Quy định kiểm tra đánh giá với bậc tiểu học

Điểm mới Thông tư 27 về đánh giá học sinh tiểu học

1. Lộ trình đánh giá học sinh tiểu học Theo đó, quy định đánh giá học sinh tiểu học được thực hiện theo lộ trình như sau: - Từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1. - Từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2. - Từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3. - Từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4. - Từ năm học 2024-2025 đối với lớp 5. Lưu ý: Quy định đánh giá học sinh tiểu học tại Thông tư 30/2014/TT-BGDĐT và Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT được áp dụng đến khi các quy định tại Điều 2 Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT được thực hiện.

2. Giáo viên tiểu học được chấm 0 điểm bài kiểm tra Cụ thể, trong đánh giá định kỳ, bài kiếm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang điểm 10, không cho điểm thập phân và được trả lại cho học sinh. So với quy định hiện hành tại Thông tư 22/2016/TT-BGDĐT, Thông tư 27/2020/TT-BGDĐT đã bỏ quy định "không cho điểm 0" đối với bài kiểm tra của học sinh tiểu học.

3. Đề kiểm tra của học sinh tiểu học chỉ còn 03 mức độ Trong đó, quy định đề kiểm tra định kỳ của học sinh tiểu học được thiết kế phù hợp với yêu cầu cần đạt và các biểu hiện cụ thể về các thành phần năng lực của môn học, gồm các câu hỏi, bài tập theo các mức: - Mức 1: Nhận biết, nhắc lại hoặc mô tả được nội dung đã học và áp dụng trực tiếp để giải quyết một số tình huống, vấn đề quen thuộc trong học tập; - Mức 2: Kết nối, sắp xếp được một số nội dung đã học để giải quyết vấn đề có nội dung tương tự; - Mức 3: Vận dụng các nội dung đã học để giải quyết một số vấn đề mới hoặc đưa ra những phản hồi hợp lý trong học tập và cuộc sống. Như vậy, thay vì quy định 4 mức độ của đề kiểm tra như hiện hành tại Thông tư 22/2016 thì quy định mới chỉ còn 03 mức độ.

4. Giáo viên sử dụng linh hoạt, phù hợp các phương pháp đánh giá Theo đó, trong đánh giá thường xuyên: - Về nội dung học tập các môn học, hoạt động giáo dục: Giáo viên sử dụng linh hoạt, phù hợp các phương pháp đánh giá, nhưng chủ yếu thông qua lời nói chỉ ra cho học sinh biết được chỗ đúng, chưa đúng và cách sửa chữa; viết nhận xét vào vở hoặc sản phẩm học tập của học sinh khi cần thiết, có biện pháp cụ thể giúp đỡ kịp thời. - Về sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực: Giáo viên sử dụng linh hoạt, phù hợp các phương pháp đánh giá; căn cứ vào những biểu hiện về nhận thức, hành vi, thái độ của học sinh; đối chiếu với yêu cầu cần đạt của từng phẩm chất chủ yếu, năng lực cốt lõi theo Chương trình giáo dục phổ thông cấp tiểu học để nhận xét và có biện pháp giúp đỡ kịp thời.

5. Vai trò của phụ huynh trong đánh giá thường xuyên - Về nội dung học tập các môn học, hoạt động giáo dục: Cha mẹ học sinh trao đổi với giáo viên về các nhận xét, đánh giá học sinh bằng các hình thức phù hợp và phối hợp với giáo viên động viên, giúp đỡ học sinh học tập, rèn luyện. (Thông tư 22/2016 quy định khuyến khích cha mẹ học sinh trao đổi với giáo viên).

- Về sự hình thành và phát triển phẩm chất, năng lực: Cha mẹ học sinh trao đổi, phối hợp với giáo viên động viên, giúp đỡ học sinh rèn luyện và phát triển

Nhằm thực hiện thành công đổi mới giáo dục theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiểu học nâng cao hiệu quả phương pháp, hình thức tổ chức dạy học và phương pháp, hình thức đánh giá.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục thực hiện linh hoạt phương pháp, hình thức tổ chức dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; vận dụng phù hợp những thành tố tích cực của các mô hình, phương thức giáo dục tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đặc biệt là đổi mới tổ chức hoạt động giáo dục trên lớp học; tăng cường tổ chức thực hành trải nghiệm, tích hợp nội dung giáo dục địa phương, vận dụng kiến thức vào thực tế cuộc sống.

Ảnh minh họa: Lã Tiến

Cụ thể, năm học 2022-2023, các cơ sở giáo dục tiểu học tiếp tục áp dụng một cách phù hợp mô hình trường học mới; triển khai dạy học theo phương pháp Bàn tay nặn bột; thực hiện dạy học Mĩ thuật theo phương pháp mới; vận dụng “Sơ đồ tư duy” vào tổ chức dạy học một số môn học phù hợp;

Ngoài ra, tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá môn Tiếng Việt ở tiểu học; thực hiện dạy học tích hợp các nội dung giáo dục ở cấp tiểu học linh hoạt với các hình thức tổ chức phù hợp theo kế hoạch giáo dục của nhà trường; chú trọng đổi mới nội dung và hình thức sinh hoạt chuyên môn thông qua hoạt động dự giờ, nghiên cứu bài học để nâng cao năng lực nghề nghiệp của giáo viên.

Về đánh giá học sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo đối với học sinh lớp 4, lớp 5 tiếp tục được đánh giá theo quy định tại Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT và Thông tư số 22/2016/TT-BGDĐT. Đối với học sinh lớp 1, lớp 2, lớp 3 được đánh giá theo quy định tại Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT.

Bộ Giáo dục và Đào tạo nhấn mạnh các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm túc bàn giao kết quả giáo dục cuối năm học, phù hợp với từng nhóm đối tượng, kiên quyết không để học sinh “ngồi nhầm lớp”; thực hiện khen thưởng học sinh thực chất, đúng quy định, tránh khen tràn lan gây bức xúc cho cha mẹ học sinh và dư luận xã hội.

Đồng thời, tiếp tục tổ chức tập huấn, hướng dẫn các giáo viên về hình thức tổ chức, phương pháp đánh giá thường xuyên; biên soạn đề kiểm tra định kỳ cho các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; tổ chức thực hiện bài kiểm tra định kỳ đối với môn Tiếng Anh, môn Tin học, môn Công nghệ theo Thông tư số 27/2020/TT-BGDĐT từ năm học 2022-2023.

Chủ đề