Sisyphus - Kẻ phản bội của vị thần trong thần thoại Hy Lạp

Tác phẩm: Thần thoại Sisyphus Nguyên tác: Le Mythe de Sisyphe Tác giả: Albert Camus Thể loại: Tiểu luận, Triết học Dịch giả: Trương Thị Hoàng Yến – Phong Sa Nhà xuất bản: Trẻ Năm xuất bản: 03/

MỤC LỤC

LỜI GIỚI THIỆU

MỘT LẬP LUẬN PHI LÝ

PHI LÝ VÀ TỰ SÁT NHỮNG TƯỜNG THÀNH PHI LÝ TỰ SÁT TRIẾT HỌC TỰ DO PHI LÝ

CON NGƯỜI PHI LÝ

DON JUAN KỊCH NGHỆ CUỘC CHINH PHỤC

SÁNG TẠO PHI LÝ

TRIẾT HỌC VÀ HƯ CẤU KIRILOV SÁNG TẠO PHÙ DU

THẦN THOẠI SISYPHUS

HY VỌNG VÀ PHI LÝ TRONG TÁC PHẨM CỦA FRANZ KAFKA

CÁNH CỬA MỞ RỘNG

Tủ sách hợp tác giữa

nhà toán học Ngô Bảo Châu, nhà văn Phan Việt với Nhà xuất bản Trẻ

Tủ sách CÁNH CỬA MỞ RỘNG được thực hiện nhằm mục đích giới thiệu những đầu sách có giá trị của thế giới và trong nước đến bạn đọc Việt Nam, đặc biệt là bạn đọc trẻ, góp phần thúc đẩy việc đọc sách, tinh thần hiếu học, coi trọng tri thức và những giá trị sống. Các tựa sách trong tủ do nhà toán học Ngô Bảo Châu và nhà văn Phan Việt tuyển chọn và giới thiệu.

Tủ sách được phân thành ba mảng: văn học, khoa học xã hội – kinh tế, và khoa học tự nhiên; trước mắt cấu tạo tủ sách gồm 80% các sách có khả năng tiếp cận đông đảo bạn đọc và 20% cho các sách chuyên ngành.

LỜI GIỚI THIỆU

Trong thần thoại Hy Lạp, Sisyphus bị các vị thần trừng phạt phải suốt đời phải đẩy một khối đá lớn lên đỉnh núi; khi lên tới đỉnh, anh phải đứng nhìn khối đá lăn xuống chân núi, và Sisyphus phải trở xuống đẩy hòn đá lên đỉnh, cứ như vậy. Với Albert Camus, nhà văn đoạt giải Nobel năm 1957, cuộc đời của Sisyphus đại diện cho bi kịch cuộc sống của đa số chúng ta: là con người có ý thức, về cơ bản đều muốn sống một cuộc đời tử tế (cao cả nếu có thể) nhưng cuối cùng thường bị “trừng phạt” bằng một cuộc đời với những lặp lại vô nghĩa. Càng là anh hùng, càng muốn vươn tới sự cao cả, tử tế, cái bi kịch này dường như càng rõ và càng lớn. Và như thế, Albert Camus hỏi: Sống để làm gì?

Câu hỏi quan trọng và khó, thậm chí quá khó. Đứng về mô hình, thì cả hành trình sống lẫn đích của hành trình sống – cái chết – khiến toàn bộ mô hình dường như trở nên phi lý, vô nghĩa. Cho nên, với đa số chúng ta, câu hỏi “Sống để làm gì?” trở thành một câu hỏi tu từ chỉ để cười trừ. Có nghĩa hay không có nghĩa, đa số chúng ta hiểu rằng mình phải sống. Cái hiểu này trở thành một bi kịch vì cùng với cái hiểu đó, ta hiểu thêm rằng mình không đủ can đảm (hoặc không đủ hèn nhát) để tự chấm dứt sự sống của mình, do đó ta chới với trong sự phi lý của tồn tại. Với một số nhỏ, câu hỏi này đưa tới câu trả lời quyết liệt bằng hành động: tự tử – một hành vi mà Camus cho là vấn đề triết học duy nhất đáng quan tâm.

Với những người không chọn hai cách trên mà muốn xem xét câu hỏi một cách nghiêm túc – họ thường đi tới hai xu hướng: hoặc tìm thấy câu trả lời ở một đấng siêu nhiên (ví dụ như Chúa) hoặc đi tới sự duy lý cực đoan mà rốt ráo cũng chỉ là một thứ đức tin khác – tin rằng con người làm chủ cuộc sống của mình, và do đó câu hỏi “Sống để làm gì?” trở thành một đối tượng của trò chơi tư duy lý tính, chứ không phải một cuộc truy tìm ý nghĩa. Hỏi về ý nghĩa của cuộc sống – với một số nhà triết học – là một câu hỏi dở.

