Nên bắt đầu học IELTS từ khi nào

Háo hức với IELTS

Vừa qua, nhiều phụ huynh mang câu chuyện về dự thảo tuyển sinh vào lớp 6 của một trường THCS trên địa bàn huyện Thanh Trì liên quan đến việc cộng đến 20 điểm cho HS có chứng chỉ IETLS 3.0. Theo các phụ huynh, điều đó đồng nghĩa với việc nhà trường đang khuyến khích HS chạy đua với ôn và thi chứng chỉ IELTS khi còn ở cấp tiểu học. Đứng trước luồng dư luận trái chiều của phụ huynh, ban tuyển sinh của trường trên đã chính thức bỏ tên chứng chỉ IELTS ra khỏi danh mục được cộng điểm ưu tiên khuyến khích vào lớp 6. “Tiếng Anh luôn xác định phải học nhưng thi IELTS thì có nhất thiết phải sớm hay không?” là băn khoăn của rất nhiều phụ huynh.

Chị Dương Hoài Nga, trú tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội có con năm nay học lớp 4. Ước mong con được điểm IELTS “nhiều chấm” theo đuổi chị từ rất lâu và chị đã cho con học lớp luyện IELTS ngay từ khi con vừa lên lớp 4. “Tôi biết học tiếng Anh là cả quá trình; và tôi cũng biết, IELTS có các mức độ chứng chỉ từ thấp đến cao. Để đạt được trình độ tiếng Anh chấm cao, các con phải có quãng thời gian học liên tục. Tôi luôn muốn con đạt 8.5 đến 9.0 khi bước vào cấp 3. Con bé học rất tốt tiếng Anh nên không muốn để khả năng của con bị lãng phí. Tôi muốn lấy chứng chỉ tiếng Anh làm thước đo…”.

 Chứng chỉ IELTS mang lại nhiều lợi thế cho HS

Cậu con trai học lớp 7 đã đạt trình độ tiếng Anh 7.0; “bí quyết” được chị Lưu Hà Phương, quận Đống Đa chia sẻ là cho con luyện thi IELTS từ sớm. “Đằng nào cũng phải học nên tôi cho con học tiếng Anh và luyện thi IELTS từ lớp 5 để xem tiếng Anh con đang ở đâu. Nhìn vào chứng chỉ tiếng Anh của con, tôi thấy khoản phí mình bỏ ra đóng không uổng phí và con đã đạt yêu cầu của mẹ. Với đà này, lên lớp 11, con sẽ đạt được trình độ tiếng Anh cao nhất là 9.0 và có thể thoải mái lựa chọn việc học trong nước hay đi du học.

Bên cạnh những người đầu tư cho con học IELTS từ rất sớm thì cũng có người mẹ bình chân như vại dù con lên lớp 11 mà “chưa có tí IELTS nào”. Theo một bộ phận phụ huynh thì IELTS không quá quan trọng và nếu không có chứng chỉ này, con của họ vẫn thi và đỗ đại học (ĐH) bình thường; khi lên ĐH thì họ cho con tự tìm hiểu để thi IELTS cũng không muộn.

Thực tế, chứng chỉ IETLS giúp HS có nhiều ưu thế, quyền lợi khi thi vào cấp 3 hoặc ĐH. Số HS, nhất là HS thành thị có chứng chỉ IELTS sớm và “chấm” cao ngày càng nhiều. Thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội cho thấy, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, số lượng thí sinh được miễn thi môn ngoại ngữ tại Hà Nội là 10.800 em; trong đó, phần lớn là HS có chứng chỉ IELTS 6.5 trở lên.

Thời điểm nào nên học và thi IELTS?

Theo TS Trần Minh Hoàng - chuyên gia giáo dục, tác giả bộ sách về Làm chủ tiếng Anh từ gốc thì “IELTS đã bắt đầu” từ âm thanh tiếng Anh đầu tiên mà trẻ nghe được; bởi IELTS không phải là một “loại tiếng Anh” khác mà là một bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh thiên hướng học thuật và có thể chứa đựng các đơn vị ngôn ngữ từ đơn giản nhất.

