Servitization là gì

Dịch vụ hóa là khái niệm phản ánh hiện tượng dịch vụ đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất hàng hóa. Trong chuỗi cung ứng toàn cầu, dịch vụ không chỉ kết nối các công đoạn mà còn là đầu vào để sản xuất hàng hóa và được cung ứng cùng hàng hóa. Góc nhìn mới này chỉ ra rằng nhiều dịch vụ không được cung ứng theo bốn phương thức truyền thống mà được trao đổi như một phần không tách rời của hàng hóa. Từ đó, khái niệm “phương thức 5” được đưa ra để mô tả phương thức cung ứng dịch vụ gián tiếp – dịch vụ được bao hàm trong hàng hóa xuất khẩu. Bài viết chỉ ra rằng các dịch vụ được cung ứng theo “phương thức 5” đang chịu sự điều chỉnh của các quy tắc thương mại hàng hóa. Đồng thời, các quy tắc thương mại quốc tế cần được hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn trong bối cảnh nền kinh tế thế giới ngày càng dịch vụ hóa.

Từ khóa: thương mại dịch vụ, dịch vụ hóa, phương thức 5, GATS, trị giá hải quan


 

Abstract

The notion of servicification refelects the phenomenon of services playing an increasingly important role in the economy, particularly in the manufacturing sector. Services contribute to global value chains not only as the connector, but also as inputs for manufacturing and they are even sold bundled with goods. This new perspective indicates that a number of services are not delivered under one of the four traditional modes of supply, but traded as an inseparable part of goods. Thus, the concept “mode 5” is adopted to describe an indirect mode of supplying services, in which services are “embodied” in exported goods. The paper indicates that “mode 5” services are currently subject to rules governing merchandise trade. At the same time, international trade regulations need improving to become more compatible with the practice in the context of an increasingly servicified world economy.

Key words: trade in services, servicification, mode 5, GATS, customs valuation


 

  1. Đặt vấn đề

Trong những năm gần đây, vai trò của dịch vụ trong đối với những chuỗi giá trị toàn cầu (global value chain – GVC) ngày càng trở nên quan trọng. Việc các doanh nghiệp sản xuất tăng cường sử dụng và trao đổi dịch vụ là đặc trưng cơ bản của một xu hướng mới trong thương mại quốc tế – “dịch vụ hóa” (servicification).  Không chỉ là yếu tố giúp kết nối các khâu trong một GVC, dịch vụ còn trở thành đầu vào cho sản xuất, chuyển hóa thành hàng hóa và được bao hàm trong hàng hóa. Nhìn từ góc độ này, nhiều sản phẩm không đơn thuần là hàng hóa nữa mà cần được xem như sự kết hợp giữa hai yếu tố hàng hóa và dịch vụ. Xu hướng này khiến nhiều học giả lập luận rằng một tỷ lệ dịch vụ đáng kể hiện đang được cung ứng gián tiếp thông qua kênh hàng hóa. Từ đó, một khái niệm mới – cung ứng dịch vụ theo “phương thức 5” – đã được đề xuất.

Nhận thấy đây là một khái niệm mang nhiều hàm ý chính sách và học thuật, nhóm tác giả mong muốn giới thiệu những kết quả nghiên cứu ban đầu về “phương thức 5”. Bài viết tóm lược một số công trình tiên phong về hiện tượng dịch vụ hóa và “phương thức 5”, đồng thời bổ sung thêm số liệu được trích xuất từ Cơ sở dữ liệu về Thương mại Giá trị gia tăng (Trade in Value Added - TiVA) do Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) xây dựng. Trước hết, các tác giả làm rõ nội hàm của khái niệm dịch vụ hóa và thực trạng dịch vụ hóa của nền sản xuất và thương mại toàn cầu. Tiếp theo, các tác giả đi vào giải thích khái niệm “phương thức 5”, đồng thời chỉ ra những điểm bất cập của hệ thống quy tắc thương mại quốc tế hiện hành khi chưa phản ánh được phương thức cung ứng dịch vụ này. Trên cơ sở đó, các tác giả đưa ra một số đề xuất và dự báo trong phần kết luận.

  1. Dịch vụ hóa chuỗi giá trị toàn cầu và “phương thức 5” trong cung ứng dịch vụ

2.1. Chuỗi giá trị toàn cầu và vai trò của dịch vụ trong chuỗi giá trị toàn cầu

Theo một nghiên cứu năm 2011 của WTO và Viện Kinh tế Phát triển, Tổ chức Ngoại thương Nhật Bản (IDE-JETRO), các công đoạn khác nhau để tạo ra sản phẩm cuối cùng có thể được kết nối thông qua khái niệm “chuỗi giá trị”. Khái niệm này mô tả một chuỗi hoạt động tạo ra giá trị của doanh nghiệp, từ lên ý tưởng về sản phẩm cho tới sản xuất và đưa vào lưu thông.

Quá trình toàn cầu hóa cho phép một doanh nghiệp sản xuất tối ưu hóa chuỗi giá trị của mình bằng cách tiến hành một số công đoạn sản xuất tại các lãnh thổ địa lý khác nhau (thường thông qua phương thức thuê ngoài). Từ đó, một khái niệm rộng hơn – “chuỗi giá trị toàn cầu” (GVC) – đã ra đời. Sự hình thành của các GVC còn được gọi tên bằng những thuật ngữ khác, chẳng hạn thương mại về công đoạn, sản xuất phân mảnh hoặc chuyên môn hóa theo chiều dọc (SNBT, 2012). Theo OECD (2018), “sản xuất, thương mại và đầu tư quốc tế ngày càng có xu hướng được tổ chức trong các chuỗi giá trị toàn cầu với các công đoạn sản xuất diễn ra tại các quốc gia khác nhau”.

Các học giả khi nghiên cứu về tầm quan trọng của dịch vụ đối với GVC đã nhận thấy dịch vụ có thể đảm nhận các vai trò sau đây trong một GVC:

Thứ nhất, dịch vụ là khớp nối trong GVC. Vì GVC dẫn tới phân công lao động quốc tế ở mức độ cao, để quản lý được các công đoạn sản xuất có tính phân tán về mặt địa lý, các doanh nghiệp cần sử dụng các dịch vụ như vận tải, truyền thông, tài chính, logistics,... Do đó, vai trò đầu tiên mà dịch vụ đảm nhận trong một GVC là kết nối các hoạt động sản xuất diễn ra tại các lãnh thổ địa lý khác nhau. Miroudot và Cadestin (2017) đã coi dịch vụ như chất “keo dính” mà thiếu nó các GVC.

Thứ hai, dịch vụ được thuê ngoài là đầu vào cho sản xuất. Heuser và Mattoo (2017) nhận định rằng “dịch vụ không chỉ đảm bảo cho sự vận hành của GVC mà còn là đầu vào quan trọng trong mọi công đoạn sản xuất.” Cụ thể, các hoạt động như R&D, phân phối và marketing không đơn thuần là “chất keo dính” trong GVC mà thực chất chính là các công đoạn quan trọng trong quá trình sản xuất. Khi các dịch vụ này được thuê ngoài, ta dễ nhận thấy chúng chính là các yếu tố đầu vào cho sản xuất, tương tự như các nguyên vật liệu đầu vào hữu hình.

