Nguyên nhân trẻ bị lồi rốn

26-08-2021

Thoát vị rốn là gì?

Lúc sinh, bình thường rốn của trẻ được bao quanh bởi một vòng cân dày. Khi cân bị yếu đi hoặc không có, rốn sẽ lồi ra ngoài gọi là thoát vị rốn.

Thoát vị rốn khác với thoát vị dây rốn (hay thoát vị cuống rốn), lúc này cả ruột và các cơ quan nằm trong bụng cũng chui vào trong dây rốn và lồi ra ngoài thành bụng.   


Khối thoát vị rốn có thể chứa dịch, một phần nội tạng ví dụ như: Ruột, hoặc các tổ chức khác từ ổ bụng. Kích thước thường gặp là 1-3cm.

Thoát vị rốn có thường gặp không?

Xảy ra vào khoảng 20% ở trẻ đủ tháng, ở trẻ sinh non gặp nhiều hơn có thể lên đến 75%. Tỉ lệ nam nữ xấp xỉ như nhau.

Làm sao bố mẹ nhận biết trẻ bị thoát vị rốn?

Nhìn vào rốn trẻ, ta thấy khối phồng vùng rốn, xuất hiện rõ hơn khi trẻ khóc, vặn mình hoặc khi đi tiêu. Một số trường hợp, thấy tạng thoát vị ngay dưới vòng cân. Khối thoát vị sẽ to ra trong các trường hợp: táo bón, ho, quấy khóc…

Thoát vị rốn gây ra biến chứng gì?

Đa số khối thoát vị rốn không gây biến chứng. Hầu hết thoát vị rốn tự cải thiện ở độ 1 tuổi đến 3 tuổi. Khoảng 90% thoát vị rốn cuối cùng sẽ tự đóng lại. Những yếu tố ảnh hưởng đến khả năng đóng lại của vòng cân rốn bao gồm: đường kính của vòng cân rốn và tuổi, chứ không phải là chiều dài của khối thoát vị. Thoát vị rốn có vòng cân rốn nhỏ đường kính < 1.5cm, thường sẽ tự đóng và đóng sớm hơn thoát vị có vòng cân rốn lớn. Trẻ càng nhỏ thì có khả năng đóng lại vòng cân rốn hơn là trẻ lớn.
 Tuy nhiên, cha mẹ cần lưu ý một số dấu hiệu và triệu chứng và nên đến gặp bác sĩ trong trường hợp có bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:
•    Đau do thoát vị, lúc đó trẻ sẽ quấy khóc nhiều, không giải thích được
•    Sự đổi màu của khối thoát vị: khối thoát vị sưng đỏ hoặc bầm tím
•    Bụng trẻ căng tròn, to hơn bình thường
•    Khối thoát vị không thể đẩy trở lại khoang bụng khi trẻ nằm thư giãn
•    Thoát vị trông khác trước
•    Trẻ sốt

Các biến chứng:

•    Tắc nghẽn: Điều này xảy ra khi một phần ruột đi vào khối thoát vị không ra được, các quai ruột trong khối thoát vị giãn, phình to dẫn đến tắc nghẽn, biểu hiện lâm sàng là trẻ nôn mửa liên tục và không bú được.
•    Nhiễm trùng: Khối thoát vị tắc nghẽn làm thiếu máu nuôi dưỡng mô, dẫn đến hoại tử hoặc gây thủng ruột trong khối thoát vị gây nhiễm trùng, nhiễm trùng có thể lan rộng khắp ổ bụng đe dọa tính mạng.

Dấu hiệu của biến chứng nghẹt:

•    Khối phồng căng cứng, ấn không xẹp
•    Trẻ đau khi ấn vào khối phồng.
•    Trẻ quấy khóc và đau nhiều
•    Nôn ói


Điều trị thoát vị rốn như thế nào?

Vì phần lớn các thoát vị rốn có thể tự đóng, dùng băng rốn có thể làm biến chứng trên da gây nên biện pháp nầy hiện ít được sử dụng.
Hầu hết các trường hợp thoát vị rốn sẽ được theo dõi và tái khám cho đến khi 4 tuổi. 
Chỉ định phẫu thuật được đặt ra khi:
•    Có biến chứng (kẹt, thắt nghẹt, thủng và lòi ruột ra ngoài)
•    Không tự đóng sau 4 tuổi
•    Có đường kính vòng rốn > 1.5 cm
•    Có triệu chứng như đau, khó chịu.
•    Thoát vị rốn dạng “vòi” (procosboid hernia), trong đó vòng rốn không hẹp lại trong quá trình theo dõi có thể cân nhắc điều trị khi trẻ được 2 tuổi.


Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng có đầy đủ phương tiện và bác sỹ chuyên khoa để thăm khám, chẩn đoán và điều trị Thoát vị rốn ở trẻ. Mọi thắc mắc về thoát vị rốn ở trẻ em, hãy đến trực tiếp Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng để được phục vụ.

                     Khoa Nhi 
Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng

 

Chủ đề