Nghệ thuật sóng đôi là gì năm 2024

/van-hoc-nghe-thuat-hung-yen

SÓNG ĐÔI - MỘT TRĨU NẶNG ƯU TƯ, MỘT UNG DUNG TỰ TẠI

https://baohungyen.vn/song-doi-mot-triu-nang-uu-tu-mot-ung-dung-tu-tai-22889.html

Nghệ thuật sóng đôi là gì năm 2024

  1. Văn học nghệ thuật

Chủ nhật, 21/01/2024 10:45 [(GMT +7)]

SÓNG ĐÔI - MỘT TRĨU NẶNG ƯU TƯ, MỘT UNG DUNG TỰ TẠI

Thứ 5, 13/05/2021 | 18:23:37 [GMT +7] A A

(Tập thơ Sóng đôi - Đinh Quang Tốn, Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2017)

Đinh Quang Tốn sinh trưởng ở một làng quê thuộc tỉnh Hải Hưng cũ: Làng Quanh, xã Thổ Hoàng (huyện Ân Thi, Hưng Yên ngày nay). Quãng đường công tác sau này anh đã gắn bó và có nhiều đóng góp cho văn nghệ Hải Hưng nói chung và văn nghệ Hưng Yên nói riêng.

Tôi có biết anh cũng làm thơ nhưng quen biết anh qua tư cách anh là một nhà phê bình văn học. Khi anh chuyển công tác từ Hưng Yên ra Hà Nội, tôi có tặng anh bài thơ Người xa Phố Hiến, trong đó có đoạn:

“rồi mai son phấn phố phường có còn hàng nhãn con đường hôm nay người đi giữa lúc mưa bay ta chờ khoảng nắng nối dây cánh diều”

Ấy chính là tôi nhắc tới tập phê bình - tiểu luận được giải thưởng của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật Việt Nam: Cánh diều và mặt đất; nhắc anh trong nhiệm vụ mới đừng quên văn chương. Và anh vẫn đều đặn ra sách phê bình văn học. Mấy năm trước, anh ra cả tập thơ: Trăng suông. Rồi mới đây, anh tặng tôi tập thơ thứ hai, với hơn bốn chục bài: Sóng đôi.

Đọc tập Sóng đôi ta thấy trong hồn thơ Đinh Quang Tốn có một mảng khá đậm nét - đó chính là hồn quê. Hồn quê ở Đinh Quang Tốn thể hiện trong một không gian của mùa vụ, với tình cảm cùng những người thân, bạn bè. Và nhất là với mẹ:

Bây giờ đã cuối tháng giêng Nhớ sao bát cháo dong riềng tuổi thơ Con đi từ bấy đến giờ Khôn nguôi bóng mẹ mưa mờ đồng xa... Hoa xoan tím trước hiên nhà Lan, ly quý phái chẳng nhòa sắc quê Đêm đêm con vẫn mơ về Mái gianh mẹ thức dầm dề tiếng mưa... (Bây giờ đã cuối tháng giêng)

Tình cảm chân thành ấy đã góp phần tạo nên một tính cách giản dị, chứa chất niềm biết ơn quê hương của một cậu Bốn (tên tác giả ngày bé):

Hạt gạo nghèo nuôi tôi lớn khôn Đi đại học, cả làng hy vọng Bốn chục năm đã bao người khuất bóng Cứ hão huyền, tôi làm được gì đâu... Làng Quanh ơi, chú Bốn chăn trâu Có mấy bài thơ về làng mình đó Còn biết bao điều mắc nợ... Dẫu làm vua chẳng trả được ơn làng. (Về làng)

Mỗi lần trở về làng là một việc lớn đối với người xa quê. Ai đó đã từng nhận xét: Người nông dân ra đi là để “trở lại” làng. Họ “trở lại” là để hỗ trợ kinh tế cho dòng họ, quê hương (nếu thành đạt) hoặc là để nương tựa tâm hồn (nếu thất bại). Mỗi trí thức chúng ta chẳng phải vẫn hầu như còn nguyên vẹn một dòng máu nông dân đấy sao? Chính trong dòng máu đó lại tiềm chứa một mặt khác của cái sự “trở lại” làng. Đinh Quang Tốn đã nhận ra điều đó và “xử lí” tình huống “trở lại” của mình:

Ai oai phong khi trở về làng Tôi chỉ thấy mình khác hồi thơ cũ Cô bác vẫn nắng mưa lam lũ Dù tháng ba không vác rá đi vay (Về làng)

Một “xử lí” của một tâm hồn ung dung tự tại. Điều này được thể hiện rõ hơn trong một “chia sẻ” với nhà văn Phù Thăng:

Ai bảo ông không sướng Sống dưới mái tranh nghèo Đêm trăng lúa xào xạc Cá quẫy dưới ao bèo Biệt thự to, chức lớn Đã chắc gì lòng yên Ước nguyện được thỏa chí Thì đời thành cõi tiên Chẳng có gì quan trọng Thơ văn cũng như đời Khi nào thích thì viết Không thì tìm bạn chơi.... (Nhà văn Phù Thăng)

Nói vậy thôi, cuộc đời luôn tồn tại một “cuộc” sóng đôi giữa những cái đối lập. Ở một mặt khác, tâm hồn nhà thơ luôn trĩu nặng những ưu tư. Khi bay qua mây trắng, đến những xứ sở giàu có, nhà thơ vẫn đau đáu quê nhà. Vẫn tràn yêu thương đấy nhưng giờ đây cách nhìn đã khác:

