Sách công vụ tông đồ được biên soạn vào năm nào

Bài 25: Tin Mừng theo thánh Gioan

– Tác giả

Thánh Luca, tác giả sách Tin Mừng thứ ba, cũng được xem là tác giả sách Công vụ tông đồ. Hai sách này dều đề tặng ông Thêôphilô, giống nhau về từ vựng, bút pháp và văn thể.

– Độc giả

Thánh Luca mô tả đời sống Giáo hội tiên khởi và sự phát triển của Giáo hội, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần đã hiện xuống trong ngày Lễ ngũ tuần. Thánh Luca cũng muốn hướng đến những người có thiện cảm với Kitô giáo, nhưng còn e ngại vì trong đế quốc Rôma có sự chống đối lại Kitô giáo

– Thời gian và nơi biên soạn

Sách Công vụ tông đồ được viết sau Tin Mừng Luca, có thể ở Akhaia sau khi thánh Phaolô tử đạo, hoặc ở Rôma trước khi thánh Phaolô mãn hạn từ năm 61-63.

– Mục đích

Thánh Luca viết về hoạt động truyền giáo của 2 vị tông đồ cả là thánh Phêrô và thánh Phaolô. Thánh Phêrô khởi đầu hoạt động tại Giêrusalem, theo đúng lệnh truyền của Đức Giêsu (Lc 24,47). Thánh Phaolô đến tận Rôma, tức là tận cùng thế giới, cũng theo lệnh truyền của Đức Giêsu.

KHÁI QUÁT SÁCH CÔNG VỤ TÔNG ĐỒ

Sách Công Vụ Tông Đồ là tác phẩm của thánh Lu-ca, bạn đồng hành với thánh Phao-lô trên đường truyền giáo. Sách kể lại những công việc tác giả biêt rõ. Vào khoảng năm 200, cả Hội thánh đều tin rằng sàch này là một thành phần của bộ Kinh thánh, và vì thế, cũng là mẫu mực về chân lý và đức tin. Sách được đọc trong phụng vụ mùa Phục Sinh rất sớm, muộn nhất là từ thế kỷ IV trở đi. Như vậy, sách đã hướng dẫn đức tin của Hội thánh trong những thế kỷ đầu và hình ảnh cộng đồng Ki-tô hữu tiên khởi đã gợi hứng cho phong trào tu hành nảy sinh.

1. Bản văn sách Công Vụ

Khi đọc một tác phẩm cổ, thường người ta hay tìm cho biết đâu là bản chính. Đối với sách Công Vụ, vấn đề này khá phức tạp. Phần lớn các bằng chứng vế tác phẩm này thuộc hai bản văn: Xi-ri-a (hay An-ti-ô-khi-a) và Ai-cập (hay A-lê-xan-ri-a). Nhưng có thể gộp hai bản văn đó lại mà gọi là bản văn thông dụng, vì cả hai bản văn này rất giống nhau, khi so sánh với bản văn thứ ba gọi là bản văn Tây Phương.

2. Văn chương trong sách Công Vụ

Về văn chương và tư tưởng, ai cũng phải công nhận tính duy nhất trong sách. Tuy vậy, luận điệu có phần khác nhau và phần thứ nhất từ chương 1-15, không được chặt chẽ lắm. Ít có những chỉ dẫn về năm tháng, ngôn ngữ thì đươm mầu sê-mít và tư tưởng có vẻ cổ. Phần thứ hai, từ chương 16-28, chặt chẽ và mạch lạc hơn, có nhiều chỉ dẫn về năm tháng và từ ngữ hy lạp cũng trong sáng hơn.

Người ta có thể phân biệt trong tác phẩm này những đoạn văn khá dài. Đó là các bài tường thuật về công việc rao giảng Tin Mừng (2,1-41; 8,4-40; 9,32; 11,18; 13,1-21.26), các bài tường thuật về các vụ án (3,1-4,31; 5,17-42; 6,6-8,12; 12,1-7; 21,17-26,32). Rồi trong các đoạn văn phức tạp ấy, lại xen những đoạn vắn hơn, thuộc loại tường thuật và diễn từ.

