Khắc phục hậu quả chiến tranh như thế nào

Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Hạnh Phúc, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam cho biết: Các hoạt động khắc phục hậu quả, trợ giúp nạn nhân bom, mìn và chất độc hóa học được Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo thường xuyên. Việc xây dựng khuôn khổ pháp lý trợ giúp nạn nhân bom, mìn được lồng ghép với chính sách trợ giúp người khuyết tật. Đặc biệt, để tạo cơ sở pháp lý về tổ chức, quản lý hoạt động khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh, ngày 21-4-2010 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh (Chương trình 504); ngày 22-12-2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 2338/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh (Ban Chỉ đạo 504, nay là Ban Chỉ đạo 701), do Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban. 

Chương trình 504 đã xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương trong công tác khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh. Do vậy, công tác khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh đã có những bước tiến vượt bậc; diện tích ô nhiễm ngày càng thu hẹp lại, số vụ tai nạn do bom, mìn, vật nổ gây ra giảm dần. Đáng chú ý, nhiều chính sách, chế độ, kế hoạch hỗ trợ nạn nhân đã được các bộ, ngành, địa phương triển khai như chế độ trợ cấp nuôi dưỡng, chăm sóc nạn nhân bom, mìn nặng; tiếp nhận nạn nhân vào các cơ sở bảo trợ xã hội; cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; hỗ trợ mai táng cho các gia đình nạn nhân bom, mìn; miễn giảm học phí, cấp đồ dùng học tập cho các nạn nhân là học sinh đang học tập tại các trường phổ thông… Đến nay, 100%  xã, phường, thị trấn trong cả nước đã xác định, phân loại, xếp hạng và cấp thẻ cho người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng và khuyết tật nhẹ, bao gồm nạn nhân bom,  mìn, nạn nhân chất độc hóa học. Đến hết năm 2019, đã có gần ba triệu người khuyết tật được cấp giấy xác nhận khuyết tật, các đối tượng đã được trợ cấp hằng tháng, tặng nhà tình nghĩa, phương tiện nghe nhìn, học nghề, hỗ trợ sinh kế...

Tuy nhiên, thực trạng ô nhiễm bom, mìn sau chiến tranh ở Việt Nam còn rất nặng nề, tai nạn do bom, mìn vẫn thường xuyên xảy ra, gây ảnh hưởng lớn đến việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; trong khi đó, nguồn lực trong nước còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu giải phóng đất đai với mức độ ô nhiễm như hiện nay. Bên cạnh đó, trong những năm tới, nước ta tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình 504 trong điều kiện tình hình thế giới và khu vực còn có những diễn biến phức tạp, nhất là trên lĩnh vực ngoại giao và thương mại; hoạt động tài trợ không hoàn lại cho  khắc phục hậu quả bom, mìn trên thế giới có xu hướng giảm...

Do vậy, cần huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu, tiến tới khắc phục cơ bản tác động, hậu quả của bom, mìn sau chiến tranh, phục vụ đắc lực công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; bảo đảm an toàn cho đời sống, sinh hoạt của nhân dân; giúp đỡ nạn nhân bom, mìn hòa nhập tốt nhất vào cộng đồng; đồng thời, cần bảo đảm nguyên tắc thực hiện đúng pháp luật Việt Nam và các điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết… Thời gian tới, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách, xây dựng chương trình, kế hoạch, nhất là xây dựng kế hoạch giai đoạn 2021-2025 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định của Nghị định 18/2019/NĐ-CP ngày 1-2-2019 của Chính phủ và Thông tư 195/2019/TT-BQP ngày 27-12-2019 của Bộ Quốc phòng. Xây dựng và ban hành Luật Khắc phục hậu quả chiến tranh để hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, làm cơ sở cho quản lý, vận động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực khắc phục hậu quả bom, mìn nói riêng và khắc phục hậu quả chiến tranh nói chung. Tiếp tục triển khai các kế hoạch, chương trình, dự án rà phá bom, mìn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, ưu tiên các địa phương bị ô nhiễm nặng...

