Làm sao để học 2 trường đại học cùng lúc

Với việc trao đổi công nhận tín chỉ lẫn nhau giữa các trường đại học (ĐH), người học trường này có thể đăng ký theo học một năm hoặc thêm ngành thứ 2 ở trường khác.

Sinh viên trúng tuyển nhập học tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Dự kiến sinh viên trường này có thể trao đổi học tập một số học phần tại trường khác

Học 2 ngành tại 2 trường khác nhau

Theo quy định đào tạo song ngành bậc ĐH chính quy do ĐH Quốc gia TP.HCM ban hành, 2 ngành này sẽ gồm ngành thứ nhất người học trúng tuyển nhập học và ngành thứ 2 đăng ký học tại trường khác. Theo quy định, ở ngành thứ 2 sinh viên (SV) cần học tối thiểu 30 tín chỉ và tối đa 80 tín chỉ ngoài các khối lượng kiến thức trùng nhau được công nhận tương đương giữa 2 ngành.

Tiến sĩ Phạm Tấn Hạ, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, cho biết năm 2021 là khóa đầu tiên trường áp dụng quy định mới này. Trường đã thí điểm cho SV trường khác chọn một trong 5 ngành để học ngành thứ 2 gồm: quan hệ quốc tế, ngôn ngữ Anh, báo chí, quản trị du lịch và lữ hành, tâm lý học. Trong năm đầu tiên triển khai, có khoảng 30 SV trường khác đang theo học ngành 2. “Năm 2022, ngoài 5 ngành đã triển khai, trường dự kiến mở rộng thêm một số ngành người học có nhu cầu như: Nhật Bản học, ngôn ngữ Trung Quốc…”, tiến sĩ Hạ thông tin.

Trường ĐH Kinh tế - Luật hiện cũng đang có 3 ngành được triển khai theo hình thức song ngành dành cho người học tại ĐH Quốc gia TP.HCM gồm: kinh tế quốc tế, quản trị kinh doanh và luật kinh tế. Tiến sĩ Nguyễn Thanh Trọng, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường, cho biết hiện chương trình này đang có 14 SV của 5 trường theo học gồm: Công nghệ thông tin, Khoa học xã hội và nhân văn, Bách khoa, Quốc tế và Khoa học tự nhiên.

Để theo học ngành thứ 2 ở trường khác, ĐH Quốc gia TP.HCM có quy định chung về đầu vào. Cụ thể là người học đã hoàn thành năm thứ nhất với tối thiểu 25 tín chỉ tích lũy được, có điểm trung bình từ 7,0 trở lên và không bị kỷ luật từ mức cảnh cáo trở lên. Ngoài ra, các trường có thể bổ sung thêm điều kiện riêng tùy theo đặc thù ngành học. Chẳng hạn, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM có thêm quy định riêng cho 2 ngành ngôn ngữ Anh và quan hệ quốc tế. Người học cần đạt trình độ ngoại ngữ đầu vào để theo học chương trình chính thức.

Theo tiến sĩ Nguyễn Thanh Trọng, việc cho phép học 2 ngành ở 2 trường sẽ là điều kiện để SV có năng lực học tập và điều kiện tài chính có thể tham gia học tập để mở rộng cơ hội nghề nghiệp trong tương lai. Tuy nhiên, để việc học hiệu quả, người học cần có cách chọn lựa ngành học thứ 2 dựa trên định hướng nghề nghiệp, sở thích bản thân và phân tích được mối quan hệ bổ trợ lẫn nhau giữa 2 ngành học.

Tích lũy tín chỉ ở trường khác

Trong khi đó, SV trường này có cơ hội học tập tại trường ĐH khác thông qua hình thức trao đổi học tập.

Thông tư 08 về Quy chế đào tạo trình độ ĐH của Bộ GD-ĐT ban hành năm 2021 có một điểm rất mới về việc trao đổi SV và công nhận tín chỉ của nhau với tối đa 25% tổng khối lượng chương trình đào tạo. Quy định trao đổi này cho phép người học của trường này được học một số học phần tại trường khác và ngược lại. Từ điểm mới của quy chế này, các trường ĐH xây dựng kế hoạch đẩy mạnh triển khai hoạt động trao đổi người học trong nước.