Thứ ba, dịch vụ cung ứng nội bộ là đầu vào cho sản xuất. Bên cạnh các dịch vụ được thuê ngoài, doanh nghiệp sản xuất còn thường tự thực hiện các hoạt động mang tính chất dịch vụ, chẳng hạn quản lý nhân sự hay bảo dưỡng cơ sở vật chất. Dù các hoạt động này vốn được xem là một phần trong hoạt động của doanh nghiệp sản xuất, chúng thực chất là các dịch vụ do doanh nghiệp tự cung ứng nội bộ thay vì thuê ngoài. Các dịch vụ nội bộ có vai trò tương tự như các nguyên vật liệu đầu vào do doanh nghiệp tự sản xuất. Điều này còn cho thấy “dịch vụ không chỉ được cung ứng bởi các doanh nghiệp dịch vụ mà còn bởi chính các doanh nghiệp sản xuất” (Heuser và Mattoo, 2017). Theo Miroudot và Cadestin (2017), cần phải xem xét cả các dịch vụ được cung ứng nội bộ mới có thể đánh giá đầy đủ tầm quan trọng của dịch vụ đối với việc tạo ra giá trị trong các GVC.

Thứ tư, dịch vụ được các doanh nghiệp sản xuất bán kèm với hàng hóa. Vai trò này của dịch vụ trong các GVC xuất phát từ việc các doanh nghiệp sản xuất đôi khi không bán riêng hàng hóa mà còn bán kèm với dịch vụ. Chẳng hạn, một chiếc máy có thể được xuất khẩu cùng với các dịch vụ lắp đặt và bảo hành. Các doanh nghiệp muốn bán các “gói” sản phẩm-dịch vụ như vậy bởi việc đó giúp tạo ra nhiều giá trị hơn từ hàng hóa cốt lõi và góp phần thiết lập mối quan hệ lâu dài với khách hàng. Khách hàng cũng ưa thích các dịch vụ được bán cùng hàng hóa bởi các các “gói” như vậy thường giúp tiết kiệm chi phí, nhất là khi không sẵn có phương án thay thế. Trong trường hợp đặc biệt, dịch vụ đi kèm thậm chí là điều kiện cần để bán hàng, nghĩa là doanh nghiệp không thể bán được hàng nếu thiếu các dịch vụ này (Heuser và Mattoo, 2017). Cũng cần lưu ý rằng, theo Cusumano, Kahl và Suarez (2014), không phải mọi dịch vụ liên quan tới hàng hóa được các doanh nghiệp sản xuất cung ứng đều có tính bổ trợ cho việc bán hàng, mà chúng có thể có tính thay thế. Thí dụ, dịch vụ cho thuê xe có thể thay thế cho việc bán xe hơi.

Miroudot và Cadestin (2017) cho rằng dù dịch vụ có thể đóng một hoặc nhiều trong số các vai trò trên đây, điểm chung là chúng đều hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất tạo ra giá trị. Rõ ràng sẽ không có GVC nếu thiếu các dịch vụ để kết nối các công đoạn sản xuất rời rạc trên toàn cầu. Đối với các dịch vụ thuê ngoài là đầu vào cho sản xuất, giá trị gia tăng hoặc đến từ chính bản thân dịch vụ đó, hoặc đến từ chi phí tiết kiệm được khi chúng được thuê ngoài. Chẳng hạn, một số dịch vụ thuê ngoài như pháp lý hay ngân hàng có thể giúp các doanh nghiệp sản xuất tạo ra giá trị nhờ cải tiến hoạt động và tăng năng suất. Trong khi đó, các dịch vụ thuê ngoài như vận tải hay logistics được có thể giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp. Các dịch vụ nội bộ cũng đem lại lợi ích tương tự bởi chúng cũng cần được xem là đầu vào cho sản xuất. Việc cung ứng nội bộ một dịch vụ nào một cách hiệu quả có thể giúp cắt giảm chi phí và duy trì tính cạnh tranh, nghĩa là góp phần tạo ra giá trị cho doanh nghiệp. Cuối cùng, việc cung ứng các dịch vụ đi kèm với hàng hóa không chỉ đem lại nguồn doanh thu bổ sung cho doanh nghiệp mà còn tạo ra giá trị cho khách hàng thông qua việc giúp họ tiết kiệm chi phí.

2.2. Khái niệm dịch vụ hóa và “phương thức 5” trong cung ứng dịch vụ

2.2.1. Khái niệm dịch vụ hóa

Trước đây, sản xuất hàng hóa và cung ứng dịch vụ thường được xem là hai lĩnh vực độc lập, song sự xuất hiện của các GVC đã thay đổi quan điểm truyền thống này. Bởi về bản chất GVC là chuỗi giá trị gia tăng trong một ngành sản xuất, từ khâu lên ý tưởng đến khâu sản xuất và tiêu thụ, do đó GVC phần nào cho thấy lĩnh vực dịch vụ và sản xuất có liên hệ chặt chẽ với nhau (Miroudot, 2017). Trong nhiều nghiên cứu về GVC, những thuật ngữ “thượng nguồn” (upstream) và “hạ nguồn” (downstream) được sử dụng để phân loại các công đoạn hay hoạt động cấu thành nên một GVC. Các công đoạn đứng về phía cuối của chuỗi giá trị xét theo trình tự thời gian sẽ mang tính chất “hạ nguồn” và ngược lại. Ủy ban Thương mại Quốc gia Thụy Điển (Swedish National Board of Trade – SNBT) nhận định rằng một GVC thường bắt đầu bằng các dịch vụ “thượng nguồn” như nghiên cứu và phát triển (R&D) hoặc thiết kế, sau đó đến các dịch vụ sản xuất, lắp ráp và kết thúc bằng các dịch vụ “hạ nguồn” như marketing, quản trị thương hiệu và hậu mãi. Có thể thấy ở hai đầu của một GVC thường là những dịch vụ giàu hàm lượng trí tuệ và có giá trị cao, còn những dịch vụ có tính chất tiêu chuẩn hóa thường nằm ở giữa của GVC và thường tạo ra ít giá trị gia tăng hơn (SNBT, 2013a).

Điểm đáng chú ý là các doanh nghiệp sản xuất ngày càng sử dụng nhiều dịch vụ làm yếu tố đầu vào, và có xu hướng cung ứng cả dịch vụ bên cạnh hàng hóa (Miroudot, 2017). Đây chính là nguồn gốc của hiện tượng “dịch vụ hóa”. Thực chất tầm quan trọng của dịch vụ trong nền kinh tế đã được thừa nhận từ lâu, song phải đến gần đây, vai trò của dịch vụ trong lĩnh vực sản xuất mới được nghiên cứu sâu cùng sự hình thành và phát triển của các GVC (Gervais và Jensen, 2013). Về bản chất, hiện tượng dịch vụ hóa gắn liền với GVC vì GVC tồn tại thông qua sự thâm dụng dịch vụ. Có thể nói, “dịch vụ hóa cho thấy mối quan hệ bổ sung ngày càng rõ rệt giữa sản xuất hàng hóa và cung ứng dịch vụ” (SNBT, 2015). Khái niệm này mô tả “sự dịch chuyển sâu rộng sang mảng dịch vụ, không chỉ trong hoạt động bán hàng mà cả trong quá trình sản xuất” (Miroudot và Cadestin, 2017).

