Sau khi Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân thị bữa tiệc được tổ chức như thế nào


II. Lễ thành lập đội

Về địa điểm để tổ chức lễ thành lập đội, trước đó lãnh tụ Hồ Chí Minh đã hỏi đồng chí Võ Nguyên Giáp là có thể tìm được một căn cứ "tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ" được không? Ðồng chí Võ Nguyên Giáp trả lời: "Có thể. Nhất định quân địch không thể tiêu diệt quân ta được". Sau khi cân nhắc các yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa", và cả mặt địa danh lịch sử, tên gọi, địa điểm được chọn là khu rừng đại ngàn nằm giữa hai tổng Trần Hưng Ðạo và Hoàng Hoa Thám, thuộc châu Nguyên Bình, Cao Bằng. Khu rừng này thuộc núi Dền Sinh, dãy Khâu Giáng, nơi có nhiều cây cổ thụ và đỉnh Slam Cao, cao nhất trong các dãy núi xung quanh, rất tiện cho việc bố trí vị trí quan sát. Nơi đây có địa thế hiểm trở. Về phía bắc, từ Kim Mã sang châu Trần Phú có đường thông sang Trung Quốc. Phía đông cũng có đường sang châu Phùng Chí Kiên, sang dãy núi Kim Hỷ, tiến về mạn Bắc Sơn, Ðình Cả. Phía tây khu vực này trông sang ngọn núi Phia Bắc và Khao Sơn và phía nam tiến thẳng xuống núi Cứu Quốc. Khu rừng nằm trên dải núi giáp giới ba tỉnh Cao Bằng-Bắc Cạn-Lạng Sơn, lại lọt vào giữa hai quốc lộ số 3 và 4. Ðây là những điều kiện cho Ðội liên lạc bí mật với trung du dễ dàng, nên dù không may bị bại lộ, quân địch cũng khó tiến công vào được, hoặc có vào đến nơi thì với địa thế hiểm trở nhưng thông thuộc ấy, quân du kích rút lui rất dễ dàng, dễ tản mát lên vùng Cao Bằng, hoặc xuống Lạng Sơn, Bắc Cạn.

Trước ngày thành lập đội, theo lời dặn của lãnh tụ Hồ Chí Minh: "Hoạt động của Ðội phải lấy chi bộ làm hạt nhân lãnh đạo", các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy đội đã tiến hành thành lập chi bộ đảng của đội. Lúc các đội viên chưa về tập trung, chi bộ gồm các đồng chí: Xích Thắng, Hoàng Sâm, Võ Nguyên Giáp và Hoàng Văn Thái, do đồng chí Xích Thắng làm "Thư ký chi bộ". Trong số các đội viên được triệu tập, hoặc được cử đến, có nhiều người đã là đảng viên. Khi  đội tập trung, các đồng chí đảng viên này tiếp tục sinh hoạt tại chi bộ  đảng của  đội, nên số đảng viên trong chi bộ của  đội tăng lên. Một số các đội viên đã là đảng viên gồm: Mông Phúc Thơ, Hoàng Thịnh, Trương Ðắc, Dương Ðại Long, La Thanh, Thu Sơn. Do đó, chi bộ Ðảng càng đông và mạnh hơn...