Tiến sĩ Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nha Trang, cho biết hiện trường đã triển khai hình thức trao đổi và công nhận tín chỉ với Trường ĐH Đà Lạt và Trường ĐH Kiên Giang. Thời gian tới, trường tiếp tục ký thỏa thuận hợp tới với Trường ĐH Tây nguyên và Học viện Nông nghiệp Việt Nam. “SV giữa 2 trường có thể đăng ký học tập các học phần tại trường đối tác và ngược lại. Học phần trao đổi được thống nhất để công nhận lẫn nhau giữa 2 trường, việc học trao đổi này không quá một năm theo quy chế”, ông Phương cho biết.

Thạc sĩ Nguyễn Ngọc Trung, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cũng cho biết trường này dự kiến triển khai hình thức trao đổi học tập, linh hoạt trong công nhận tín chỉ thời gian tới. Trong đó, trước mắt triển khai với các ngành sư phạm và ở những môn chung phù hợp chương trình đào tạo giữa 2 trường tham gia trao đổi.

Ông Trung nói: “Học phần trao đổi được công nhận có số lượng tín chỉ, nội dung học và chuẩn đầu ra tương đương nhau. Khi đó, SV trường này có thể đăng ký học một số học phần tại trường khác và ngược lại. Hình thức học tập này giúp người học trải nghiệm 2 môi trường học ĐH khác nhau và chỉ nhận 1 bằng tốt nghiệp ĐH tại nơi mình trúng tuyển và nhập học”.

Nhận xét thêm về hình thức mới này, tiến sĩ Tô Văn Phương cũng nói: “Trước nay các trường ĐH chỉ chú trọng việc trao đổi người học với trường ĐH nước ngoài. Với quy định mới này, việc trao đổi người học giữa các trường trong nước sẽ mở rộng hơn. Ngoài tiện ích về khoảng cách địa lý khi đăng ký học tại trường gần nhà, người học còn có lợi thế trong việc trải nghiệm thêm môi trường học tập ở trường khác. Đồng thời có cơ hội lựa chọn theo học những học phần trường đối tác có thế mạnh hơn trong đào tạo”.

Tin liên quan

Bộ Giáo dục và Đào tạo trả lời vấn đề này như sau:

Hiện nay, không có quy định cấm học cùng lúc hai trường đại học, cao đẳng. Nếu tham gia thi tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy theo kỳ thi “ba chung” do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, sinh viên cần lưu ý đến quy định tại điểm d khoản 2 Điều 5 của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy hiện hành. Theo đó, người thuộc diện không được dự thi bao gồm học sinh, sinh viên chưa được Hiệu trưởng cho phép dự thi (bằng văn bản).

Các trường đại học, cao đẳng có nhiệm vụ xây dựng Quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường, các quy định riêng về đào tạo áp dụng trong nhà trường trên cơ sở các quy định tại Điều lệ trường đại học do Thủ tướng Chính phủ ban hành và các quy chế đào tạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Do vậy, mỗi trường đại học, cao đẳng có thể có các quy định cụ thể về tổ chức và quản lý đào tạo, quản lý người học theo mức độ khác nhau và người học phải có trách nhiệm chấp hành các quy định này.

Từ các cơ sở nêu trên, để học cùng lúc hai trường đại học, cao đẳng sinh viên cần chú ý các điểm sau: Phải đủ điều kiện dự thi tuyển sinh theo quy định. Nộp hồ sơ khi nhập học: Theo quy định tại khoản 4 Điều 35 của Quy chế tuyển sinh hiện hành, sinh viên phải nộp học bạ, bằng tốt nghiệp trung học, …, là các bản photocopy, được nhà trường kiểm tra, đối chiếu với bản chính. Do vậy sinh viên có thể nộp hồ sơ nhập học (bản photocopy) vào nhiều trường. Việc quản lý người học, tổ chức đào tạo (có thể theo niên chế hoặc theo hệ thống tín chỉ) ở các trường khác nhau và sinh viên phải tuân thủ các quy định này. Sinh viên học cùng lúc 2 trường sẽ gặp một số khó khăn, như: chồng chéo về thời gian học tập và sinh hoạt; trùng lắp về nội dung học tập (hiện nay, hầu như chưa có công nhận lẫn nhau giữa các trường về kết quả học tập của sinh viên); khác nhau về các quy định học vụ, nội quy sinh hoạt lớp, sinh hoạt chi đoàn, sinh hoạt Hội sinh viên…

Trong lúc nhiều sinh viên (SV) học một ngành đã thấy khá vất vả, thì không ít SV học cùng lúc 2 ngành nhưng vẫn đạt được kết quả cao trong học tập.