Các bài tường thuật, khi có đối thoại khi không, và rất khác nhau, trong đó những chuyện lạ lùng chiếm chỗ khá lớn. Cũng phải kể vào loại này những bản tóm lược phác họa chung về giáo đoàn Giê-ru-sa-lem ở phần đầu sách (2,42-47; 4,32-35; 5,12-15).

Các bài tường thuật và các diễn từ cũng khác nhau không kém. Có những diễn từ truyền giáo đủ loại (2,15-36; 3,12-36; 4,10-12; 5,30-32; 10,36-43; 13,17-41) và những bài biện minh trước tòa án Do thái và Rô ma (4,8-12; 5,29-32; 7,2-53; 22,`1-21; 24,11-21: 26,3-23. Ngoài ra là những lời cầu nguyện (1,24-26; 4,24-30; 7,59-60} và một bức thư (19,25-27.35-40); 24,2-8; 25,14-21). Chắc hẳn tác giả đã dùng nhiều tài liệu có trước, hoặc do truyền miệng hoặc do đã được viết thành văn.

3. Sách Công vụ với lịch sử

Dù những tài liệu nói trên có thế nào đi nửa, chúng ta vẫn có thể và cần phải yêu quí giá trị lịch sử của sách Công Vụ Tông Đồ, và lịch sử của các bài tường thuật cũng như các diễn từ trong sách ấy.

Nhà sử học, trước hết phải tin vào nhiều sự kiện của sách Công Vụ, mà ngày nay chúng ta không có phương tiện khách quan để kiểm chứng, nên chỉ còn cách dựa vào lối phê bình nội tại. Nhờ lối phê bình này, người ta có thể nhận thấy một đôi chỗ trong các bài tường thuật những điểm bất đồng hay khó dung hòa được với nhau, hoặc vì tác giả đã dùng những tài liệu không chắc chắn hay thiếu sót, hoặc vì đã muốn thay đổi hay giải thích những tài liệu ấy theo ý mình. Tính khả tín của các câu chuyện cũng là một tiêu chuẩn để định giá. Nhưng dùng tiêu chuẩn này phải tế nhị, vì những lý chứng hay nhận xét không thuộc phạm vi lịch sử. Trường hợp khó nhất ở đây là những chuyện lạ lùng và nhất là những bài tường thuật về phép lạ. Dĩ nhiên là có thể và trong một vài trường hợp, rất có thể là tác giả hay các tài liệu được sử dụng đã muốn nhấn mạnh đến tính lạ lùng của một số bài tường thuật. Tuy vậy, thiết tưỡng không nên quên rằng ở thời sơ khởi của đạo chúng ta, các phép lạ đã đóng một vai trò quan trọng rõ rệt (Rm 15,18; 2 Cr 12,12; Hr 2,4; Mc 16,17-18)

Các diễn từ trong sách Công Vụ còn đặt nhiều vấn đề về sử tính hơn các bài tường thụật nữa. Thật thế, các sử gia thời xưa cho việc đặt ra các diễn từ, rồi để cho các nhân vật trong chuyện nói ra, là điều rất tự nhiên. Hầu hết các diễn từ trong sách Công Vụ đều ngắn gọn. Tuy vậy, điều ấy không có nghĩa đó là những bản tốc ký hay những bài đã được trí nhớ ghi lại đầy đủ, Sau cùng những chỗ xem ra không hợp với lịch sử, và những chỗ giống nhau về văn chương hay tư tưởng giữa các diễn từ và các bài tường thuật, chứng tỏ là tác giả đã can thiệp ít nhiều vào việc biên soạn các diễn từ, như bài của thánh Phao-lô nói với hàng trưởng lão ở Ê-phê-sô (20,18-38)

Một khía cạnh cuối cùng thiết tưởng cũng cần phải nêu lên, khi nói về sách Công Vụ, đó là những gì sách này không nói đến, chẳng hạn việc thành lập nhiều giáo đoàn và những chuyện bất đồng ý kiến giữa thánh Phao-lô và giáo đoàn Co-rin-tô.

