Lục bình sống ở đâu

Phấn Đấu   -   Thứ tư, 01/08/2018 08:00 (GMT+7)

Lục bình sống ở đâu
Lục bình dày đặc trên kênh, cản trở giao thông nghiêm trọng.

Mười năm chuyện cũ

Cây lục bình có xuất xứ từ Nam Mỹ, đã theo người Pháp du nhập vào Việt Nam hơn 100 năm trước, nên có tên là “bèo Tây”. Vào vùng đất Nam bộ, loài cây này có tên mới là “lục bình”, do nói trại từ “lộc bình” – loài cây có cuống lá phình to giống như lọ lộc bình dùng để cắm hoa. Cây lục bình từ lúc vào miền Tây đã trở nên gần gũi, thân thiện với người dân nơi đây. Bông lục bình màu tím đẹp lạ lùng đi vào thơ, nhạc. Món rau xanh giòn, chát của nõn lục bình, hoa lục bình mãi là món ăn khoái khẩu của người dân miền Tây, nhất là khi nó dùng nấu canh chua hoặc chấm với cá kho. Thân và rễ lục bình dùng ủ phân hữu cơ rất tốt, từng góp phần làm cho ruộng đất miền Tây thêm màu mỡ. Nhiều mặt hàng gia dụng, hàng thủ công – mỹ nghệ dùng nguyên liệu chính là cây lục bình phơi khô… Nhưng, trong cuộc sống “hiện đại” ngày nay, nhiều giá trị truyền thống đã bị mai một. Ít còn người ăn món lục bình; phân hữu cơ ít còn sử dụng, thay vào đó là phân hóa học; đồ nhựa, ny lon thay thế các sản phẩm từ lục bình… Lục bình thì vẫn sinh sôi, phát triển, nhưng không còn ai “dòm ngó” tới nó. Chỉ tới khi lục bình “đại náo”, đe dọa môi trường sống của con người, thì người miền Tây mới giật mình, tìm cách tiêu diệt nó.

Cách đây gần 10 năm, vào năm 2009, chuyện cây lục bình đe dọa môi trường sống đã được đem ra bàn tại các cuộc họp của UBND, rồi HĐND tỉnh Long An. Lúc ấy, UBND tỉnh Long An đã giao Sở KHCN tỉnh phối hợp với các ngành liên quan, các địa phương trong tỉnh tìm giải pháp diệt lục bình. Ban đầu chỉ là cách “truyền thống” – phát động người dân vớt lục bình. Tuy nhiên, lục bình sinh sôi, phát triển rất nhanh, một bụi lục bình ngày hôm nay có thể trở thành đám lục bình vài tháng sau và sẽ phủ kín cả mặt kênh rạch vài năm tới. Để rồi đã 10 năm qua, câu chuyện đối phó với lục bình vẫn chưa tới hồi kết. 

Lục bình sống ở đâu
Lục bình sinh sôi rất nhanh trên sông Vàm Cỏ Tây.

Máy “diệt” lục bình tiền tỉ

Tại kỳ họp HĐND tỉnh Long An mới đây (ngày 12&13.7), trả lời chất vấn của đại biểu, Chủ tịch UBND tỉnh Long An - ông Trần Văn Cần - cho biết, lãnh đạo tỉnh đã bác đề nghị của Sở KHCN tỉnh mua máy vớt lục bình với giá 2,6 tỉ đồng. Ông Cần nhìn nhận, chuyện cây lục bình dày đặc sông rạch đang là vấn đề bức xúc trong tỉnh. Tuy nhiên, do tỉnh đang gặp khó khăn trong cân đối ngân sách, trong khi giá mua máy vớt lục bình lại quá đắt, mà phạm vi phục vụ của máy lại không lớn. UBND tỉnh Long An đã chỉ đạo Sở KHCN tiếp tục nghiên cứu phương tiện cơ giới vớt và diệt lục bình bảo đảm tính khả thi và hiệu quả để áp dụng vào thực tế trong thời gian tới.