Ngay từ sáng 22-12, tất cả các đội viên đã tề tựu ở khu rừng Trần Hưng Ðạo, tạm nghỉ ngơi trong ba cái lán do cơ sở cách mạng ở đây đã dựng sẵn. Các cán bộ được phân công theo từng tổ để phụ trách từng việc. Cả khu rừng tưng bừng hẳn lên. Chỗ này năm bảy người chống khuỷu trên những cái bàn bằng phên đan đặt trên bốn cái cọc giữa đám giấy lòe loẹt đủ mọi mầu của hàng mã và một ống mực đang cặm cụi viết lia lịa những biểu ngữ, những khẩu hiệu. Trông các anh em, người rọc giấy, kẻ mài mực kẻ viết, ta có cảm tưởng ở vào một gia đình đang sửa soạn những câu đối mừng xuân. Gần chỗ viết biểu ngữ, trên một khoảng đất tương đối bằng phẳng và khá rộng, dưới những gốc cây lim, dẻ là nơi sẽ tiến hành làm lễ thành lập đội. Một cột cờ "tự nhiên" vốn là một cây to, thẳng tắp, chặt bớt mấy cành lá cho bớt um tùm. Phía trước cột cờ, là một "kỳ đài", gồm bốn cái cọc tre đóng xuống đất và những mảnh phên đan buộc lên trên thành cái bàn lớn. Kỳ đài này sẽ là nơi đồng chí Võ Nguyên Giáp đứng lên chủ trì buổi lễ thành lập. Những bà con hội viên ở dưới làng có nhiệm vụ đi lại nơi trú quân để giúp đỡ đội, lần đầu thấy quân đội cách mạng tập trung đông đảo với súng ống như vậy, đều hết sức phấn khởi. Những người không có việc gì làm thì mang súng ra lau chùi, xếp dọn xung quanh hoặc làm những việc vặt.

Chiều 22-12, đồng chí Nông Văn Lạc - Chủ nhiệm Việt Minh liên huyện Nguyên Bình - Ngân Sơn, đi kiểm tra lại tất cả các con đường dẫn tới khu rừng Trần Hưng Ðạo, xem xét kỹ tình hình các vùng lân cận, đồng thời bố trí thêm vài ba chốt canh gác ở những nơi địch hay đi tuần. Ðại biểu về dự lễ thành lập ngồi trong các lán, trao đổi về tình hình cách mạng, tình hình các đoàn thể ở địa phương thời gian qua. Gần 17 giờ, một hồi còi vang lên, đồng chí Xích Thắng gọi mọi người ra dự lễ.

Trời về chiều, đang tiết giữa đông, không khí nơi núi cao lạnh buốt. Trên một khoảng đất rộng giữa khu rừng đại ngàn với những cây cao thẳng tắp, các đội viên xếp thành một trung đội ba hàng nghiêm trang, hướng lên phía cột cờ chờ đợi giờ khai mạc. Hai bên kỳ đài là đại biểu Liên tỉnh ủy Cao-Bắc-Lạng, Ban khu, Ban châu, các tổng, xã và bà con các dân tộc, cùng cán bộ các đoàn thể Cứu quốc.

17 giờ, lễ thành lập Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân bắt đầu. Ðồng chí Võ Nguyên Giáp bước lên kỳ đài. Mở đầu là lễ chào cờ, sau tiếng hô, mấy chục cặp mắt nhìn theo lá cờ đỏ sao vàng năm cánh đang từ từ kéo lên. Ban tổ chức tuyên bố lý do và giới thiệu đại biểu. Mỗi lần giới thiệu xong, tiếng vỗ tay lại vang lên. Ðồng chí Võ Nguyên Giáp thay mặt đoàn thể, đọc diễn từ tuyên bố thành lập đội và nêu rõ nhiệm vụ của đội đối với Tổ quốc:

 "Các đồng chí!

Ngày hôm nay, 22 tháng 12 năm 1944, theo mệnh lệnh của Ðoàn thể, chúng ta tập trung ở chốn rừng xanh núi đỏ này, giữa tổng Trần Hưng Ðạo và tổng Hoàng Hoa Thám trong liên tỉnh Cao-Bắc-Lạng, để khai hội thành lập Ðội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân...  Quân giải phóng là một đội quân rất trọng kỷ luật, tuyệt đối phục tùng thượng lệnh, là một đội quân giàu tinh thần đoàn kết, đồng cam cộng khổ. Kinh nghiệm của chúng ta còn non, nhưng có làm mới có kinh nghiệm và làm tất nhiên sẽ có kinh nghiệm. Chúng ta tin tưởng ở thắng lợi...

