Nhận thức về xây dựng nông thôn mới

09:49, 20/05/2022

Xây dựng nông thôn mới có đời sống văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo động lực cho phát triển nông nghiệp, nâng cao đời sống nhân dân là chủ trương của Đảng, Nhà nước ta được hiện thực hoá trong Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.

Trong số 19 tiêu chí thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, lĩnh vực văn hóa có 2 tiêu chí, gồm: Tiêu chí 6 - Cơ sở vật chất văn hóa, tiêu chí số 16 - Văn hóa. Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã nỗ lực thực hiện các giải pháp nhằm đưa các xã “về đích” nông thôn mới đúng lộ trình, trong đó có các tiêu chí về văn hoá.

Xã Thanh Thịnh (Chợ Mới) vừa tổ chức Lễ công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.

Trong xây dựng NTM tại tỉnh Bắc Kạn, tiêu chí số 6 về Cơ sở vật chất văn hóa được đánh giá là một trong những tiêu chí khó thực hiện, nhất là đối với các xã vùng cao. Nguyên nhân chủ yếu là thiếu nguồn lực, mặt bằng và vốn đối ứng của người dân tại các thôn khó khăn, thôn có nhiều hộ nghèo.

Mặc dù vậy, thời gian qua, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở tiếp tục được các cấp, ngành và Nhân dân quan tâm đầu tư với quy mô phù hợp, đáp ứng nhu cầu thực chất của người dân và cộng đồng. Riêng năm 2021, toàn tỉnh đã thi công 40 công trình cơ sở vật chất văn hóa cấp xã, thôn. Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có 56 nhà văn hóa xã, trong đó có 48 nhà đạt chuẩn; 23 sân thể thao xã, trong đó 22 sân đạt chuẩn; 1.124 nhà văn hóa thôn, trong đó có 534 nhà đạt chuẩn. Có 28/96 xã đạt tiêu chí số 6 về Cơ sở vật chất văn hóa trong xây dựng NTM.

Tiêu chí số 16 về Văn hóa được các cấp, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở triển khai thực hiện đồng bộ, sâu rộng, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của Nhân dân. Nhiều khu dân cư đã phát huy tinh thần tương thân, tương ái, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; hương ước, quy ước ở khu dân cư. Ngành Văn hoá đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới thông qua tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ văn hoá cơ sở và cán bộ phụ trách xây dựng nông thôn mới các cấp; phát triển phong trào văn hoá, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí phong phú đa dạng, lành mạnh cho Nhân dân.

Tân Sơn là xã vùng cao của huyện Chợ Mới. Để giúp đỡ xã thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, năm 2021, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã phối hợp, hướng dẫn thực hiện tiêu chí số 6 - Cơ sở vật chất văn hóa và tiêu chí số 16 - Văn hóa. Cụ thể: Xây dựng nhà văn hóa xã, nhà văn hóa thôn; khu thể thao thôn và xã theo quy chuẩn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và quy định của tỉnh; phối hợp huy động đầu tư kinh phí cho việc xây dựng và cấp trang thiết bị cho nhà văn hóa xã, thôn, khu hoạt động thể dục thể thao và khu vui chơi giải trí cho trẻ em; hỗ trợ địa phương tuyên truyền góp phần giữ vững và nâng cao tỷ lệ gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới theo quy định. Năm 2022, Sở tổ chức kiểm kê trang phục dân tộc Dao tại đây, nhằm bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền, đưa thông tin về cơ sở; quảng bá giúp đỡ xã Tân Sơn tiêu thụ các sản phẩm OCOP; cung cấp thông tin các điểm tham quan tại xã cho khách du lịch, công ty du lịch lữ hành và các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh; tổ chức chiếu phim phục vụ Nhân dân các dân tộc trong xã; xây dựng tủ sách, hỗ trợ 200 cuốn sách và báo, tạp chí...