4. Thần học trong sách Công Vụ

Chuyện nào trong sách Công Vụ cũng được giải thích theo ánh sáng đức tin. Các diễn từ được giải thích theo cách thế riêng của lịch sử Nước Trời. Cách giải thích dựa vào đức tin như thế còn được dùng cả trong các bài tường thuật nữa. Ở đây, Thiên Chúa tham dự như một diễn viên của câu chuyện. Người hiên diện qua vai trò của các thiên sứ (5.19; 8,26; 10,3.7.22; 11,13; 12,7-11.23; 27,23, qua Thần Khí (1,8; 2,4.17; 4,8=31; 5,32; 6,10; 8,15.17. 29.40; 10,19.44-47; 11,12.15) và qua các nhà truyền giáo của Người (15,4-12; 19,11). Các giáo đoàn có được tăng trưởng cũng là nhờ Người (2,47; 11,21-23).

4,1 Lịch sử cứu độ

Lời rao giảng của Ki-tô giáo là lời công bố một lịch sử cứu độ mà tác giả chính là Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên trời đất (17,24) và đã chọn Ít-ra-en làm dân riêng (3,25; 13,17). Vì thế, trong lịch sử, Cựu Ước là một phần của Tin Mừng mà phần đầu tiên là thời đại của các hình ảnh tiên báo (3,22; 7,22.25.27-35-38) và nhất là lời hứa và các lời ngôn sứ loan báo kế họach cứu độ của Thiên Chúa (2,23; 3,21; 4,18.30; 11,21; 13,11; 20,27; 21,14; 22,140); còn thời viên mãn thì đã hoàn tất khi Thiên Chúa làm cho “Đức Ki-tô trỗi dậy” (3,22.26; 13,23) và bảo đảm cho đời sống, lời giảng và các phép lạ của Đức Giê-su được hoàn hảo (1,22; 2,22; 10.36-38). Người Ít-ra-en không biết (3,17; 13,27), nhưng cuộc Thương Khó của Đức Giê-su tiếp tục thực hiện kế họach của Thiên Chúa. Cuối cùng, khi Thiên Chúa cho Đức Ki-tô phục sinh, đặt làm Chúa và làm Đấng Ki-tô cùng ban cho Thần Khí đã hứa (2,33) thì lời hứa với các Tổ Phụ đã được hoàn tất. Tuy nhiên, vì lời hứa này trước hết là hứa với Ít-ra-en và sau là hứa vói mọi người (2,39) “ở khắp cùng mặt đất” (1.8) nên việc hoàn tất nói trên lại mở ra một thời gian và một không gian mới để lịch sử tiếp tục. Sách Công Vụ quá lưu ý đến hiện tại khiến cho tương lai hóa ra mờ mịt (x 1,7.10-11), nhưng tương lai vẫn là đích xa của sách này. Ngày ấy Thiên Chúa sẽ hoàn thành kế họach của Người, khi sai Đức Ki-tô đến làm thẩm phán xét xử người sống và kẻ chết (10,42; x 1,11; 3,20; 17,31).