Trong bài viết này, dịch vụ hóa được hiểu là hiện tượng lĩnh vực sản xuất ngày càng phụ thuộc vào dịch vụ với vai trò là dịch vụ đầu vào, là các hoạt động trong nội bộ doanh nghiệp và là đầu ra được bán cùng hàng hóa. Cụ thể hơn, dịch vụ hóa bao gồm: (i) việc sử dụng ngày càng nhiều dịch vụ làm đầu vào cho sản xuất, dẫn tới tỷ trọng giá trị gia tăng có nguồn gốc dịch vụ ngày càng cao; (ii) sự chuyển dịch hướng tới các hoạt động dịch vụ trong các doanh nghiệp sản xuất; và (iii) sự hội tụ của hàng hóa và dịch vụ được cung ứng cùng nhau trong các “gói sản phẩm” (Miroudot và Cadestin, 2017).

2.2.2. Khái niệm “phương thức 5” trong cung ứng dịch vụ

Theo khái niệm được Hiệp định GATS của WTO đưa ra, dịch vụ có thể được cung ứng theo một trong bốn phương thức:

  • Phương thức 1: cung cấp qua biên giới (thí dụ bản thiết kế của một ngôi nhà mới được gửi qua mạng hay một phần mềm được tải từ nước ngoài);
  • Phương thức 2: tiêu dùng ngoài lãnh thổ (thí dụ một cá nhân di chuyển qua biên giới để du lịch hay học tâp);
  • Phương thức 3: hiện diện thương mại (thí dụ một công ty viễn thộng thiết lập hiện diện thương mại ở nước ngoài để cung ứng dịch vụ);
  • Phương thức 4: hiện diện thể nhân (thí dụ một người kỹ sư lắp đặt máy di chuyển qua biên giới để làm việc tạm thời cho một công ty ở nước ngoài).

Hiện tượng dịch vụ hóa đặt ra một vấn đề lý thuyết mới: bốn phương thức cung ứng dịch vụ mà GATS quy định không phản ánh được việc một tỷ lệ dịch vụ lớn và ngày càng tăng được cung ứng gián tiếp thông qua hàng hóa hữu hình. Cernat và Kutlina-Dimitrova (2014) ước lượng rằng các dịch vụ như vậy chiếm tới 34% giá trị xuất khẩu của các ngành công nghiệp sơ cấp và công nghiệp chế tạo của Liên minh Châu Âu (EU). Vì lý do đó, một số học giả đã đề xướng một phương thức cung ứng dịch vụ giả định – “phương thức 5”. Vậy nội hàm của khái niệm này là gì và nó liên quan đến hiện tượng dịch vụ hóa ra sao?

Như đã trình bày ở trên, dịch vụ hóa là hiện tượng các công ty sản xuất sử dụng ngày càng nhiều dịch vụ ở tất cả mọi công đoạn trong GVC của mình. Do đó, dịch vụ hóa liên quan tới các dịch vụ đầu vào, dịch vụ sản xuất và dịch vụ hậu mãi, nghĩa là bao trùm toàn bộ vòng đời của một sản phẩm. Trong khi đó “phương thức 5” chỉ phản ánh hiện tượng các dịch vụ sản xuất được bao hàm trong quá trình tạo ra một sản phẩm hữu hình. Về bản chất, dịch vụ được cung ứng theo “phương thức 5” là dịch vụ trung gian nội địa được bao hàm trong hàng hóa xuất khẩu. Thí dụ, để sản xuất một chiếc xe hơi sẽ cần các dịch vụ kỹ thuật cơ khí, tư vấn, thiết kế cùng với các dịch vụ hậu cần để mua nguyên vật liệu đầu vào và tổ chức chuỗi sản xuất.

Các dịch vụ được cung ứng theo phương thức 5 hay các dịch vụ “được bao hàm” bên trong hàng hóa có sự khác biệt so với các dịch vụ “đi kèm” với hàng hóa. Các dịch vụ gắn với hàng hóa được kết nối và liên hệ với bản thân việc bán hàng hay cung cấp một dịch vụ khác, chẳng hạn dịch vụ hậu mãi, hỗ trợ kỹ thuật, tập huấn sử dụng hoặc bảo trì. Trong khi đó, dịch vụ được cung ứng theo “phương thức 5” được bao hàm trong chính hàng hóa. Trong thương mại quốc tế, các dịch vụ “đi kèm” với hàng hóa có thể được cung cấp thông một trong bốn phương thức truyền thống. Trái lai, đối với các dịch vụ “được bao hàm”, ta không hề nhìn thấy việc cung ứng dịch vụ diễn ra mà chỉ có thể hình dung rằng giá trị của chúng đã nằm trong giá trị của hàng hóa xuất khẩu. Đặc điểm này có ý nghĩa quan trọng, tạo nên sự phân biệt giữa các dịch vụ được cung ứng theo “phương thức 5” và bốn phương thức cung ứng dịch vụ truyền thống.

Theo Cernat và Kutlina-Dimitrova (2014), điểm nổi bật của “phương thức 5” là “nó đồng thời liên quan tới cả hàng hóa và dịch vụ vì nó nằm ở trung tâm của mối liên hệ giữa thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ”. Nhiều dịch vụ được cung ứng theo “phương thức 5” như dịch vụ thiết kế, R&D hay kiến trúc có hàm lượng công nghệ cao, do đó cũng có giá trị cao. Các dịch vụ như vậy rất cần thiết để tạo nên lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp sản xuất, nhất là trong bối cảnh GVC phát triển mạnh. Nhìn từ góc độ này, rõ ràng hàng hóa không còn là một sản phẩm hữu hình theo cách gọi truyền thống nữa mà là khối phức hợp được hình thành từ sự tương tác giữa hàng hóa và dịch vụ.

2.3. Thực trạng dịch vụ hóa chuỗi giá trị toàn cầu và “phương thức 5” trong cung ứng dịch vụ

2.3.1. Thực trạng dịch vụ hóa chuỗi giá trị toàn cầu

Nhờ sự phát triển của xu hướng tiếp cận thương mại dựa trên giá trị gia tăng, mức độ dịch vụ hóa của một GVC có thể được đánh giá thông qua tỷ trọng của phần giá trị gia tăng có nguồn gốc từ các ngành dịch vụ. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng khi xét theo giá trị gia tăng, tỷ trọng dịch vụ trong tổng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ toàn cầu lớn hơn đáng kể so với khi xét trên tổng kim ngạch (phương pháp thống kê truyền thống). Chưa kể, tỷ trọng này còn liên tục tăng lên. Theo Heuser và Mattoo (2017), nếu xét theo tổng kim ngạch, tỷ trọng dịch vụ trong tổng xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ toàn cầu giai đoạn 1980-2009 duy trì ổn định ở mức xấp xỉ 20%. Tuy nhiên nếu xét theo giá trị gia tăng, tỷ trọng này đã tăng từ 30% lên mức trên 40% sau ba thập kỷ. Miroudot và Cadestin (2017) cũng ước tính 49% giá trị gia tăng trong tổng xuất khẩu toàn cầu của năm 2011 có nguồn gốc từ lĩnh vực dịch vụ. Những con số này phần nào cho thấy việc các GVC đã trở nên dịch vụ hóa. Thực trạng này sẽ được phân tích cụ thể hơn qua các khía cạnh sau đây.

