Hướng dẫn thủ tục thanh lý tài sản nhà nước

  1. CƠ SỞ THỰC HIỆN

1.1 Mục đích, phạm vi áp dụng:

  1. Mục đích:

- Quy định thống nhất quy trình, thủ tục thanh lý tài sản theo đúng quy định hiện hành tại Trường Đại học Cần Thơ để giải quyết công việc nhanh chóng, kịp thời theo nhu cầu của đơn vị nhằm thực hiện tốt chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí;

- Đơn vị và cá nhân trong Trường phải tuân thủ đầy đủ nội dung quy trình công việc, thực hiện nhanh chóng, kịp thời đảm bảo hiệu quả công việc và tiến độ thực hiện.

  1. Phạm vi và đối tượng áp dụng:

Quy trình áp dụng đối với các đơn vị trực thuộc Trường Đại học Cần Thơ (Khoa, Viện, Trung tâm, Phòng, Ban, Bộ môn trực thuộc, Văn phòng đoàn thể,...) khi thực hiện công tác thanh lý tài sản, kể cả tài sản đề nghị thanh lý của các chương trình - dự án kết thúc.

Các trường hợp thanh lý tài sản Nhà nước:

- Tài sản đã sử dụng vượt quá thời gian sử dụng theo quy định (xe ô tô trên 09 chỗ ngồi, xe bán tải, xe tải);

- Tài sản bị hư hỏng không thể sử dụng được hoặc việc đầu tư sửa chữa gây tốn kém, không hiệu quả;

- Trụ sở làm việc hoặc tài sản khác gắn liền với đất phải phá dỡ theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đầu tư, giải phóng mặt bằng theo quy hoạch và các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

1.2 Phương thức thanh lý tài sản Nhà nước:

- Bán tài sản Nhà nước;

- Phá dỡ, hủy bỏ tài sản Nhà nước.

1.3 Văn bản áp dụng:

- Luật số 09/2008/QH12 về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2009);

- Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/7/2009);

- Thông tư số 245/2009/TT-BTC ngày 31/12/2009 của Bộ Tài chính quy định thực hiện một số nội dung của Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký);

- Thông tư số 09/2012/TT-BTC ngày 19/01/2012 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 245/2009/TT-BTC ngày 31/12/2009 của Bộ Tài chính quy định thực hiện một số nội dung của Nghị định số 52/2009/NĐ-CP ngày 03/6/2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước (có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2012);

- Thông tư số 162/2014/TT-BTC ngày 06/11/2014 của Bộ Tài chính quy định chế độ quản lý, tính hao mòn tài sản cố định trong các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và các tổ chức có sử dụng ngân sách Nhà nước (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2015, thay thế Quyết định số 32/2008/QĐ-BTC ngày 29/5/2008);

- Nghị định số 192/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ quy định việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; Kho bạc Nhà nước;

- Thông tư số 07/2014/TT-BTC ngày 04/01/2014 của Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước theo quy định tại Nghị định số 192/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 của Chính phủ;

- Quyết định số 4448/QĐ-BGD&ĐT-KHTC ngày 09/8/2004 của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo về việc ban hành quy định về quyền hạn và trách nhiệm quản lý tài chính - tài sản các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo;

- Quyết định số 88/QĐ-ĐHCT ngày 21/01/2010 của Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ về việc ban hành quy định quản lý, sử dụng tài sản trong Trường  Đại học Cần Thơ;

- Quyết định số 89/QĐ-ĐHCT ngày 21/01/2010 của Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ về việc ban hành quy trình điều động, thanh lý tài sản trong Trường Đại học Cần Thơ.

1.4 Giải thích từ ngữ, từ viết tắt

  • Hội đồng TLTS: Hội đồng thanh lý tài sản;
  • Hội đồng ĐGCLCL của tài sản: Hội đồng đánh giá chất lượng còn lại của tài sản;
  • Hội đồng XĐGTSTL: Hội đồng xác định giá tài sản thanh lý;
  • BGH: Ban Giám hiệu;
  • QTTB: Phòng Quản trị - Thiết bị;
  • TV: Phòng Tài vụ.
  1. NỘI DUNG QUY TRÌNH:

