Liên xô giúp việt nam xây dựng công trình nào

Thủy điện Hòa Bình (TĐHB) không chỉ được coi là công trình của thế kỷ XX mà còn là biểu tượng của tình hữu nghị Việt Nam – Liên Xô (nay là Liên bang Nga) và cũng là minh chứng tiêu biểu cho tinh thần quốc tế vô sản trong sáng.

Ngày nay, dẫu lịch sử có trải qua các khúc quanh thăng trầm, đầy biến động thì những “dấu ấn Nga” có liên quan trên công trình thế kỷ vẫn luôn hiện hữu, tạo ra những giá trị to lớn về nhiều mặt, cũng như nhắc nhớ các thế hệ sau bài học về cách ứng xử nhân văn mà 2 dân tộc đã từng dành cho nhau.

"Chuyên gia thủy công giỏi nhất đã có mặt ở Hòa Bình”

Đây là thông tin qua sóng phát thanh của hãng thông tấn BBC mà ông Bùi Thức Khiết, nguyên Phó giám đốc Ban Quản lý công trình TĐHB, Giám đốc đầu tiên của Nhà máy TĐHB (giai đoạn từ năm 1982-1994) nghe được khi Việt Nam tổ chức ngăn sông Đà đợt 1 vào ngày 12-1-1983. Chuyên gia mà kênh thông tấn lâu đời nhất thế giới này nhắc đến khi đó chính là ông Moixeev, 1 trong 6 người giỏi nhất về ngăn sông, đắp đập ở Liên Xô lúc bấy giờ. Cũng theo ông Khiết, vào thời điểm đó mọi tinh túy của ngành thủy điện Liên Xô cùng toàn bộ vật tư, thiết bị, phương tiện máy móc thi công bạn đều đưa sang giúp chúng ta xây dựng TĐHB một cách vô tư, không đòi hỏi điều kiện. Còn những chuyên gia Liên Xô trực tiếp sang giúp Việt Nam thì luôn coi việc xây dựng TĐHB giống như kiến tạo một công trình tối quan trọng cho đất nước mình ở chính xứ sở bạch dương.

Ông Khiết xúc động nhớ lại: “Ngày ấy, ông Bagachenko tuy là tổng chuyên viên của công trường nhưng tuần nào cũng có mặt trực tiếp tại các vị trí thi công, vừa động viên anh em công nhân vừa kiểm tra chất lượng, đôn đốc tiến độ các hạng mục của công trình. Ngày đó, do thiết kế ngầm của thủy điện nên việc nổ mìn để làm các đường hầm trong lòng núi là công việc tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao từ thuốc nổ và đá lở. Tuy vậy, quá trình thực hiện công việc các chuyên gia Liên Xô không hề phân biệt hay nề hà nguy hiểm, luôn cùng với người Việt Nam trực tiếp thao tác. Trong suốt 15 năm xây dựng TĐHB đã có 168 người đã “ngã xuống vì dòng điện của Tổ quốc” trong đó có 11 chuyên gia Liên Xô. Máu của họ đã góp phần thắp sáng dòng điện sông Đà”.

Đơn vị bộ đội trưởng thành nhờ chuyên gia

“Đặt tổ máy trong ngầm” là một trong ba lý do khiến TĐHB trở thành công trình có độ phức tạp nhất, nhì thế giới lúc bấy giờ. Thời điểm đó, để thực hiện được thiết kế ngầm của thủy điện, công nhân đã phải đào sâu vào lòng núi, vận chuyển 1,2 triệu m3 đá để tạo ra hang ngầm có chiều cao 52m, dài 280m và khẩu độ rộng 22m.