Trong Thần thoại Sisyphus, Camus cũng không có câu trả lời rốt ráo, nhưng những suy tư sâu sắc của ông trong việc tìm câu trả lời khiến cuốn sách này rất đáng đọc với bạn đọc thuộc mọi lứa tuổi, nhưng nhất là các bạn đọc trẻ. Ra đời năm 1942, Thần thoại Sisyphus cũng như các tác phẩm văn học của Camus (tiểu thuyết Người Lạ, Dịch Hạch, v...) nằm trong trào lưu triết học hiện sinh với những đại diện như Soren Kierkegaard, Jean Paul Satre, Heidegger... Đây có thể coi là một cơn động tâm chung của châu Âu trong giai đoạn sau Chiến tranh thế giới I và trước Chiến tranh thế giới II, khi tôn giáo (Chúa) ngày càng không thể thỏa mãn những câu hỏi của con người hiện đại về mục đích, ý nghĩa cuộc sống của mình; khi châu Âu phải chứng kiến sự tiêu vong đột ngột và khả năng tiếp tục tiêu vong, dấn thân, hy sinh (vô nghĩa?) của hàng triệu người trong những chuyển động lịch sử mà không ai có thể cam đoan là những chuyển động có sắp đặt và có ý nghĩa. Triết học phi lý của Camus, cùng với trào lưu triết học hiện sinh, có thể được hiểu như một nỗ lực cắt nghĩa câu hỏi “Sống để làm gì?” nhằm tránh biến mình thành nạn nhân vô ý thức trong cơn lốc xoáy của lịch sử.

Tuy nhiên, khác với các tác phẩm triết học, Thần thoại Sisyphus là một cuốn tiểu luận triết của một nhà văn thông thái và thông minh; do đó nó chứa những biện luận triết lý trong cái vỏ của những khám phá trực tâm, nhạy cảm, được viết dễ hiểu và đẹp. Trong cuốn sách chỉ hơn 100 trang, Camus trình bày các luận điểm của ông về một thứ triết học mà ông gọi là triết học phi lý (Tư duy phi lý, Con người phi lý, Sáng tạo phi lý); đồng thời xem xét sự áp dụng của triết học đó vào những ca cụ thể, ví dụ Don Juan. Nếu như ta kết luận rằng cả hành trình lẫn đích của hành trình sống – là cái chết – đều phi lý, thì có gì khác nhau nếu một người cư xử như Don Juan hay

như Magnum? Don Juan điên rồ hay khôn ngoan tuyệt vời? Don Juan phù phiếm hay thông thái? Don Juan coi thường cuộc sống hay nhìn xuyên qua được tính phi lý (vô thường?) của cuộc sống?

Với Camus, không nên tìm câu trả lời cho câu hỏi “Sống để làm gì?” ở mô hình tổng quan bởi vì điều đó đồng nghĩa với mặc định có sự hình thành có ý thức và có nghĩa của mô hình tổng quan – một mặc định lập tức biến câu hỏi về mục đích trở thành câu hỏi vòng tròn kiểu con gà và quả trứng. Camus xử lý câu hỏi bằng cách nhận rõ rằng mô hình chỉ là sự tồn tại – có thể hoàn toàn rời rạc – của các lát cắt ngang về thời gian mà ta cảm tưởng (ảo tưởng) là liên tục. Nói cách khác, cuộc sống là phép cộng khổng lồ của các thời điểm sống. Khi xem xét như thế, trong mỗi thời điểm, ta có thể khả dĩ trả lời câu hỏi “Sống để làm gì?”. Với Sisyphus, hãy xem xét thời điểm anh buông tay, đứng nhìn khối đá lăn xuống, hoàn toàn ý thức được việc mình phải đi xuống chân núi đẩy khối đá trở lại. Đấy là đỉnh cao của sự phi lý. Nhưng chính vì Sisyphus ý thức được điều đó, Sisyphus làm chủ, nên Sisyphus trở nên có nghĩa với anh, cuộc đời anh có nghĩa với anh, thuộc về anh – chứ không phải và không cần phải có nghĩa với một tổng thể vũ trụ hay một ai khác cao hơn. Công nhận sự thật – dù là sự thật về sự phi lý – chính là hành vi xóa bỏ sự phi lý.

“Con người phi lý, khi suy tư về sự đau khổ của mình, làm im tiếng tất cả thần tượng. Bản thân sự vật lộn đã đủ để lấp đầy trái tim anh ta. Ta buộc phải hình dung rằng Sisyphus hạnh phúc.” – Camus viết.

Phi lý hay không phi lý, ta phải hình dung rằng sống, về cơ bản, là hạnh phúc.

Trân trọng giới thiệu với bạn đọc của tủ sách Cánh Cửa Mở Rộng tác phẩm Thần thoại Sisyphus của nhà văn Albert Camus, qua bản dịch của dịch giả Trương Thị Hoàng Yến – Phong Sa.

PHAN VIỆT

Dành tặng PASCAL PIA

Ôi tâm hồn ta, không mong muốn cuộc sống bất tử, nhưng hãy dốc cạn hết những giới hạn có thể.

Pindar

Pythian iii

Những trang tiếp sau đây bàn về cảm thức phi lý có thể thấy được trong nhiều tác phẩm xuyên suốt thời đại này – chứ không bàn đến thứ triết học phi lý mà đến thời chúng ta, thẳng thắn mà nói thì cũng chưa ai biết đến. Vì vậy, cũng phải lẽ khi tôi xin nói luôn từ đầu rằng có những điều trong các trang viết này dựa vào quan điểm sẵn có của một số nhà tư tưởng đương đại. Tôi hoàn toàn không có ý giấu giếm sự thật này, các nhà tư tưởng nói trên sẽ được trích dẫn và bình luận xuyên suốt cuốn sách.

