu sức lay động.

Chủ đề