Khởi nghĩa Bắc Sơn bùng nổ Nam bao nhiêu

Khởi nghĩa Bắc Sơn - cuộc khởi nghĩa vũ trang đầu tiên do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo là một cuộc khởi nghĩa của người Việt chống lại thực dân Pháp và phát xít Nhật diễn ra tại Bắc Sơn, Lạng Sơn vào năm 1940 trong thời kỳ Chiến tranh thế giới thứ hai.

Châu Bắc Sơn nằm ở phía Tây Nam tỉnh Lạng Sơn, với diện tích khoảng 800km2, phía Đông giáp huyện Văn Quan, phía Tây giáp huyện Võ Nhai, phía Nam giáp huyện Hữu Lũng và phía Bắc giáp huyện Bình Gia.

Khu di tích khởi nghĩa Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn.

Bắc Sơn địa thế hiểm trở. Núi cao, lắm hang động kỳ vĩ, có hang rộng tới 12.000 m2 dài hàng kilômét với nhiều di tích khảo cổ. Giữa rừng núi trùng điệp là những thung lũng rộng, đồng ruộng khá phì nhiêu. Bắc Sơn có nhiều dân tộc anh em sinh sống, đông nhất là Tày, Nùng, Dao, Hoa và Kinh. Người Tày chiếm khoảng 80% dân số.

Năm 1933, từ Lũng Nghìu (một làng nhỏ huyện Long Châu, Trung Quốc) cách biên giới không xa, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã về quê hương gây dựng cơ sở từ Na Sầm, Khe Da đến Đồng Đăng, Kỳ Lừa. Ngày 25-9-1936, chi bộ Đảng đầu tiên ở Bắc Sơn xuất hiện tại Mỏ Tát, xã Vũ Lăng.

Bắc Sơn lúc ấy nằm trên con đường chiến lược từ Lạng Sơn đến biên giới Việt -Trung, vì thế tháng 8-1938, Xứ ủy Bắc kỳ cử cán bộ về củng cố. Tháng 5-1939, Ban cán sự châu Bắc Sơn thành lập ở đồi Nà Kheo, xã Vũ Lăng. Từ đó nhân dân Bắc Sơn luôn gắn mình với phong trào cách mạng chung của cả nước: chống phát xít, chống bắt phu, đòi bán muối, đòi tự do đi lại...

Tháng 9-1939, Hội nghị Trung ương lần thứ VI họp ở Bà Điểm (Sài Gòn) chỉ rõ: “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không có con đường nào khác hơn là đánh đổ đế quốc Pháp và chống tất cả mọi ách ngoại xâm vô luận da trắng hay da vàng”.

Tháng 6-1940, chính phủ Pháp (Pétain) đầu hàng Hít-le. Đón trước tình hình mới, Đảng ta rất chú trọng đến tình hình biên giới phía Bắc.

Ở Đông Dương, phát xít Nhật bắt đầu thực hiện kế hoạch xâm lược Việt Nam. Ngày 22-9-1940, quân Nhật vượt biên giới đánh vào Lạng Sơn. Quân Pháp chống cự yếu ớt rồi rút chạy qua Điểm He, Bình Gia, Bắc Sơn về Thái Nguyên. Chính quyền thực dân, phong kiến bị tan rã ở nhiều nơi. Quan quân địch ở Bắc Sơn hoang mang, lo sợ.

Ngày 25-9-1940, tại cầu Rá Riềng, binh lính đồn Bình Gia bỏ chạy vứt lại cả ô tô và súng đạn, cởi bỏ quân phục cho dễ lẩn trốn. Chính quyền địa phương của giặc rệu rã. Nhân dân Bắc Sơn không bỏ lỡ thời cơ, tự tổ chức việc thu nhặt vũ khí, tước khí giới của các toán quân lẻ để tự vũ trang, sẵn sàng nổi dậy cướp chính quyền.

