Lê đức anh quê ở đâu


Đồng chí Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, phát biểu tại Hội thảo - Ảnh: VGP/Thế Phong
Tham dự Hội thảo có các đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế, các Mẹ Việt Nam anh hùng, các đồng chí lão thành cách mạng, các tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang nhân dân, các nhà khoa học. 

Hơn 80 năm hoạt động cách mạng

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh (bí danh Nguyễn Phú Hòa, còn gọi là Chín Hòa, Sáu Nam), sinh ngày 1/12/1920, tại xã Trương Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng, thấu hiểu tình cảnh của người dân lao động cùng khổ dưới ách thống trị của thực dân phong kiến, đồng chí Lê Đức Anh đã sớm giác ngộ tham gia hoạt động cách mạng từ năm 1937 và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương (nay là Đảng cộng sản Việt Nam) khi mới 18 tuổi (1938).

Hơn 80 năm hoạt động cách mạng không mệt mỏi, hoàn cảnh nào, đồng chí Đại tướng Lê Đức Anh luôn giữ vững ý chí, phẩm chất của người chiến sĩ cộng sản, “Hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”. 

Trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, đồng chí Lê Đức Anh đã hoạt động trong các hội Ái hữu tại Hội An, Đà Lạt, Lộc Ninh, Thủ Dầu Một và các doanh nghiệp cao su ở Lộc Ninh, Quản Lợi, Xã Cần, Xã Cát. Đầu năm 1945, đồng chí được giao nhiệm vụ tổ chức lực lượng trung kiên trong các nghiệp đoàn, chuẩn bị đấu tranh võ trang. Đặc biệt, tháng 8/1945, đồng chí đã chỉ đạo công nhân cao su và đồng bào dân tộc ở Hớn Quản và Bù Đốp, tỉnh Bình Phước khởi nghĩa giành chính quyền thành công. Sau đó, đồng chí tham gia quân đội, bắt đầu cuộc đời binh nghiệp. Những năm đầu hoạt động cách mạng sôi nổi với bao khó khăn, thử thách, đã tôi rèn đồng chí Lê Đức Anh trở thành người cộng sản, chiến sĩ cách mạng kiên trung của Đảng trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc ta.  

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), đồng chí Lê Đức Anh lần lượt đảm nhận các nhiệm vụ từ cấp đại đội, chi đội, trung đoàn, đến Tham mưu trưởng Khu 7, Khu 8, Đặc khu Sài Gòn-Chợ  Lớn; Tham mưu phó Bộ Tư lệnh Nam Bộ. Đồng chí đã bám sát thực tiễn, vận dụng đúng đắn, sáng tạo quan điểm, đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng vào điều kiện của địa phương, theo phương châm “Dựa vào dân mà chiến đấu”, đã giành nhiều thắng lợi quan trọng trong các chiến dịch, góp phần kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1954-1975), đồng chí Lê Đức Anh được giao các chức vụ: Cục phó Cục Tác chiến; Cục trưởng Cục Quân lực - Bộ Tổng Tham mưu; Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu Giải phóng miền Nam Việt Nam; Tư lệnh Quân khu 9; Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh quân đội Tây Nam đánh vào Sài Gòn. 

Trên các cương vị, với tư chất của một nhà chỉ huy quân sự mưu lược, quyết tâm và dũng cảm, đồng chí cùng tập thể Tổng Quân ủy, Quân ủy Trung ương, Bộ Tư lệnh Miền hoạch định và tổ chức thực hiện thành công nhiều kế hoạch chiến lược, như: Cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968); cuộc tiến công chiến lược năm 1972 và cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Qua thực tiễn chiến trường, đồng chí tỏ rõ là một tài năng quân sự, nhà tham mưu chiến lược tài ba của của Đảng và quân đội. 

Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Lê Đức Anh được Đảng và Nhà nước, quân đội tin tưởng giao phó nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt như Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Chủ tịch nước; Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ năm 1997 đến tháng 4/2001. Trong cuộc đời mình, dù trên cương vị nào, đồng chí Lê Đức Anh cũng không quản ngại khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. 


Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu tại Hội thảo -.Ảnh: VGP/Thế Phong

Tấm gương sáng về phẩm chất của người cán bộ cách mạng 

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế cho biết, Thừa Thiên-Huế là quê hương, nơi lưu giữ nhiều kỷ niệm thời thơ ấu của Đại tướng, cũng là nơi đã nuôi dưỡng, hun đúc tinh thần, ý chí cách mạng của đồng chí Lê Đức Anh. Khi trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước và lúc nghỉ công tác, đồng chí vẫn luôn dành thời gian và tình cảm đặc biệt đối với quê nhà.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng chí nhiều lần trở lại Thừa Thiên-Huế và gợi mở giúp quê hương khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế-xã hội; gợi ý cho lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế xin phép Chính phủ xây dựng cảng Chân Mây để vừa phục vụ kinh tế vừa phục vụ quốc phòng. 

Trong những năm 2004-2007, đồng chí đã nhiều lần cùng với cán bộ, ban, ngành Trung ương về làm việc với lãnh đạo tỉnh và đặc biệt quan tâm đề xuất để tỉnh triển khai thực hiện các đề án lớn như: Đề án công trình thủy lợi hồ Tả Trạch; Đề án nâng cấp TP. Huế từ đô thị loại 2 lên đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh; Đề án nâng cấp sân bay Phú Bài. 

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu khẳng định, với niềm tự hào và kính trọng, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên-Huế luôn khắc ghi sâu sắc những lời căn dặn của Chủ tịch nước, Đại tướng; nêu cao ý chí, lòng kiên trung cách mạng, đoàn kết, đồng lòng vượt qua khó khăn, thử thách, quyết tâm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, lãnh đạo và đã đạt được những kết quả quan trọng và toàn diện. 

Noi gương đồng chí Lê Đức Anh, Đảng bộ, quân và dân Thừa Thiên-Huế quyết tâm tiếp tục nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa Thừa Thiên-Huế ngày càng đổi mới, hội nhập và phát triển, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết 54-NQ/TW, ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng phát triển tỉnh Thừa Thiên-Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. 

Phát biểu tại Hội thảo, đồng chí Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh, với 99 tuổi đời, hơn 80 năm tuổi Đảng, cho đến giờ phút cuối cuộc đời, đồng chí Lê Đức Anh luôn giữ vững phẩm chất của người cộng sản kiên trung, là tấm gương sáng về phẩm chất của người cán bộ cách mạng, nêu cao đức hy sinh, lòng dũng cảm, sống trung thực, giản dị, gần gũi với cán bộ chiến sĩ; luôn đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc và quân đội lên trên hết, suốt đời chiến đấu, hy sinh vì lý tưởng độc lập dân tộc và xã hội chủ nghĩa. 

Với công lao, cống hiến to lớn, đồng chí Lê Đức Anh đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và nhiều huân huy chương cao quý khác. 

Đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định hội thảo khoa học hôm nay là một trong những hoạt động lớn, trọng tâm, có ý nghĩa thiết thực trong chuỗi sự kiện Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Đức Anh. Các ý kiến trình bày tại hội thảo góp phần bổ sung những thông tin, tư liệu để khẳng định sâu sắc cuộc đời, sự nghiệp cách mạng sôi nổi, phong phú của đồng chí Lê Đức Anh; tôn vinh và tri ân công lao, cống hiến to lớn của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. 

Thế Phong


Cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng Lê Đức Anh gắn với các chiến trường từ Bắc vào Nam với 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, 11 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, 7 năm trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam cùng quân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng và tái thiết đất nước.

Với 99 năm tuổi đời, 80 năm tuổi Đảng, Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân ta. Không chỉ là chứng nhân mà Đại tướng Lê Đức Anh còn là một yếu nhân đã tham gia vào các sự kiện quan trọng của cách mạng và đất nước trong hơn 50 năm của nửa cuối thế kỷ 20 và hai thập niên đầu thế kỷ 21.

Đại tướng Lê Đức Anh – nhà quân sự lớn

Đại tướng Lê Đức Anh là người góp công lớn vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc; một người chỉ huy quân sự tài ba, quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, dày dạn kinh nghiệm trận mạc.

Cuộc đời binh nghiệp của ông gắn với các chiến trường từ Bắc vào Nam với 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, 11 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ, 7 năm trong chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam cùng quân dân Campuchia lật đổ chế độ diệt chủng và tái thiết đất nước.

Trên cương vị Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, rồi Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh miền Nam, Tư lệnh Quân khu 9, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh miền Nam, Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, ông đã tham gia nhiều sự kiện quan trọng, trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch lớn.