Trước đó, tỉnh Long An đã làm việc với hai doanh nghiệp đặt vấn đề đầu tư nhà máy chế biến cây lục bình nhằm góp phần giải quyết vấn nạn lục bình từ nhiều năm qua. Trước đó nữa, trước tình trạng lục bình sinh sôi kín trên kênh rạch, Sở KHCN Long An đã ký hợp đồng với một đơn vị chế tạo máy vớt tại TP HCM với kinh phí hơn 3 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi nghiệm thu máy không đáp ứng được yêu cầu nên Sở KHCN phải tìm đối tác khác. Sau đó, Sở KHCN Long An tiếp tục đề xuất tỉnh mua máy vớt, băm nhỏ lục bình có xuất xứ nước ngoài.

Theo Sở KHCN tỉnh Long An, lục bình đang che kín 30 – 40% mặt nước sông, kênh rạch ở một số địa phương, gây nhiều hệ lụy cho cuộc sống, sản xuất của người dân. Sở đang theo đuổi dự án “Ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và tiến bộ kỹ thuật để xử lý lục bình trên địa bàn tỉnh” với mục tiêu tìm ra một công nghệ có tính phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, từ thu gom (cắt, vớt), xử lý sơ bộ (như đùn ép, vận chuyển), đến xử lý lục bình theo hướng tái sử dụng nguồn sinh khối thiên nhiên làm phân hữu cơ, làm biogas, làm nấm, làm giấy, làm thức ăn gia súc.

Để thực hiện dự án này, cần mua máy vớt, đồng thời băm nhỏ lục bình, cùng lúc triển khai các mô hình ứng dụng làm phân hữu cơ, làm nấm... Tuy nhiên, một máy mỗi năm chỉ vớt được một diện tích khá khiêm tốn khoảng 200ha, trong khi đó lục bình lại phát triển rất nhanh, chỉ vài tháng sau đã sinh sôi như ban đầu. Do vậy, ngoài việc tính toán để trang bị máy vớt lục bình, còn cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của tất cả các địa phương, ban ngành và người dân.

Cách làm ở Tiền Giang

Trong ngày nghỉ cuối tuần 7.7, Chủ tịch tỉnh Tiền Giang – ông Lê Văn Hưởng – đã dành trọn cả ngày nghỉ để đi chỉ đạo, kiểm tra chuyện vớt lục bình trong tỉnh. Cũng như Long An, nhiều kênh, mương, sông, rạch, ao, hồ trong tỉnh Tiền Giang bị lục bình che kín dày đặc, nước chảy không được, ghe xuồng đi lại càng khó khăn, cá tôm thiếu không khí để sống, côn trùng gây hại thêm điều kiện phát triển, cảnh quan – môi trường bị tổn hại nặng nề. UBND tỉnh Tiền Giang mở đợt ra quân cao điểm vớt lục bình trong 2 ngày 7 và 8.7. Ông Lê Văn Hưởng đã đến những địa bàn “trọng điểm” của lục bình như TX.Gò Công và các huyện Gò Công Tây, Gò Công Đông và Chợ Gạo. Tại các nơi đến, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu các địa phương sau khi hoàn thành việc vớt lục bình, trả lại độ thông thoáng cho kinh, rạch, phải có giải pháp để tránh tái diễn tình trạng lục bình phủ dày trở lại.

Lãnh đạo tỉnh Tiền Giang không chăm chăm vào chuyện trang bị máy vớt lục bình, vừa tốn nhiều tiền, mà không giải quyết tận gốc của vấn đề. Khi chưa có biện pháp căn cơ, cách tốt nhất là thường xuyên dọn lục bình, ngay từ ban đầu, không để lục bình sinh sôi dày đặc rồi mới “ra quân” dọn dẹp. Trên một dòng sông, nếu không phân công một vài người dọn dẹp lục bình ngay từ đầu, có thể một năm sau cả địa phương lại phải ra quân vớt lục bình với nhiều tốn kém. Sẽ rất tuyệt vời nếu tới lúc nào đó người dân tranh nhau lấy lục bình (để làm việc gì đó, như đã từng trong quá khứ), giống như dự báo sẽ tới lúc người ta tranh nhau lấy rác.

