Làm sao để biết trẻ bị đau đầu?

Trẻ đau đầu có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau, có bệnh không đáng lo nhưng có bệnh nguy hiểm như viêm não, chấn thương đầu… cần cấp cứu.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Minh Đức (Khoa Nội thần kinh Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM) cho biết, đau đầu có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, ngay cả trẻ em. Đau đầu là cảm giác chủ quan và tùy theo sức chịu đựng của mỗi người mà có thể có phản ánh để những người xung quanh nhận biết. Đối với trẻ quá nhỏ, người lớn có thể nhận biết trẻ đau đầu bằng cách quan sát thấy trẻ ôm đầu khóc, hay quấy, không ngủ, có thể có những dấu hiệu đi kèm đau đầu báo hiệu bệnh nặng cần cấp cứu.

Khi trẻ than đau đầu, tốt nhất phụ huynh cần phải biết: trẻ đau đầu từ lúc nào, mới bị hay đã bị nhiều lần; trẻ làm gì trước khi đau đầu; có té ngã chấn thương trước đó hay không; cảm giác đau đầu như thế nào, có nặng không; có đang bị bệnh gì không; đau đầu có giảm không hay càng lúc càng đau nặng hơn.

Những cơn đau đầu của trẻ thường khiến cha mẹ lo lắng. Ảnh: Shutterstock

Những cơn đau đầu của trẻ thường khiến cha mẹ lo lắng. Ảnh: Shutterstock

Theo bác sĩ Minh Đức, tùy theo kiểu đau đầu mà trẻ có thể bị đau đầu nguyên phát hoặc đau đầu thứ phát.

Đau đầu thứ phát thường gặp ở trẻ do các nguyên nhân nhiễm trùng thông thường, nhiễm siêu vi, vi trùng, chấn thương đầu, viêm não, viêm màng não... Trẻ thường sẽ bị nhức đầu, đôi khi kèm theo triệu chứng sốt, nghẹt mũi. Đây là những nguyên nhân gây đau đầu thường gặp nhất ở trẻ em.

Khi trẻ nhiễm siêu vi, virus gây ra viêm họng, cúm, cảm lạnh viêm xoang, viêm tai giữa... kèm theo các triệu chứng như sốt, nghẹt mũi, xổ mũi, ho, đau tai, ù tai... Đau đầu thường chấm dứt khi trẻ khỏi bệnh.

Đau đầu do chấn thương đầu nhẹ (ví dụ do vấp ngã hoặc tác động từ bên ngoài), gây ra cảm giác choáng váng, nôn ói lúc đầu. Cơn đau có thể ngắn hạn hoặc kéo dài nhiều tháng nhưng chỉ ở mức độ nhẹ, không kèm các triệu chứng thần kinh (ngủ gà, yếu liệt chi, mờ mắt, co giật, cổ gượng....). Nếu trẻ đau đầu, khó chịu kéo dài, cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.

Nhiễm trùng não - màng não, u não thường kéo theo những cơn đau đầu khiến trẻ lười chơi và ít vận động. Nguyên nhân gây đau đầu này thường ít xảy ra hơn và kèm theo các triệu chứng thần kinh diễn tiến nặng dần. Do đó, cha mẹ cần theo dõi sát hiện tượng đau đầu và đưa trẻ đi khám bệnh kịp thời.

Đau đầu nguyên phát ở trẻ em thường do chứng đau nửa đầu và những nguyên nhân từ tâm lý gây ra stress, căng cơ.

Đau nửa đầu là cơn đau thường ở một hoặc cả hai bên phần trước đầu, đau từng cơn, đau nhói hay đau theo nhịp đập kèm theo chóng mặt, nôn ói, thường xuất hiện ở bé gái nhiều hơn bé trai và bệnh thường mang tính chất gia đình (cha mẹ cùng thường xuất hiện những cơn đau nửa đầu). Cơn đau đầu rất khó diễn tả, trẻ thường muốn nghỉ ngơi trong bóng tối, yên tĩnh và sẽ tự khỏi hoặc hết sau khi dùng thuốc giảm đau.

Đau đầu do stress tâm lý, ví dụ do trẻ học tập căng thẳng, trẻ sợ đi học, các mối quan hệ bạn bè gây ức chế tâm lý... Đôi khi, stress kéo dài, vấn đề không xử lý được gây ra hiện tượng căng siết đầu, căng các nhóm cơ cổ vai gáy... cũng gây ra đau đầu ở trẻ.