Chân dung đồng chí Lê Đức Anh (1983). (Ảnh: TTXVN)

Đặc biệt ông là người góp công lớn vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc, giải phóng miền Nam vào những ngày Tháng Tư năm 1975 lịch sử.

Theo Phó Giáo sư-Tiến sỹ Hà Minh Hồng – nguyên Trưởng khoa lịch sử – Đại học Khoa học & Xã hội Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh và cũng là người lính tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, trong 5 cánh quân tiến vào Sài Gòn những ngày cuối tháng 4/1975 thì cánh quân hướng Tây-Tây Nam do Trung tướng Lê Đức Anh – Phó Tư lệnh chiến dịch chỉ huy (thời điểm này ông mang hàm Trung tướng) đã đáp ứng được đầy đủ, kịp thời nhiệm vụ của chiến dịch khi sớm làm chủ chiến trường, kìm giữ chân địch, tạo điều kiện cho các cánh quân sớm hoàn thành nhiệm vụ.

Tài chỉ huy của Trung tướng Lê Đức Anh cũng được thể hiện rõ qua cách sử dụng con đường bạo lực cách mạng, sử dụng lực lượng vũ trang địa phương, huy động lực lượng của nhân dân tham gia cuộc chiến. Ông cũng đã tận dụng được sự giúp đỡ của nhân dân để vượt sông, giữ cầu, đánh chiếm cắt đường…

Ngoài sức mạnh quân sự với sự hợp nhất sức mạnh tổng lực của quân chủ lực với quân dân địa phương, Tiến sỹ Nguyễn Việt Hùng – Trưởng khoa Xây dựng Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh – Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, sức mạnh chính trị của nhân dân và đặc biệt uy danh của người đầu cánh quân Tây-Tây Nam cũng khiến quân địch khiếp sợ.

Không chỉ là vị Tư lệnh của binh đoàn cánh Tây Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, lúc sinh thời, Đại tướng Lê Đức Anh được ghi nhận là nhà quân sự lớn, là vị tướng của nhiều trận đánh lớn, là “vị tướng luôn trở về trong chiến thắng.”

“Sức mạnh quân sự của chúng ta với sự hỗ trợ sức mạnh chính trị của đồng bào cũng cảm hóa cả đối phương khi phần lớn các đơn vị đối phương phòng thủ ở hướng Tây-Tây Nam án binh bất động hoặc đầu hàng rã ngũ. Có nơi còn hợp tác với quân giải phóng để nhanh chóng kết thúc sớm chiến tranh. Có thể nói chính nghĩa của chúng ta gắn với tên tuổi của nhà quân sự lừng danh Lê Đức Anh làm địch khiếp sợ,” Tiến sỹ Nguyễn Việt Hùng nhấn mạnh.

Dấu ấn quân sự và tài thao lược của Trung tướng Lê Đức Anh đối với cánh quân phía Tây-Tây Nam rất rõ, đó là kinh nghiệm trận mạc của ông ở chiến trường Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ những năm 1969-1970, đặc biệt là sau Hiệp định Paris và đến cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân năm 1975. Chính uy danh của ông cùng uy lực của lực lượng bộ đội chủ lực, sự hiệp đồng tác chiến của nhân dân đã tạo nên vị thế của cánh quân phía Tây-Tây Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Không chỉ là vị Tư lệnh của binh đoàn cánh Tây Nam trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, lúc sinh thời, Đại tướng Lê Đức Anh được ghi nhận là nhà quân sự lớn, là vị tướng của nhiều trận đánh lớn, là “vị tướng luôn trở về trong chiến thắng.”

Chủ tịch Cuba Fidel Castro đón Chủ tịch nước Lê Đức Anh tại sân bay quốc tế José Martí ở thủ đô La Habana, trong chuyến thăm hữu nghị chính thức Cuba từ 12 – 17/10/1995. (Ảnh: Cao Phong/TTXVN)

Nhà lãnh đạo xuất sắc

Không chỉ có những đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, Đại tướng Lê Đức Anh còn có nhiều đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển đất nước và mở rộng quan hệ ngoại giao của Việt Nam. Ông đã góp phần đưa công cuộc đổi mới đi vào hiện thực, tạo tiền đề cho sự thành công của công cuộc đổi mới những năm tiếp theo. Ông cũng là người đề nghị việc phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Đặc biệt, dấu ấn nổi bật của ông phải kể đến là những đóng góp trong lĩnh vực ngoại giao. Thời kỳ Đại tướng Lê Đức Anh làm Chủ tịch nước là một trong những giai đoạn sôi động và phức tạp nhất của hoạt động ngoại giao nước nhà.