2.3.1.1. Gia tăng sử dụng dịch vụ làm đầu vào cho sản xuất

Để đo lường hiện tượng dịch vụ hóa, cách trực tiếp nhất là xem xét việc sử dụng các dịch vụ làm yếu tố đầu vào trong quá trình sản xuất. Miroudot và Cadestin (2017) đã tách các dịch vụ được các công ty dịch vụ xuất khẩu trực tiếp ra khỏi các dịch vụ được bao hàm trong hàng hóa dưới dạng dịch vụ đầu vào. Dựa trên tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa trực tiếp trong xuất khẩu, các tác giả đã nhận diện các kiểu chuyên môn hóa khác nhau. Một số nền kinh tế chuyên sản xuất, xuất khẩu hàng hóa, trong khi một số nền kinh tế khác lại chuyên xuất khẩu dịch vụ. Song ở tất cả các nước được khảo sát, vai trò của dịch vụ được sử dụng làm đầu vào cho sản xuất đều rất đáng kể. Xét theo giá trị gia tăng, trung bình dịch vụ đóng góp trên 37% vào tổng xuất khẩu toàn cầu của riêng lĩnh vực sản xuất.

Việc nghiên cứu các dịch vụ mà các doanh nghiệp dùng làm đầu vào cho sản xuất còn cho thấy sự đa dạng của chúng. Thí dụ, SNBT (2010) chỉ ra rằng Sandvik Tooling, một doanh nghiệp Thụy Điển chuyên sản xuất dụng cụ lao động, cần tới hơn 40 dịch vụ khác nhau để vận hành GVC của hãng này, tức gần một nửa số ngành dịch vụ được Hiệp định chung về Thương mại dịch vụ (GATS) điều chỉnh. Theo một nghiên cứu khác, SNBT (2013b) nhận thấy Aromatic, một công ty cung cấp nguyên liệu làm bánh có quy mô tương đối nhỏ, dùng tới 50 loại dịch vụ khác nhau trong chuỗi cung ứng của mình. Những thí dụ này phần nào chứng minh quá trình dịch vụ hóa liên quan tới sự thâm dụng nhiều loại dịch vụ, không chỉ riêng một nhóm dịch vụ nào.

2.3.1.2. Gia tăng sử dụng dịch vụ được cung ứng nội bộ làm đầu vào cho sản xuất

Như đã nói ở trên, các dịch vụ được cung ứng nội bộ góp phần không nhỏ vào hiện tượng dịch vụ hóa các GVC. Sử dụng phương pháp phân tích nguồn nhân công liên quan đến các hoạt động có tính chất dịch vụ trong các ngành sản xuất, Miroudot và Cadestin (2017) nhận thấy tại tất cả các nước, khoảng 25% tới 60% nhân công trong ngành sản xuất thực tế đang làm các công việc thuộc về dịch vụ. Sự chênh lệch về tỷ trọng giữa các nước trước hết là do đặc trưng ngành. Ở các ngành sản xuất với hàm lượng công nghệ thấp như may mặc, tỷ lệ nhân công thực hiện các hoạt động thuần túy thuộc về sản xuất thường cao hơn. Trong khi đó các ngành sản xuất có hàm lượng công nghệ cao như điện tử viễn thông thường cần nhiều dịch vụ hỗ trợ hơn, vì vậy một tỷ lệ lớn nhân công trong các ngành này sẽ thực hiện các hoạt động có tính chất dịch vụ như R&D. Ngoài ra, sự phân bổ lao động ở một nước còn được quyết định bởi vai trò của nước đó trong GVC. Thí dụ, các quốc gia được chọn là nơi đặt trụ sở chính của các công ty quốc tế như Luxembourg, Thụy Sĩ, Đức hay Hà Lan thường có tỷ lệ nhân công lớn thực hiện các hoạt động quản trị – về bản chất vốn là dịch vụ nội bộ.

Vẫn theo các tác giả này, nếu xét theo giá trị gia tăng thay vì số lượng nhân công,vai trò của các dịch vụ nội bộ thậm chí còn lớn hơn. Các hoạt động liên quan đến chức năng quản lý, hỗ trợ thường đòi hỏi lao động có trình độ cao, do đó sẽ chiếm tỷ lệ lớn trong chi phí tiền lương. Trung bình trên 15% giá trị gia tăng trong tổng xuất khẩu toàn cầu của lĩnh vực sản xuất đến từ các dịch vụ được cung ứng nội bộ. Do đó, thực tế phần giá trị gia tăng có nguồn gốc từ dịch vụ trong tổng xuất khẩu của lĩnh vực sản xuất ở các nước được khảo là khoảng 53% chứ không phải 37%. Đồng thời, khi tính thêm giá trị của các dịch vụ nội bộ, tỷ trọng của dịch vụ trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ toàn cầu xét theo giá trị gia tăng không chỉ còn là khoảng 49% mà lên đến khoảng 65%.

2.3.1.3. Các dịch vụ được bán kèm hàng hóa

Trong các doanh nghiệp sản xuất, dịch vụ không chỉ được dùng làm đầu vào cho sản xuất hay hỗ trợ quá trình sản xuất mà còn “đi kèm” với hàng hóa khi bán cho khách hàng. Về nguyên tắc, thống kê thương mại phân biệt rạch ròi giữa hàng hóa và dịch vụ do đó sự “đi kèm” như thế lẽ ra phải được ghi nhận như hai giao dịch riêng biệt. Song trên thực tế, điều đó là bất khả thi vì thường chỉ có một hợp đồng duy nhất trong đó không tách rời giá trị của phần hàng hóa và phần dịch vụ trong giao dịch.

Miroudot và Cadestin (2017) đã đưa ra dẫn chứng về các hoạt động sản xuất có liên hệ với cung ứng dịch vụ bằng cách xem xét tỷ lệ doanh nghiệp chỉ thực hiện hoạt động sản xuất, hoặc chỉ thực hiện cung ứng dịch vụ, hoặc thực hiện cả hai. Hai tác giả nhận thấy tại đa số các nước, nhóm doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ và chỉ cung cấp dịch vụ chiếm tỷ lệ lớn nhất. Nhóm này chủ yếu bao gồm các doanh nghiệp nhỏ cung cấp dịch vụ bán lẻ, ăn uống, cư trú hay các dịch vụ quy mô nhỏ khác. Nhóm doanh nghiệp thuộc lĩnh vực sản xuất và chỉ cung cấp hàng hóa có số lượng ít hơn song quy mô thường lớn hơn. Trong khi đó ở rất nhiều nước, nhóm doanh nghiệp cung cấp cả hàng hóa và dịch vụ là nhóm lớn thứ hai. Điều đó chứng tỏ việc doanh nghiệp thực hiện hoạt động trong cả hai lĩnh vực không phải là trường hợp thiểu số ngoại lệ.

