So sánh 3 nhân vật sử thi năm 2024

Trong sử thi anh hùng ca, nhân vật trung tâm bao giờ cũng là người anh hùng toàn thiện toàn mỹ và các nhân vật khác chỉ giữ vai trò phụ, mờ nhạt và quy tụ làm tôn thêm vẻ đẹp cho người anh hùng. Nhân vật anh hùng mang tính khái quát, mang tính lý tưởng xã hội và lý tưởng thẩm mỹ của thời đại đã sản sinh ra nó. Ngoài tầm vóc mang kích thước vũ trụ, tiêu biểu cho sức mạnh thể chất – tinh thần của cộng đồng dân tộc, nhân vật anh hùng sử thi còn sáng ngời vẻ đẹp của đức hạnh, trí tuệ, tài năng và lòng dũng cảm,…

Tất cả được thể hiện qua những hành động cao cả, dũng cảm của người anh hùng với những chiến công hiển hách. Nhân vật anh hùng sử thi không thể tồn tại nếu không vượt qua được mọi khó khăn thử thách để giành chiến thắng. Người anh hùng phải có những khát vọng lớn lao, những lý tưởng cao cả và lý tưởng ấy cũng là đại diện cho lý tưởng của cộng đồng dân tộc. Những vẻ đẹp về sức mạnh thể chất, tinh thần, tài năng và những phẩm giá ưu tú của cộng đồng được thể hiện qua nhân vật người anh hùng trong mối quan hệ với tự nhiên, xã hội.

1. Vẻ đẹp về ngoại hình

Nhân vật anh hùng trong sử thi về ngoại hình phần lớn thường có tầm vóc đẹp, có kích thước lớn lao. Đây là điều hết sức hợp lý bởi nó là sự cộng hưởng thể chất của cả cộng đồng. Và ở cộng đồng nào thì người anh hùng sử thi đều xuất hiện trọng vẻ đẹp tạo hình theo quan điểm thẩm mỹ, theo chuẩn mực riêng của cộng đồng ấy.

Người anh hùng trong sử thi Phương Tây được xây dựng dựa trên thế giới quan thần linh chủ nghĩa. Vì thế nhân vật anh hùng mang một vẻ đẹp siêu phàm và kỳ vĩ. Trong sử thi Hy Lạp, người anh hùng ở cả hai chiến tuyến đều là những con người toàn thiện toàn mỹ và là linh hồn của sử thi Hy Lạp. Đó là những người anh hùng đại diện cho quan điểm tư tưởng của người Hy Lạp cổ đại. “Asin là tổng thể những sức mạnh ưu tú của nhân dân.” “Asin đó là sự thần thánh hóa nước Hy Lạp bằng nghệ thuật”(1). Dưới lời kể của Hômer thì người anh hùng Achilles từ hình dáng đến vũ khí của chàng,… đều thấp thoáng hình bóng của thần linh. Chàng có vẻ đẹp “như một thần linh”, tiếng thét thì âm vang như “tiếng kèn xung trận” làm cho “đầu gối của hết thảy những người Troy đều run rẩy” và “trái tim tan ra như nước”. Không những thế, vũ khí của chàng cũng do thần linh làm giúp. Chiếc khiên của chàng là một công trình nghệ thuật của vị thần thọt chân trứ danh Hêphaixtôx, áo giáp và mũ trụ sáng ngời lên “trông xa như một đám cháy lớn, như vầng đông khi mặt trời mới mọc” đến nỗi quân sĩ của chàng cũng phải rùng mình run sợ khi đánh bạo nhìn vào những vũ khí đó.

Người anh hùng trong sử thi Phương Đông được xây dựng dựa trên cảm quan và tư duy tôn giáo. Người Ấn Độ chú trọng đời sống tâm linh, nên hình dáng không chỉ là cái bên ngoài mà còn là hình dáng được cảm nhận từ bên trong. Trong sử thi Mahabharata, có rất nhiều nhân vật anh hùng lý tưởng nhưng mỗi nhân vật lại xuất sắc về một mặt nào đó. Hình ảnh Arjuna bước vào hội cầu hôn Draupadi: “Arjuna – chàng trai trẻ, như thân của một con voi, có đôi vai, cánh tay và bắp đùi rắn chắc. Nếu nhìn kỹ, trông chàng ta sừng sững như đỉnh Himavat. Arjuna có dáng đi như dáng đi của một con sư tử, có sức mạnh như sức mạnh của một con voi thời sung mãn… Chàng ta trông thật quyết chí và chắc chắn giành được chiến thắng”(2). Vẻ đẹp của người anh hùng thường với tầm vóc hoành tráng, kỳ vĩ thường được so sánh với phong thái uy nghi đường bệ của các vị thần linh. Bhima “Người ông trông hệt như Ngọc hoàng Indra đứng giữa các chư thần giơ cao lưỡi tầm sét”(3).