Nhưng cũng cần nói rõ thêm rằng sự phi lý, cho đến nay vẫn được các vị khác luận xét như là một kết luận, còn trong tiểu luận này tôi coi sự phi lý là điểm khởi đầu. Theo nghĩa đó, có thể nói rằng những điều tôi đưa ra trong cuốn sách này phần nào mang tính lâm thời: bởi đâu thể đoán định trước được luận điểm nó đưa đến. Cuốn sách này chỉ là những mô tả thuần túy về một tình trạng bất thường của trí tuệ. Nó không dính dấp tới các triết lý siêu hình hay tín ngưỡng. Có thể coi đó là những giới hạn và thiên kiến duy nhất của cuốn sách. Theo kinh nghiệm, tôi thiết nghĩ nên nói rõ như vậy ngay từ đầu.

Con sâu vốn ẩn trong trái tim con người. Đó là nơi phải tìm kiếm nó. Ta phải lần theo và thấu hiểu trò chơi chết chóc này, từ sự sáng suốt khi đang tồn tại cho đến cuộc thoát li khỏi ánh sáng dương gian.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành động tự sát; nói chung, những nguyên nhân hiển nhiên nhất lại không phải là những nguyên nhân mạnh mẽ nhất. Chúng ta hiếm khi quyết định tự sát sau một quá trình suy xét kỹ lưỡng (tuy nhiên không loại trừ giả định này). Nguồn cơn của bi kịch hầu như không bao giờ kiểm chứng được. Báo chí thường nói về “nỗi đau riêng” hoặc “tâm bệnh không thể lành”. Những giải thích này nghe ra cũng hợp lý. Nhưng phải chăng một người bạn của con người tuyệt vọng đã cư xử vô tâm với anh ta vào đúng cái ngày không may đó. Người bạn ấy chính là kẻ có lỗi. Sự vô tâm đó đủ để làm bùng phát tất cả những nỗi hờn oán và chán chường chất chứa trong tâm can người quá cố.

Nhưng nếu quá khó để chỉ ra đâu là khoảnh khắc chính xác, bước chuyển mình vi tế khi tâm trí con người lựa chọn cái chết, thì ta có thể làm một việc dễ dàng hơn, đó là suy luận về các hậu quả hàm chứa trong hành vi tự sát. Theo một nghĩa nào đó, giống như trong kịch mêlô 1 , tự sát nghĩa là thừa nhận. Thừa nhận rằng cuộc sống đã làm ta thấy quá tải, hoặc ta không thể hiểu nổi nó nữa. Tuy nhiên, ta không nên đi quá xa trong những suy luận như vậy mà hãy cứ diễn đạt theo cách nói nôm na hằng ngày thì hơn. Tự sát đơn giản đồng nghĩa với việc thừa nhận rằng “sống mà phải nhọc nhằn đến thế thì chẳng đáng”. Sống, tất nhiên không bao giờ là dễ dàng.

Vì nhiều lý do, ta cứ phải tiếp tục những hành vi mà quá trình tồn tại đòi hỏi. Trong đó lý do đầu tiên là thói quen. Tự nguyện chết hàm ý rằng ta đã nhận ra – cho dù có thể chỉ là cảm nhận theo bản năng – tính chất lố bịch của nếp sống theo thói quen đó, hay sự thiếu vắng một động lực đủ sâu sắc để tiếp tục tồn tại, tính chất điên rồ của những lo toan hằng ngày, và sự vô nghĩa của việc chịu đựng.

Vậy thì, cái cảm giác khôn lường đã tước đoạt từ trí não trạng thái thiếp ngủ vốn cần để sống tiếp là gì? Một thế giới được duy trì nhờ những lý do tệ hại dù sao vẫn là cái thế giới quen thuộc. Nhưng mặt khác, trong một vũ trụ đột nhiên bị tước hết những ảo tưởng và ánh sáng, con người cảm thấy xa lạ, một người lạ. Như con người tha hương tuyệt đường vì anh ta chẳng còn chút ký ức nào về chốn quê nhà đã mất lẫn niềm hy vọng về một miền đất hứa. Cuộc phân ly này giữa con người và cuộc đời, giữa người nghệ sĩ và màn kịch của anh ta chính xác là cảm giác về sự phi lý. Tất cả những người lành mạnh đều từng nghĩ đến việc tự sát; và dù không thể giải thích sâu thêm, chúng ta vẫn có thể thấy được rằng có mối liên kết trực tiếp giữa cảm giác đó và nỗi mong mỏi hướng tới cái chết.

Chủ đề của tiểu luận này chính là mối quan hệ giữa sự phi lý và tự sát, tiểu luận cũng bàn xem đến chừng mực chính xác nào thì tự sát là một giải pháp cho sự phi lý. Về nguyên tắc, có thể lập luận rằng đối với một người không lừa dối bản thân, thì điều anh ta tin là đúng phải quyết định hành động của anh ta. Do đó, niềm tin vào cái phi lý của kiếp tồn tại phải điều khiển hành vi của anh ta. Cũng là chính đáng khi đến đây quý vị hỏi cho rõ và không kèm vẻ thống thiết giả tạo, rằng liệu khi kết luận như vậy thì có cần loại trừ ngay không xét kiểu tình trạng mập mờ khó lý giải ở một số người hay không. Vâng, tất nhiên ở đây tôi đang bàn đến những người có xu hướng hòa hợp với bản thân họ.