Việc nhiều dịch vụ liên quan tới phân phối thường “đi kèm” với hàng hóa cho thấy cách thức tổ chức của các GVC không có sự tách biệt giữa hàng hóa và dịch vụ như trong thống kê thương mại. Trên thực tế, không ít doanh nghiệp thực hiện cả hoạt động sản xuất và hoạt động phân phối. Ví dụ, một số doanh nghiệp sản xuất cung cấp cả dịch vụ vận tải, nhất là khi việc vận tải hàng hóa đòi hỏi công nghệ hay kỹ năng đặc biệt như truyền dẫn nhiên liệu bằng hệ thống ống dẫn trong ngành xăng dầu.

Ngoài các dịch vụ liên quan tới phân phối đóng vai trò quan trọng trong sự vận hành của GVC, một số dịch vụ khác “đi kèm” với hàng hóa bởi chúng có tính thiết yếu đối với việc bán các hàng hóa đó. Thí dụ, dịch vụ xây dựng thường gắn với ngành sản xuất gỗ vì trong nhiều trường hợp khách hàng mua gỗ vì chúng là một phần của hợp đồng xây dựng. Trong ngành chế tạo máy, các dịch vụ bảo trì, sửa chữa và lắp đặt thường có tính thiết yếu vì nếu thiếu chúng, doanh nghiệp sẽ khó bán được máy móc, thiết bị.

Cuối cùng, dù không “đi kèm” với hàng hóa, các dịch vụ thay thế cho việc bán hàng cũng phản ánh xu hướng dịch vụ hóa. Bằng chứng là một số doanh nghiệp đã chuyển sang mô hình kinh doanh mới – cho thuê sản phẩm thay vì bán chúng. Một số khác lại tập trung vào cung ứng dịch vụ thay vì sản xuất hàng hóa bởi lĩnh vực dịch vụ mang lại lợi nhuận cao hơn. Ahamed, Inohara và Kamoshida (2013) đã đưa ra thí dụ về IBM để chứng tỏ điều này. Từ một hãng chuyên sản xuất phần cứng, IBM đã dịch chuyển dần lên phía trên trong GVC, tái định vị thành một hãng chuyên cung cấp các giải pháp công nghệ và kinh doanh.

2.3.2. Thực trạng “phương thức 5” trong cung ứng dịch vụ

Do các dịch vụ được cung ứng theo “phương thức 5” là các dịch vụ được bao hàm trong hàng hóa, việc xác định giá trị của chúng không hề dễ dàng. Cách đo lường thương mại dịch vụ truyền thống thông qua cán cân thanh toán chỉ xét tới giá trị của dịch vụ được trao đổi trực tiếp giữa thường trú nhân và phi thường trú nhân. Nó bỏ qua hai “kênh” cung ứng dịch vụ quan trọng – thông qua các cơ sở thương mại tại nước ngoài (tức phương thức 3 của GATS) và thông qua các hàng hóa bao hàm chúng (tức “phương thức 5”). Nhờ có cơ sở dữ liệu TiVA do OECD và WTO xây dựng, chúng ta bước đầu có được số liệu đáng tin cậy về yếu tố dịch vụ trong hàng hóa xuất, nhập khẩu. TiVA xem xét giá trị tăng thêm tại mỗi quốc gia trong quá trình sản xuất hàng hóa và dịch vụ được tiêu thụ trên toàn cầu. Nói cách khác, TiVA cho biết bao nhiêu dịch vụ đã “đi vào” quá trình sản xuất hàng hóa xuất khẩu trước khi được bán tới nước nhập khẩu. Theo TiVA, tỷ lệ dịch vụ được cung ứng theo “phương thức 5” làm đầu vào trung gian cho sản xuất xuất khẩu đều rất đáng kể trong tất cả các ngành, dao động từ 20 đến 47% (Antimiani và Cernat, 2017).

Cernat và Kutlina-Dimitrova (2014) đã ước tính quy mô của các dịch vụ được cung ứng theo “phương thức 5” bằng cách khảo sát tỷ trọng của các dịch vụ này trong tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu và nhận thấy tỷ trọng này dao động trong khoảng từ 20% đối với Trung Quốc đến 34% đối với EU. Năm 2009, giá trị của các dịch vụ được xuất khẩu gián tiếp (tức cung ứng theo “phương thức 5”) của EU đã lên tới hơn 300 tỷ euro. Con số này lên đến khoảng 414 tỷ euro vào năm 2011. Áp dụng phương pháp tương tự, Borchert và Tamberi (2018) ước tính các dịch vụ nội địa là đầu vào để sản xuất hàng hóa xuất khẩu của Vương quốc Anh có giá trị lên đến khoảng 70 tỷ bảng Anh.

Bên cạnh đó, các nhà kinh tế đã có thêm hướng tiếp cận đột phá để đo lường quy mô của các dịch vụ được cung ứng theo “phương thức 5”, đó là thông qua lượng việc làm. Số liệu cho thấy việc làm trong lĩnh vực sản xuất xuất khẩu của EU ngày càng liên quan tới dịch vụ nhiều hơn. Một báo cáo của Ban Chính sách phục vụ Quan hệ đối ngoại của Quốc hội Châu Âu cho thấy, xét riêng xuất khẩu ra ngoài EU vào năm 2011, số việc làm gắn với “phương thức 5” chiếm khoảng 40% lực lượng lao động làm việc trong khu vực xuất khẩu của các ngành công nghiệp sơ cấp và sản xuất của khối này. Điều đó đồng nghĩa 26% làm việc trong lĩnh vực xuất khẩu của EU có liên quan tới các hoạt động dịch vụ cung ứng đầu vào để sản xuất hàng hóa xuất khẩu (tức 8 triệu việc làm).

Xu hướng tăng trưởng của “phương thức 5” cũng rất đáng chú ý. Vẫn theo Cernat và Kutlina-Dimitrova (2014), tỷ lệ dịch vụ được cung ứng theo “phương thức 5” trong tổng giá trị xuất khẩu của EU năm 2009 đã tăng 23% so với năm 1995. Mức tăng nhiều nhất thuộc về Hoa Kỳ (37% trong cùng giai đoạn). Giá trị của các dịch vụ được cung ứng theo “phương thức 5” đối với các ngành sản xuất khác nhau cũng chênh lệch đáng kể. Với EU, những ngành có tỷ trọng giá trị dịch vụ được cung ứng theo “phương thức 5” cao nhất là thiết bị vận tải (40%), dệt may (37%) và thực phẩm (36%). Trong khi đó, tỷ trọng này chỉ là 24% trong ngành nông nghiệp và 16% trong ngành khai khoáng.