Nhiều người cho rằng nên học IELTS càng sớm càng tốt nhưng cũng có ý kiến phản biện lại và đưa ra lời khuyên rằng ở lứa tuổi tiểu học không nên luyện thi IELTS mà cần học tiếng Anh theo kiểu khám phá; do đó các chương trình học chuẩn Cambridge như KET, PET hay FCE có nội dung kiến thức phù hợp với lứa tuổi này. Học IELTS quá sớm sẽ khiến HS vô cùng vất vả vì phải bàn tới những vấn đề xã hội phức tạp mà các em chưa hề có chút trải nghiệm nào.

Bày tỏ quan điểm về độ tuổi nào học IELTS là hợp lý, TS Trần Minh Hoàng cho biết: Nếu xét trong bối cảnh của hệ thống giáo dục Việt Nam thì thời điểm phù hợp nhất để bắt đầu học IELTS là từ lớp 7-8, sớm hơn có thể là khi các em đang học lớp 6. Với thời gian học IELTS sớm như vậy các em sẽ có khoảng 3-4 năm để rèn luyện tư duy bằng tiếng Anh, khả năng nói và viết sẽ được phát triển toàn diện.

 TS Trần Minh Hoàng: IELTS là bài thi đánh giá năng lực tiếng Anh thiên hướng học thuật

Từ đó suy ra, thời điểm tốt nhất để thi IELTS quốc tế là năm lớp 11, lúc đó các HS sẽ không bị quá áp lực của kỳ thi tốt nghiệp và ĐH. Ngoài ra, trong trường hợp kết quả chưa được như mong muốn thì còn có thời gian để ôn luyện, thi thêm lần nữa để kết quả cao hơn. Nếu đạt được điểm IELTS khoảng 7.0 sẽ là một lợi thế lớn để HS được xét tuyển vào các trường ĐH hàng đầu.

Thêm một thời điểm nữa có thể chọn lựa để thi IELTS là năm thứ 3 ĐH bởi thời điểm này mang lại lợi ích cho sinh viên sắp ra trường. Chứng chỉ IELTS có giá trị 2 năm nên từ đó đến khi sinh viên ra trường hoàn toàn có thể bổ sung chứng chỉ IELTS vào hồ sơ xin việc.

Như vậy có nghĩa là, chỉ nên học IELTS khi cần chứng chỉ này để phục vụ cho một mục đích cụ thể, nhất định nào đó như để được ưu tiên, tuyển thẳng lớp 10, ĐH hoặc xin việc, du học… chứ hoàn toàn không nên học IELTS chỉ để cho vui bởi IELTS là một chứng chỉ có thời hạn, dùng để đánh giá các năng lực tiếng Anh học thuật của người sử dụng. IELTS thường được dùng để làm điều kiện đầu vào hoặc đầu ra của các cấp học, khi chuyển cấp, đi du học sang các nước nói tiếng Anh... Gần đây, IELTS còn được sử dụng như một nấc thang đo về năng lực sử dụng tiếng Anh khi xin việc làm, xin học bổng và các kỳ thi về học thuật, đi dạy…

Chứng chỉ IELTS rõ ràng là một lợi thế để người nào đó có thể chiến thắng trong các cuộc cạnh tranh mà cần số lượng người có hạn. IELTS “chấm” càng cao có thể coi là một tiêu chí để khẳng định được trình độ tiếng Anh một người. Tuy nhiên, đạt được IELTS "chấm cao" không có nghĩa là giỏi và không cần học tiếng Anh bởi tiếng Anh là một ngôn ngữ cần được nuôi dưỡng, phát triển hàng ngày và điểm IELTS chỉ đo năng lực ngôn ngữ tại một thời điểm nhất định, trong một khoảng thời gian nhất định mà thôi.

IELTS là tên viết tắt của International English Testing System, tạm dịch là Hệ thống khảo thí Anh ngữ quốc tế. IELTS được triển khai đầu tiên vào năm 1980 bởi Tổ chức khảo thí Cambridge và Hội đồng Anh (BC); hiện tổ chức thi chính thức bởi BC, IDP, IELTS Autralia và Cambridge Assessment. IELTS được hầu hết các trường ĐH ở các nước Anh, Mỹ, Australia, Canada, New Zealand và nhiều quốc gia khác chấp nhận.

 

Chủ đề