Theo chỉ thị của đoàn thể, dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, tôi xin tuyên bố: Ðội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân thành lập và hạ lệnh cho các đồng chí tiến lên trên con đường vũ trang tranh đấu..." (1).

Sau khi đọc xong, đồng chí cùng mọi người hô to các khẩu hiệu: "Kiên quyết tiến lên trên đường chiến đấu", "Tinh thần Ðội tuyên truyền Việt Nam Giải phóng quân muôn năm", "Ðoàn thể  Việt Minh muôn năm", "Việt Nam độc lập muôn năm". Sau đó, đồng chí Võ Nguyên Giáp long trọng đọc Mười lời thề danh dự:

 Chúng tôi, đội viên Ðội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân, xin lấy danh dự của một người chiến sĩ cứu quốc mà thề dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh:

- Xin thề: Hy sinh tất cả vì Tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để tiêu diệt bọn phát-xít Nhật, Pháp làm cho nước Việt Nam trở  nên một nước độc lập và dân chủ, ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới...

- Xin thề: Khi tiếp xúc với dân chúng sẽ làm đúng ba điều nên: kính trọng dân - giúp đỡ dân - bảo vệ dân và ba điều răn: không dọa nạt dân - không lấy của dân, không quấy nhiễu dân

Sau những lời thề, những cánh tay đồng loạt giương cao, cùng những tiếng hô "Xin thề" đồng thanh cất lên mạnh mẽ, vang động núi rừng. Ðại diện Liên tỉnh ủy đọc lời chào mừng và tin tưởng đội sẽ hoàn thành nhiệm vụ mà đoàn thể giao phó. Ðại diện các tổ chức thanh niên, phụ nữ, các đội vũ trang địa phương lên chúc mừng đội bằng những lời cảm động và tin tưởng.

Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân có 34 đội viên, do đồng chí Hoàng Sâm làm Ðội trưởng, đồng chí Xích Thắng (tức Dương Mạc Thạch) làm Chính trị viên, đồng chí Hoàng Văn Thái phụ trách kế hoạch - tình báo. Ðội biên chế thành ba tiểu đội.

Nhân dân và các đoàn thể đem rất nhiều quà bánh đến chúc mừng, úy lạo đội. Dù vậy, theo yêu cầu của số đông anh em, chiều hôm đó cả đội tổ chức một bữa cơm nhạt, không rau, không muối để nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ của người chiến sĩ cách mạng. Sau bữa cơm không rau, không muối là đêm du kích đầm ấm, cảm động diễn ra đến nửa đêm cạnh đống lửa bập bùng cháy giữa rừng mùa đông giá lạnh. Mỗi đội viên đứng lên giới thiệu bí danh, xuất thân, quê quán, con đường đến với cách mạng, từ đó vạch trần những tội ác mà đế quốc thực dân gây ra cho bản thân, gia đình và quê hương mình. Ðêm du kích với những nội dung chính trị sâu sắc đã có tác động lớn đến tâm tư, tình cảm, ý chí căm thù giai cấp của từng đội viên-từng chiến  sĩ giải phóng trong đội quân chủ lực đầu tiên của cách mạng...

Trong giờ phút thiêng liêng của buổi lễ thành lập đội, tâm tư, cảm xúc của các đội viên thật khó tả. "Bao nhiêu chiến công oanh liệt của ông cha đời trước, của các chiến sĩ cách mạng, của nhân dân ta, phút chốc hiện ra rực rỡ trong ký ức. Nợ nước, thù nhà, oán hờn dân tộc, căm thù giai cấp làm cho máu nóng trong người như sắp sôi lên. Chúng tôi quên đi chúng tôi là ba mươi tư con người với những súng ống thô sơ, mà thấy đây là cả một đoàn quân gang thép, rắn chắc, không sức mạnh nào khuất phục nổi, sẵn sàng quật nát kẻ thù. Tin tưởng, náo nức, cảm động" (2). Ðêm 22-12-1944 sẽ mãi không bao giờ phai mờ trong ký ức của những người chứng kiến buổi lễ trọng đại đó.