  1. Một số vấn đề đặt ra đối với hệ thống quy tắc thương mại quốc tế hiện hành nhìn từ góc độ hiện tượng dịch vụ hóa và cung ứng dịch vụ theo “phương thức 5”

3.1. Dịch vụ chịu sự điều chỉnh của các quy tắc đối với thương mại hàng hóa

Theo quan điểm truyền thống, cơ chế điều chỉnh thương mại dịch vụ khác với thương mại hàng hóa. Nhưng như đã phân tích ở trên, một lượng dịch vụ đáng kể đã và đang được cung ứng gián tiếp thông qua kênh thương mại hàng hóa. Khái niệm “phương thức 5” cho thấy, các quy tắc thương mại quốc tế hiện hành chưa phản ánh đầy đủ việc dịch vụ có thể được cung ứng như một phần hàng hóa vì các quy tắc này điều chỉnh thương mại hàng hóa và thương mại dịch vụ một cách tách biệt. Hạn chế đó dẫn tới khả năng dịch vụ được cung ứng bởi “phương thức 5” sẽ phải chịu sự điều chỉnh của các quy tắc thương mại hàng hóa, thậm chí phải nộp thuế nhập khẩu (vốn không áp dụng với dịch vụ).

Thật vậy, theo Điều 1:1 của Hiệp định Trị giá hải quan GATT/WTO “trị giá hải quan của hàng nhập khẩu là trị giá giao dịch, tức là giá thực tế đã trả hoặc phải trả cho hàng hóa khi được bán để xuất khẩu tới nước nhập khẩu...” Điều này có nghĩa trị giá tính thuế nhập khẩu của hàng hóa nhìn chung sẽ bao gồm tất cả những khoản tiền liên quan tới việc nhập khẩu hàng hóa mà người mua đã trả hoặc sẽ trả, trong đó có một số dịch vụ bao hàm trong hàng hóa. Điều 8 của Hiệp định này quy định về các khoản điều chỉnh khi xác định trị giá hải quan, theo đó một số chi phí sau đây phải được cộng vào trị giá của hàng hóa khi tính thuế nhập khẩu:

 (b) giá trị, đã phân bổ hợp lý, của các hàng hóa và dịch vụ sau đây mà đã được người mua trực tiếp hoặc gián cung cấp miễn phí hoặc với giá thấp để sử dụng trong sản xuất và bán để xuất khẩu các hàng hóa nhập khẩu đó, trong chừng mực mà giá trị đó chưa được gộp trong giá đã thanh toán hoặc phải thanh toán.

(…) (iv) việc lao vụ kỹ thuật, phát triển, mỹ thuật ứng dụng, thiết kế, sơ đồ và phác thảo được làm bên ngoài nước nhập khẩu và cần thiết cho việc sản xuất của hàng hóa nhập khẩu;

 (c) tiền bản quyền và phí giấy phép liên quan tới hàng hóa đang được xác định trị giá mà người mua phải trả, trực tiếp hoặc gián tiếp, như một điều kiện mua bán của hàng hóa đang được xác định trị giá, trong chừng mực mà các khoản tiền bản quyền và phí giấy phép đó chưa nằm trong giá đã thanh toán hoặc sẽ phải thanh toán.

Điều 8(b) quy định rằng các dịch vụ do người mua cung cấp miễn phí hoặc giảm giá cho người bán để sản xuất ra hàng hóa phải được được cộng vào trị giá tính thuế. Ngoài ra, Điều 8(c) tạo cơ sở cho việc cộng chi phí trả cho các dịch vụ gắn với quyền sở hữu trí tuệ vào trị giá hải quan. Theo các quy định trên, rõ ràng một dịch vụ có thể trở thành đối tượng chịu thuế nhập khẩu khi nó liên quan trực tiếp tới hàng hóa nhập khẩu.

Một vấn đề tương tự cũng được ghi nhận liên quan tới việc tính thuế phần mềm. Bản thân phần mềm không chịu thuế nhập khẩu vì nó có tính chất của dịch vụ hơn là hàng hóa và cũng không có mã số thuế quan (mã HS). Song vấn đề tính thuế nảy sinh khi phần mềm được nhập khẩu trên một phương tiện trung gian (thí dụ đĩa CD, ổ cứng). Câu hỏi đặt ra là trị giá tính thuế nhập khẩu của phương tiện trung gian có bao gồm cả giá trị của phần mềm hay không. Theo Khoản 4 Điều 6, Thông tư 39/2015/TT-BTC quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, trị giá hải quan bao gồm cả giá trị của phần mềm nếu nó được tích hợp vào phương tiện trung gian (chẳng hạn hệ điều hành cài đặt sẵn trên một máy tính, hệ thống định vị trong ô tô,...).

Như vậy, tuy thuộc về lĩnh vực thương mại hàng hóa song các quy định hiện hành về xác định trị giá hải quan ở cấp độ quốc tế và quốc gia đều ảnh hưởng trực tiếp tới các dịch vụ được cung ứng theo “phương thức 5”. Điểm đáng chú ý là theo quy định hiện hành, nếu một phần mềm được tải về sau khi nhập khẩu máy tính (tức được cung ứng theo phương thức 1) thì nó sẽ không phải chịu thuế. Ngược lại, nếu phần mềm đó được cài đặt sẵn trước khi nhập khẩu, nó sẽ bị tính thuế cùng với máy tính. Đây là một điểm mâu thuẫn khi cùng một dịch vụ được nhập khẩu lại chịu sự đối xử khác biệt tùy theo nó được cung ứng trực tiếp hay gián tiếp. Nói cách khác, tùy vào phương thức cung ứng – phương thức 1 hay 5 – một dịch vụ sẽ được điều chỉnh bởi GATS hay GATT.

Cũng cần lưu ý rằng, vì các dịch vụ được cung ứng theo “phương thức 5” cấu thành nên hàng hóa và không thể tách rời khỏi hàng hóa, do đó không chỉ có thuế nhập khẩu mà các biện pháp phi thuế quan trong thương mại hàng hóa cũng có thể trở thành rào cản đối với cung ứng dịch vụ (WTO, 2013). Đây là một vấn đề nan giải đối với các dịch vụ bao hàm trong hàng hóa đặc biệt là các dịch vụ liên quan tới công nghệ thông tin, vốn là ưu tiên trong giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp 4.0. Nói cách khác, việc áp thuế lên các dịch vụ được cung ứng theo phương thức 5 có thể trở thành một sắc thuế đánh lên tiến bộ công nghệ (Antimiani và Cernat, 2017).

3.2. Yếu tố dịch vụ trong sản xuất, thương mại hàng hóa chưa được xem xét đầy đủ

Ở chiều ngược lại, việc không xét tới các dịch vụ bao hàm trong hàng hóa cũng cho thấy hạn chế của hệ thống các quy tắc thương mại quốc tế. Điều này được thể hiện rõ trong các quy tắc để xác định xuất xứ của hàng hóa. Nhìn chung, khi tính toán hàm lượng giá trị khu vực (RVC) như một tiêu chí xuất xứ, các quy tắc xuất xứ chủ yếu xét đến các nguyên vật liệu đầu vào hữu hình, trong khi các yếu tố đầu vào là dịch vụ chưa được xem xét tới.

