Lời nhận xét tiết sinh hoạt ở Tiểu học

Đổi mới tổ chức hoạt động trong tiết "Sinh hoạt lớp"

        Trong phân phối chương trình giảng dạy ở Tiểu học, ngoài các tiết học văn hóa như: Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử, Địa lí… còn có tiết sinh hoạt lớp vào các buổi dạy cuối tuần. Đây là tiết học quan trọng góp phần làm phong phú thêm chương trình giảng dạy ở tiểu học và nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện cho học sinh. Thông qua tiết sinh hoạt lớp sẽ phát triển được các năng lực, phẩm chất, rèn các kĩ năng cho các em như: Năng lực giao tiếp, hợp tác, tính tự giác, tinh thần giúp đỡ, kĩ năng tự đánh giá mình và đánh giá bạn, khả năng nhìn nhận lại sự tiến bộ của bản thân với các bạn để từ đó có ý thức phấn đấu vươn lên; bồi dưỡng cho học sinh tình cảm yêu thương, gắn bó, sự chia sẻ cảm thông với bạn bè, sẵn sàng tham gia công việc chung của trường của lớp. Mỗi giờ sinh hoạt lớp sẽ để lại cho các em những bài học về kĩ năng sống quý báu để các em vững tin trong cuộc sống. Nếu như các bộ môn văn hóa đều có chương trình, sách giáo khoa, sách giáo viên, chuẩn kiến thức kĩ năng, tài liệu tham khảo..., thì tiết sinh hoạt lớp chủ yếu do cô và trò biên soạn vag chuẩn bị. Những năm gần đây, việc thiết kế giáo án sinh hoạt lớp đã được triển khai đến các nhà trường, các thầy cô giáo làm công tác chủ nhiệm. Như vậy, nội dung và cách thức cơ bản để tiến hành giờ sinh hoạt lớp đã được thống nhất trong các nhà trường. Tuy nhiên, việc thực hiện ở mỗi nơi, mỗi giáo viên..., vẫn có sự khác biệt. Vì nhiều lí do khác nhau, lâu nay trong các nhà trường thường chú trọng hơn đến các giờ dạy văn hóa mà chưa quan tâm nhiều đến việc quản lí, tổ chức, dạy và học tiết sinh hoạt lớp. Phần lớn các em học sinh chưa có nhận thức đúng đắn về vai trò của giờ học này. Chính vì thế thái độ học tập của các em chưa tích cực, đặc biệt không mấy hứng thú.

       Vậy làm thế nào để hoạt động của tiết sinh hoạt tập thể có hiệu quả cao? Làm sao để các tiết sinh hoạt tập thể trở nên mềm dẻo, tích hợp nhiều nội dung giáo dục, học sinh được chủ động phát huy năng lực bản thân? Làm sao để thông qua tiết học này giáo viên chủ nhiệm giáo dục học sinh, đem lại niềm vui, sự hứng khởi cho các em học tốt các môn học khác? Đó là câu hỏi đặt ra cho mỗi giáo viên chúng tôi. Để giúp cho tất cả các giáo viên trong trường, đặc biệt là giáo viên mới ra trường có được cách tổ chức giờ sinh hoạt tập thể một cách hiệu quả nhất, ngày 18/10/2019 trường tiểu học Lãng Sơn đã tổ chức một buổi sinh hoạt chuyên môn đầy ấn tượng. Đó là tiết sinh hoạt tập thể tại lớp 5D - lớp tôi chủ nhiệm.

        Để chuẩn bị cho tiết sinh hoạt lớp được tốt nhất việc tôi chú ý đầu tiên là khâu chuẩn bị. Giáo viên và học sinh trong Hội đồng tự quản, trưởng các ban cùng hợp tác để làm tốt khâu chuẩn bị như: Học sinh viết nội dung sơ kết đánh giá các hoạt động trong tuần, bàn bạc về kế hoạch và biện pháp thực hiện nhiệm vụ. Sôi nổi nhất khi cô trò bàn đến việc chuẩn bị cho các nội dung lồng ghép như: nên chọn chủ đề nào, nội dung nào, tổ chức hoạt động ra sao, chọn hình thức nào, trò chơi, văn nghệ, thể thao, thi giải câu đố, làm bưu thiếp, báo tường, hái hoa dân chủ, thi kể chuyện, hay tọa đàm  ... Đối với tiết sinh hoạt hôm 18/10/2019 cô trò chúng tôi chọn lồng ghép sinh hoạt lớp với sinh hoạt chủ điểm chào mừng ngày thành lập hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Qua hoạt động này, tôi nhận thấy ngay từ khâu chuẩn bị các em đã được hình thành năng lực giải quyết vấn đề, giao tiếp, hợp tác, được rèn các kĩ năng như phân tích, tổng hợp, trau dồi khả năng nhìn nhận, đánh giá... Các em  thực sự là người chủ động xây dựng kế hoạch, giáo viên chỉ là người góp ý, định hướng.