... Chỉ chưa đầy nửa năm sau ngày thành lập, vừa chiến đấu vừa vũ trang tuyên truyền, Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã phát triển, lớn mạnh nhanh chóng. Sự ra đời và hoạt động của đội đánh dấu bước phát triển rất quan trọng của lực lượng vũ trang nhân dân ta trong quá trình hình thành và phát triển từ bắt đầu năm 1930, với các đội tự vệ đỏ đến Quân đội nhân dân cách mạng hùng mạnh, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại ngày nay... Ðó cũng là cái mốc đánh dấu một bước tiến quan trọng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta. Từ đây, đất nước ta có một đội quân chủ lực thống nhất, có cương lĩnh chính trị, quân sự rõ ràng, chiến đấu dũng cảm, liên hệ mật thiết với nhân dân, đã ra quân là đánh thắng.

Trong chỉ thị thành lập Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, lãnh tụ Hồ Chí Minh đã nêu lên những tư tưởng lớn về quân sự. Chỉ thị tuy ngắn nhưng rất súc tích, hàm chứa những vấn đề cơ bản về đường lối quân sự của Ðảng: vấn đề kháng chiến toàn dân, vấn đề động viên và vũ trang toàn dân, nguyên tắc xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng, phương châm xây dựng và hoạt động của các thứ quân (quân chủ lực, quân địa phương và lực lượng tự vệ rộng khắp), phương thức hoạt động kết hợp quân sự với chính trị của lực lượng vũ trang, nguyên tắc chiến thuật, tác chiến, cách đánh của lực lượng vũ trang bí mật, bất ngờ, tích cực, chủ động, mưu trí và linh hoạt. Ðây là lần đầu tiên Người chỉ thị thành lập một đội quân chủ lực của đất nước và trực tiếp thông qua 10 lời thề danh dự của đội quân đó.

Những điều Người viết trong bản chỉ thị lịch sử ấy đều đã trở thành hiện thực, chứng tỏ tầm nhìn chiến lược và dự đoán thiên tài của Người: "Ðội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân là đội quân đàn anh, mong cho chóng có những đội  đàn em khác.

Tuy lúc đầu quy mô của nó còn nhỏ, nhưng tiền đồ của nó rất vẻ vang. Nó là khởi điểm của Giải phóng quân. Nó có thể đi suốt từ Nam chí Bắc, khắp đất nước Việt Nam chúng ta".

"Chỉ thị thành lập Ðội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân là văn kiện lịch sử, được coi như cương lĩnh quân sự đầu tiên của Ðảng ta. Chỉ thị đánh dấu bước hoàn chỉnh lý luận về xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng trong thời kỳ khởi nghĩa ở Việt Nam" (3).

Chỉ thị thành lập Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là một chủ trương sáng suốt, một cương lĩnh quân sự của Hồ Chí Minh. Hình thức hoạt động của đội quân chủ lực này đã được Người đúc rút kinh nghiệm từ hoạt động của các đội du kích trước đó, mà trực tiếp nhất là Ðội du kích Pác Bó trong những năm 1942-1943. Tác giả người Nhật Sigô Sibata, khi nghiên cứu về chủ trương thành lập Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, đã đánh giá cao chủ trương sáng suốt đó: Những nguyên tắc chỉ đạo cho Ðội Việt Nam tuyên truyền Giải phóng quân do Cụ Hồ Chí Minh và Ðảng Lao động Việt Nam đề ra  trước cách mạng 1945 tiêu biểu cho một lý luận độc đáo phù hợp với những điều kiện riêng của Việt Nam.

