Quy định bồi thường bảo hiểm xe máy

Lâu nay, ai cũng kêu khó đòi bồi thường bảo hiểm xe máy bắt buộc, thậm chí kêu gọi xóa sổ loại hình bảo hiểm này, nhưng sao ông lại bảo dễ?

Ông Nguyễn Khắc Xuân, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ hỗ trợ bảo hiểm Infair

Tôi có thể khẳng định ngay, đòi bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (hay còn gọi tắt là bảo hiểm bắt buộc xe máy) không khó như mọi người vẫn nghĩ. Chúng tôi đã hỗ trợ hàng trăm ca đòi bảo hiểm xe máy bắt buộc nói riêng, xe cơ giới nói chung suốt thời gian qua.

Thủ tục đòi bảo hiểm đơn giản, việc đầu tiên ngay sau khi xảy ra tai nạn xe là mở ngay giấy chứng nhận bảo hiểm ra, gọi số hotline của công ty bảo hiểm ghi trên đó để được chỉ dẫn và làm theo. Sau đó, yêu cầu công ty bảo hiểm cử nhân viên đến giám định, lập biên bản hiện trường. Trường hợp công ty bảo hiểm không cử giám định viên, cần ghi âm cuộc gọi để làm căn cứ xác nhận sau này khi đòi bảo hiểm.

Vấn đề ở đây là mua bảo hiểm này quá dễ, bên bán bảo hiểm cấp giấy chứng nhận bảo hiểm nhanh, nhưng không có ai hướng dẫn chi tiết người mua cách đòi bảo hiểm khi xảy ra tai nạn. Bên bán bảo hiểm rất hiếm khi chủ động hướng dẫn người mua làm thế nào để được bồi thường bảo hiểm xe máy.

Không ít ý kiến cho rằng, bảo hiểm xe máy không có giá trị sử dụng, chỉ để đối phó cảnh sát giao thông, thậm chí tiêu cực hơn xem đây một khoản thuế đánh vào người đi xe máy. Đó là nhận thức sai lầm. Hiện nay, thủ tục bồi thường bảo hiểm này đã được đơn giản hóa rất nhiều, trường hợp không có người tử vong thì không cần hồ sơ công an như trước.

Trên thực tế, với những vụ va chạm nhỏ, chỉ thiệt hại về tài sản và không gây chết người, không ít khách hàng phản ánh với Báo Báo Đầu tư Chứng khoán vẫn bị công ty bảo hiểm ép phải báo cơ quan công an, khi đó cần phải làm gì?

Theo quy định mới nhất tại Nghị định 03/2021/NĐ-CP, khi xảy ra tai nạn người được bảo hiểm phải thông báo cho cơ quan có thẩm quyền, nhưng trong hồ sơ yêu cầu bồi thường không yêu cầu phải có hồ sơ tai nạn của cơ quan này, nghĩa là doanh nghiệp bảo hiểm phải tự lập hồ sơ.

Nghị định cũng không quy định mức chế tài nếu không báo cơ quan có thẩm quyền về rủi ro tai nạn nên quyền lợi bảo hiểm không bị ảnh hưởng. Nghị định chỉ quy định giảm trừ 5% số tiền bồi thường nếu người được bảo hiểm không thông báo bằng văn bản cho công ty bảo hiểm trong vòng 05 ngày nên cần lưu ý thời hạn này.

Nếu là va chạm nhỏ, chỉ thiệt hại về tài sản và không chết người, khách hàng có thể từ chối yêu cầu này và yêu cầu công ty bảo hiểm phải tự lập biên bản hiện trường tai nạn làm cơ sở đền bù. Theo quy định mới, cơ quan công an chỉ cung cấp hồ sơ cho bảo hiểm trong trường hợp có người tử vong, nên báo công an giải quyết hay không cũng không liên quan đến trách nhiệm bảo hiểm.

Việc không thể hoặc khó đòi được quyền lợi bảo hiểm chủ yếu do người mua không làm thế nào để đòi hoặc ngại thủ tục mà không đòi. Do đó, muốn được công ty bảo hiểm bồi thường thì chủ xe phải tự tìm hiểu quy định pháp luật để đi đòi. Sẽ không có công ty bảo hiểm nào tự nguyện mang tiền đến đền bù nếu chủ xe không làm các thủ tục đòi bồi thường. Song, cũng phải thừa nhận rằng, trường hợp công ty bảo hiểm không chịu bồi thường, gây khó khăn trong việc bồi thường là khá phổ biến.

Các công ty bảo hiểm vẫn thường lập luận rằng, họ luôn nỗ lực bồi thường, không gây khó khăn cho khách hàng như định kiến, miễn là có cơ sở để bồi thường. Ông nghĩ sao?

Lý do của việc gây khó khăn này, đầu tiên là thiếu sự quản lý, giám sát của cơ quan có thẩm quyền là Bộ Tài chính, dẫn đến việc các doanh nghiệp bảo hiểm cạnh tranh bằng cách giảm phí, trả hoa hồng cao vượt khung cho người bán bảo hiểm xe máy (có thể lên tới 70% tổng phí bảo hiểm) nên không còn quỹ để bồi thường, dẫn đến điều tất yếu là phải tìm cách giảm chi phí bồi thường.