Nhiều chuyên gia nhận định sự hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ trong việc khắc phục hậu quả chiến tranh là cơ sở để hai nước nâng tầm mối quan hệ trong thời gian tới.

Sự hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ ở lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh là tín hiệu cho thấy tiến bộ trong quan hệ đối tác giữa hai nước, ông George Moose, Chủ tịch Viện Hòa bình Mỹ (USIP), nhận định trong một hội thảo quốc tế diễn ra tối 2/12 (giờ Việt Nam).

Những năm qua, Việt Nam và Mỹ cùng thực hiện nhiều chương trình hợp tác nhằm giải quyết hậu quả do chiến tranh gây ra. Trong đó, việc tìm kiếm hài cốt người mất tích là yếu tố quan trọng của quá trình hòa giải, góp phần xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Ông Kelly K. McKeague, Giám đốc Cơ quan Tìm kiếm Tù binh và Người mất tích (DPAA) thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ, nhận định việc tìm kiếm hài cốt binh sĩ hai nước sau chiến tranh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Dưới sự hợp tác của hai quốc gia, hơn 1.000 hài cốt binh sĩ Mỹ đã được tìm thấy trong vòng 30 năm qua, ông cho biết.

Về phía Việt Nam, đại tá Đoàn Quang Hòa, Phó cục trưởng Cục Chính sách thuộc Tổng cục Chính trị, Phó chánh văn phòng Ban Chỉ đạo Quốc gia 515, nói dưới sự hỗ trợ từ phía Mỹ, việc tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sĩ đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong thời gian qua. Nhiều gia đình Việt tìm được thân nhân mất tích trong chiến tranh.

Giai đoạn 2013-2020, các cơ quan chức năng Việt Nam tiếp nhận hơn 38.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ, phân tích hơn 23.000 mẫu ADN, lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ cơ sở dữ liệu ADN, theo Cổng thông tin điện tử Chính sách Quân đội.

Đại tá Đoàn Quang Hòa, Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia 515. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Chính sách Quân đội.

Cơ sở nâng tầm quan hệ

Theo ông George Moose, sáng kiến hòa giải và khắc phục hậu quả chiến tranh Việt Nam nhận được sự ủng hộ của chính phủ hai nước trong thời gian qua.

Tim Rieser, cố vấn chính sách đối ngoại của Thượng nghị sĩ Patrick Leahy - Chủ tịch Thượng viện tạm quyền Mỹ, nhìn nhận: “Chúng ta không thể đạt được kết quả này nếu không có sự hỗ trợ từ chính phủ Việt Nam”.

Ông nói các cơ quan của Mỹ cần phải nỗ lực hơn nữa để đáp lại sự giúp đỡ mà Việt Nam dành cho Mỹ trong việc tìm kiếm các binh sĩ hy sinh trong chiến tranh.

Đây cũng là mong muốn của Thượng Nghị sĩ Pattrick Leahy, theo ông Rieser. Nghị sĩ Leahy đã nói sẽ làm “tất cả những gì có thể để giải quyết những hậu quả do chiến tranh để lại ở Việt Nam”.

Phát biểu tại phiên thảo luận, ông Tim Rieser cho biết: “Chương trình không chỉ chấm dứt nỗi đau cho nhiều gia đình Việt Nam, mà còn xây dựng lòng tin và mở rộng mối quan hệ đối tác toàn diện giữa Việt Nam và Mỹ, hướng tới việc hợp tác ứng phó với các thách thức trong tình hình mới".

Tim Rieser, cố vấn chính sách đối ngoại của Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, phát biểu tại sự kiện. Ảnh chụp từ video sự kiện.

“Mỗi một bước mà hai bên thực hiện góp phần tạo ra niềm tin, nâng cao hiểu biết lẫn nhau và mở ra mối quan hệ mới trong nhiều lĩnh vực. Hợp tác trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh giúp cho hai quốc gia xích lại gần nhau hơn”, ông Rieser trả lời Zing.