Trong 25 năm qua, những bước phát triển trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, góp phần vào sự phát triển thịnh vượng của mỗi nước và hòa bình ổn định ở khu vực đã chứng minh tầm nhìn của Đại tướng.

Thực hiện đường lối đổi mới, năm 1986, Việt Nam tiến hành bình thường hóa quan hệ với một số nước, trong đó có hai nước lớn là Trung Quốc và Hoa Kỳ. Trong bối cảnh đó, ông đã được tin tưởng giao trọng trách “mở đường.” Với tài năng và sự sáng tạo của mình, ông đã hoàn thành nhiệm vụ “mở đường” một cách xuất sắc.

Cuối tháng 7/1991, với tư cách là phái viên của Bộ Chính trị, Đại tướng Lê Đức Anh sang thăm Trung Quốc để trao đổi những vấn đề cụ thể việc bình thường hóa quan hệ hai nước. Sau chuyến đi này là chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam do Tổng Bí thư Đỗ Mười và Thủ tướng Võ Văn Kiệt dẫn đầu, theo lời mời của Tổng Bí thư Giang Trạch Dân và Thủ tướng Lý Bằng. Đây là mốc đánh dấu chính thức bình thường hóa và mở ra một trang sử mới trong quan hệ giữa hai nước Việt Nam-Trung Quốc.

Nhân dịp tham dự Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Liên hợp quốc (1945-1995), Chủ tịch nước Lê Đức Anh thăm hỏi một cựu binh Mỹ tích cực phản đối chính quyền Mỹ tiến hành chiến tranh xâm lược Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Và ông cũng chính là người thực hiện “mở đường” cho hành trình bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ. Thời điểm ấy, giữa Việt Nam và Hoa Kỳ chưa có một kênh tiếp cận chính thức nào. Sau những trăn trở, Đại tướng đã tìm ra những bước đi khôn khéo với chiến dịch “Phẫu thuật nụ cười” và “Tìm kiếm người Mỹ mất tích – MIA” – mở ra một cách tiếp cận trong việc bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ. Và bước mở đầu đó đã góp phần quan trọng trong việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước vào năm 1995.

Thực tế cho thấy, trong 25 năm qua, những bước phát triển trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, góp phần vào sự phát triển thịnh vượng của mỗi nước và hòa bình ổn định ở khu vực đã chứng minh tầm nhìn của Đại tướng.

Ông là một Chủ tịch nước, một Đại tướng nhân cách tài-đức vẹn toàn, trong ký ức của mỗi người dân, mỗi người lính, mỗi cấp dưới, cùng cấp, cấp trên hay với bạn bè quốc tế…

Đánh giá về Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã viết: “Ngần ấy thời gian biết về anh Sáu Nam – Lê Đức Anh, có lúc cùng chiến trường, có lúc ở cấp lãnh đạo Nhà nước, anh là một cán bộ tham mưu tầm cỡ, một vị tướng chỉ huy cương nghị, bản lĩnh và dám chịu trách nhiệm. Một Bộ trưởng Quốc phòng trong thời bình xây dựng có nhiều đổi mới trong tổ chức và bố trí lực lượng quân đội, lực lượng vũ trang nhân dân; một trong những nhà lãnh đạo quốc gia tầm cỡ trong thời kỳ đổi mới đất nước… Công bằng mà đánh giá, cũng không có nhiều tướng lĩnh như anh Lê Đức Anh.”

Là một Chủ tịch nước, một Đại tướng nhân cách tài-đức vẹn toàn, trong ký ức của mỗi người dân, mỗi người lính, mỗi cấp dưới, cùng cấp, cấp trên hay với bạn bè quốc tế, ông không chỉ là tấm gương một người cán bộ lãnh đạo dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, nhanh chóng quyết đoán trong những khoảnh khắc quyết định mà còn là một người giản dị và chan hòa, chân tình và độ lượng.