1 Loại kịch có những tình tiết éo le, lâm ly, nhân vật chính diện thường bị các thế lực phản diện đàn áp, cuộc đấu tranh giữa hai phe vì thế rất căng thẳng. – BTV

Một khi đã được diễn tả rõ ràng ra, vấn đề này xem ra vừa đơn giản lại vừa khó giải quyết. Nhưng thật sai lầm nếu cho rằng câu trả lời cho những vấn đề đơn giản cũng giản đơn chẳng kém, và rằng cái hiển nhiên mang hàm ý hiển nhiên. Nếu vận dụng tiên nghiệm và lật ngược cách diễn đạt vấn đề, là chỉ xét xem người ta sẽ tự sát hay không tự sát, thì có vẻ như ta chỉ có hai giải pháp triết học, là giải pháp trả lời “có” hoặc giải pháp trả lời “không”. Như vậy thì quá dễ dàng. Nhưng cũng phải tính đến những người không chịu kết luận mà cứ tiếp tục đặt câu hỏi. Nói kiểu châm biếm nhẹ nhàng một chút, thì những kẻ loại này chiếm đa số. Tôi cũng thấy rằng có những người trả lời “không” mà hành động như thể họ nghĩ là “có”. Trong thực tế, nếu tôi chấp nhận tiêu chuẩn mang màu sắc nhất nguyên của Nietzsche, thì thật ra những người ấy đều nghĩ là “có” theo cách này hoặc cách kia. Mặt khác, thường những người tự sát lại có niềm tin chắc chắn về ý nghĩa cuộc sống. Những mâu thuẫn loại này vẫn luôn luôn tồn tại, thậm chí là nổi rõ hơn cả, vì ở đây suy luận logic xem ra mới là điều cầu mà khó có. Việc so sánh lý thuyết triết học và hành vi của những người tuyên xưng theo thuyết ấy chẳng phải chuyện mới mẻ gì. Nhưng phải chỉ ra rằng, trong số những nhà tư tưởng từ chối gán cho cuộc sống một ý nghĩa nào đó, chẳng có ai vì khẳng định logic của mình mà thực sự khước từ cuộc sống cả, ngoại trừ Kirilov 1 trong văn học, hay “truyền kỳ” về Peregrinos 2 , hay giả thuyết của Jules Lequier 3 , ông chấp nhận logic của mình đến mức độ có thể từ chối cuộc đời. Ý kiến của Schopenhauer 4 thường được người ta trích dẫn để mà cười, vì ông này ca ngợi việc tự sát trong khi ung dung sống đời êm ấm. Tự sát đâu phải là chủ đề để đùa cợt. Tỏ thái độ không nghiêm túc trước một vấn đề bi kịch kể ra cũng không phải tội lỗi gì quá trầm trọng, nhưng nó cũng phần nào giúp ta đánh giá một con người.

Trước bao nhiêu mâu thuẫn và mù mờ như vậy, phải chăng ta đành đi đến kết luận rằng không có mối liên hệ nào giữa quan điểm của một người về cuộc sống và hành động rời bỏ cuộc sống của người đó? Cũng không nên quá nghiêng theo hướng suy luận này. Sự gắn bó của một người với cuộc sống có cái gì đó mạnh hơn tất cả mọi thứ tệ hại trên đời. Thể xác tự nó cũng có năng lực phán đoán sáng suốt như tâm trí, và nó biết co lại tránh bị hủy diệt. Chúng ta hình thành thói quen sống trước khi đạt được thói quen suy nghĩ. Trong cuộc đua mỗi ngày mỗi đẩy nhanh chúng ta về phía cái chết, cơ thể vẫn luôn kiên định xu hướng ấy của nó. Nói một cách ngắn gọn, bản chất của mâu thuẫn đó nằm trong cái mà tôi sẽ gọi là hành động tránh né, bởi vì nó xấp xỉ khái niệm lãng hướng tâm tư của Pascal 5. Tránh né là trò chơi bất biến. Hành động điển hình của tránh né, sự thoái thác chết người cấu thành chủ đề thứ ba của tiểu luận này, chính là hy vọng. Hy vọng về một cuộc đời khác mà người ta hẳn “xứng đáng” được sống, hoặc trò tự phỉnh mình của những kẻ không đặt lẽ sống ở bản thân cuộc sống, mà ở ý tưởng vĩ đại nào đó vượt lên trên cuộc sống, tinh lọc cuộc sống, gán cho nó một ý nghĩa, và phản bội lại nó.