2.1 Bước 1 (Gửi và tiếp nhận hồ sơ):

Trên cơ sở báo cáo kết quả kiểm kê tài sản định kỳ hàng năm, đơn vị có nhu cầu thanh lý tài sản do đã sử dụng vượt quá thời gian sử dụng theo quy định (đối với phương tiện vận tải) hoặc do bị hư hỏng không thể sử dụng được hoặc việc đầu tư sửa chữa gây tốn kém, không hiệu quả hay do phải phá dỡ theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đầu tư, đơn vị lập theo mẫu hướng dẫn (trong kiểm kê tài sản định kỳ hàng năm);

Trường hợp đơn vị có nhu cầu thanh lý tài sản đột xuất, đơn vị lập văn bản gửi P.QTTB (theo mẫu biểu 6/TL, đính kèm chi tiết danh mục tài sản đề nghị thanh lý và thuyết minh rõ lý do);

P.QTTB sẽ tiếp nhận hồ sơ trong giờ hành chính.

2.2 Bước 2 (Kiểm tra hồ sơ):

Chuyên viên của P.QTTB sẽ kiểm tra hồ sơ, đối chiếu dữ liệu tài sản của các đơn vị có nhu cầu;

Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thông tin thì yêu cầu đơn vị bổ sung.

2.3 Bước 3 (Thu hồi tài sản đề nghị thanh lý):

P.QTTB lập kế hoạch thu hồi tài sản đề nghị thanh lý về kho P.QTTB;

Thông báo cho đơn vị lịch thời gian thu hồi tài sản đề nghị thanh lý;

P.QTTB phối hợp với đơn vị thực hiện thu hồi tài sản.

2.4 Bước 4 (Chuẩn bị thủ tục thanh lý tài sản):

P.QTTB thực hiện kiểm tra, đối chiếu, bổ sung các tiêu chí của tài sản đề nghị thanh lý;

Thực hiện văn bản trình BGH phê duyệt kế hoạch thanh lý tài sản của các đơn vị;

P.QTTB tham mưu, trình BGH ký quyết định thành lập Hội đồng TLTS, Hội đồng ĐGCLCL của tài sản đề nghị thanh lý (đối với tài sản là xe ô tô các loại, nhà từ cấp 3 trở lên, tài sản đồng bộ có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/đơn vị tài sản), Hội đồng XĐGTSTL;

Tổ chức phiên họp Hội đồng ĐGCLCL nhằm đánh giá chất lượng còn lại của tài sản đề nghị thanh lý (đối với tài sản là xe ô tô các loại, nhà từ cấp 3 trở lên, tài sản đồng bộ có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/đơn vị tài sản);

P.QTTB trình BGH ký quyết định Thanh lý tài sản (tài sản là nhà cấp 4, tài sản đồng bộ có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở xuống);

P.QTTB thực hiện bộ hồ sơ, thủ tục trình BGH ký văn bản đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định cho phép thanh lý tài sản (đối với xe ô tô các loại, nhà từ cấp 3 trở lên, tài sản đồng bộ có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/đơn vị tài sản).

2.5 Bước 5 (Xử lý tài sản thanh lý):

P.QTTB thuê cơ quan có chức năng thực hiện thẩm định giá tài sản thanh lý (đối với xe ô tô các loại, tài sản có có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/đơn vị tài sản và tài sản khác (nếu cần);

Hội đồng TLTS tổ chức phiên họp Hội đồng XĐGTSTL nhằm xác định và đề xuất giá giá khởi điểm tài sản thanh lý hoặc đề xuất giá bán chỉ định;

Hội đồng TLTS thực hiện thuê cơ quan có chức năng bán đấu giá tài sản tổ chức bán đấu giá tài sản hoặc bán chỉ định;

Hội đồng TLTS thực hiện bàn giao tài sản thanh lý cho người mua được tài sản sau bán đấu giá thành hoặc bán chỉ định;

Cơ quan có chức năng bán đấu giá tài sản hoặc Hội đồng TLTS nộp tiền thu hồi tài sản thanh lý tại P.TV;

P.QTTB liên hệ Phòng Tài chính - Kế hoạch quận Ninh Kiều thực hiện thủ tục xuất hóa đơn bán tài sản thanh lý cho người mua.

2.6 Bước 6 (Hoàn tất hồ sơ thanh lý tài sản):

P.QTTB lập biên bản thanh lý tài sản theo mẫu quy định, thực hiện ghi giảm tài sản thanh lý trên cơ sở dữ liệu;

P.QTTB gửi bộ hồ sơ thanh lý cho P.TV và các đơn vị có liên quan.

P.QTTB thực hiện thanh toán chi phí thanh lý theo quy định.