          Tiếp theo là nội dung buổi sinh hoạt, Em Thùy Linh chủ tịch Hội đồng tự quản là người điều khiển buổi sinh hoạt tự tin giới thiệu và chúc mừng các thầy cô trong trường đến dự rồi thông qua nội dung chương trình của buổi sinh hoạt một cách rõ ràng.    

          Phần thứ nhất đại diện ban học tập, ban lao động vệ sinh, ban văn thể, ban thư viện lần lượt được bạn chủ tịch mời lên nhận xét, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập, rèn luyện trong tuần qua. Các em chỉ rõ các ưu điểm, tồn tại biện pháp cần khắc phục... Học sinh dưới lớp đều chú ý lắng nghe và tích cực bổ sung thêm ý kiến cho các nội dung đánh giá các bạn vừa nêu và cùng đưa ra biện pháp khắc phục. Với nội dung này tôi đã định hướng cho các em không nên mất nhiều thời gian, các em không nên phê bình chì trích vi phạm của bạn bởi bạn nào vi phạm nội quy đã được nhắc nhở trực tiếp ngay ở thời điểm đó và đã có sự theo dõi đôn đốc thường xuyên của Hội đồng tự quản. Nhờ có định hướng của cô giáo nên các em thực hiện hoạt động này rất tốt. Qua hoạt động này tôi cũng thấy rằng học sinh đã được phát triển năng lực giao tiếp hợp tác và phẩm chất tự tin rất tốt.

Lời nhận xét tiết sinh hoạt ở Tiểu học

                    Em Hoàng Giang trưởng ban văn thể lên đánh giá, nhận xét

Lời nhận xét tiết sinh hoạt ở Tiểu học

                                  Em Đức Minh ý kiến về hoạt động văn nghệ- TDTT

           Sau khi đánh giá tổng kết và đưa ra các biện pháp khắc phục xong các em lại vui vẻ cùng nhau xây dựng phương hướng cụ thể cho tuần tới. Em chủ tịch HĐTQ mạnh dạn đưa ra kế hoạch tuần 7, nhiều ý kiến khác bổ sung cho kế hoạch được đầy đủ, chi tiết hơn. Tôi rất thích ý kiến của em Thảo Ly: "Mình hoàn toàn đồng ý với kế hoạch tuần 7 mà HĐTQ đã xây dựng, mình xin bổ sung thêm ý kiến đó là cuối tuần 7 chúng ta bắt đầu bước sang tháng 11, vậy theo mình lớp ta nên phát động thêm phong trào thi đua lập thành tích chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam". Sau đó các em  khác cũng mạnh dạn, tự tin đề xuất thêm ý kiến một cách sôi nổi, tập trung. Điều đó chứng tỏ các em đã rất chú ý lắng nghe và có trách nhiệm với các công việc của tập thể. Đây cũng là các năng lực, phẩm chất mà chúng ta đang cần phát triển ở các em.

Lời nhận xét tiết sinh hoạt ở Tiểu học
    

Em Thảo Ly bổ sung cho kế hoạch tuần sau

Khi cả lớp đã thống nhất các nội dung, em Linh trân trọng mời cô giáo chủ nhiệm có thêm ý kiến đánh giá nhận xét, và bổ sung kế hoạch cho tuần tới. Sau đó em lại khéo léo điều khiển các bạn chuyển sang hoạt động cuối. Em giúp các bạn tìm hiểu về ngày 20-10 bằng một số câu hỏi. Rồi em đưa ra yêu cầu cụ thể: "Theo kế hoạch tuần trước chúng ta đã xây dựng để chào mừng ngày 20-10, trong buổi sinh hoạt hôm nay mỗi bạn hãy tạo ra một sản phẩm để dành tặng người phụ nữ mà mình yêu quý nhất". Thế là cả lớp bắt đầu vui vẻ, hào hứng bắt tay vào làm sản phẩm. Em Thảo Ly, em Hoàng Giang chuẩn bị rất nhiều đồ đem đến lớp, nào là súng bắn keo, hộp giấy, màu vẽ, vật liệu trang trí.. Được biết hai em có ý tưởng làm một sản rất độc đáo để tặng cho mẹ. Em Tuấn Anh, em Nghĩa mọi hôm rụt rè là thế mà hôm nay tươi cười hớn hở trong khi làm sản phẩm của mình. Em Tuấn Anh làm được một bài thơ rất dài  trang trí hoa lá xung quanh rất đẹp mắt, còn Nghĩa làm bưu thiếp với lời chúc ngắn ngủi nhưng ra vẻ rất hãnh diện về sản phẩm của mình. Nhóm Em Linh, Quỳnh  Anh, Hoàng Việt và Tuấn Minh cũng đang vui vẻ trao đổi, hướng dẫn nhau hoàn thiện sản phẩm. Em Đức Minh thường ngày trầm tư ít nói vậy mà hôm nay làm được một bưu thiếp có gắn các bông hoa bằng vải sặc sỡ, kèm theo 4 dòng thơ gửi lời chúc đến mẹ thật hay... Có lẽ em nào cũng mong muốn mình sẽ làm được một sản phẩm thật đẹp để dành tặng cho người phụ nữ mình yêu quý nhất. Nhìn nét mặt vui tươi,  tâm thế thoải mái của các em tôi biết các em rất thích những hoạt động này. Giờ sinh hoạt lớp bỗng chốc trở thành một tiết học đầy ý nghĩa về rèn kĩ năng sống, giáo dục phẩm chất, phát triển năng lực cho các em một cách tự nhiên nhất.