1 Kirilov là nhân vật trong tác phẩm Lũ người quỷ ám của nhà văn Dostoevsky – BTV 2 Tôi nghe nói có nhà văn thời hậu chiến là Peregrinos, sau khi viết xong tác phẩm đầu tiên liền tự sát để sách của ông được chú ý đến. Mục đích ấy quả có đạt được, nhưng tác phẩm bị cho là không hay. – Gốc. 3 Nhà triết học người Pháp thế kỷ 19, ông cho rằng hành động của con người là khởi nguồn cho một loạt sự kiện khác kéo theo. Trước khi con người thực hiện hành động, tương lai vẫn là các khả năng mở ngỏ. Con người đã luôn có thể thực hiện khác đi so với điều mình đã làm, và nếu con người được tự do xét theo nghĩa này, thì mỗi người đều góp phần sáng tạo ra thế giới. – BTV 4 Arthur Schopenhauer: triết gia Đức, con trai của một gia đình giàu có. – BTV 5 Theo Pascal, con người luôn phải liên tục làm lãng hướng tâm tư (diversion), để thoát khỏi những đắng cay khổ sở của đời sống. Và nếu một người thực sự đang hạnh phúc trong hoàn cảnh hiện tại thì anh ta không việc gì phải tìm cách tránh nghĩ về thực trạng của mình. – BTV

NHỮNG TƯỜNG THÀNH PHI LÝ

Giống như các tác phẩm lớn, những cảm nhận sâu sắc luôn chứa đựng nhiều tầng nghĩa hơn những lời ta chủ tâm dùng để biểu đạt chúng. Cơn bốc đồng hoặc cảm giác thôi thúc trong tâm hồn thường xuyên trỗi lên trong nếp quen hành động hay suy nghĩ được tái hiện trong những hệ quả mà chính tâm hồn không hề hay biết. Những cảm nhận lớn lao cuốn theo chúng vũ trụ của riêng mình, huy hoàng hay thảm hại. Với sự mãnh liệt của mình, những cảm xúc ấy thắp sáng một cõi riêng biệt có môi trường phù hợp với chúng. Có vũ trụ của lòng ghen tị, vũ trụ của tham vọng, vũ trụ của thói ích kỷ, vũ trụ của lòng quảng đại. Một vũ trụ, nói cách khác là một khái niệm siêu hình, một thái độ tinh thần. Những đặc tính gắn với những cảm nhận đã được định danh, thậm chí còn mạnh mẽ hơn nơi những cảm xúc mà về cơ bản là bất định, vừa mơ hồ vừa “rõ rệt”, vừa xa vời lại vừa rất “hiện thực”; hệt như những cảm giác dễ chịu khi nhìn vẻ đẹp hoặc cảm giác bị kích thích khi vấp phải sự phi lý.

Cảm nhận về phi lý có thể ập đến với bất kỳ ai ở bất cứ nơi đâu. Nó hiện ra như là chính nó, trong sự trần trụi đến đau đớn, được soi rọi trong thứ ánh sáng không tô vẽ; thật khó mà nắm bắt nó. Nhưng chính sự khó khăn vô cùng đó đáng cho chúng ta suy nghĩ. Quả là có lẽ ta mãi mãi không hiểu hết một con người, cái cốt lõi tối giản trong anh ta cứ trượt khỏi chúng ta. Nhưng trên thực tế ta có nhận biết được những người khác; ta nhận dạng được họ thông qua cách cư xử, qua toàn bộ những việc họ làm, qua những hệ quả cuộc sống mà họ để lại trong kiếp hiện hữu của họ. Tương tự, mặc dù những cảm nhận bất duy lý nêu trên không cho ta cơ sở nào để phân tích chúng, nhưng trên thực tế ta vẫn có thể định danh chúng, nhận thức được về chúng, bằng cách thu thập mọi kết quả sinh ra từ chúng xét trong bình diện trí tuệ, bằng cách nắm bắt và ghi nhận mọi khía cạnh của chúng, và vạch nên đường viền cái vũ trụ bao quanh chúng.

Rõ ràng là dù đã xem một diễn viên biểu diễn hàng trăm lần, ta cũng không vì thế mà hiểu anh ta hơn chút nào. Nhưng nếu ta đúc kết mọi vai diễn anh đã hóa thân, rồi nói rằng khi xem anh diễn đến vai thứ một trăm thì tôi hiểu rõ anh hơn một chút, thì lời tuyên bố ấy nghe ra có phần nào sự thật. Bởi vì cái nghịch lý hiển nhiên đó cũng là một ngụ ngôn. Nó ẩn chứa bài học đạo đức. Rằng con người định nghĩa bản thân mình bằng sự giả vờ bên ngoài lẫn những thôi thúc rất chân thực bên trong. Do đó, có một nấc cảm nhận thấp hơn của cảm xúc, tuy vẫn không để ta tiếp cận tận cốt lõi của nó, nhưng được bộc lộ phần nào qua hành động và tính cách vai diễn của người diễn viên. Rõ ràng đó chính là một phương pháp. Nhưng hiển nhiên phương pháp đó là để phân tích chứ không phải để đạt đến tri thức. Vì bản thân các phương pháp đều hàm chứa yếu tố siêu hình, nên chúng thường khẳng định vẫn còn nhiều điều chưa biết ở ngay trong những kết luận rút ra từ chúng; cũng như nội dung của những trang đầu của một cuốn sách có chứa đựng phần nào nội dung những trang cuối cùng của cuốn sách đó. Mối liên hệ đó là đương nhiên. Xác định và vận dụng một phương pháp cũng có nghĩa là thừa nhận cảm giác rằng không thể nào đạt được toàn bộ mọi hiểu biết đích thực. Ta chỉ có thể liệt kê ra những biểu hiện đơn lẻ và bối cảnh khiến ta cảm nhận được chúng.