4,2 Ngày hôm nay của Thiên Chúa

Theo sách Công Vụ, tất cả những gì người ta thấy và nghe, kể từ ngày Phục Sinh, vẫn đang tiếp tục thực hiện các lời tiên báo (2,16-21; 13,40-41; 15, 15-18; 28,25-27). Thiên Chúa vẫn luôn luôn đóng vai trò chính và Đức Giê-su vẫn cùng với Thiên Chúa, là trung tâm mọi biến cố. Đức Ki-ô vẫn tiếp tục sứ mệnh của mình (3,26), Người đổ Thánh Thần xuống (2,33) làm cho đời sống của Hội thánh nên linh động (1,8…) Người đã dùng thánh Phao-lô loan báo ánh sáng cho dân Thiên Chúa và chư dân (26,23). Không phải tác giả sách Công Vụ đã tạo ra lối nhìn về tính hiện tại của lịch sử cứu độ, nhưng là thánh Phao-lô. Thánh giá và sự phục sinh của Đức Ki-tô thật quan trọng. Mọi lời hứa của Thiên Chúa đã được thực hiện trên thánh giá và qua sự phục sinh của Đức Ki-tô (2 Cr 1,20). Vì thế, thánh Phao-lô mới dạy rằng phải suy nghĩ và hành động theo viễn tượng của cái “ngày hôm nay” (2 Cr 6,2). Đối với thánh Phao-lô cũng như sách Công Vụ, lời rao giảng Tin Mừng là chính lời của Thiên Chúa đang hành động và lan tràn (1 Tx 2.,13-14; 2 Tx 3,1; 1 Cr 1,5-6). Điều này được chứng tỏ bằng các dấu lạ điềm thiêng (Rm 15,19; 2 Cr 12,12). Chính việc cải đạo của thánh Phao-lô cũng là một phần trong kế họach của Thiên Chúa (Gl 1,11-12.15.16). Thánh nhân cho rằng đời sống của các giáo đoàn như tiếp nối thời đại của Chúa Giê-su (1 Tx 2,14-15; x Hr 2,3-4). Vì vậy, tác giả sách Công Vụ không phải là người thứ nhất đã nhận ra tầm quan trọng của tính hiện tại trong chương trình của Thiên Chúa, nhưng đã làm cho cái “ngày hôm nay” ấy nổi hẳn lên, khi viết sách Công Vụ như để tiếp nối sách Tin Mừng Thứ Ba.

4,3 Lời Chúa và nơi được rao giảng

Đối với sách Công Vụ, cái “ngày hôm nay” của Thiên Chúa trước hết là thời gian của Lời Chúa, của Tin Mừng, của lời chứng tuyên xưng Đức Giê-su sống lại, Đấng là Chúa và là Đức Ki-tộ. Những người làm chứng đầu tiên cho niềm tin này là Mười Hai Tông Đồ và nhiều người khác nữa mà đứng đầu là Phao-lô rồi Tê-pha-nô, Phi-líp-phê, Bác-na-ba v.v…

Sách Công Vụ để ý đến nơi và người: nơi Lời Chúa được rao giảng và người đón nhận lời rao giảng. Trong các sách Tin Mừng, Đức Giê-su đã bắt đầu tỏ mình ra ở Na-da-rét và kết thúc ở Giê-ru-sa-lem, còn trong sách Công Vụ, Tin Mừng lại khởi sự từ Giê-ru-sa-lem, lan sang Giu-đê và Sa-ma-ri rồi tới Phê-ni-ki-a, Síp-rô và Xi-ri để truyền sang Tiểu Á và Hy-lạp trước khi đến Rô-ma. Như thế là hoàn tất con đường của Lời Chúa đến tận cùng trái đất, như ý Đấng phục sinh đã muốn và như đã được loan báo trong ngày lễ Ngũ Tuần. Sở dĩ như vậy vì Tin Mừng là dành cho mọi người: người Do thái rồi các người khác sau. Chủ đề chính của sách Công Vụ là cho thấy Tin Mừng và ơn cứu độ được chuyển đến các dân ngọai, như ý muốn của Thiên Chúa. Ông Co-nê-li-ô cải đạo, nhũng người Hy-lạp ở An-ti-ô-khi-a được nghe rao giảng Tin Mừng, Ba-na-ba và Phao-lô được sai đi truyền giáo. Đó là những bước đầu của công việc truyền giáo cho dân ngoại. Ở An-ti-ô-khi-a và cà Giê-ru-sa-lem, người ta bắt đầu đặt lại vấn đề, nhưng cuối cùng công việc vẫn được tiến hành. Từ đó, Phao-lô có thể khởi sự công việc truyền giáo rộng lớn hơn, theo ơn gọi riêng của mình. Vì bị bắt và bị giam giữ, Phao-lô đã có dịp đem Tin Mừng sang tận Roma, thủ đô của thế giới ngoại giáo lúc bấy giờ. Về chi tiết có thể có những điểm chưa rõ rệt, nhưng những điểm chính trong dàn bài sách Công Vụ đã nằm trong các giai đoạn truyền giáo trên đây, vừa theo địa lý, vừa theo từng hạng người.