                  

Lời nhận xét tiết sinh hoạt ở Tiểu học

                                       Các em hăng say làm sản phẩm của mình

                                 

Lời nhận xét tiết sinh hoạt ở Tiểu học
                                                           

                        Em nào cũng vui tươi thoải mái trong giờ học

        Qua một khoảng thời gian ngắn các em đã hoàn thiện các sản phẩm đầy ý nghĩa của mình. Các em thi nhau lên gắn bảng các sản phẩm như tranh vẽ, thơ, thư, bưu thiếp, hoa giấy... dành cho mẹ, cho chị, cho bà, cho cô giáo...Một số em mạnh dạn lên chia sẻ về sản phẩm và ý tưởng của mình, còn một số em khác e rè hơn chỉ để sản phẩm của mình trước mặt ngắm nghía xem cần trang trí thêm chi tiết nào không. Qua lời chia sẻ của các em tôi thấy các em đã biết dành rất nhiều tình yêu thương, lòng kính trọng và biết ơn của mình cho những người thân yêu, đó phải chăng là các phẩm chất mà chúng ta đã hình thành cho các em từ các việc làm thiết thực mà không cần phải nói các lời giáo huấn đạo đức suông.

                 

Lời nhận xét tiết sinh hoạt ở Tiểu học

                           Em Vân lên chia sẻ về bức tranh vẽ tặng cho mẹ

          Xúc động nhất là các em đã để lại cho tôi một ấn tượng đặc biệt trong tiết học  dó. Sau lời giới thiệu của em Linh: "Ngoài tình cảm và các phần quà dành tặng cho mẹ, cho chị, cho bà  hôm nay lớp 5D chúng em còn dành một phần quà và tình cảm yêu thương của chúng em cho một người phụ nữ mà chúng em vô cùng biết ơn và kính trọng đó là cô chủ nhiệm của chúng em". Đón nhận những phần quà nhỏ bé, những bó hoa giấy do tự tay các em làm, tôi vô cùng tự hào và vui sướng trước những tình cảm ngây thơ, trong sáng của học sinh thân yêu.

Lời nhận xét tiết sinh hoạt ở Tiểu học

                                           Học sinh tặng quà cho cô giáo

         Tiết học kết thúc, chúng tôi lại cùng nhau phân tích rút kinh nghiệm cho tiết sinh hoạt tập thể sau được hiệu quả hơn. Nhiều ý kiến đóng góp, đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của ban giám hiệu rất cụ thể, sâu sắc nhưng tôi tâm đắc nhất với ý kiến của đồng chí hiệu trưởng :"Cần định hướng và rèn luyện thêm cho các em một số kĩ năng đánh giá, khả năng nhìn nhận, bao quát để tự các em đưa ra được nhiều ý kiến hơn cho các nội dung sinh hoạt thì buổi sinh hoạt sẽ sôi nổi hơn. Mặt khác cần chú ý sao cho học sinh trong lớp biết tự nêu rõ tên của một số bạn thực hiện tốt các nội quy trong tuần  để kịp thời khuyến khích, động viên, khen ngợi, từ đó tác động đến các em khác như vậy  tất cả các em sẽ tích cực phấn đấu hơn". Tôi ấn tượng với ý kiến của đồng chí Thanh Thu - PHT nhà trường: "Giáo viên không nên can thiệp khi các em đang triển khai nội dung công việc theo kế hoạch, cần tôn trọng những quyết định của các em, nên dành cho các em không gian thật thoải mái và tiện lợi khi hoạt động, khuyến khích càng nhiều em chia sẻ càng tốt, khi chia sẻ không chỉ nói về kết quả mà còn nói về suy nghĩ, cảm xúc, cách làm...".