.

Cập nhật lúc: 10:30, 17/03/2014 (GMT+7)

Khoảng đầu tháng 3 hàng năm, khi thấy lục bình dồn thành từng mảng lớn, bung hoa nở rộ, người dân sống dọc hai bên bờ sông La Ngà (huyện Định Quán) lại khấp khởi mừng. Họ chèo xuồng dọc theo bờ sông, chọn những thân cây dài từ 50-60cm cắt sát gốc, đem phơi nắng cho lục bình héo khô rồi buộc thành bó lớn bán cho các cơ sở gia công các sản phẩm từ cây lục bình.

Với những hộ dân sống ven sông La Ngà, ngoài nguồn thu từ việc bán thân lục bình phơi khô cho các cơ sở gia công, cây lục bình còn mang lại cho họ nhiều lợi ích trong chăn nuôi.

* Tháng 3 lục bình…

Năm nay, theo dòng nước lớn từng đám lục bình từ nơi khác trôi đến và tấp vào hai bên bờ sông La Ngà. Chỉ vài tháng, chúng đã xanh tốt, che hết cả lối đi của những chiếc ghe đánh cá. Đứng trên bờ, chị Đỗ Thị Ngọc (35 tuổi, ngụ xã Phú Ngọc) phải dùng tay đẩy hết sức mới đưa chiếc ghe ra xa bờ, bắt đầu chuyến “thu hoạch” lục bình để mưu sinh. “Lục bình bám chặt nhau thành mảng lớn. Đám rễ của chúng gắn kết chặt đến nỗi mọi người rất khó đưa ghe ra sông” - chị Ngọc nói.

Lục bình sống ở đâu
Lục bình kết thành mảng rộng lớn dọc bờ sông.

Nhiều năm làm nghề “thu hoạch” lục bình trên sông, chị Ngọc cho hay, khác với miền Tây lục bình xuất hiện vào mùa lũ, lục bình trên sông La Ngà thường trôi trên các dòng sông, rồi tấp vào các dải đất ven sông, hoặc các cù lao từ đầu mùa khô. Sau đó, chúng lớn dần và bắt đầu nở hoa vào khoảng đầu tháng 3.

Đến khi 3 tháng tuổi, cây lục bình bước vào giai đoạn trưởng thành, thân cây đạt độ dài 50-60cm, cũng là lúc thích hợp để thu hoạch. Người dân cắt cây lục bình sát gốc, vạt bỏ lá, đem phơi ngoài nắng độ vài hôm cho lục bình héo khô rồi đem bán.

Từ khi mỗi ký thân lục bình khô được các chủ cơ sở gia công đan lát thu mua với giá 8-10 ngàn đồng/kg thì người dân quanh vùng không còn coi lục bình là cây hoang dại nữa. Nghề vớt lục bình trên sông vừa tăng thu nhập, giải quyết việc làm khi nông nhàn, vừa góp phần giải tỏa bớt đám lục bình gây cản trở các phương tiện lưu thông trên vùng sông nước.

Vào mỗi buổi sáng, nhiều người lại rủ nhau chèo xuồng bơi dọc bờ sông vớt lục bình. Nhìn họ dùng chân chèo chống đưa ghe bơi xa còn hai tay liên tục túm những cây lục bình dài thượt, nặng trĩu cắt gốc trông rất thành thạo. Lục bình về nhiều, chẳng mấy chốc mà xuồng ai cũng đầy ắp. “Lục bình có sẵn trên sông, tôi không mất nhiều công sức để đi tìm như mấy thứ khác. Muốn nhanh đầy ghe, phải chọn những đám lục bình có thân cao, tươi tốt và đang trổ hoa. Có khúc sông, lục bình tốt đến nỗi hai cha con tôi vớt, cắt đầy ghe mà chỗ vừa cắt chỉ mới rộng bằng cỡ tấm chiếu” - ông Lê Văn Mẫn (ngụ xã La Ngà) tâm sự.