 Theo quy định, một SV có học lực bình thường được đăng ký tối thiểu 14 tín chỉ trong mỗi học kỳ để phù hợp với sức học. Mức tối đa tùy từng trường quy định, từ 22 - 28 tín chỉ. Tuy nhiên, với những SV học song ngành, số tín chỉ có thể gấp đôi những người học một ngành.

 

Ảnh minh họa


Phạm Trọng Nghĩa là SV ngành hệ thống thông tin doanh nghiệp Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM. Sau năm thứ nhất, Nghĩa đạt điểm tổng kết là 8,24. Do yêu thích cả ngành tài chính nên Nghĩa quyết định đăng ký học thêm ngành này. Mỗi học kỳ, Nghĩa học khoảng 30 tín chỉ, tức tầm 9 - 12 môn trong khi các bạn khác chỉ học khoảng 5, 6 môn. Nghĩa cho biết: “Lúc đầu, em thấy cũng khá khó khăn trong việc sắp xếp lịch học làm sao cho vừa kịp môn lại vừa cân đối giữa hai ngành. Em luôn cố gắng chừa 2 ngày thứ bảy và chủ nhật để có thời gian thư giãn, tham gia các hoạt động khác cho cân bằng. Cao điểm nhất là khi bước sang năm 3, cứ sáng thì học ngành 1, chiều lại học ngành 2 khá căng thẳng”. Đến thời điểm này, điểm trung bình của Nghĩa ở hai ngành là 8,0. Nguyễn Thị Cẩm Tú, SV Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, học cùng lúc hai ngành kỹ thuật môi trường và công nghệ thực phẩm. Có những ngày Tú học kín mít từ sáng đến chiều với 12 tiết, tối lại đi học Anh văn. Thời gian thi là căng thẳng nhất vì dồn nhiều môn vào cùng một lúc. Thế nhưng, kết quả học tập trung bình của hai ngành của Tú hiện nay là trên 8,0. Trong khi đó, Nguyễn Phương Thảo, SV năm 3 Trường ĐH Sư phạm TP.HCM học cùng lúc hai ngành tiếng Trung và tiếng Anh, với 28 tín chỉ/học kỳ, luôn cảm thấy thoải mái. Điểm tổng kết hai ngành của Thảo được 3,62, đạt loại giỏi. Bí quyết của các SV này là sắp xếp thời gian một cách khoa học và có sự chuẩn bị tốt. Phạm Trọng Nghĩa chia sẻ: “Các bạn có ý định học thêm ngành 2 chỉ cần phân bổ thời gian hợp lý và đừng quá chú trọng hay học lệch ngành nào cả. Sẽ có những lúc cảm thấy áp lực, nhưng đừng nản chí mà hãy nghĩ đến những thuận lợi của việc học song ngành, đó là biết được nhiều kiến thức hơn, tốt nghiệp đi xin việc sẽ có nhiều cơ hội hơn”. Còn Nguyễn Phương Thảo thì đưa ra lời khuyên: “Thường lịch học sẽ được trường công bố trước cả tháng. Bạn cần nghiên cứu lịch học, môn học rồi chọn những môn phù hợp, đủ số tín chỉ mà bạn có thể theo, sao cho các môn của hai ngành không trùng nhau. Bạn cũng cần lưu ý là mỗi trường thường có đến 2, 3 cơ sở học, môn này học cơ sở này, môn kia lại học cơ sở khác. Khi lên kế hoạch, bên cạnh việc phân bổ thời gian hợp lý, cũng cần lưu ý đến địa điểm học của các môn để tránh một ngày phải chạy đi chạy lại nhiều nơi”.

Theo Thanh Niên

Video liên quan

Chủ đề