Xã Thanh Thịnh (Chợ Mới) vừa tổ chức Lễ công bố xã đạt chuẩn nông thôn mới. Kết quả này là sự nỗ lực của việc tổ chức thực hiện đồng bộ các tiêu chí, trong đó có tiêu chí Cơ sở vật chất văn hoá, Văn hoá. Hiện nay, Nhà Văn hoá xã đã được xây dựng theo quy chuẩn. Xã có sân thể thao, điểm vui chơi giải trí; 16/16 thôn có nhà văn hoá và khu thể thao, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh hoạt cộng đồng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện các tiêu chí nông thôn mới về văn hóa còn gặp những khó khăn như: Một số địa bàn, nhất là các thôn bản vùng sâu, vùng xa khó khăn về nguồn lực đầu tư nên cơ sở vật chất văn hoá còn nghèo nàn, chưa được xây mới, nâng cấp. Thiếu nơi sinh hoạt động cộng đồng, các thôn bản khó triển khai các hoạt động văn hoá, văn nghệ thể thao, triển khai văn bản tuyên truyền của Nhà nước…, việc gắn kết cộng đồng dân cư sẽ hạn chế.

Xác định nội dung xây dựng nông thôn mới trở thành nhiệm vụ chính trị thường xuyên, liên tục của địa phương và các cơ quan liên quan, ngày 13/5/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 305/KH-UBND tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Bắc Kạn chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, nhằm phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức và trực tiếp tham gia của các tầng lớp nhân dân để thực hiện thắng lợi chủ trương xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện thành công các mục tiêu đề ra, bên cạnh việc duy trì, giữ vững những tiêu chí đã đạt được, các cấp, ngành, địa phương cần triển khai đồng bộ các giải pháp đã đề ra trong xây dựng nông thôn mới, trong đó có các giải pháp huy động nguồn lực hoàn thiện cơ sở vật chất văn hoá, góp phần tạo môi trường sinh hoạt văn hoá lành mạnh, phát huy các giá trị văn hoá tốt đẹp trong cộng đồng dân cư./.

Phương Thảo

Hội nghị tổng kết Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2012 – 2017 và định hướng giai đoạn 2018 – 2020

(Thanhuytphcm.vn) - Điểm nổi bật sau 5 năm triển khai Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới (NTM) là đã lựa chọn được 69 đề tài (trong tổng số gần 1.000 đề xuất nhiệm vụ) để thực hiện, bám sát các mục tiêu và nội dung cơ bản, phù hợp với nhu cầu của xây dựng NTM; xây dựng được 147 mô hình chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thuộc nhiều lĩnh vực ngành nghề. Thông tin trên được Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020 đưa ra tại Hội nghị tổng kết Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng NTM giai đoạn 2012 – 2017 và định hướng giai đoạn 2018 – 2020, tổ chức ngày 6/8, tại Vĩnh Phúc. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo dự và chủ trì Hội nghị.

Hơn 5.000 hộ nông dân được hưởng lợi

Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng NTM đã giúp hơn 5.000 hộ nông dân của gần 100 xã trên địa bàn 40 tỉnh, thành được hưởng lợi, giúp các địa phương, HTX chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đạt hiệu quả KT-XH rõ rệt; góp phần quan trọng trong kết quả xây dựng NTM của cả nước với 3.370 xã đạt chuẩn NTM (chiếm khoảng 37,76% số xã), bình quân cả nước đạt 14,26 tiêu chí/xã; 53 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn NTM; cả nước chỉ còn 103 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Ngoài ra, Chương trình cũng triển khai đào tạo, tập huấn hơn 11 nghìn lượt người được tiếp nhận kiến thức về quản lý sản xuất theo chuỗi, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới.

Chương trình đã thu hút được sự tham gia của đông đảo doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, huy động được các nguồn lực ngoài nhà nước. Toàn bộ 22 dự án xây dựng mô hình trình diễn về NTM trên cơ sở ứng dụng các thành tựu, giải pháp khoa học và công nghệ đều do các doanh nghiệp chủ trì hoặc tham gia triển khai chính. Các doanh nghiệp, địa phương, người dân tham gia dự án và một số doanh nghiệp tham gia mô hình thí điểm của các đề tài đã đối ứng kinh phí tự có. Nhờ đó, Chương trình đã huy động được nguồn lực ngoài nhà nước lên đến 165 tỷ đồng, chiếm 43% tổng kinh phí thực hiện Chương trình.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tham gia Chương trình còn thiết lập được cầu nối trực tiếp ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất, xây dựng thành công các mô hình có hiệu quả, được người dân nhân rộng bền vững. Nhiều dự án đã mở rộng quy mô diện tích của mô hình lên 5 - 10 lần. Với sự lan tỏa đó, nguồn lực được huy động trong thực tế không chỉ là 165 tỷ đồng đối ứng của các dự án, mà còn được nhân lên hàng nghìn tỷ đồng do người dân nhiều địa phương tự đầu tư mở rộng các dự án.