Khi lục bình nở hoa, hai cha con ông Mẫn khấp khởi mừng vì thiên nhiên lại ban tặng cho họ cơ hội để làm ăn. Những ngày thời tiết nắng nóng suốt từ sáng đến tối là thời điểm thích hợp nhất để phơi lục bình. “Trời thế này chỉ cần 2 hôm là mớ lục bình này khô hết. Mỗi chiều cắt khoảng 30kg cây tươi và mang về phơi còn được 12kg cây khô, tính ra cũng kiếm được 100 ngàn đồng” - ông Mẫn cho hay.

Sau giờ học buổi sáng, em Lê Văn Minh (12 tuổi) thường phụ cha đi cắt lục bình rồi đem phơi khô. Mỗi ký thân lục bình khô bán được, giúp em kiếm thêm thu nhập để trang trải việc học hành. “Vớt lục bình dễ òm, thân cây nhẹ lại mềm nên công việc không quá khó khăn với em. Hai cha con em thường hoán đổi công việc cho nhau khi tay đã quá mỏi. Thường thì ba vớt, còn em chèo xuồng. Chỉ khi đi vào các đám lục bình quá dày, việc chèo xuồng mới đổi cho cha thôi” - Minh bộc bạch.

* Lục bình có ích

Sông La Ngà mùa khô năm nay nước dâng cao hơn mọi năm. Có lẽ vì thế mà những chiếc ghe, xuồng đổ về đây cũng tấp nập, nhộn nhịp hơn trước. Mỗi sáng sớm, trước buổi đi giăng câu hay thả lưới, nhiều chủ ghe phải rất vất vả, cố gắng luồn lách để đưa ghe ra khỏi đám lục bình dày đặc đang bám thành mảng lớn trên mặt sông.

Lục bình sống ở đâu
Hai cha con ông Lê Văn Mẫn chèo ghe vào các đám lục bình để bắt đầu công việc mưu sinh.

Mùa lục bình dày đặc cũng là dấu hiệu thông báo cho ngư dân sống dọc sông La Ngà mùa bắt cá bống sông bắt đầu. Những con cá bống đũa, bống cát, bống vồ… vàng ươm dính vào tấm lưới hay chiếc vợt khiến nhiều người thích thú khi kéo lên. “Đây là đặc sản của con sông này. Chỉ tháng 3 mới có cá bống, đặc biệt là bống đũa, con nào con nấy béo tròn. Nước sông mát, lại được kiếm mồi dưới những tán lục bình nên cá bống nhanh lớn lắm” - ông Vũ (41 tuổi, ngụ xã La Ngà) cho biết.

Theo ông Vũ, cá bống thường sống dưới đám rễ lục bình, đến khi lục bình trên sông vắng thì chúng cũng mất hút theo. Canh vào thời điểm này, ông Vũ chuẩn bị đồ nghề rồi chèo ghe đến các mép nước gần đám lục bình để thả lưới. Đầu giờ chiều, nước chuẩn bị rút thì việc giăng lưới thích hợp nhất, có ngày mình ông kiếm được hơn 2kg cá bống. Tính ra, cây lục bình cũng góp phần giúp ông thuận lợi trong việc thả lưới bắt cá.

Vào mùa lục bình kết thành từng mảng lớn, nổi bạt ngàn trên sông, người dân còn tận dụng chúng làm thức ăn chăn nuôi. Gia đình bà Nguyễn Thị Lộc (52 tuổi, ngụ xã La Ngà) mấy hôm nay vui không kém, bởi đàn bò 7 con của gia đình bà được vỗ béo bằng hỗn hợp thức ăn gồm: lục bình thái nhỏ trộn với cám gạo, bã đậu nành, nên con nào cũng béo mập, nhanh lớn.

“Mùa khô năm nay, tôi không còn lo nguồn thức ăn của đàn bò cạn kiệt. Lục bình nổi đầy trên sông, cứ ra sông vớt về bỏ rễ, đem băm nhuyễn là có thể cho bò ăn được. Cây lục bình tưởng nguy hại vậy mà có lợi với người nông dân như chúng tôi” - bà Lộc hồ hởi nói.

Thanh Hải