Năm 1980, với cương vị Phó trung đoàn trưởng – Tham mưu trưởng Trung đoàn 14, Anh hùng Lao động, Đại tá Trần Văn Cường, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 565 (Binh đoàn 12) đã trực tiếp chỉ huy bộ đội phối hợp với các lực lượng khác thực hiện nhiệm vụ đào hầm. Tuy vậy, Trung đoàn 14 trước nay chỉ chuyên làm đường cộng thêm lại phải thao tác với các loại máy móc, thiết bị hoàn toàn mới được mang trực tiếp từ Liên Xô sang. Nếu không nhờ “phương pháp cầm tay chỉ việc” của 20 chuyên gia Liên Xô được phân công giúp đỡ đơn vị thì Trung đoàn khó lòng có thể đảm nhiệm. Từ chỗ chỉ đào được 13,5m trong tháng đầu tiên, kém xa định mức 20-25m/tháng của công trường thì đến những năm tiếp theo vào lúc cao điểm có tháng đơn vị đã vượt gấp đôi định mức đề ra.

Đại tá Cường kể lại: “Sau hơn 30 năm, trong tôi vẫn còn nguyên ấn tượng hình ảnh ông Tổng chuyên viên Bagachenko cứ vào 16 giờ hằng ngày và cuối tuần ngồi ở vị trí chủ tọa điều hành cuộc họp giữa chỉ huy các bộ phận quan trọng của công trường. Với tác phong làm việc cụ thể, tỉ mỉ, sâu sát lại thường xuyên đi kiểm tra thực địa nên Tổng chuyên viên nắm rất chắc tình hình và phê bình gay gắt các bộ phận làm chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng. Đồng thời đối với các cá nhân, tập thể đạt thành tích xuất sắc trong công việc ông biểu dương nhiệt thành và sôi nổi. Chính Trung đoàn 14, sau khi đạt được kỷ lục đào hầm trong 1 tháng đã được tổng chuyên viên khen ngợi ngay trong hội nghị giao ban. Không chỉ vậy ông còn cho làm một tấm áp phích to, trang trọng treo chính giữa vị trí giao ban với nội dung: “Nhiệt liệt biểu dương Trung đoàn bộ đội 14, Sư đoàn 565 đã phá kỷ lục đào hầm của công trường”. Rồi cũng chính Bagachenko là người đã đứng ra đấu tranh đòi quyền lợi cho đơn vị bộ đội khi công trường tổ chức bình bầu thi đua, khen thưởng”.

Nhờ có sự công tâm của tổng chuyên viên mà trong đoàn của các lực lượng đạt thành tích xuất sắc trong xây dựng TĐHB được đi tham quan Liên Xô năm đó có thêm những quân nhân tiêu biểu của Sư đoàn 565.

Vẫn những người Nga ấy giúp chúng ta

15 năm xây dựng TĐHB (từ 1979-1994) chứng kiến quá trình Liên Xô tan rã và sự ra đời của Liên bang Nga được công nhận như là quốc gia kế tục vị thế pháp lý của Nhà nước Xô viết. Cũng bởi vậy mà từ sau năm 1991 mọi liên hệ hợp tác với bên Nga có liên quan đến TĐHB buộc phải tuân thủ theo các quy luật của thị trường. Theo ông Bùi Thức Khiết, bắt đầu từ lúc lắp đặt và vận hành tổ máy thứ 5 trở đi đã gặp nhiều khó khăn, đặc biệt đối với tổ máy 7 và 8. Ông Khiết hồi tưởng lại: “Thời điểm ấy về phía Nga do còn bị ảnh hưởng bởi biến động chính trị nên sản xuất chưa phục hồi, lạm phát leo thang khiến nhiều hàng hóa tiêu dùng trở nên khan hiếm và bị đẩy giá cao. Còn chúng ta có lợi thế là nhiều mặt hàng bạn cần, lại có sẵn và chi phí sản xuất rẻ. Thấu hiểu được những khó khăn của đối tác nên hai bên đều cố gắng dành những sự ưu ái trong khả năng cho phép để cùng nhau “gỡ vướng”. Trên thực tế, sự thay đổi thể chế chính trị ở Nga khi ấy chỉ tạo ra những xáo trộn trên thượng tầng còn về cơ bản thì hai bên vẫn hợp tác với nhau. Nhà nước Xô Viết tuy không còn nhưng vẫn còn đấy những con người Nga nồng hậu, trách nhiệm và luôn dành tình cảm đặc biệt cho Việt Nam”.