         Qua buổi sinh hoạt chuyên môn này, mỗi chúng tôi lại có thêm những bài học  kinh nghiệm để tiếp tục xây dựng các tiết sinh hoạt tập thể có nhiều đổi mới hơn về nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức. Bản thân tôi rút ra được rằng về nội dung thì ngoài phần nhận xét, đánh giá tổng kết các hoạt động trong tuần, chúng ta cần chú ý lồng ghép các hoạt động khác theo chủ đề từng tháng, từng ngày kỉ niệm như tổ chức vui chơi, giải trí, văn nghệ, thể thao, thi giải câu đố, hái hoa dân chủ, làm bưu thiếp, báo tường ...sao cho phù hợp chủ điểm của từng tháng. Có thể lồng ghép cho các em được tổ chức sinh nhật; tham gia lao động công ích (vệ sinh đường phố, vệ sinh trường lớp, tôn tạo, trồng chăm sóc cây, bảo quản cơ sở vật chất trường lớp); thực hiện hoạt động từ thiện, công ích ... hoặc có thể giúp các em bổ sung, củng cố kiến thức, kĩ năng (kiến thức học đường, kiến thức xã hội, kĩ năng học tập, kĩ năng sống). Hình thức tổ chức cũng cần linh hoạt thay đổi như diễn đàn, tọa đàm, giao lưu, tiểu phẩm hay múa hát.. .Không gian lớp học cũng rất quan trọng nhằm tạo sự trang trọng, không gian phù hợp sẽ gây được hứng thú, tạo tâm thế tốt cho các em tham gia tiết học. Giáo viên có thể cho học sinh kê lại bàn ghế, trang trí bảng trong thời gian chuyển tiết, bố trí chỗ ngồi theo ý thích HS sao cho linh hoạt ... Và cuối cùng là phương pháp tổ chức cũng không kém phần quan trọng cho thành công của tiết học. Chúng ta nên vận dụng một số phương pháp như: Phương pháp thảo luận nhóm (các tổ nhóm thảo luận xem trong tổ, nhóm mình đã làm được những gì? Còn hạn chế mặt nào và đưa ra hướng khắc phục); phương pháp đóng vai (Giáo viên chuẩn bị sẵn một số tình huống phù hợp với chủ điểm của tháng, từng nhóm học sinh thảo luận, phân vai diễn thử tình huống thực tế trước tập thể lớp); phương pháp giải quyết vấn đề (HS phát hiện vấn đề, chủ động, sáng tạo để giải quyết vấn đề); phương pháp tình huống (Các bạn trong tổ cùng trao đổi thảo luận một tình huống nào đó xảy ra trong lớp hay do giáo viên đưa ra)... Trong tiết sinh hoạt tập thể, người hoạt động chủ yếu là học sinh. Học sinh phải là những chủ nhân thực sự, là trung tâm của các hoạt động, chủ động chiếm lĩnh hầu hết các hoạt động trong tiết học. Các em không những là diễn viên hoàn toàn làm chủ sân khấu với những hình thức phong phú, đa dạng mà còn cùng hợp tác với giáo viên chủ nhiệm trong khâu dựng kịch bản cũng như làm đạo diễn. GVCN cùng Hội đồng tự quản, cùng tập thể lớp thảo luận tìm kiếm những cách thức để tiết sinh hoạt luôn luôn mới mẻ, hấp dẫn. Giáo viên cần định hướng cho HS trong việc chuẩn bị về cả nội dung và cách thức (Chuẩn bị cái gì ? Chuẩn bị như thế nào, bằng cách nào?) nhưng cần phát huy tối đa sự sáng tạo, tích cực của học sinh; có thể để các em tự lựa chọn những nội dung, cách thức cụ thể, phù hợp. Cũng cần phân công cụ thể cho các đối tượng học sinh, nhưng chủ yếu là chỉ đạo thông qua Hội đồng tự quản. Để làm được điều đó thì ngay từ đầu năm học cần xây dựng được đội ngũ tự quản lớp tích cực, biết việc. Và để có được tiết sinh hoạt lớp thực sự hiệu quả và phát huy tính tích cực của học sinh thì cả giáo viên chủ nhiệm và học sinh đều phải tìm tòi, suy nghĩ, vất vả nhiều hơn nhưng chắc chắn rằng sau mỗi một giờ sinh hoạt lớp được chuẩn bị chu đáo với những chủ đề hấp dẫn mang tính giáo dục cao sẽ mang lại niềm vui, sự đoàn kết gắn bó, sự hiểu nhau giữa các thành viên trong lớp và sự trưởng thành qua từng tuần, từng tháng với nhiều kỹ năng được rèn giũa. Thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp, giúp các em hoàn thiện nhân cách và trang bị cho mình những kỹ năng tốt, giúp ích cho cuộc sống hiện tại và mai sau.

Trương Thị Ngát - Giáo viên trường Tiểu học Lãng Sơn