4,4 Vào đạo, tin theo, chịu phép Rửa, lãnh nhận Thánh Thần

Lời rao giảng kêu gọi người nghe phải thay đổi lối sống (2,40; 3,19.26; 10,43; 13,38; 17,10) thoát khỏi sự u mê của mình (3,17; 13,17; 17,30), tắt một lời là tin và công nhận Đức Giê-su là Chúa, là Đấng Ki-tô (2,16; 11,17; 20,21). Đối với sách Công Vụ, tin là một hành vi tự do của con người, nhưng cũng là ơn Thiên Chúa ban (5,31; 11,18; 15,9; 16,14). Người là Đấng duy nhất mở cửa đức tin (14,27) và cứu độ chúng ta, nhờ Đức Giê-su (4,12; 5,31; 13,23; 15,11) Ngoài ra, tương ứng với hai ơn Thiên Chúa ban, là tha thứ tội lỗi (34,26; 10,45; 11,17), và cho ta lãnh nhận Thánh Thần (2,38; 10,45; 11,17). Về phía Hội thánh cũng có hai nghi thức: một là rửa bằng nước, nhân danh Đức Giê-su Ki-tô để được tha tội (2,38; 8,16; 10,48; 19,5; 22,16) và một là cử chỉ đặt tay để ban ơn Thánh Thần (6,6; 8,17; 19,6. Bấy giờ các tín hữu trở thành người được thanh tẩy trong Thánh Thần (1,5; 11,16) và được tham dự Lời Hứa.

5. Các giáo đoàn, Giáo hội, Dân Thiên Chúa

Những người theo đạo được sáp nhập vào những nhóm mà sách Công Vụ gọi là các giáo đoàn (5,11; 12,26). Sách cho thấy có nhiều giáo đoàn, nhưng tất cả đều ý thức mình đi chung trong một đường lối của Thiên Chúa (18,25-26; 16,17; 19,9-23; 22,4; 24,14-23). Mọi người dù ở đâu cũng mang những tên chung như “anh em” (1,15; 11,1; 12,17; 14,2, 21,17-18) hay các “tín hữu” (4,32; 18,27; 19,18; 21,20, hoặc các “môn đồ” (6,1; 9,1.26; 16,1; 18,23) hay “các thánh” (9,32.41; 26,10.18), “các ki-tô hữu” (11,26; 28,26). Vì thế, người ta đã dùng danh từ Giáo hội để gọi chung các giào đoàn. Đó là Giáo hội của Thiên Chúa mà Người đã tậu bằng giá máu của Con mình (20,28). Đối với tác giả, rõ ràng là toàn thể các tín hữu làm thành dân duy nhất của Thiên Chúa, trong đó đức tin tập hợp cả người cắt bì lẫn không cắt bì (15,14-17). Còn người Do thái thì ai không nghe lời Đức Giê-su, sẽ bị loại ra ngoài (3,2-3).

Dân này là sở hữu của Thiên Chúa, được ở gần Người và Đức Ki-tô cách đặc biệt. Nói tới Ki-tô hữu là nói tới chính Đức Giê-su (9,5); gia nhập một trong các giáo đoàn kia là sáp nhập vào Người, vì Thần Khí của Người linh hoạt và hướng dẫn tất cả đời sống của các giáo đoàn (1,8; 5,3-4.9; 9,31; 15,28; 20,28).

6. Đời sống của các giáo đoàn

Các bảng tóm lược trong sách Công Vụ vừa cho người ta đoán được đời sống của các giáo đoàn tiên khởi lúc bấy giờ ra sao và phải như thế nào, lại vừa cho thấy lý tưởng mà theo ý tác giả, mọi cộng đoàn Ki-tô hữu phải vươn tới.

Bảng tóm lược thứ nhất cho thấy tín hữu chuyên cần nghe giào huấn của các Tông Đồ (2,42). Giáo huấn này nhằm giúp cho những người mới vào đạo hiểu thêm những điều họ tin. Chắc luân lý đã chiếm phần quan trọng trong giáo lý này, và tình huynh đệ đã được đặc biệt lưu ý và đề cao. Tình huynh đệ là một nét nổi bật của các cộng đoàn Ki-tô hữu thuở sơ khai, chỉ đứng sau giáo huấn của các Tông Đồ. Vì tình huynh đệ, các tín hữu để của riêng làm của chung và chia sẻ cho nhau mỗi người tùy theo nhu cầu.