Cho đến bây giờ ông Khiết vẫn còn nhớ mãi câu chuyện đàm phán để mua bộ rơ-le bảo vệ có trị giá 8.000USD cho TĐHB như là minh chứng điển hình cho sự thấu hiểu, cùng sẻ chia giữa ta và bạn. Ngày ấy, trong quá trình thương thảo, Giám đốc Khiết có dẫn đại diện đàm phán bên bạn đi thăm một số quầy hàng của Việt Nam tại Moscow. Khi đến cửa hàng bán quần áo cho phụ nữ, vị đại diện này tỏ ra khá thích thú với các mẫu hàng của Việt Nam và lúc cao hứng còn quay sang nói riêng: Nhà máy của chúng tôi hiện có 4.000 chị em phụ nữ… Hiểu ý bạn nên trong lúc đàm phán Giám đốc Khiết mạnh dạn đề xuất, bên Việt Nam sẽ tặng nhà máy 4.000 bộ đồ nữ nhân dịp Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3 sắp tới. Đổi lại, bên bạn cũng sẽ tặng lại bên ta bộ rơ-le bảo vệ. Vậy là mọi vướng mắc về giá cả hợp đồng nhanh chóng được giải quyết.

Dòng điện mãi sáng cùng tinh thần Nga

Hiện nay, ngay tại TĐHB có 4 di tích được lưu giữ, xây dựng ở ngay thân đập góp phần nhắc nhớ mọi người về những ký ức Nga trên nguồn sáng sông Đà. Đó là Đài tưởng niệm bên bờ đập được thiết kế phỏng theo hình chiếc tua-bin điện vươn cao với 168 bát hương, tấm bia nhằm tưởng nhớ những người đã ngã xuống trong quá trình xây dựng thủy điện. Tiếp tục đi cao lên ở bên bờ trái là khu vực nhà truyền thống nơi còn lưu giữ nhiều hình ảnh quý, với các khoảnh khắc đẹp thể hiện sự sát cánh của Liên Xô trong giúp đỡ Việt Nam xây dựng nên công trình biểu tượng của thế kỷ XX. Đi ra phía ngoài, bên phải nhà truyền thống là bức thư thế kỷ (chỉ được mở vào ngày đầu tiên của năm 2100) của những người xây dựng TĐHB gửi thế hệ mai sau, được chôn chặt trong khối bê tông hình chóp cụt. Tiếp đó, ở bên đối diện, cách bức thư thế kỷ khoảng 20m là vị trí trưng bày của chiếc máy xúc và chuyển đá được mang từ Liên Xô sang.

Khi được hỏi liệu còn dấu ấn Nga nào khác trên TĐHB, ông Nguyễn Văn Minh, Giám đốc Công ty TĐHB chia sẻ: “Theo tôi, trước hết là nguồn lợi điện năng 8,16 tỷ KWh/năm phục vụ đắc lực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng như chức năng trị thủy, tưới tiêu và cải thiện điều kiện vận tải đường sông của riêng TĐHB tạo ra cho đất nước. Nhìn một cách tổng thể hơn, có thể thấy sự giúp đỡ của Đảng, Chính phủ, nhân dân Liên Xô và sau này là nhân dân Liên bang Nga đối với ngành điện Việt Nam thông qua công trình TĐHB thật vĩ đại. Họ không chỉ giúp chúng ta máy móc thiết bị mà còn dạy chúng ta nhiều kiến thức, không giấu giếm thứ gì từ công tác quản lý đến lĩnh vực kỹ thuật. Cũng bởi vậy mà có thể ví công trường xây dựng TĐHB giống như một trường đại học thủy điện cực kỳ chất lượng, rèn giũa đội ngũ kỹ sư và công nhân Việt Nam thực sự trưởng thành để sau này chúng ta có nền móng vững chắc đủ sức tự mình đảm đương xây dựng các công trình lớn như Thủy điện Sơn La, Lai Châu và tất cả các thủy điện khác nữa… Có thể khẳng định, hiện tại những dấu ấn Nga vẫn ngày ngày hiện hữu trong dòng điện từ nguồn sáng sông Đà, vươn mình mạnh mẽ đi khắp mọi miền của Tổ quốc”.

Chủ đề