Thí dụ, Điều 6.2(1) thuộc chương 6 của Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc, khi tính RVC, công thức chỉ xét tới “giá trị của tất cả nguyên vật liệu có xuất xứ, ngoại trừ các nguyên vật liệu gián tiếp, được thu mua hay tự sản xuất bởi nhà sản xuất trong quá trình tạo ra sản phẩm”[3]. Như vậy, công thức này chỉ xem xét các yếu tố đầu vào hữu hình mà không xem xét các đầu vào vô hình (các dịch vụ được sử dụng trong quá trình sản xuất, hay dịch vụ được cung ứng theo “phương thức 5”). Dù ở một số FTA khác (chẳng hạn các FTA của ASEAN), công thức tính RVC đã được xây dựng theo hướng bao hàm các chi phí dịch vụ tham gia vào quá trình sản xuất, song đây vẫn chưa trở thành một hướng tiếp cận được áp dụng rộng rãi. Chưa kể, khi xuất xứ hàng hóa được xác định theo tiêu chí chuyển đổi mã số thuế quan (mã HS), nguyên vật liệu đầu vào không xuất xứ phải trải qua quá trình gia công sao cho sản phẩm được tạo ra sẽ có mã HS khác với các nguyên vật liệu đầu vào không xuất xứ. Rõ ràng theo tiêu chí này, chỉ các nguyên vật liệu đầu vào hữu hình mới được xét đến, còn các yếu tố dịch vụ đầu vào cần thiết cho việc sản xuất ra hàng hóa như R&D sẽ bị hoàn toàn bị bỏ qua (Geraets, Carroll và Willems, 2015).

Khi các yếu tố dịch vụ có trong hàng hóa xuất khẩu không được xem xét để xác định xuất xứ hàng hóa khiến cho các quy tắc xuất xứ trở nên sai lệch, không phản ánh bản chất của quá trình sản xuất hàng hóa. Việc điện thoại Iphone được sản xuất tại Trung Quốc và mang xuất xứ Trung Quốc trong khi giá trị gia tăng mà nước này đóng góp không đáng kể chính là một ví dụ điển hình (Kraemer, Linden và Decrick, 2011). Rõ ràng hiện tượng dịch vụ hóa và khái niệm “phương thức 5” cho thấy thế hệ quy tắc xuất xứ mới cần nhấn mạnh vào sự đóng góp của mỗi quốc gia trong quá trình tạo ra hàng hóa và dịch vụ dọc theo các GVC. Nếu không quy tắc xuất xứ sẽ khiến cho thống kê thương mại bị sai lệch và đem lại cái nhìn thiếu khách quan về cán cân thương mại. Việc áp dụng các biện pháp thương mại như cách Hoa Kỳ tăng thuế nhập khẩu áp lên hàng hóa Trung Quốc trong cuộc chiến tranh thương mại có thể gây tổn hại cho chính nước này vì những yếu tố dịch vụ có xuất xứ Hoa Kỳ chiếm tỷ lệ lớn trong hàng hóa xuất khẩu mang xuất xứ Trung Quốc.

Một hàm ý quan trọng khác liên quan tới trường hợp hàng hóa và dịch vụ được bán cùng nhau như một “gói sản phẩm”. Thông thường việc cung ứng các “gói sản phẩm” như vậy sẽ được xem như giao dịch mua bán hàng hóa, nhưng cũng sẽ xuất hiện một giao dịch dịch vụ riêng biệt nếu các dịch vụ đi kèm được cung ứng độc lập. Như ví dụ về phần mềm ở trên đã chỉ ra, các dịch vụ đi kèm hàng hóa có thể sẽ phải chịu các biện pháp thương mại hàng hóa phức tạp vì chúng nằm ở ranh giới của các quy tắc điều chỉnh việc cung ứng dịch vụ trực tiếp và các quy tắc điều chỉnh thương mại hàng hóa. Nếu xét về mặt xuất xứ, điều này đồng nghĩa nhiều dịch vụ đi kèm với các hàng hóa hữu hình sẽ không được xem xét về mặt xuất xứ mà sẽ bị áp theo xuất xứ của hàng hóa (SNBT, 2015). Do đó cần đặt ra câu hỏi khi các dịch vụ này được cung ứng độc lập, xuất xứ của chúng sẽ được xác định ra sao? Câu hỏi này hết sức quan trọng vì khi xuất xứ của dịch vụ gắn liền với hàng hóa được quy định dựa trên hàng hóa, những biện pháp thương mại truyền thống áp dụng dựa theo xuất xứ sẽ tác động tới các dịch vụ này. Chẳng hạn nếu Hoa Kỳ cấm “nhập khẩu” dịch vụ của Trung Quốc được cung ứng trực tiếp, nhưng các dịch vụ này đi kèm với hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, nhiều khả năng biện pháp cấm của Hoa Kỳ sẽ không áp dụng được.

Như vậy, việc một tỷ lệ dịch vụ đáng kể và ngày càng gia tăng được bao hàm trong hàng hóa xuất khẩu và cung ứng theo “phương thức 5” đặt ra vấn đề phải xem xét lại hệ thống quy tắc điều chỉnh thương mại quốc tế hiện hành. Có thể nhận thấy rằng các quy tắc về thương mại quốc tế không thống nhất về cách điều chỉnh dịch vụ được cung ứng theo “phương thức 5”. Trong đa số trường hợp, dịch vụ bao hàm trong hàng hóa sẽ được đồng nhất với hàng hóa, nhưng trong một số trường hợp khác dịch vụ lại không được xem xét tới. Một mặt, dịch vụ có thể phải chịu sự điều chỉnh của hệ thống quy tắc đối với thương mại hàng hóa, mặt khác vai trò của dịch vụ đối với lĩnh vực sản xuất lại chưa được ghi nhận đúng mức để từ đó có các quy tắc phù hợp hơn với thực tiễn sản xuất và kinh doanh. Hạn chế này có thể trở thành rào cản đối với sự phát triển của thương mại dịch vụ trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang trở nên dịch vụ hóa sâu sắc.

  1. Kết luận

Xuất phát từ việc thừa nhận dịch vụ hóa là một xu hướng lớn của thương mại quốc tế, bài viết đi sâu vào một bộ phận của xu hướng này – các dịch vụ tạo ra giá trị gia tăng của hàng hóa xuất khẩu được bao hàm trong các hàng hóa đó. Bài viết chỉ ra rằng dịch vụ đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực sản xuất, nhất là khi xét trên giá trị gia tăng. Hơn nữa, một tỷ lệ dịch vụ đáng kể hiện được cung ứng gián tiếp thông qua hàng hóa xuất khẩu và bốn phương thức cung ứng dịch vụ theo định nghĩa của GATS không phản ánh được hình thái cung ứng dịch vụ đặc biệt này. Đây là lý do thúc đẩy các học giả đề xướng ra một phương thức cung ứng dịch vụ mới – “phương thức 5”.