Ðánh giá về đội quân chủ lực tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày 22-12-1947, kỷ niệm năm thứ ba thành lập Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có bài viết kể lại những ngày đầu của đội. Người viết: "Ðội thứ nhất của Giải phóng quân ngày trước là cái hạt giống bé nhỏ, do đó mà nảy nở thành cái rừng to lớn là Vệ Quốc quân ngày nay, nếu người ngoài trông thấy bước đầu của Giải phóng quân thì chắc họ sẽ cho rằng đó là một trò chơi của trẻ con, hay là công việc của mấy người "không tưởng", chắc họ sẽ mỉa mai rằng:

"Vài chục thằng thanh niên học trò và dân cày, Thổ có, Nùng có, Trại có, Kinh có. Với vài khẩu súng quèn, mươi con dao mã tấu, mà cũng dám gọi là quân, cũng dám gánh cái trách nhiệm giải phóng cho dân tộc".

Nhưng chúng ta đã quyết tâm làm cho kỳ được kế hoạch gây dựng Giải phóng quân, đã giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp thi hành.

... Nhờ đồng bào Việt Bắc hăng hái giúp đỡ mọi mặt, có người bán cả trâu, cả ruộng để giúp, đồng bào các nơi cũng ra sức ủng hộ, bộ đội thì đánh luôn được mấy trận vẻ vang, từ đó, người càng đông, sức càng mạnh... Trông thấy tinh thần hăng hái và kỷ luật nghiêm minh của quân Giải phóng, chẳng những đồng bào cũng yêu mến, mà các người quân nhân ngoại quốc cũng đều phải khen..."(4).

Mười lời thề danh dự mà các đội viên Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đọc trong buổi lễ thành lập ngày ấy đã trở thành mười lời thề danh dự của quân đội ta về sau. Mười lời thề thể hiện lên lòng trung thành vô hạn đối với Tổ quốc, với Ðảng, tinh thần hy sinh chiến đấu đến giọt máu cuối cùng vì sự nghiệp cách mạng, ý chí kiên quyết tiêu diệt quân thù cướp nước, hết lòng hết dạ phục vụ nhân dân. Nó cũng thể hiện tinh thần đoàn kết và ý thức tổ chức kỷ luật rất cao của một đội quân cách mạng.

Sự ra đời của Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là một tất yếu lịch sử trong sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Nó đánh dấu một bước ngoặt trên con đường đấu tranh cách mạng của dân tộc, đáp ứng yêu cầu phát triển của cách mạng nước ta lúc đó. Cổ, kim, đông, tây, mọi quân đội sinh ra đều làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ một chế độ, một tập đoàn chính trị, một nhà nước. Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, ngoài chức năng đó, đã đảm đương và làm tốt chức năng mà không phải một đội quân nào cũng có được. Ðó là chức năng vận động quần chúng theo phương châm "chính trị trọng hơn quân sự", "tuyên truyền trọng hơn tác chiến". Tên của đội và phương châm hoạt động đó không có nghĩa đội là một đội tuyên truyền xung phong, chỉ giải thích đường lối chính sách. Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân là một đội quân chủ lực, vừa đánh giặc vừa thường xuyên làm tốt nhiệm vụ vận động cách mạng trong quần chúng. Là một đội quân chủ lực, có quan hệ chặt chẽ với các lực lượng vũ trang địa phương, đội đã đánh thắng giặc để truyền bá sự nghiệp giải phóng dân tộc, để nhân dân ta hiểu rằng: đã đến lúc cần phải đứng lên đánh đuổi thực dân, đế quốc và có khả năng đánh thắng chúng. Với phương châm hoạt động thích hợp "chính trị trọng hơn quân sự", dùng lực lượng vũ trang để tuyên truyền vận động nhân dân, đội quân chủ lực này đã dìu dắt các đội vũ trang của các châu, huyện, xã; huấn luyện, giúp đỡ vũ khí giúp các đội quân này ra đời và mau chóng phát triển. Mặt khác, Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã gắn hoạt động quân sự với chính trị, vũ trang với tuyên truyền, tham gia vận động quần chúng, tổ chức hội Việt Minh ở những nơi đội đi qua.