Ngoài những vấn đề trên, tình trạng đau đầu ở trẻ còn do nhiều nguyên nhân khá phổ biến khác mà phụ huynh không ngờ tới như các vấn đề về mắt do thị lực kém, trẻ cố gắng tập trung nhìn vào điện thoại, máy tính gây căng thẳng, đau cổ hoặc lưng liên quan đến tư thế ngồi không đúng...

Những điều cần làm khi trẻ đau đầu

Theo bác sĩ Minh Đức, khi thấy trẻ than nhức đầu, phụ huynh phải bình tĩnh thu nhận thông tin và giúp trẻ xử lý cơn nhức đầu hiệu quả. Nếu nguyên nhân đau đầu do stress, do tư thế ngồi sai, ba mẹ có thể cho con nằm thư giãn, kê gối hơi cao một chút. Ba mẹ có thể hỏi han, trò chuyện và massage để con được thư giãn, cơn đau đầu sẽ dần biến mất.

Cha mẹ cần lưu ý, cho trẻ nằm trong phòng yên tĩnh, tránh ánh sáng và giảm tiếng ồn. Bên cạnh đó, có thể sử dụng túi chườm lạnh hoặc chườm nóng; hướng dẫn trẻ hít thở sâu, nhẹ nhàng. Ba mẹ có thể cho trẻ tắm trong bồn nước ấm hoặc tắm dưới vòi sen... cũng có thể làm giảm cơn đau đầu.

Trẻ đau đầu kèm những dấu hiệu bất thường, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám ngay. Ảnh: Shutterstock

Trẻ đau đầu kèm những dấu hiệu bất thường, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám ngay. Ảnh: Shutterstock

Đối với nhóm đau đầu do nguyên nhân tâm lý và nguyên phát, việc điều trị hiệu quả cần có sự kết hợp nhiều phương pháp như dùng thuốc, tâm lý trị liệu, thay đổi nhận thức, hành vi ứng xử...

Phụ huynh cần phải lưu ý những điều dưới đây và đưa trẻ đi khám ngay khi cơn đau đầu kéo dài liên tục trong ngày, tái phát hàng tuần hoặc các cơn đau đầu kèm theo các triệu chứng như:

- Trẻ uể oải và nhầm lẫn bất thường, có thể nhận nhầm người thân hay nói lung tung, thay đổi tính cách.

- Trẻ đau đầu ngày càng tăng, đau tăng khi nằm xuống hay khi thức dậy buổi sáng, có thể liên quan tới tăng áp lực trong sọ não.

- Trẻ nôn nhiều, nôn vọt sau nôn có giảm đau đầu: có thể chỉ đơn thuần là viêm họng, viêm tai, viêm xoang nhưng cũng có thể là triệu chứng của tăng áp lực trong sọ.

- Trẻ sốt cao liên tục trên 39 độ C, chứng tỏ trẻ có nhiễm trùng và chưa loại trừ nhiễm trùng thần kinh.

- Yếu hoặc mất khả năng điều khiển tay chân, có thể có liên quan đến tổn thương não bộ.

Ngoài ra, có những triệu chứng báo động cơn đau đầu của trẻ có thể là bệnh nặng bao gồm: xảy ra đột ngột sau gắng sức; có kèm theo các triệu chứng thần kinh như yếu liệt tay chân, liệt mặt, lé mắt, cứng gáy, thay đổi tình tình như cáu gắt, không tiếp xúc; đau đầu dữ dội ngày càng tăng dần. Đây là những trường hợp có thể là vỡ dị dạng mạch máu gây chảy máu trong não, viêm màng não, u não, máu tụ trong não do chấn thương đầu.

Theo bác sĩ Minh Đức, khi trẻ đau đầu đột ngột và dữ dội kèm theo các dấu hiệu cảnh báo nêu trên thì nguyên nhân có thể nằm bên trong sọ não hoặc hệ thống thần kinh trung ương của trẻ. Việc chẩn đoán chính xác cần dựa vào bệnh sử, thăm khám lâm sàng và các xét nghiệm cận lâm sàng, nếu có.

"Các hệ thống máy chụp CT, MRI hiện đại, tân tiến ngày nay cho phép chụp CT, MRI sọ não ở cả trẻ em. Ví dụ, tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM chúng tôi sử dụng hệ thống chụp CT 768 lát cắt cao cấp và hệ thống chụp MRI thế hệ mới sử dụng công nghệ ma trận sinh học toàn phần, cả hai đều có thể chụp chiếu cho trẻ em nhằm chẩn đoán các bệnh liên quan vùng sọ não", bác sĩ Minh Đức cho biết.

Bình Minh