Kết quả nghiên cứu chuyển giao, xây dựng mô hình của Chương trình có hiệu quả cao trong nhiều lĩnh vực. Đặc biệt, có nhiều mô hình hiệu quả cao về liên kết doanh nghiệp – nông dân trong sản xuất nông, lâm, thủy sản. Các mô hình đã giúp tăng năng suất cây trồng 30% - 35% đối với rau màu, 10% - 15% đối với lúa, tăng thu nhập của người dân tham gia dự án trên 25%; nâng cao giá trị sử dụng đất sản xuất nông nghiệp đến 133 - 500 triệu đồng/ha/năm nhờ chuyển đổi cơ cấu nuôi trồng ở các mô hình liên kết sản xuất...

Đặt mục tiêu bền vững xây dựng NTM

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng từ những ngày đầu thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Chương trình đã nhanh chóng đi vào thực tiễn cuộc sống, đáp ứng được nguyện vọng, mong muốn của nhân dân và trở thành một cuộc vận động to lớn trong các tầng lớp xã hội. Theo Phó Thủ tướng, đây là cuộc vận động rất sâu rộng của Đảng, Nhà nước ta, được sự hưởng ứng tích cực của đồng bào, nhân dân, hệ thống chính trị, nhất là chủ thể người nông dân trong cả nước. Phó Thủ tướng đánh giá cao Ban Chỉ đạo đã nhanh chóng tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 27 về Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng NTM vào đầu năm 2012, tạo dựng nền tảng khoa học để triển khai nhiệm vụ.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá, chương trình NTM là cuộc vận động mang tính cách mạng sâu rộng của Đảng, Nhà nước ta, được đông đảo người dân đồng tình ủng hộ và phải được tiến hành một cách có căn cứ khoa học. Đây là chương trình khoa học công nghệ phục vụ cho thực tiễn, là chương trình nghiên cứu ứng dụng, tổng hợp liên ngành nên phải xuất phát từ đặc điểm thực tiễn và nhu cầu thực tiễn sinh động trong đời sống kinh tế xã hội.

Phó Thủ tướng cho rằng từ nay đến năm 2020 và giai đoạn sau đó, còn nhiều vấn đề cơ sở lý luận, thực tiễn được đặt ra. Xây dựng NTM là một quá trình có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc và phải đặt mục tiêu bền vững cho chương trình xây dựng NTM. Xây dựng NTM phải có tư duy mới, nhận thức mới, đặt ra mục tiêu mới và phải có nghiên cứu luận cứ khoa học để duy trì những động lực đang có, phát hiện và thúc đẩy những động lực mới. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan nghiên cứu có những đề tài gắn với các mô hình để tham mưu cho Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo trong việc hoàn thiện các khung khổ thể chế, chính sách, những vấn đề cần rút kinh nghiệm, cần điều chỉnh.

Đặt hàng các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan nghiên cứu về vấn đề công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn gắn với đô thị hóa; tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng cần giảm bớt các đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ nói chung, tập trung nhiều vào nghiên cứu khoa học xây dựng thể chế, chính sách, mô hình trong thực hiện các vấn đề cụ thể như các yếu tố tổ chức sản xuất để giải quyết sinh kế, nâng cao thu nhập đời sống vật chất, tinh thần, bảo tồn văn hóa bản sắc các vùng miền, bảo đảm an ninh, an toàn cho đời sống cư dân nông thôn.

Một nhóm vấn đề khác được Phó Thủ tướng đặt hàng là giải pháp huy động nguồn lực, nhân lực, tài lực. Các địa phương cần tập trung nghiên cứu các đề tài phục vụ cho xây dựng đề án cụ thể, có kết nối các chương trình nghiên cứu khoa học trọng điểm cấp quốc gia và lồng ghép với các chương trình nghiên cứu khoa học khác, đặt hàng các nhà khoa học, các trường, viện nghiên cứu, hỗ trợ các chương trình start-up của nông dân trong quá trình này.

Vân Thanh

Tin liên quan

Video liên quan

Chủ đề