Trong sử thi Ramayana, nhân vật anh hùng lại có được vẻ ngoài thánh thiện do các biện pháp kỹ thuật sử thi được sử dụng trong sự kết hợp nhuần nhuyễn với những yếu tố tôn giáo. Hoàng tử Rama trong tác phẩm có “đôi mắt sáng như mặt trời và mặt trăng, có đôi tai nghe thấu nhạc của trời đất, chàng là kẻ thù của mọi sự ghen tuông hờn giận và tội ác tàn bạo”(4).

Trong sử thi Tây Nguyên, vẻ đẹp của nhân vật anh hùng được gắn liền với kích thước của núi rừng, sông suối, cây cối, chim muông… nơi vùng đất cộng đồng đang sống. Dựa trên kiểu so sánh được thiết lập trên sự tương đồng về tính chất của sự việc, và sắc thái khâm phục ngợi ca mà các hình ảnh gợi đến đã khắc họa nên vẻ đẹp oai hùng của người anh hùng Đam San: “Đam San đóng khố màu sặc sỡ. Đầu đội khăn đẹp như các tù trưởng. Khiên tròn như đầu cú. Gươm sáng như mặt trời. Tư thế chờ sẵn như con sóc mắt sáng”(5); “Móc dao vào phên rồi lại ngồi giữa nhà, Đam San trông dẻo như con rắn trong hang, con hùm bên bờ suối. Tiếng nói tiếng cười của chàng như sấm vang sét đánh”(6). Thước đo vẻ đẹp hình thể của chàng Đam San là những gì quen thuộc trong thiên nhiên một miền rừng núi, nó gắn liền với nếp nghĩ, nếp cảm của đồng bào Tây Nguyên.

Chuẩn mực vẻ đẹp bề ngoài của người anh hùng không ở vấn đề toàn thiện, toàn mỹ mà vẻ đẹp ấy phải phù hợp với khí phách hào hùng, với nhiệm vụ bảo vệ cộng đồng dân tộc. Đó cũng là một kiểu dáng vóc sử thi.

2. Về vẻ đẹp phẩm chất – sức mạnh, tài năng, trí tuệ, đức hạnh

Ngoài tầm vóc mang kích thước vũ trụ, tiêu biểu cho sức mạnh thể chất – tinh thần của cộng đồng dân tộc, nhân vật anh hùng sử thi còn sáng ngời vẻ đẹp của đức hạnh, trí tuệ, tài năng và lòng dũng cảm,… Tất cả được thể hiện qua những hành động cao cả, dũng cảm của người anh hùng với những chiến công hiển hách. Hêghen đã nhận định: “Tinh thần dũng cảm làm thành cái hứng thú chủ yếu mà tinh thần dũng cảm là một trạng thái tâm hồn và một hoạt động không hợp với tính cách biểu hiện trữ tình, cũng không phù hợp với hành động có tính kịch, nhưng lại đặc biệt phù hợp với hình tượng sử thi”(7). Nhân vật anh hùng sử thi không thể tồn tại nếu không vượt qua được mọi khó khăn thử thách để giành chiến thắng vang dội, lập được những chiến công hiển hách. Người anh hùng phải có những khát vọng lớn lao, những lý tưởng cao cả và lý tưởng ấy cũng là đại diện cho lý tưởng của cộng đồng dân tộc.