Có lẽ chúng ta sẽ nắm bắt được cảm giác phi lý khó nắm bắt đó trong những bình diện khác biệt nhưng có liên hệ mật thiết như trí tuệ, lối sống, hay cả nghệ thuật. Hoàn cảnh nảy sinh sự phi lý xuất hiện ở giai đoạn khởi đầu. Điểm kết thúc là vũ trụ phi lý và một thái độ tinh thần soi sáng thế giới với những màu sắc thực của nó, đưa lại cho thế giới một diện mạo rạng ngời và không lay chuyển mà ta chỉ thấy được khi nhìn nhận thế giới với thái độ ấy.

***

Tất cả những hành động và những tư tưởng vĩ đại đều khởi đầu có phần kỳ cục. Các tác phẩm lớn ra đời ngay sau ngã rẽ ở góc đường hay chỗ cửa xoay một nhà hàng. Vậy nên chúng gắn với sự phi lý. Khác với những môi trường khác, thế giới phi lý trích xuất được cái cao nhã từ hoàn cảnh ra đời tầm thường như vậy. Trong một số trường hợp nhất định, khi hỏi một người suy nghĩ hay cảm nhận về điều gì mà người đó trả lời “không gì cả”, thì có thể anh ta đang giả vờ. Những kẻ được yêu khá rõ điều ấy. Nhưng giả sử câu đáp ấy là thành thật, nếu nó quả thực tượng trưng cho một trạng thái lạ thường của tâm hồn khi mà cái phần “không” lại trở nên hùng hồn, khi chuỗi hành vi hằng ngày bị bẻ gãy, khi trái tim vô vọng tìm kiếm mối liên kết giúp kết nối chuỗi hành vi đó lại một lần nữa, thì khi ấy có thể coi đó chính là dấu hiệu đầu tiên của sự phi lý.

Cũng có khi cái quy trình định sẵn từng bước sụp đổ. Sáng dậy, lên xe đi làm, bốn giờ trong văn phòng hoặc nhà máy, ăn trưa, lên xe về chỗ làm, bốn giờ công việc chiều, ăn tối, ngủ nghỉ, và Thứ Hai Thứ Ba Thứ Tư Thứ Năm Thứ Sáu và Thứ Bảy cùng theo nhịp điệu này – cái lối mòn ta vẫn thường dễ dàng tuân theo. Nhưng một ngày nào đó, câu hỏi “tại sao” xuất hiện, thế là mọi sự bắt đầu trong cái mệt mỏi nhuốm màu kinh ngạc. “Bắt đầu” – đây là điều quan trọng. Sự mệt mỏi xuất hiện ở ngưỡng cuối cùng của chuỗi hành vi sống như cái máy, nhưng đồng thời nó kích khởi ý thức. Nó đánh thức ý thức và kích khởi những gì tiếp sau. Nghĩa là hoặc ta trở lại cái nhịp điệu đều đều trước đó của đời sống, hoặc đạt tới sự tỉnh thức hoàn toàn. Và khi sự tỉnh thức đã đi đến điểm tột cùng, thì kết quả chỉ có thể là tự sát hay hồi phục. Bản thân sự mệt mỏi chứa đựng trong nó cảm giác không thể chịu đựng nổi, mà ở đây, tôi phải kết luận rằng điều đó là tốt. Vì mọi sự đều bắt đầu với ý thức, và cái “không gì cả” chỉ trở nên có giá trị một khi người ta ý thức về nó. Những nhận xét trên không có gì là mới mẻ độc đáo. Nhưng chúng là hiển nhiên, thế đã là đủ cho quá trình ta khảo sát sơ qua nguồn gốc của phi lý. Chỉ có “nỗi bất an”, như Heidegger 1 nói, mới là nguồn gốc của tất cả mọi thứ.

Tương tự, thời gian gánh đưa chúng ta trong dòng chảy của nó, ngày lại ngày trong suốt cuộc đời bình lặng. Nhưng thể nào cũng đến một khoảnh khắc mà chúng ta phải gánh lấy thời gian. Chúng ta sống bằng tương lai: “ngày mai”, “sau đó”, “khi ta đã định rõ được phương hướng”, “cứ sống đủ lâu đi rồi hiểu chuyện”. Những lời trì hoãn “chưa tới lúc” ấy thật hay ho, bởi nói cho cùng, sống là quá trình đi dần đến cái chết. Tuy nhiên, rồi đến một ngày người nọ được nhắc nhở hoặc tự nhận ra rằng anh ta đã đến tuổi ba mươi. Anh khẳng định sự trẻ trung của mình vào thời điểm đó. Nhưng đồng thời anh cũng đặt mình vào mối liên hệ với thời gian. Anh nhận lấy vị trí của mình trong đó. Anh thừa nhận mình đang đứng ở một điểm nhất định trên đường cong thời gian mà anh phải đi cho đến tận cùng. Anh ta thuộc về thời gian, và khi nỗi kinh sợ bóp nghẹt mình, anh ta nhận ra kẻ thù tồi tệ nhất. Ngày mai, anh ta khao khát ngày mai, trong khi chính bản thân anh phải chối bỏ nó. Cuộc nổi dậy đó của xác thịt chính là một sự phi lý 2.