Cũng trong cuộc thảo luận, bà Thảo Griffiths, chuyên gia có 20 năm làm việc trong lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh, nói hai quốc gia đã hình thành niềm tin chiến lược và có mối quan hệ hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

Theo bà, mối quan hệ giữa hai nước đang ở “giai đoạn chuyển tiếp với nhiều tiềm năng tiến tới mối quan hệ đối tác chiến lược”. Do đó, việc hỗ trợ lẫn nhau trong các công tác giải quyết hậu quả chiến tranh sẽ mở ra cánh cửa để nâng tầm mối quan hệ Việt - Mỹ, bà cho biết.

Chia sẻ với nhận định này, ông George Moose cho biết mặc dù nhiều thành tựu đã đạt được trong quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Mỹ, "chúng tôi nhận thấy vẫn còn rất nhiều việc phải làm trong một số khía cạnh của mối quan hệ song phương này". “Chúng tôi coi các di sản vô hình và hữu hình của chiến tranh vừa là cơ sở để hợp tác, vừa là thách thức để cùng giải quyết”, ông cho biết.

Kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai

Nhiều diễn giả nhận định cần rất nhiều thời gian để hòa giải sau một cuộc xung đột và khắc phục những hậu quả đau thương mà nó để lại.

Tuy nhiên, họ cho rằng những chương trình hợp tác này sẽ là cầu nối giúp các thế hệ người dân hai nước có cơ hội hiểu rõ hơn về những biến động trong chiều dài lịch sử.

Chia sẻ tại buổi thảo luận, đại tá Đoàn Quang Hòa nhận định rằng hiện nay, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ ngày càng khó khăn.

Khó khăn lớn nhất là việc thông tin về liệt sĩ ngày càng ít, độ chính xác không cao, trong khi Việt Nam còn khoảng 200.000 hài cốt liệt sĩ cần tìm kiếm. Tuy nhiên, ông đánh giá cao những nỗ lực của cả hai nước và đề nghị tiếp tục hợp tác tích cực hơn trong thời gian tới.

Theo quan điểm của ông Tim, thế hệ tương lai cần hiểu rằng bất kể điều gì chúng ta đã thấy trong chiến tranh đều là thảm họa với cả hai nước. "Sau nhiều năm, chúng ta đã có thể tìm được cách biến những đau thương thành nền tảng cho những điều tốt đẹp hơn".

Bà Thảo Griffiths cho biết sự hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực khắc phục hậu quả chiến tranh là cơ sở để nâng cấp mối quan hệ trong thời gian tới. Ảnh chụp từ video sự kiện.

Bà Thảo Griffiths nhấn mạnh tầm quan trọng về dữ liệu chiến tranh Việt Nam và câu chuyện của những người lính đã hy sinh.

Bà cho biết vào tháng 7, trong chuyến thăm của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến Việt Nam, hai nước đã ký thỏa thuận hợp tác trong việc tìm kiếm quân nhân mất tích, nhằm giải quyết khó khăn lớn nhất: Thiếu thông tin.

Theo đó, các cơ quan tìm kiếm của Việt Nam được phép tiếp cận các tài liệu mật của Mỹ liên quan đến chiến tranh, đặc biệt là 200.000 bộ tài liệu người Mỹ thu thập được từ quân đội Việt Nam trong khoảng thời gian xung đột.

"Nếu có thể sử dụng những tài liệu này để tạo thành cơ sở dữ liệu cho công chúng tiếp cận, đó sẽ là kho báu rất quý giá đối với thế hệ trẻ Việt Nam", bà chia sẻ.

Hiện nay, Thượng nghị sĩ Pattrick Leahy, người đóng góp rất lớn cho việc thúc đẩy các hoạt động khắc phục hậu quả chiến tranh Việt Nam, tuyên bố không tái ứng cử.

Sự chuyển giao thế hệ lãnh đạo có thể tạo ra những thách thức nhất định. “Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để Việt Nam tiếp tục nhận được sự ủng hộ từ giới lãnh đạo Mỹ, trong khi quá trình khắc phục có thể kéo dài thêm vài thập kỷ nữa”, bà Thảo nêu vấn đề.

Video liên quan

Chủ đề