Lòng dũng cảm, ý chí và nghị lực phi thường được coi là những phẩm chất đạo đức có tính chất tuyệt đối của người anh hùng trong sử thi. Trong sử thi Hy Lạp, với quan điểm nhìn người anh hùng trong tính toàn vẹn, tính tổng thể, xuất sắc về mọi phương diện, nhân vật hành động hết sức quyết liệt vì lợi ích thành bang và vòng nguyệt quế vinh quang của người anh hùng. Người anh hùng luôn khao khát chiến thắng và để giành được thắng lợi trên chiến trường dù phải hy sinh thì đó cũng là cái chết hết sức vinh quang. Trong sử thi Ôđixê, người anh hùng không thỏa hiệp với bất cứ một trở ngại nào trên đường để trở về đến quê hương Itac. Chàng có thể vượt qua bao gian lao thử thách trên biển cả là nhờ lòng dũng cảm, ý chí sắt thép, sự chịu đựng phi thường. Chàng tự mình làm bè vượt biển, đơn độc đối mặt với những bão táp, sóng gió… Trong sử thi Iliát, phần lớn là câu chuyện về cơn giận của Achilles cùng những hậu quả của nó. Achilles trừ điểm yếu của chàng là gót chân thì chàng là người mình đồng da sắt, dũng cảm không ai bằng, chiến công lẫy lừng hơn bất cứ ai, căm thù giặc sục sôi, trung thành với bạn hữu… ít ai sánh được với chàng. Với khát vọng “Chừng nào chưa đánh cho quân Troy tê liệt ta sẽ chưa thôi chiến đấu”, chàng đã không hề lùi bước trước bất cứ một khó khăn, trở ngại nào. Những cuộc giao tranh giữa các anh hùng cũng thường được so sánh với các cuộc săn mồi của các muông thú: “Như lũ cá hoảng hốt nấp vào khắp hang hốc của một cửa biển chắc chắn để chốn một con cá heo hung tợn ăn thịt bất cứ con gì nó bắt được, quân Troy cũng ẩn vào những chỗ hiểm hóc của lòng sông khủng khiếp đó”(8). Với người Hy lạp thì chiến trường cũng giống như vũ đài thi đấu mà “Vòng nguyệt quế sẽ được quàng cho người xuất sắc nhất, Achilles, kết tinh toàn bộ sức mạnh của người Hy Lạp; còn Hecto, của người Troy – hai võ sĩ bước lên võ đài mà phần thưởng có thể là cả một thành bang với những đường phố rộng sẽ thuộc về người xuất sắc hơn”(9). Và những phẩm chất đó của nhân vật anh hùng luôn luôn tồn tại ở mức độ phi thường, không ai sánh kịp, tạo nên vẻ đẹp hùng mạnh cho nhân vật sử thi.

Trong sử thi Mahabharata, có thể tìm thấy nhiều nhân vật anh hùng nhưng ở mỗi người anh hùng lại xuất sắc và ưu tú về một mặt nào đó. Sự lựa chọn hành động để làm nổi bật điểm mạnh của từng nhân vật cũng là khuôn mẫu truyền thống trong các sử thi anh hùng. Thể hiện sức mạnh thể chất của người anh hùng được biểu hiện qua nhân vật Bhima. Sự thể hiện trí tuệ và tài năng của người anh hùng thì được biểu hiện qua hành động của nhân vật Arjuna. Trí tuệ và đạo đức của người anh hùng lại được thể hiện qua nhân vật Yudhisthira. Đạo lý là tiêu chí để đánh giá hành động của nhân vật này, tạo nên một gam màu riêng về khuôn mẫu người anh hùng Ấn Độ. Sức mạnh của Yudhisthira không phải ở thể lực hay tài năng chiến binh mà là sức mạnh siêu phàm của trí tuệ và sự công bằng, đạo đức trong sáng. Trí tuệ ấy giúp chàng hiểu được tận cùng cốt lõi của đạo lý. Yudhisthira đã giành sự sống cho các em mình bằng sự công minh, chính trực, cao thượng với trái tim nhân hậu. Như vậy, trong sử thi Mahabharata, nhân vật anh hùng lý tưởng là sự tổng hòa của nhiều nhân vật, mỗi nhân vật thể hiện cái nhất thể lý tưởng và là một kiểu nhân vật điển hình trong “Bức tượng N vị nhất thể”.