1 Martin Heidegger: triết học gia nổi tiếng người Đức, một trong những nhà sáng lập chủ nghĩa hiện sinh, tác phẩm quan trọng nhất có tính đột phá của ông là cuốn Being and Time (Hiện hữu và Thời gian) – 1923 – BTV 2 Ở đây tôi chưa định nghĩa, mà chỉ liệt kê ra những cảm giác có khả năng thừa nhận sự phi lý. Khi việc liệt kê đã xong, sự phi lý vẫn chưa khô cạn. – Gốc.

đạo đức nào, không có nỗ lực nào có thể biện minh một cách tiên nghiệm cho phép tính tàn nhẫn quyết định hoàn cảnh của chúng ta.

Xin nhắc lại: tất cả những điều trên đã được nhiều người khác nói đến nhiều lần. Ở đây tôi chỉ phân loại nhanh những ý kiến ấy và chỉ ra những xu hướng rõ rệt, vốn xuất hiện trong mọi nền văn học lẫn triết học. Ta bàn về những chủ đề ấy hàng ngày, nên không cần thiết phải “phát minh” chúng lần nữa. Nhưng quan trọng là phải chắc chắn về những điều trên để có thể đặt câu hỏi tiếp theo dựa trên câu hỏi gốc. Điều tôi quan tâm, xin nhắc lại, không đi sâu vào khám phá phi lý là gì mà chú trọng hơn vào những hậu quả của chúng. Nếu có người chắc chắn được về những sự thật này, thì người đó có thể rút ra kết luận gì? Và người đó phải tiến xa đến đâu thì mới đến mức không còn phải tránh né câu hỏi nào nữa? Liệu khi ấy người đó sẽ chết một cách vui lòng tự nguyện, hay vẫn ôm ấp hy vọng bất chấp mọi điều mình biết? Trước tiên, ta cũng cần điểm nhanh qua những xu hướng tương tự trên bình diện trí tuệ.

***

Quá trình đầu tiên của tâm trí là phân biệt đâu là đúng đâu là sai. Nhưng khi ta biết nghĩ suy về những suy nghĩ của chính mình, thì phát hiện đầu tiên chính là sự mâu thuẫn. Mọi cố gắng chứng minh mình đúng trong trường hợp này là vô dụng. Nhiều thế kỷ nay, không ai diễn tả vấn đề này rõ ràng và súc tích hơn Aristotle 1 : “Các ý kiến này thường đưa đến kết quả nực cười là chúng phủ định chính mình. Vì khi khẳng định tất cả đều đúng, thì có nghĩa là phản đề của nó cũng đúng, như thế chính đề của ta trở thành sai (bởi phản đề không thừa nhận là nó đúng). Còn nếu nói tất cả đều sai, thì chính bản thân lập luận đó đã sai rồi. Nếu ta cho rằng chỉ duy nhất lời khẳng định trái ngược với lập luận của chúng ta là sai hoặc chỉ duy có lập luận của ta là không sai, thì dù sao ta vẫn buộc phải thừa nhận vô số các nhận định hoặc đúng hoặc sai. Bởi người nêu lên một khẳng định đúng đồng thời cũng cho rằng nó là đúng, và cứ như vậy ad infinitum (vô cùng tận).”

Vòng luẩn quẩn này chỉ là mắt xích đầu tiên của hàng loạt trường hợp khi mà trí tuệ tự nghiền ngẫm về chính nó thì bị lạc trong vòng xoáy choáng váng. Chính sự đơn giản vô cùng của những nghịch lý này khiến không thể quy giản chúng hơn nữa. Dù đó có là trò lắt léo của ngôn ngữ hay lý luận đi nữa, thì trên hết, sự lĩnh hội đồng nghĩa với sự quy nhất. Mong muốn sâu thẳm nhất của tâm trí, ngay cả khi đang tư duy ở mức tinh vi phức tạp nhất, là cố gắng làm đồng bộ những xúc cảm vô ý thức trong thế giới nó nhận thức được: nó khăng khăng hướng về cái thân thuộc, nó khao khát sự rõ ràng. Đối với con người, lĩnh hội thế giới chính là quá trình quy giản nó về hệ quy chiếu của loài người, đóng con dấu cá nhân vào nó. Vũ trụ của con mèo không phải là vũ trụ trong tổ kiến. Sự thật hiển nhiên “Tất cả tư duy đều theo thuyết nhân hình” đúng chính xác là như vậy. Cũng như khi trí óc muốn lĩnh hội thực tế, thì nó chỉ thỏa mãn khi quy được cái thực tế ấy về giới hạn của tư duy. Nếu con người thấy rằng vũ trụ cũng biết yêu và đau khổ như anh ta, thì anh ta được an lòng. Còn nếu, qua những tấm gương soi chiếu – chính là các hiện tượng xảy ra, tâm trí nhìn thấy được những mối tương quan vĩnh hằng có thể tổng quy tư tưởng cũng như tổng quy chính chúng theo cùng một nguyên tắc đơn nhất, thì tâm trí sẽ được