Mua bảo hiểm xe máy là để bảo vệ tài chính cho bản thân và thực hiện trách nhiệm cộng đồng. Do đó, các chủ xe nên có ý thức mua bảo hiểm và hãy chọn mua của các công ty bảo hiểm uy tín, mua qua nhân viên bảo hiểm, đại lý bảo hiểm chính thức, không mua bảo hiểm giá rẻ bán tràn lan bên ngoài.

Dù không khác nhau quá nhiều về mức phí bảo hiểm, nhưng chất lượng bồi thường của mỗi công ty bảo hiểm sẽ khác nhau, trong khi quyền chọn thuộc về người tham gia bảo hiểm nên khó khăn từ phía công ty bảo hiểm không phải là vấn đề quá lớn.

Vậy trở ngại lớn nhất khiến người tham gia bảo hiểm xe máy bắt buộc không được chi trả bồi thường là gì?

Như đã tôi đã nêu ở trên, vấn đề lớn nhất ở đây là người tham gia bảo hiểm cần biết rõ quyền lợi mà mình được hưởng khi mua bảo hiểm xe máy bắt buộc, cần nắm rõ quy trình, thủ tục đòi bồi thường. Đòi bồi thường bảo hiểm xe máy bắt buộc còn đơn giản hơn đòi bồi thường bảo hiểm xe ô tô bắt buộc vì chủ yếu vẫn là thiệt hại về người nên chỉ cần 1 số giấy tờ như giấy ra viện, chứ không cần phải xác minh thiệt hại tài sản.

Trên thực tế, dù còn khiêm tốn so với doanh thu bảo hiểm bắt buộc xe máy (đạt hơn 545,4 tỷ đồng), nhưng không phải là không có trường hợp nào được chi trả bồi thường. Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), tính đến hết tháng 6/2022, số tiền bồi thường bảo hiểm bắt buộc xe máy đạt hơn 11,8 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường đạt 2,2%.

Nếu người mua hiểu quyền lợi và biết đòi, ông có nghĩ số ca được chi trả bảo hiểm sẽ tăng vọt?

Chắc chắn là vậy. Có ý kiến cho rằng, một số quốc gia đã bỏ bảo hiểm cho xe máy, chỉ giữ lại bảo hiểm ô tô. Nhưng Việt Nam vẫn là quốc gia đông người đi xe máy nên khó bỏ.

Xe máy được xác định là nguồn gây nguy hiểm cao, chưa kể đa phần người đi duy nhất một phương tiện là xe máy (không có ô tô) thường có thu nhập không cao, nếu không may gây thiệt hại cho người khác thì khó thu xếp tài chính để bồi thường. Do đó, vẫn nên tiếp tục bắt buộc mua sản phẩm bảo hiểm này.

Điều cần quan tâm ở đây là cần tuyên truyền thật tốt để người dân hiểu rõ hơn về sản phẩm bảo hiểm bắt buộc xe máy, tương tự như bảo hiểm xã hội, liên tục đẩy mạnh tuyên truyền, thường xuyên cập nhật thông tin về các chính sách mới nếu có, chứ không có chậm trễ, thiếu thốn như bảo hiểm thương mại (bao gồm cả phi nhân thọ lẫn nhân thọ).

Chưa kể, duy trì việc bảo hiểm bắt buộc là để đóng góp vào Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới với hoạt động nhân văn là hỗ trợ các nạn nhân bị tai nạn giao thông trong các trường hợp xe gây tai nạn không có bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới, chủ xe bị doanh nghiệp bảo hiểm từ chối bồi thường do không thuộc phạm vi bảo hiểm, không xác định được xe gây tai nạn…, mức hỗ trợ 30% mức trách nhiệm bảo hiểm (tối đa 45 triệu đồng) đối với trường hợp tử vong, 10% đối với trường hợp bị thương phải cấp cứu.

Có một thực tế là trong năm 2021, quỹ này không chi hỗ trợ nhân đạo một vụ việc nào. Theo ông, nguyên nhân do đâu?

Theo báo cáo kiểm toán Quỹ Bảo hiểm xe cơ của IAV, năm 2021, tổng nguồn quỹ đạt 449 tỷ đồng, số dư nguồn và thu trong năm là 215 tỷ đồng, lũy kế chi hỗ trợ nhân đạo cho các nạn nhân đạt 1,33 tỷ đồng (trong năm 2021 không chi hỗ trợ nhân đạo), trong khi luật quy định phải chi hỗ trợ nhân đạo tối thiểu 25% quỹ (tương đương số tiền phải chi là 53,7 tỷ đồng). Nguyên nhân có thể do việc tuyên truyền không được tốt nên người mua không biết đến các quyền lợi mà mình lẽ ra được hưởng này.

Bởi vậy, IAV và lãnh đạo quỹ cần tuyên truyền sâu rộng trên các cơ quan truyền thông uy tín, có độ phủ lớn để tránh lãng phí quyền lợi của người dân. Có như vậy, người dân mới tin tưởng và tiếp tục mua bảo hiểm bắt buộc xe máy.