Ra đời và hoạt động tuy chỉ trong một thời gian ngắn, nhưng Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân đã đảm đương và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. Những thắng lợi cả về quân sự và chính trị của đội đã góp phần tích cực vào việc củng cố và mở rộng khu căn cứ Cao - Bắc - Lạng, cổ vũ nhân dân thêm tin tưởng ở con đường khởi nghĩa vũ trang, con đường cách mạng của Ðảng. Ðội đã góp phần to lớn trong việc thúc đẩy phong trào cách mạng tiến lên. Thực tiễn đã chứng tỏ: những hoạt động và ảnh hưởng của Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân hồi đó, cũng như sự tồn tại và phát triển của quân đội ta sau này, đã đáp ứng đúng và kịp thời những đòi hỏi của lịch sử, những yêu cầu của công cuộc chuẩn bị Tổng khởi nghĩa và chiến tranh giải phóng, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở nước ta. Mặt khác, việc tổ chức và hoạt động của đội cũng đã làm phong phú thêm bài học kinh nghiệm về chỉ đạo hình thức đấu tranh cách mạng của Ðảng ta.

Bên cạnh đó, những cán bộ, đội viên của đội về sau đã thực sự đóng vai trò "hạt nhân" để xây dựng và phát triển những đơn vị vũ trang mới. Những ngày sau khi Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), Ban chỉ huy  đội đã cử các đội viên của mình tới các địa phương khác, làm nòng cốt tổ chức các đơn vị vũ trang của địa phương, huấn luyện, giúp đỡ các đội này, cùng với các cấp ủy đảng và Việt Minh các nơi này lãnh đạo nhân dân giành chính quyền. Những ngày đầu sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, rất nhiều cán bộ của đội đã có mặt ở những chiến trường nóng bỏng, các mặt trận ở miền nam. Các đồng chí đã chứng tỏ cho nhân dân ở những nơi này thấy rõ phẩm chất tốt đẹp của những chiến sĩ của đội quân chủ lực đầu tiên, "đội quân đàn anh". Ðó là những gương chiến đấu dũng cảm của các đồng chí như: Thu Sơn, Nam Long, Mông Văn Vẩy, Dương Ðại Long, Thái Sơn, Ðàm Quốc Chủng (bộ đội giải phóng quân Nam tiến), Hoàng Sâm (bộ đội Tây tiến)... Các chiến sĩ của đội đã hoàn thành tốt vai trò là những mầm cây, "những hạt giống bé nhỏ", từ đó phát triển thành "cái rừng to lớn" là Quân đội nhân dân Việt Nam về sau - như lời đánh giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm ba năm Ngày thành lập đội (22-12-1947).

 Nhà nghiên cứu người Mỹ William Duiker đã đánh giá: Với việc hình thành đội vũ trang tuyên truyền đầu tiên ngày 22 tháng 12 năm 1944, diện mạo của lực lượng vũ trang tương lai, còn gọi là Việt Nam giải phóng quân, bắt đầu hình thành. Ðội tuyên truyền vũ trang là đơn vị chính quy đầu tiên của phong trào. Lực lượng này sẽ tăng viện cho lực lượng du kích được tổ chức và chỉ đạo ở cấp huyện, các đơn vị tự vệ được tuyển từ các làng dưới sự chỉ đạo của Ðảng.

Sự ra đời và hoạt động của Ðội Việt Nam tuyên truyền  giải phóng quân trước ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 là một hiện tượng lịch sử độc đáo: quân đội có trước chính quyền, đã mở đầu những truyền thống tốt đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam sau này.

(Theo cuốn "Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân", NXB Quân đội nhân dân 2003).

....................................................

(1). Võ Nguyên Giáp - Những chặng đường lịch sử, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.134 và 135.

(2). Võ Nguyên Giáp - Những chặng đường lịch sử, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, tr.136

(3). Viện Lịch sử quân sự Việt Nam - Lịch sử quân sự Việt Nam, tập 9, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.285.

(4). Hồ Chí Minh toàn tập, H: NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 5, tr. 329.

Video liên quan

Chủ đề