Trong sử thi Ramayana, nhân vật Rama được xây dựng là người anh hùng lý tưởng “toàn thiện toàn mỹ”. Rama được đặt trong mối quan hệ, xung đột với các nhân vật khác để người anh hùng bộc lộ những tài năng, đức hạnh của mình. Người anh hùng Rama trong sử thi Ramayana được xây dựng không chỉ đẹp về hình thức mà tài năng và đức hạnh của chàng cũng rực rỡ như các vì sao trên bầu trời. Một chương trong khúc ca thứ nhất nói về sự ra đời của người anh hùng “Rama ra đời” tuy rất ngắn gọn nhưng đã khái quát được những nét điển hình trong tính cách, sức mạnh tài năng và đức hạnh của người anh hùng. Trong bốn người con của vua Đaxaratha thì “Rama hùng mạnh vô song thì tính cách không tì vết như trăng rằm, là niềm vui sướng của những ai được nom thấy chàng. Chàng là một trang kỵ mã lão luyện, một tay điều khiển chiến xa thành thục, và có thể cưỡi voi. Chàng là một tay bắn cung bậc thầy và không hề sao nhãng mảy may việc luyện tập võ nghệ cũng như sớm hôm phụng dưỡng cha già”(10). Đặc biệt sử thi đã dành hẳn Chương 1- Người anh hùng trong khúc ca thứ hai: Khúc ca Ayođhya để khắc họa hình tượng người anh hùng toàn thiện toàn mỹ. Trong đó đặc biệt chú trọng tô đậm vẻ đẹp phẩm chất đạo đức, tôn giáo của người anh hùng: “Chàng khôi ngô tuyệt vời và lòng dạ chàng trong sáng như gương và cũng toàn năng như cha… Chàng trẻ trung, khỏe mạnh, có đức hạnh, và dân chúng coi chàng như chính bản thân họ vậy. Chàng thông tuệ kinh Vêđa và Vêđanga, lão luyện tinh thông mọi vũ khí được sử dụng, với sự hỗ trợ hay không của ác thần chú Mantra. Chàng dũng cảm, ngay thẳng thật thà và là nguồn gốc của mọi điều thiện… Chàng khiêm tốn, có ý tứ và bao giờ cũng tỏ lòng tôn kính đối với các bậc bề trên… Chàng hết sức cao siêu về triết học và có tài lớn về thi ca.” Về sức mạnh và tài năng trong chiến đấu của người anh hùng lại được khắc họa hết sức ngắn gọn ngay ở chương giới thiệu: “Chàng là một tay kỵ mã lão luyện, một chiến binh kiệt xuất, một tướng lĩnh dũng cảm dắt dẫn quân đội chiến thắng kẻ thù và tinh thông đủ mọi thuật bài binh bố trận. Chàng là người bất khả chiến thắng ngay cả trước các chư thần”(11). Lòng dũng cảm, ý chí và nghị lực phi thường của người anh hùng Rama được thể hiện rõ hơn khi chàng chấp nhận lưu đày mười bốn năm trong rừng với mọi khó khăn thử thách. Chàng đón nhận với tâm trạng nhẹ nhàng bình thản: “Không ai nom thấy bất cứ một dấu hiệu buồn khổ nào trong thái độ của chàng”(12). Hay trong các cuộc giao tranh, lòng dũng cảm, sức mạnh và vũ khí lợi hại của người anh hùng đã khiến kẻ thù khi trông thấy đều khiếp sợ: “Quân Raksaxa đâm hoảng loạn và bắt đầu kêu thét lên khiếp đảm lúc trông thấy Rama, như con voi phải lánh xa khi nom thấy con sư tử” (13).

Nhân vật anh hùng sử thi không thể tồn tại mà không có lý tưởng cao cả, khát vọng lớn lao. Lý tưởng ấy cũng chính là đại diện cho lý tưởng cộng đồng dân tộc. Trong sử thi Hy Lạp, người anh hùng mang lý tưởng tập thể thị tộc, bộ lạc, lý tưởng của những con người tràn đầy sức sống và nhiệt tình sôi nổi, khao khát lập chiến công và vinh quang. Chàng Hecto trong sử thi Iliát với mục đích chiến đấu lập chiến công để lưu danh hậu thế nhưng đó cũng chính là lý tưởng chiến đấu vì bộ lạc, vì quyền lợi của cộng đồng. Trong sử thi Ôđixê, lý tưởng cao quý chi phối mọi hành động của người anh hùng Uylixơ là trở về quê hương, gia đình, là muốn tìm hiểu thế giới, khám phá những bí ẩn thiêng, làm chủ số mệnh và chinh phục thế giới.

Nếu như người anh hùng trong các sử thi Hy Lạp luôn hướng tới chiến thắng và vinh quang nơi chiến trận, nơi biển khơi thì người anh hùng trong các sử thi Ấn Độ lại mang lý tưởng thuần khiết hơn: lý tưởng về điều thiện, về lẽ phải, về đạo lý ở đời. Trong sử thi Mahabharata lời giáo huấn của Krishna dựa trên cơ sở vững chắc của lẽ Dharma: “Ai cũng phải chết, người anh hùng hay kẻ nhát gan cũng vậy, nhưng nhiệm vụ cao quý nhất của một Kshatriya là phải trung thành với dòng dõi và niềm tin của mình, phải đè bẹp quân thù trong những trận đánh chính đáng mà giành lấy vinh quang”(14).