1 Aristole: nhà triết học và bác học thời Hy Lạp cổ đại – BTV

hưởng niềm vui trí tuệ là nhận ra huyền thoại về các đấng thánh thần chẳng qua chỉ là sự mô phỏng nực cười. Nỗi hoài vọng về nhất nguyên và niềm khát khao về cái tuyệt đối minh họa cho đường dây vận động cốt lõi trong vở kịch loài người. Nỗi hoài vọng đó tồn tại, nhưng không có nghĩa là nó sẽ được đáp ứng ngay tức thì. Vì, nếu lấp đi được vực sâu cách biệt giữa khao khát và chinh phục, thì coi như ta đã khẳng định trước Parmenides 1 sự tồn tại của Nhất Thể (bất kể đó là gì), và khi đó ta lại rơi vào mâu thuẫn lố bịch khi khẳng định sự thống nhất toàn thể, rồi dùng chính sự thống nhất đó chứng minh sự khác biệt của nó, cũng như sự đa dạng mà nó muốn quy nhất lại. Thêm cái vòng luẩn quẩn này nữa là đủ để dập tắt hy vọng của chúng ta.

Những điều trên cũng là sự thật rõ rành rành. Xin nhắc lại rằng bản thân những điều hiển nhiên đó không có gì mới lạ, nhưng những hệ quả rút ra từ chúng thì lại đáng quan tâm. Ví như tôi biết một sự thật hiển nhiên: rằng người ta ai cũng chết. Có biết bao bộ óc từng rút ra những kết luận cực đoan từ điều hiển nhiên đó. Khi đọc tiểu luận này, luôn phải ý thức cái khoảng cách giữa điều ta muốn biết và điều ta thực sự biết được, giữa sự chấp nhận trên thực tế và thái độ vờ như không biết, nhờ đó ta sống an ổn với những tư tưởng mà, nếu ta thật sự kiểm nghiệm chúng, thì hẳn là toàn bộ cuộc sống của ta sẽ bị xáo lộn. Đứng trước nỗi mâu thuẫn của tâm trí không bao giờ có thể dứt bỏ đi này, ta hiểu được trọn vẹn vực sâu phân cách giữa chúng ta với những gì chính ta sáng tạo ra. Chừng nào mà tâm trí còn ngủ yên trong thế giới tĩnh tại như nó mong muốn, thì mọi vật hãy còn được phản ánh và sắp đặt đúng theo nếp hằn trước nay nó từng biết. Nhưng chỉ cần tâm trí thức động, là cái thế giới ấy rạn nứt rồi sụp đổ, bày ra muôn vàn mảnh vỡ lấp lóa dội vào hiểu biết. Chúng ta phải mãi mãi từ bỏ hy vọng tái dựng tại cái bề mặt quen thuộc, bình lặng khiến ta yên lòng đó. Bao nhiêu thế kỷ kiếm tìm đã thất bại, bao nhiêu nhà tư tưởng phải bỏ cuộc, như thế đủ khiến ta nhận rõ rằng: thực tế đó là chắc chắn, trong tất cả mọi mảng tri thức con người. Và ngoại trừ những người chuyên theo hẳn con đường duy lý, thì đa phần con người ngày nay không mong gì đạt được sự thấu tỏ thật sự. Và nếu chỉ được ghi lại một quá trình lịch sử quan trọng duy nhất của tư tưởng con người, thì đó hẳn phải là lịch sử của những hối tiếc kế tiếp tiếc nuối và nỗi bất lực đi kèm.

Tôi có thể thực sự tuyên bố “Tôi có biết” về ai hay về vật gì được đây. Trái tim này đập trong lồng ngực tôi, tôi có thể cảm thấy nó, và tôi cho rằng nó tồn tại. Tương tự, tôi có thể chạm vào thế giới này, nên tôi cho rằng nó tồn tại. Hiểu biết của tôi chỉ tới đó, phần còn lại là do tôi tự dựng lên. Vì nếu tôi cố gắng để nắm bắt lấy bản chất của thứ mà tôi ngỡ mình đã biết chắc, nếu tôi cố gắng định nghĩa nó, khái quát hóa nó, thì chẳng khác nào cố dùng tay nắm bắt làn nước, nước cuối cùng cũng chảy hết qua kẽ tay. Tôi có thể phác họa tất cả các đặc tính nó có, những diện mạo nó mang, như sự giáo dục này, nguồn gốc ấy, sự nhiệt tình như vậy, những khoảng lặng kia, vẻ cao quý hoặc đồi bại nọ. Nhưng những khía cạnh ấy không thể cộng gộp lại đúng bằng một “nó” chính xác. Tôi không thể xác định rõ ngay cả chính trái tim mình. Giữa sự chắc chắn mà tôi biết về sự tồn tại của mình với những nội dung tôi cố gắng đưa ra để xác nhận sự chắc chắn đó là một khoảng cách, và khoảng cách ấy không bao giờ có thể lấp đầy. Mãi mãi, tôi là một người xa lạ với chính mình. Trong tâm lý học, cũng giống như trong logic, có nhiều chân lý nhưng không có sự thật. Như câu Socrates nói “Hãy tìm biết chính mình” cũng có giá trị như lời răn “Hãy sống đạo đức” ta nghe trong

1 Triết gia Hy lạp cổ đại, ông khẳng định thực tại là đơn nhất và bất biến; tồn tại là vĩnh viễn, đồng nhất, cần thiết và cũng không thay đổi. – BTV

Chủ đề