Đứng trước tình thế chín muồi cho cuộc khởi nghĩa vùng lên đánh Pháp, đuổi Nhật, vào tối ngày 26-9-1940, tại đình làng Nông Lục (xã Hưng Vũ), Chi bộ xã Hưng Vũ đã tổ chức một cuộc họp với sự tham gia trực tiếp của các đồng chí Châu ủy Bắc Sơn: Hoàng Đình Ruệ, Nông Văn Cún, Đường Văn Thức để thảo luận, phân tích tình hình và quyết định phương hướng, hành động đánh đồn Mỏ Nhài và thành lập Ban chỉ huy khởi nghĩa. Các đồng chí mới từ Lạng Sơn về cũng như các đồng chí địa phương qua một thời gian thảo luận ngắn đã đi tới nhận định: Tình hình Bắc Sơn lúc này đã chín muồi cho một cuộc khởi nghĩa, chính quyền thực dân Pháp đang tan rã ở khắp nơi, nhiều tên quan đã bỏ trốn trước uy thế quân Nhật cũng như áp lực của quần chúng cách mạng. Tri châu Thất Khê đã bị nhân dân giết chết. Tri châu Na Sầm bị dân chúng bắt giao cho Nhật. Chỉ huy Pháp ở Bình Gia cũng đã bỏ đồn vứt súng đạn đem lính chạy trốn. Chính quyền thực dân Bắc Sơn đã lung lay tới gốc. Trong khi đó, nhân dân các dân tộc Bắc Sơn thì sôi sục căm thù, quyết tâm đánh địch, tự vệ vũ trang đã sẵn sàng, lương thực thóc gạo đã được chuẩn bị.

Sau khi thảo luận, các đồng chí có mặt trong cuộc họp quyết định sáng sớm hôm sau Đảng bộ Bắc Sơn sẽ triệu tập cuộc họp khẩn cấp thông qua chủ trương khởi nghĩa, ấn định kế hoạch hành động.

Lược đồ khởi nghĩa Bắc Sơn.

Sáng ngày 27-9-1940, cuộc hội nghị quan trọng giữa các tổ Đảng Bắc Sơn và các chiến sĩ cộng sản từ Lạng Sơn về tại đình Nông Lục, xã Hưng Vũ đã khẩn trương thống nhất thông qua chủ trương khởi nghĩa và quyết định phát động đấu tranh vũ trang ngay trong ngày hôm ấy. Giờ khởi nghĩa đã được chọn từ 19 giờ 30 đến 20 giờ. Mục tiêu đấu tranh là đánh chiếm đồn Mỏ Nhài, châu lỵ Bắc Sơn.

Trong giờ phút khẩn trương đó, các đồng chí trong Đảng bộ Bắc Sơn đã nhất trí thông qua kế hoạch khởi nghĩa như sau:

- Thành lập Ban chỉ huy cuộc khởi nghĩa gồm 5 đồng chí: Hoàng Văn Hán, Dương Công Bình, Hoàng Đình Ruệ, Đường Văn Thức, Nông Văn Cún, do đồng chí Hoàng Văn Hán làm chỉ huy trưởng.

- Chỉ huy cuộc tiến công đồn Mỏ Nhài là các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Hoàng Đình Ruệ và Dương Công Bình.

- Cử cán bộ đi báo cáo quyết định khởi nghĩa của Đảng bộ Bắc Sơn với Xứ ủy.

- Cử một số đồng chí về các tổ đảng phổ biến quyết định khởi nghĩa và giao trách nhiệm cho các tổ đảng huy động đảng viên và quần chúng cách mạng tham gia khởi nghĩa.

- Cử người đi điều tra tình hình chính quyền thực dân ở Bình Gia, đồng thời vận động nhân dân ủng hộ số đạn dược lấy được từ lính Pháp đã chạy trốn.

- Lực lượng đánh chiếm đồn Mỏ Nhài là những đảng viên, quần chúng trung kiên có vũ khí, vận động số tổng đoàn, xã đoàn, lính dõng, khố đỏ đã ngả sang hàng ngũ cách mạng cùng tham gia tiến công đồn Mỏ Nhài.

- Cử một số đồng chí cùng quần chúng cách mạng có vũ trang tiếp tục truy quét tàn binh Pháp.