Trong sử thi Ramayana, người anh hùng Rama luôn lùi bước trước những hành động đi ngược lại bổn phận. Với niềm tin lý tưởng “chiến thắng thuộc về những người đề cao Dharma” nên người anh hùng Rama luôn hành xử theo bổn phận, tinh thần cao thượng và sự vị tha. Rama được quyền nối ngôi cha, nhưng vì cha đã hứa với thứ phi Kaikêyi đày mình vào rừng để nhường ngôi báu cho Bharata, Rama không dám cãi lại lệnh cha. “Lời hứa của cha là danh dự, danh dự của cha là danh dự của mình và của dòng giống. Tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh của cha là một bổn phận. Đó là tiêu chuẩn đạo đức của đẳng cấp quý tộc và xã hội đương thời” (15). Chàng vui lòng từ giã cuộc sống vương giả để ra đi và chàng nói với thứ phi Kakêyi: “Không có một đạo giáo nào lớn hơn là phụng sự cha mình và thực hiện mệnh lệnh của cha… Phụng sự cha là bổn phận cao nhất của con người”(16). Theo quan niệm của người Ấn Độ, người anh hùng lý tưởng bên cạnh sức mạnh, tài năng và lòng dũng cảm thì phải là con người luôn luôn thực hiện Dharma. Trong sử thiRamayana, người anh hùng Rama được khắc họa nổi bật lên cùng phẩm chất tuyệt đối trung thành với bổn phận, có sự bao dung độ lượng cao cả và ý thức về danh dự. Mọi hành động của Rama đều luôn tuân thủ tuyệt đối theo trách nhiệm và bổn phận của Dharma. Một tình huống thấm đẫm nước mắt là khi Rama buộc tội Xita, đây là thử thách buộc người anh hùng phải lựa chọn Danh dự hay Tình yêu? Quyền lợi, trật tự xã hội của cộng đồng hay Hạnh phúc cá nhân? Rama đã lựa chọn hy sinh người mình yêu thương nhất để lựa chọn hành động theo bổn phận thuần khiết của một đấng quân vương là xây dựng gia đình chuẩn mực, có vị hoàng hậu đáng kính nể về tình yêu chung thủy. Vì vậy, Rama được người Ấn Độ xem như là hiện thân của đạo lý Dharma, “là khuôn vàng thước ngọc của đẳng cấp Kshatrya”(17).

Nhân vật anh hùng sử thi luôn hiện diện song hành cùng sức mạnh thể chất và tài năng, phẩm chất đạo đức siêu phàm, là người anh hùng toàn thiện toàn mỹ và trở thành “khuôn vàng thước ngọc” về vẻ đẹp vật chất và sức mạnh đạo đức của con người thời đại. Người anh hùng trong Ramayana là sự khái quát hóa cao độ những khát vọng lý tưởng về sức mạnh, tài năng, lòng dũng cảm, đức hạnh của toàn thể cộng đồng dân tộc sản sinh ra nó. Vẻ đẹp ấy là chỗ dựa, niềm tự hào của cả cộng đồng dân tộc nên luôn được nhìn nhận, đánh giá, ngợi ca với niềm tôn kính thiêng liêng. Người anh hùng trong Ramayana trở thành biểu tượng cho tâm hồn, tính cách dân tộc Ấn Độ yêu chuộng hòa bình, hòa hợp và bình đẳng.

—————————–

CHÚ DẪN:

(1). Nguyễn Văn Khỏa, Anh hùng ca Hômerơ, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2002, tr. 109.

(2). Vyasa, Krishna Dwaipayana, The Mahabharata I, Translated by Pratap Chandra Roy, C.I.E., Second Edition, Oriental Publishing Co.llD, Arpuli Lane, Calcutta, 1955.

(3). C. Rajagopalachari, Mahabharata, Cao Huy Đỉnh và Phạm Thủy Ba dịch, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1979, tr. 331.

(4), (15), (17). Lưu Đức Trung, Văn học Ấn Độ, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2009, tr. 111, 112.

(5), (6). Đào Tử Chí sư tầm và dịch, Bài ca chàng Đam San, Nxb. Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1977, tr. 49, 63.

(7). F. W. Hêghen, Mỹ học, Phan Ngọc dịch, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1999, tr. 595.

(8). Homer, Iliat và Ôđixê, Phan Thị Miến dịch, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1997, tr. 84.

(9). Phan Thu Hiền, Sử thi Ấn Độ, Mahabharata, (tập 1) Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 1999, tr. 60.

(10), (11), (12), (16). Ramayana I, Phạm Thuỷ Ba dịch, Nxb. Văn học, Hà Nội, 1988, tr. 43, 94, 29, 128.

Chủ đề