Việc nghiên cứu về hiện tượng dịch vụ hóa và “phương thức 5” trong cung ứng dịch vụ cho thấy hệ thống quy tắc hiện hành đang dần trở nên lạc hậu, không phản ánh kịp thời các xu hướng mới hình thành trong thương mại quốc tế. Nguyên nhân của điều này là do nền tảng của các quy tắc điều chỉnh thương mại quốc tế được đặt ra từ nhiều thập kỷ trước, khi mà công nghệ, nhất là công nghệ thông tin còn chưa phát triển. Hướng tiếp cận cơ bản của hệ thống quy tắc hiện hành là tách biệt thương mại hàng hóa và dịch vụ. Trong khi đó xu hướng dịch vụ hóa, nhất là khái niệm “phương thức 5” cho thấy ranh giới giữa thương mại hàng hóa và dịch vụ đã không còn rõ rệt. Trong tương lai, tiến bộ công nghệ sẽ khiến cho ranh giới này càng trở nên mờ nhạt hơn. Sự lạc hậu của hệ thống quy tắc có thể sẽ trở thành rào cản đối với sự phát triển của thương mại quốc tế.

Xu hướng dịch vụ hóa và “phương thức 5” có những hàm ý quan trọng đối với tương lai của chính sách và pháp luật thương mại quốc tế. Nhận thức được điều này, bài viết đưa ra một số kiến nghị sau đây:

Thứ nhất, với vai trò là diễn đàn lớn nhất về thương mại quốc tế, WTO cần thúc đẩy các thành viên đàm phán, hoàn thiện các hiệp định hiện có như GATT và GATS để hướng tới xây dựng các quy tắc thương mại phù hợp hơn, phản ánh đầy đủ xu hướng dịch vụ hóa và phương thức cung ứng dịch vụ gián tiếp thông qua thương mại hàng hóa. Trong những năm gần đây WTO đã thúc đẩy các thảo luận ban đầu về thương mại giá trị gia tăng, đây là cơ sở rất quan trọng để hiểu về hiện tượng dịch vụ hóa. Do đó WTO cần tiếp tục giữ vị trí tiên phong trong việc nghiên cứu, thảo luận về dịch vụ hóa và “phương thức 5”.

Xu hướng dịch vụ hóa và khái niệm “phương thức 5” cũng mở ra hướng đi cho WTO trong nỗ lực hỗ trợ tạo thuận lợi thương mại. Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại (TFA) của WTO hiện nay mới chỉ tập trung vào lĩnh vực thương mại hàng hóa. Ý định đàm phán một hiệp định tương tự đối với thương mại dịch vụ chưa có dấu hiệu khả thi trong tương lai gần. Song vì dịch vụ tham gia sâu rộng vào thương mại hàng hóa nên trước khi có một hiệp định dành riêng cho lĩnh vực dịch vụ thì việc đẩy mạnh thực hiện TFA là hết sức cần thiết. Một khi TFA được thực thi thành công, các dịch vụ tham gia vào quá trình sản xuất, phân phối hàng hóa cũng gián tiếp được hưởng lợi.

Thứ hai, với các cơ quan ban hành và thực thi chính sách thương mại ở cấp quốc gia, xu hướng dịch vụ hóa và sự ra đời của “phương thức 5” đặt ra nhu cầu xây dựng các chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho thương mại dịch vụ phát triển. Thay vì xem dịch vụ và sản xuất như hai lĩnh vực tách biệt, các chính phủ cần nhận thức rằng chúng có sự liên hệ mật thiết với nhau. Do đó, để thúc đẩy lĩnh vực sản xuất, các nước cần chú trọng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự hiện diện thương mại và thể nhân nước ngoài (vốn là những cam kết thuộc lĩnh vực dịch vụ) để thu hút công nghệ và chất xám. Tương tự, để mở của thị trường cho một ngành dịch vụ, chính phủ không chỉ cần đàm phán trong lĩnh vực dịch vụ mà cần nhìn thấy dịch vụ đó có thể được xuất khẩu gián tiếp thông qua hàng hóa, từ đó tính trước được các rào cản thuế quan và phu thuế quan nào có thể ảnh hưởng tới ngành dịch vụ đó.

Điểm thuận lợi so với việc đàm phán trong khuôn khổ WTO, vốn tiến triển rất chậm, là các quốc gia có thể chủ động hơn khi ký kết các FTA, cũng như khi xây dựng hệ thống chính sách thương mại riêng. Chẳng hạn, quy tắc xuất xứ trong các FTA cần được cải tiến theo hướng xem xét cả phần giá trị của những dịch vụ bao hàm trong hàng hóa. Đối với vấn đề xác định trị giá tính thuế, các khoản điều chỉnh (có liên quan tới dịch vụ) vốn được Hiệp định Trị giá hải quan WTO để ngỏ cho các nước thành viên quy định cụ thể, nên các nước có thể vận dụng theo hướng đơn giản, rõ ràng, tránh thất thu thuế, song cũng không cản trở thương mại.

Cuối cùng, giới học thuật đóng vai trò rất quan trọng vì đây là những vấn đề lý thuyết mới. Tuy nghiên cứu về dịch vụ hóa và “phương thức 5” của một số học giả tiên phong đã gây được tiếng vang lớn, còn một chặng đường dài để chúng trở thành các chủ đề phổ cập trong thương mại quốc tế. Giới nghiên cứu có nhiệm vụ giới thiệu các xu hướng và khái niệm mới này tại những diễn đàn chính thức và tiếp tục nghiên cứu thấu đáo các khía cạnh kinh tế và pháp lý của vấn đề. Bên cạnh đó, còn nhiều vấn đề rất cần sự tham gia của giới học thuật, chẳng hạn việc xem xét yếu tố dịch vụ trong hàng hóa là điều tất yếu, nhưng về mặt kỹ thuật xây dựng chính sách thương mại thì việc đó cần phải tiến hành ra sao? Đâu là lợi ích và bất lợi nào khi hệ thống các quy tắc thương mại hiện hành được hoàn thiện theo hướng phản ánh được xu hướng dịch vụ hóa? Những câu hỏi đó đều đòi hỏi sự dẫn đường và dự báo của giới học thuật thông qua các công trình nghiên cứu.

Tóm lại, bài viết đã giới thiệu tầm quan trọng của xu hướng dịch vụ hóa và khái niệm cung ứng dịch vụ theo “phương thức 5”. Việc hiện tượng dịch vụ hóa và “phương thức 5” diễn ra ở rộng khắp cho thấy mọi quốc gia và mọi ngành sản xuất đều sẽ hưởng lợi từ việc tạo thuận lợi cho thương mại dịch vụ, nhất là dịch vụ được cung ứng theo “phương thức 5”. Do đó, có thể nói việc cải tiến, điều chỉnh chính sách thương mại ở cấp độ quốc gia và quốc tế để cập nhật những xu hướng mới này sẽ quyết định tương lai của thương mại. Về cốt lõi, hiện tượng dịch vụ hóa và khái niệm “phương thức 5” cho các quy tắc thương mại cần được xây dựng theo hướng xem xét đồng thời “hàng hóa và dịch vụ” chứ không phải “hàng hóa hoặc dịch vụ”. Sau cùng, chủ đề này vẫn còn rất mới mẻ trên thế giới và ở Việt Nam vì thế cần có thêm các cuộc tranh luận chính sách và học thuật để mở ra các hướng nghiên cứu mới trong tương lai.

Chủ đề