Được lệnh vùng lên khởi nghĩa, ai nấy đều phấn khởi hăng hái hành động. Chập tối ngày 27-9-1940, hưởng ứng chủ trương của Ban chỉ huy khởi nghĩa, nhân dân các dân tộc xã Hưng Vũ cùng nhân dân xã Bắc Sơn, Chiêu Vũ, Trấn Yên và Ngự Viễn đã có mặt tại địa điểm tập trung, với trang bị vũ khí thô sơ: súng kíp, giáo mác, gậy gộc chia làm 3 bộ phận sẵn sàng chờ lệnh đánh chiếm đồn Mỏ Nhài theo ba hướng đã định. Vũ khí của quân khởi nghĩa có được chỉ 20 súng trường, 8 súng kíp, giáo mác, gậy gộc và 30 hòm đạn lấy được của quân Pháp.

Khu di tích cách mạng đồn Mỏ Nhài - nơi mở đầu cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn.

Đồn Mỏ Nhài được chính quyền thực dân Pháp thiết lập ngay từ những ngày đầu chúng đặt chân lên đất Bắc Sơn. Đồn được xây dựng với hệ thống đồn bốt, nhà cửa rất kiên cố, ngoài cùng là bức tường đá dày 40cm cùng rất nhiều hàng rào thép gai chạy bao quanh để bảo vệ. Chỉ có 1 con đường duy nhất đi lên đồn. Như vậy, để đánh được đồn không phải dễ dàng. Vì vậy, lực lượng khởi nghĩa được chia làm 3 mũi tấn công:

- Bộ phận chủ lực do đồng chí Hoàng Văn Hán chỉ huy, gồm 16 tay súng: 10 súng trường và 6 súng kíp tiến theo đường chính từ phía chợ lên đồn.

- Một bộ phận gồm 10 tay súng: 6 súng trường, 4 súng kíp do đồng chí Dương Công Bình chỉ huy.

- Bộ phận còn lại có 4 súng trường và một số súng kíp do nguyên tổng đoàn Hoàng Đình Phú phụ trách, đánh vào phía sau đồn.

Giờ hành động đã tới, 8 giờ tối ngày 27-9-1940, cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn chính thức bùng nổ. Tuy chưa có kinh nghiệm tác chiến nhưng với khí thế hùng dũng, mọi người xông lên, vừa nổ súng vừa kêu gọi binh lính trong đồn đầu hàng quân cách mạng. Tri châu Hoàng Văn Sĩ cùng một trung đội gồm 22 lính với trang bị đầy đủ súng ống, hoảng sợ tháo chạy qua đèo Canh Giàn sang Bằng Mạc.

Du kích tham gia cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn, tháng 9-1940.

Đồn Mỏ Nhài đã bị quân khởi nghĩa chiếm được sau cuộc tấn công chớp nhoáng, nghĩa quân kiểm soát khắp nơi, binh lính địch hoảng sợ bỏ chạy, chính quyền địch bị tan rã. Nghĩa quân chiếm được đồn, thu 10 khẩu súng trường, 6 súng kíp, 2 gánh đạn, 1 máy chữ cùng toàn bộ sổ sách, bằng, triện.

Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo của Chi bộ Hưng Vũ, nhân dân các làng xung quanh đồn Mỏ Nhài tập hợp lực lượng cùng nhau khua chiêng, gõ mõ… gây hậu thuẫn cho cuộc chiến đấu của quân khởi nghĩa trên các hướng tấn công góp phần hạ đồn Mỏ Nhài, chiếm châu lỵ Bắc Sơn. Khởi nghĩa Bắc Sơn kết thúc thắng lợi.

Tin vui chiến thắng lan nhanh ra nhiều xã, hàng nghìn đồng bào, từ già tới trẻ, đốt đuốc kéo đến đồn Mỏ Nhài reo hò, vui sướng náo động cả một vùng đồi núi xưa nay vốn yên tĩnh. Ban chỉ huy cuộc khởi nghĩa đã tổ chức cuộc mít tinh tuyên bố thắng lợi của cuộc khởi nghĩa, xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến tay sai, mọi trật tự an ninh xã hội trong các thôn xóm, làng xã từ nay do nhân dân tự đảm nhiệm.

