Hướng dẫn học từ mới bằng thẻ anki

Cách mình dùng Anki học 500 từ mỗi ngày và đạt điểm thi THPT tiếng Anh từ 7+ lên 9+ trong khoảng 2 tháng

Hướng dẫn học từ mới bằng thẻ anki

“Chời quơi nhiều thế này học bao giờ mới hết”, “học từ vựng đúng là cực hình”, “nhìn vô bài đọc mà như ngôn ngữ ngoài hành tinh”, ...

Chắc ai trong số chúng ta cũng từng trải qua cảm giác bất lực khi nhận ra việc học từ vựng tiếng Anh thật mệt mỏi khi chúng có quá nhiều và lại vô cùng khó nhớ từ lúc đi học đến khi đi làm. Những ngày tháng vùi đầu vào việc viết đi viết lại từ vựng cho đến khi nhớ mặt chữ để rồi lại quên mất nghĩa của từ. Học hôm qua hôm sau quên, học từ này lại nhầm nghĩa sang từ khác, ... Đó là cảm giác mình hiểu hơn ai hết vì vào những tháng cuối trước khi thi đại học, điểm của mình chỉ 7+ dù thi khối D. Và ở số điểm này, muốn tăng lên chỉ có cách duy nhất là học thật nhiều từ vựng nâng cao, collocations và phrasal verbs thì mới có thể xử đẹp bài đọc 8 câu và các câu VD, VDC khác.

Thứ cứu cánh của mình lúc này là Anki. Trong khoảng thời gian 2 tháng còn lại, mình từ bỏ kiểu học từ vựng truyền thống và bắt đầu học bằng app này. Kết quả là mình đã tăng từ 7+ đến 9+. Một điều mà mình từng nghĩ là không có khả năng xảy ra. Không chỉ thế, Anki cũng giúp mình cải thiện vốn từ và khả năng nghe khi lên đại học. Dưới đây là review của 1 chiếc Gen Z về Anki, qua thời gian sử dụng không quá lâu, mặc dù không thành thục đến master app này, mình cũng có ti tí kinh nghiệm muốn chia sẻ đến mọi người.

Anki đơn giản là một phần mềm trên máy tính và cả điện thoại, cho phép bạn học từ vựng thông qua các Flashcards. Nó có thể coi là một phiên bản online và nâng cấp hơn của Flashcards giấy. Cũng như flashcard giấy, Anki cho phép bạn học từ vựng thông qua các thẻ (card), mỗi thẻ có 2 mặt, thường một mặt là từ vựng và mặt còn lại là nghĩa. Bạn có thể tự tạo thẻ của riêng mình như tạo flashcard giấy, tuy nhiên nó vượt trội ở chỗ bạn có thể thêm vào hình ảnh liên tưởng đến từ vựng, thêm audio của người bản xứ đọc từ vựng đấy và thêm vào ngữ cảnh trong câu của từ mà không sợ bị...thiếu giấy.

Anki hoàn toàn MIỄN PHÍ trên máy tính Windows, Mac và trên cả Android. Anki chỉ mất phí trên IOS (579.000đ).

Điện thoại thì chỉ cần tìm ở Google play/ Appstore, App Anki sẽ xuất hiện ở đầu tiên.

Mỗi bộ thẻ chứa các thẻ (cards) được gọi là Deck.

Ngoài cách tự tạo thẻ, bạn hoàn toàn có thể download những bộ thể có sẵn của các tiền bối sử dụng Anki trước đã làm trên trang web: Shared Decks - AnkiWeb hoặc tìm kiếm trên google, có rất nhiều bộ thẻ có sẵn, có cả tiếng Anh- Việt.

Tuy nhiên mỗi bộ thẻ có sẵn đều có mức độ và cách nhập thông tin khác nhau cũng như độ khó, dễ khác nhau nên cần phải chọn lọc phù hợp. Ví dụ bạn đặt mục tiêu thi tiếng Anh THPT mức 5+ và bạn ở mức 9+ sẽ cần bộ từ vựng khác nhau, người đặt mục tiêu “trồng lại gốc” và người học từ vựng để đi thi IELTS cũng vậy. Bạn vẫn nên tạo thẻ cho riêng bạn để phù hợp với bản thân nhất và có thể cho vào đó những liên tưởng kích thích trí nhớ của riêng bạn.

Sau khi tải Anki, bạn có thể học cách sử dụng Anki thông qua những video youtube dưới đây mình đã từng học. Bài review này sẽ không đề cập đến cách dùng vì sẽ dài dòng và khó hiểu hơn khi các bạn xem video và thực hành. Anki RẤT DỄ SỬ DỤNG nên đừng lo vì mình khá low-tech mà vẫn sài rất ổn nà

Anki thực sự có hiệu quả với mình vì những tính năng hữu dụng của nó.

So với flashcard giấy tự làm hoặc bạn mua thì anki còn cho phép bạn học từ vựng qua hình ảnh, âm thanh và cả ngữ cảnh câu. Điều đó sẽ giúp bạn học bằng nhiều giác qua như qua thị giác (các màu sắc và liên tưởng hình ảnh về từ), thính giác: nghe audio của người bản xứ sẽ giúp bạn phát âm từ chuẩn và nhận diện được từ, giúp phát triển kĩ năng nghe. Ngoài ra bạn có thể thêm cả câu có từ đó vào và cả audio của câu đó vào thẻ xịn xò luôn :>

Anki có tính năng đồng bộ hóa (Sync) giúp bạn có thể sử dụng cả app và web trên máy tính và điện thoại. Có nghĩa là bạn có thể tận dụng thời gian đi xe buýt, xếp hàng thang máy, mua trà sữa hay chờ người yêu, chờ mấy đứa bạn giờ cao su. Vừa không uống phí thời gian lại ôn tập được từ vựng, lại đỡ quạu vì phải chờ lâu.