Sách Công Vụ còn nói đến việc bẻ bánh và cầu nguyện của giáo đoàn nữa (2,42). Chắc hẳn bẻ bánh là cử hành Thánh Thể (2,42; 13,2; 20,7), còn cầu nguyện thì không phải chỉ diễn ra trong tiệc Thánh Thể, trong phép Rửa và nghi lễ đặt tay (8,15-17) nghĩa là chỉ trong khi cử hành phụng vụ, nhưng còn bao trùm tất cả đời sống hàng ngày của các giáo đoàn và các Ki-tô hữu (1,14.24-25; 4,24-30; 7,53-60; 7,59-60; 9,40; 10,9; 12,5-12).

7. Các Tông Đồ, Bảy Phó Tế, tông đồ Phao-lô, các ngôn sứ và trưởng lão

Trong các giáo đoàn, những người phụ trách các dịch vụ có một vị trí đuợc dành riêng. Trước hết là trường hợp Mười Hai Tông Đồ chung quanh tông đồ trưởng Phê-rô. Ở Giê-ru-sa-lem cũng như tại các nơi khác, các ngài nắm một vị trí trổi vượt. Vai trò của các ngài vượt quá sứ mệnh căn bản là làm chứng và phục vụ Lời Chúa. Có lẽ chính vì các ngài có mặt tại Giê-ru-sa-lem, ít ra vào lúc đầu, nên cộng đoàn của các ngài đã trở nên một trung tâm điều hành (8,14; 9,32; 11, 1.27-30; 15,2-36; 21, 15-7). Chính các Tông Đồ, vì thấy mình không cáng đáng nổi hết các nhiệm vụ và muốn giữ lại những công việc chính yếu, nên đã thiết lập Nhóm Bảy Người (6,1). Trái lại, chính Đức Giê-su đã đích thân trao cho tông đồ Phao-lô một sứ mạng riêng. Sứ mạng này tuy ở trên bình diện khác với sứ mệnh chung của các Tông Đồ, nhưng không vì thế mà kém phần quan trọng (9,15; 18,15) và đã làm cho Phao-lô thành người xây dựng và điều khiển nhiều giáo đoàn, Ở một bình diện khác hẳn, lại có các ngôn sứ. Không chỗ nào thấy nói những người này đã được đặt lên mà chỉ thấy nói họ đã được Thần Khí linh hứng và họ đã đóng một vai trò quan trọng trong các giáo đoàn của Phao-lô.

Cuối cùng, các tín hữu, tuy không phải là ngôn sứ, nhưng đã tích cực tham gia sinh họat của các giáo đoàn buổi sơ khai. Cuộc đại hội ở Giê-ru-sa-lem mà ngày nay được gọi là Công Đồng, đã kết thúc với một quyết định của Chúa Thánh Thần là làm cho tất cả nên “một lòng một ý với toàn thể Hội thánh” (15,22-23.28)

8. Luật Mô-sê và lòng tin vào Chúa Giê-su

Vì là điều quan trọng nên điểm cuối cùng của sách Công Vụ cần phải được bàn giải riêng. Đó là vấn đề tác giả đã quan niệm việc chuyển từ Do thái giáo sang Ki-tô giáo, từ cứu độ nhờ lề luật sang cứu độ nhờ đức tin và ân sủng như thế nào.