Hôm sau, ngày 28-9-1940, tự vệ Bắc Sơn còn phục kích tàn quân Pháp ở đèo Thâu Thông. Nhân dân các xã Chiên Vũ, Hưng Vũ đón đánh, thu thêm vũ khí của binh lính địch ở đèo Nà Ty, Dập Dị...

Cuộc khởi nghĩa đang tiến triển thì giặc Nhật thỏa hiệp với Pháp để Pháp rảnh tay đàn áp cách mạng. Quân Pháp từ Đình Cả, Võ Nhai, Bình Gia kéo đến chiếm lại châu lị, đốt phá làng bản, tàn sát nhân dân.

Ngày 1-10-1940, Pháp về chiếm lại đồn Bình Gia. Pháp cho tên Boóc-đi-ê, trưởng đồn Đình Cả (Thái Nguyên) huy động lính khố xanh, lính dõng tiến đánh vào địa bàn trung tâm cuộc khởi nghĩa. Thực dân Pháp đốt cháy 14 ngôi nhà tại làng Minh Đán, xã Hưng Vũ.

Ngày 6-10-1940, tên Boóc-đi-ê chỉ huy 25 lính khố xanh tấn công đội vũ trang của ta, chiếm giữ đồn Mỏ Nhài, bị thất bại trước sự đánh trả quyết liệt của quân khởi nghĩa, chúng quay ra đốt nhà đồng chí Hoàng Đình Ruệ - một cán bộ trong ban chỉ huy khởi nghĩa để trả thù, rồi rút sang Bình Gia.

Một số tên cường hào khét tiếng như Nho Oanh, Chánh Hương, tổng đoàn Ba, Lý Mẹo… lại ra làm tay sai cho giặc. Nắm được bọn tay sai, thực dân Pháp tiếp tục tăng cường đàn áp phong trào, đốt phá các làng Nà Gieo, Làng Tiểu, Bản Xe, Sà Đẹ, Bó Tát (xã Vũ Lăng). Cuối cùng chúng đã chiếm lại được đồn Mỏ Nhài. Các chiến sĩ Bắc Sơn phải rút sâu vào trong rừng.

Cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn đã hạ được đồn Mỏ Nhài, chiếm châu lỵ Bắc Sơn, xóa bỏ chính quyền thực dân Pháp và tay sai, nhưng thành quả mới chỉ dừng lại ở đó. Lực lượng khởi nghĩa chưa giành được chính quyền về tay cách mạng đã bị địch quay lại khủng bố. Tuy nhiên, khởi nghĩa Bắc Sơn đã thực sự là tiếng súng đầu tiên báo hiệu thời kỳ đấu tranh vũ trang của dân tộc Việt Nam .

Khởi nghĩa Bắc Sơn tuy nổ ra ở một địa phương miền núi, trên một địa bàn hẹp và diễn ra trong thời gian rất ngắn nhưng có tiếng vang lớn trong cả nước, đóng góp to lớn về nhiều mặt đối với cách mạng Việt Nam. Khởi nghĩa Bắc Sơn đánh dấu sự chuyển hướng trong hình thức đấu tranh của nhân dân Việt Nam từ đấu tranh chính trị tiến đến kết hợp đấu tranh chính trị với vũ trang. Cùng với Xô Viết Nghệ Tĩnh, khởi nghĩa Nam Kỳ, Đô Lương, khởi nghĩa Bắc Sơn được coi như cuộc diễn tập vũ trang tiến đến cách mạng tháng Tám giành độc lập dân tộc năm 1945.

Phương Anh (tổng hợp)

Nguồn:

- Trần Nhu, “Khởi nghĩa Bắc Sơn (27-9-1940)”, Các cuộc khởi nghĩa do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo (1930-1945), Tp. Hồ Chí Minh: Nxb Trẻ, 2015, tr. 119-149.

- Dương Trung Quốc, “27 tháng Chín năm 1940: Khởi nghĩa Bắc Sơn”, Việt Nam những sự kiện lịch sử 1919-1945, H. Giáo dục, 2000, tr. 318-319.

Chủ đề