Đại tướng, Bộ trưởng Quốc phòng Lê Đức Anh trao tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho 3 đơn vị và trao 8 Huân chương Quân công hạng Nhất cho cán bộ, chiến sĩ và đại diện các gia đình có người thân hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia. (Ảnh: Minh Điền-TTXVN)

Khi Đại tướng Lê Đức Anh đi xa, Tiến sỹ Lê Mạnh Hà – con trai Đại tướng đã viết: “Ba đã sống một cuộc sống kiên cường của người chiến sĩ và bình dị như bao người dân khác. Vượt qua 4 cuộc chiến và 3 cơn bạo bệnh, ba đã sống đến gần 100 tuổi. Yêu thương, nghị lực, may mắn và sức sống phi thường đã giúp ba sống thật lâu và thật sự có ích cho đời… Gia tài ba để lại cho con, cháu thật đồ sộ và quý giá, đó là trái tim nhân hậu của con người dũng cảm. Yêu thương và vị tha, nhân hậu để vị tha.”

Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú, với bao khó khăn, thử thách, Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh luôn hoàn thành xuất sắc trọng trách trước Đảng, Nhà nước, Tổ quốc và nhân dân; đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đúng như Cố Tổng Bí thư Đỗ Mười đã khẳng định, Đại tướng Lê Đức Anh “là một trong những nhà chính trị tầm cỡ, nhà quân sự lớn của Đảng và Nhà nước ta.”

Triển lãm “Đại tướng Lê Đức Anh – Cuộc đời và sự nghiệp”giới thiệu hơn 300 tài liệu, hình ảnh và hiện vật tiêu biểu về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Lê Đức Anh. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Đại tướng Lê Đức Anh (bí danh Nguyễn Phú Hòa, còn gọi là Chín Hòa, Sáu Nam), sinh ngày 1/12/1920 tại làng Trường Hà, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Năm 1937, ông tham gia phong trào dân chủ ở huyện Phú Vang và Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tháng 5/1938, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; sau đó được tổ chức phân công phụ trách các nghiệp đoàn cao su ở Lộc Ninh.

Từ tháng 8/1945 đến tháng 10/1948, ông giữ các chức vụ từ trung đội trưởng đến chính trị viên Trung đoàn 301. Từ tháng 11/1948 đến tháng 12/1950 là Tham mưu trưởng Khu 7, Khu 8 và Quân khu Sài Gòn-Chợ Lớn. Từ năm 1951 đến năm 1954 là Tham mưu phó, Quyền Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Nam Bộ.

Từ tháng 5/1955 đến tháng 7/1963, ông đảm nhiệm các chức vụ Cục phó Cục Tác chiến và Cục trưởng Cục Quân lực, Bộ Tổng Tham mưu. Tháng 8/1963, ông được bổ nhiệm Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ tháng 2/1964 đến năm 1968, ông được giao giữ chức vụ Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Từ năm 1969 đến năm 1974, ông là Tư lệnh Quân khu 9. Từ năm 1974 đến năm 1975 là Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam, Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh kiêm Tư lệnh cánh quân hướng Tây-Tây Nam đánh vào Sài Gòn.

Tháng 5/1976, ông được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh Quân khu 9. Tháng 6/1978, được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh kiêm Chính ủy Quân khu 7, Chỉ huy trưởng Tiền phương Bộ Quốc phòng ở mặt trận Tây Nam. Tháng 6/1981, được bổ nhiệm giữ chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia; Phó Trưởng ban, rồi

Trưởng ban Lãnh đạo Đoàn Chuyên gia Việt Nam tại Campuchia. Ông được phong quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng năm 1974; được thăng quân hàm Thượng tướng năm 1980, Đại tướng năm 1984.

Tháng 12/1986, ông được bổ nhiệm giữ chức Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ tháng 2/1987, là Phó Bí thư Đảng ủy quân sự Trung ương (nay là Quân ủy Trung ương), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Ngày 23/9/1992, Quốc hội khóa IX đã bầu ông làm Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cho đến tháng 12/1997.

Ông là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa IV, V, VI, VII, VIII; Bí thư Trung ương Đảng khoá VII; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa V, VI, VII, VIII; Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII; Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng từ tháng 12/1997 đến tháng 4/2001; Đại biểu Quốc hội các khóa VI, VIII và IX.

Nguồn:special.vietnamplus.vn

Video liên quan

Chủ đề