Chúng ta biết trước mặt quan Phét-tô, tông đồ Phao-lô đã quả quyết rằng khi theo đạo và trở thành Ki-tô hữu, ngài vẫn trung thành với niềm tin và hy vọng của Ít-ra-en. Khi theo đạo mới, không vì vậy mà người Do thái phải bỏ các tập tục của cha ông, như lên đền thờ cầu nguyện (2,46; 3,1), giữ luật Mô-sê và chịu phép cắt bì v.v… Chính tông đồ Phao-lô cũng tự xưng và tỏ ra là người trung thành giữ luật (16,3; 18,18; 21,26; 22,17)

Nhưng những người Do thái mới này giờ đây đuợc hưởng mọi lời hứa trong Đức Giê-su là Chúa và là Đấng Ki-tô, phải tiếp xúc với các dân khác theo những cách thức cụ thể đặc biệt. Chính Thiên Chúa đã trực tiếp can thiệp cho những người không cắt bì đầu tiên được vào đạo. Đó là trường hợp ông Co-nê-li-ô và người nhà của ông ở Cai-da-ri-a (10,1-11,18). Thiên Chúa làm cho tông đồ trưởng Phê-rô hiểu rằng tiếp xúc với những người ấy, sau khi họ đã được đức tin thanh tẩy thì không còn làm cho người tín hữu Do thái bị “dơ” nữa. Cộng đoàn Do thái trở thành Ki-tô hữu ở Giê-ru-sa-lem chấp nhận và chào mừng biến cố này, nhưng một số người trong họ thì cho đây chỉ là một nố trừ. Quả vậy, có lần những người này bắt người Hy lạp ở An-ti-ô-khi-a muốn vào đạo, phải chịu cắt bì và giữ luật Do thái, mới được cứu độ. Đó là biện pháp quyết liệt để giải quyết các vấn đề gây ra khó khăn trong việc chung sống giữa người Do thái và không phải Do thái trong các cộng đoàn.

Nhưng điều cốt yếu là dù cắt bì hay không, người Ki-tô hữu được cứu độ nhờ đức tin và ân sủng của Chúa Giê-su. Như vậy, không còn lý do buộc người Do thái đã vào đạo cứ phải trung thành chịu cắt bì và giữ luật Mô-sê.

9. Độc gỉả và mục đích của sách Công Vụ

Sách Công Vụ được viết cho ai và nhằm mục đích gì, đó là điều cần bàn tới để giúp chúng ta hiểu lai lịch và giáo thuyết của sách này.

Có lẽ tác giả vẫn kể người Do thái là độc giả của sách này. Có thể một số người trong đám họ sẽ phải cảm động, khi thấy lòng trung thành của những tín hữu cắt bì đối với Lề luật Do thái, hoặc khi đọc những chỗ chứng minh rằng lời Kinh thánh đã hoàn tất. Nhưng không thể nói được rằng sách Công Vụ nhắm người Do thái trước kết, vì tác giả nhấn mạnh quá nhiều đến việc Ít-ra-en khước từ Tin Mừng và trách nhiệm của họ trong cái chết của Đức Ki-tô và các khó khăn họ gây ra cho các Ki-tô hữu.

Có gỉả thuyết cho rằng tác giả chủ ý nhằm dân ngoại. Mới nghe thì thấy cũng có lý và hấp dẫn vì nhiều điểm về dân ngoại được nhấn mạnh, như cùng một ơn cứu độ được chuyển sang cho lương dân (28,28). Phao-lô, nhà truyền giáo chính, là một công dân Roma (16,37; 22,22-29; 23,2-7); các tòa án Rô-ma đều công nhận Phao-lô vô tội (16,35-39; 17,8-9; 18,12-15; 19,37-38; 24,20-22; 26,31-32) và đúng như vậy, vì đạo Phao-lô giảng không phải là một phong trào phản lọan (17,7) cũng chẳng phải là một tôn giáo mới bất hợp pháp (18,13)

Xét cho cùng, chính nội dung của sách, sự kiện đức tin được trình bày sáng sủa và liên tục và các vấn đề được tác giả bàn đến, tất cả đều cho thấy điều tác giả nhắm trước hết là các Ki-tô hữu. Vì thế, ta mới thấy thuật lại công việc rao giảng Lời Chúa cho đến ngày lời ấy vang lên tại Rô-ma mà không bị ngăn cấm (28,31). Khi nhấn mạnh đến vai trò của đức tin, tác giả có ý chống lại óc quá đặt nặng Lề luật của người Do thái, mà có phần coi nhẹ hiệu lực của đức tin trong việc làm cho con người nên công chính.