Tôi không tin vào mắt mình Chiếc cà vạt giá nghìn đô la Mỹ Anh tôi ở quê Năm được mùa thu hoạch một tấn thóc Một phần mười chiếc cà vạt thôi Làm sao đem chuông đi đấm nước người? Nếu chuông nước mình chỉ đúc từ hạt thóc (Ở siêu thị Uatkhơmin) Những ưu tư ấy giúp cho Đinh Quang Tốn có một cách nhìn thật bất ngờ, mới lạ đối với một nhân vật của nhà văn Đào Vũ: Mang tiếng là lạc hậu Khi tiên phong làm giàu Bị chê là bảo thủ Không muốn công hữu trâu… Bây giờ thì con cháu Làm giàu được ngợi ca Doanh nghiệp tư nhộn nhịp… Ai có tầm nhìn xa? (Lão Am)

Có người bảo rằng, Đinh Quang Tốn không tìm đến với thơ, mà là thơ tự tìm đến với anh. Một diễn đạt điệu đà mà chả nói về một cái gì. Quen biết Đinh Quang Tốn lâu, tôi nhận thấy anh rất trăn trở với thơ. Mang danh một nhà phê bình nhưng trong anh, có lẽ thơ vẫn là quan trọng hơn tất cả. Dẫu sao, giờ thì thơ và phê bình đã “sóng đôi” trong sự nghiệp văn chương của anh:

Đời người gió thoảng mây trôi Vừa là đứa trẻ chạy chơi đã già Trăng suông*, Tản mạn**... thôi mà Ai nghe? Ai đọc? Ai là tri âm?... (Gió thoảng)

Trăng suông là tên tập thơ đầu tay của anh, Tản mạn và chính kiến văn chương là tên một tập phê bình - tiểu luận của anh.

Nhưng vẫn phải thú thật, khi Đinh Quang Tốn tuyên bố ra tập thơ đầu, tôi rất lo lắng (và hồi hộp). Nghệ thuật đâu phải trò đùa. Đã “yên thân” với “nghề” phê bình rồi thì thôi, “giở rói” thêm thơ làm gì, lỡ lại mai một cả danh! Và rồi… cũng tạm ổn. Một tập thơ đọc được trong “biển” thơ nước nhà hiện nay, chả phải là đã hạnh phúc sao!

Tôi rất đồng tình với anh trong một suy tư về đời, về nghệ thuật trong tập Sóng đôi:

Tháp cổ thì vẫn mới Tháp vừa xây cũ rồi Tôi ngắm những ngọn tháp Sao giống như cõi người Đâu phải cứ rêu phong Nghĩa là thành tháp cổ Viên gạch mới nghìn năm Nhìn ta cười thách đố... (Thánh địa Mỹ Sơn)

Nhưng vẫn phải nói thêm. Vì là có một lần trao đổi, Đinh Quang Tốn cho rằng, đại ý: Thơ “hay” là tự nó cứ “hay”, cần gì phải cách tân, đổi mới - Thơ Đường giờ vẫn cứ hay cơ mà!

Đúng là thơ Đường giờ vẫn cứ hay, nhưng người đương đại không dùng hình thức của nó để biểu hiện những rung cảm của mình nữa. Nó đẹp lung linh trong bảo tàng nghệ thuật nhân loại.

Tôi nhận thức rằng, những thay đổi trong nghệ thuật là thay đổi về mặt hình thức (và đương nhiên nội dung chứa cùng nó cũng có sắc màu mới), còn thì chủ đề của nhân loại có gì mới mẻ đâu: Tình yêu, chiến tranh, sự sống, cái chết…

Tôi không đủ thẩm quyền để đánh giá sự đổi mới thơ ca Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Nhưng tôi tin sâu sắc rằng, trong xu thế toàn cầu hóa, hình thức thơ ca của mọi dân tộc càng biến đổi mạnh mẽ. Tôi cũng tin rằng trong khi hòa nhập, mỗi nền thơ ca sẽ giữ được bản sắc của nó. Những lai căng lố bịch rồi sẽ bị thời gian nhận ra. Những gì còn lại của thơ Mới đã chả phải là một minh chứng tuyệt vời sao?

Thơ Đinh Quang Tốn không phải ở dòng thơ “cách tân”. Nhưng không vì thế tôi không nhận ra vẻ đẹp của nó, nhất là ở trong tập Sóng đôi. Một “giọng” thơ không hào hoa mà trầm lắng những suy tư.

Con gái anh Đinh Quang Tốn có nhận xét, tập thơ của bố chỉ được dăm bài. Anh cười, được một bài đã quý. Riêng tôi, tôi thấy trong tập thơ này, anh làm được nhiều hơn thế. Xin thống kê tên những bài thơ hay (theo thứ tự trang in): Bia không chữ, Ở siêu thị Uatkhơmin, Thánh địa Mỹ Sơn, Lão Am, Lên tướng, Về làng, Ăn chay, Đáy hồ có quả chuông vàng, Thành cổ Quảng trị, Amakông, Ngắm tượng rồng đền trạng nguyên Lê Văn Thịnh, Nhà văn Phù Thăng,…

Với tập thơ thứ hai này, tôi có thể yên tâm chúc mừng Nhà thơ Đinh Quang Tốn, với một hồn thơ trĩu nặng ưu tư và ung dung tự tại sóng đôi.

Nguyễn Thành Tuấn

Ý kiến ()