Nói cho đúng, thánh Lu-ca là con người của hiệp nhất và hiệp thông, kêu gọi mọi người theo ơn Thánh Thần hướng dẫn mà sống như giáo đoàn Giê-ru-sa-lem ngày trước, chỉ có một lòng một ý.

10. Ai viết sách Công Vụ và viết năm nào ?

Tác giả sách Công Vụ cũng chính là tác giả sách Tin Mừng Thứ Ba. Trong nhiều thế kỷ, người ta đã tin chắc như thế. Thật có lý mà nghĩ như vậy, khi so sánh hai bài tựa của hai cuốn sách: cả hai đều gửi cho ông Thê-ô-phi-lê (Lc 1,3; Cv 1,1). Rồi nghiên cứu hai tác phẩm về văn chương và tư tưởng, người ta lại thấy cả hai đều có những điểm giống nhau. Nhưng tác giả là ai ? Những đoạn dùng đại danh từ “chúng tôi” làm cho chúng ta nghĩ đến một người nào đó gần gũi với Phao-lô, và khi đó, “Lu-ca, người y sĩ quí mến”(1 Cr 4,14) hầu như là nhân vật duy nhất có thể là tác giả.

Còn về năm sách được viết ra thì có một điểm thật rõ là theo như bài tựa, sách Công Vụ đã được viết sau sách Tin Mừng Thứ Ba. Người ta cứ tưởng rằng xác định năm sách được viết ra chẳng mấy khó khăn, vì trong sách có nhiều chi tiết về vụ án Phao-lô tại Pa-lét-tin và sách được viết hai năm sau khi Phao-lô tới Rô-ma, tức vào khoảng năm 62-63. Nhưng nếu theo giả thuyết này thì phải nhận là sách Tin Mừng Lu-ca và nhất là Tin Mừng Mác-cô đã được soạn ra rất sớm. Diều này, các nhà chú giải ngày nay không chấp nhận. Đàng khác, tại sao không đợi cho vụ án Phao-lô kết thúc rồi hãy viết xong sách, mà lại viết đang lúc vụ án còn dở dang ? Vì thế, giả thuyết này khó đứng vững.

Nhưng thực ra, từ khi Phao-lô tới Rô-ma, tác giả sách Công Vụ không chú ý tới vụ án nữa, mà chỉ để ý đến việc rao giảng Tin Mừng tại đây mà thôi. Giải thích đoạn cuối của sách Công Vụ như vậy thì không thể cho sách này viết vào năm 62-63, vì người ta thường cho Tin Mừng đươc viết vào sau năm 70, nên các nhà chú giải bây giờ coi sách Công Vụ như được soạn vào khoảng năm 80.

Kết luận

Công Vụ là một cuốn sách đáng quí, vì mang tính lịch sử ghi lại đời sống của Hội thánh và các tín hữu vào những tháng năm đầu, khi Hội thánh mới thành hình. Truyền thống của Hội thánh dựa vào cuốn sách này rất nhiều. Nói đến truyền thống là nói đến một yếu tố không thể thiếu làm nên Hội thánh, vì Hội thánh sống dựa vào truyên thống và Kinh thánh. Muốn biết cơ cấu của Hội thánh và lối hành đạo của tín hữu thời xưa như thế nào, chỉ cần đọc sách Công Vụ. Công Đồng Va-ti-ca-nô II đã dựa vào sách Công Vụ mà phục hồi và chấn chỉnh một số tục lệ cũng như lề thói xa xưa, như cho rước lễ trong lòng bàn tay, làm sống lại bậc phó tế vĩnh viễn v.v…

Nói tóm lại, sách Công Vụ là một tấm gương phản chiếu đời sống của Hội thánh ở giai đoạn gần nguồn sống nhất, là chính Chúa Giê-su và các Tông Đồ, cùng với một cộng đoàn tiên khởi nổi tiếng về lòng bác ái yêu thương, sư siêng năng “bẻ bánh” và chuyên cần nghe giáo huấn của các Tông Đồ.

(Viết dựa theo TOB ấn bản 1994 Cerf, Paris từ trang 2607-2616)

L.m. An-rê Đỗ xuân Quế o.p.

Nguồn: Vietcatholic.org