Nếu như cách học thông thường sẽ khiến bạn quên rất nhanh nếu không ôn tập thường xuyên thì Anki cũng không ngoại lệ XD. Tuy nhiên điều hay ho ở đây là app này sử dụng SRS (https://vi.wikipedia.org/.../K%E1%BB%B9_thu%E1%BA%ADt_l...). Mình hiểu đơn giản Anki là một cuốn vở từ vựng đa năng và luôn xuất hiện lại những từ vựng mà bạn sắp quên để bạn ôn tập mà không cần phải lật vở qua lại tìm vị trí từ hay kiểm tra lại cả đống mình học giờ đã quên bao nhiêu. Việc xuất hiện lại những thẻ bạn sắp quên như vậy là một điểm tuyệt zời, bạn sẽ kiểm tra mức độ còn nhớ được bao nhiêu, rồi thuật toán sẽ xuất hiện lại từ đó cho đến khi bạn thuộc làu, thời gian ôn lại đến hàng tháng, thậm chí đến hàng năm.

“Practice makes perfect”.

Học khoảng 1000 từ hoặc hơn trong 1 tuần không phải là bất khả thi khi dùng Anki. Bởi nếu bạn thấy chưa ổn khi học từ mới, bạn có thể lặp lại liên tục cho đến khi bắt đầu nhơ nhớ bằng cách nhấn Again (<1min - từ sẽ xuất hiện lại trong 1p) khi gặp thẻ đó, rồi sẽ lưu vào trí nhớ tạm thời của bạn trong những ngày học thứ 2, 3, 4… Với SRS và khả năng đánh giá mức độ thuộc/hiểu với từ mới của bạn thì dần dần từ vựng sẽ đi vào trí nhớ dài hạn. Điều này cực kì có hiệu quả đối với các bạn học thi THPT hay học để ôn các kì thi TOEIC, IELTS trong thời gian giới hạn vì tính chất học lan rộng, càng nhiều càng tốt để khi ôn thi, giải đề cần điểm cao.

Vì Anki có giao diện đơn giản đẹp mắt, dễ sử dụng, hiện số thẻ mình đã học cùng thời gian đã học, sô thẻ mình cần học để hoàn thành và tính năng lặp lại, xuất hiện thẻ liên tục cho đến khi hết thẻ; người học sẽ được kích thích “hoàn thành nốt thẻ này thôi” và cuối cùng sẽ cày hết nguyên bộ thẻ cho đến khi hiện chữ “finished” thay vì thẻ mới.

Không chỉ dừng lại ở việc học từ vựng tiếng Anh, bạn hoàn toàn có thể dùng Anki để học ngôn ngữ khác như tiếng Nhật, Trung, Hàn,… và có cả bộ thẻ sẵn của những bạn học ngôn ngữ ấy chia sẻ. Tương tự, mình cũng thấy nhiều deck chia sẻ về học y, luật,… nhờ Anki. Riêng mình thì dùng Anki để học cả toán, văn và khi lên đại học thì dùng cho Kinh tế vĩ mô và Pháp luật đại cương khá hiệu quả. (Hình dưới). Chủ yếu là vì tính năng (3) áp dụng tốt được cho nhiều lĩnh vực.

Anki có rất nhiều người dùng trên thế giới. Ở Việt Nam thì tuy không quá nhiều nhưng có vẻ đang tăng lên. Trên Reddit có nhiều người hỏi đáp, chia sẻ những Add-ons hữu ích (Anki: a forum about the Anki flashcard app (reddit.com). Việt Nam cũng có 1 số group trên Fb để giúp đỡ nhau về Anki. Ngoài ra Google cũng giúp đỡ bạn kha khá. Những thắc mắc của mình về dùng Anki khi mới sử dụng đa số đều được giải đáp nhờ siêng tra Google.

Những lời review ở trên của mình nghe thì hơi có giống quảng cáo cho Anki. Các bạn có thể nghĩ mình đang Pr cho app nhưng thực tế là mình chẳng nhận được đồng nào từ Anki vì việc review này, và người tạo ra Anki không biết đến sự tồn tại của mình. Đơn giản là mình thấy nó xứng đáng để được các bạn thử áp dụng, là 1 phương pháp có hiệu quả đối với mình, với nhiều người khác, đặc biệt trong việc học từ vựng. Tuy nhiên, như mọi phương pháp khác, nó vẫn có một số những khuyết điểm sau đây:

Từ việc nhập, tìm hình ảnh, thêm audio một cách thủ công đôi khi sẽ khiến các bạn nản vì lâu. Nhưng khi ôn tập thì thời gian bỏ ra tạo thẻ là xứng đáng.

Khi bạn bắt đầu thành thục trong việc sử dụng Anki và lật các thẻ, việc review và học thẻ mới có thể tiến hành trong vài giây và một ngày bạn có thể học cả trăm thẻ (không đùa đâu, mình đã từng học đến cả trăm thẻ như vậy ở hình dưới). Lật thẻ lúc này còn tiện lợi, dễ dàng và thích thú như lướt mạng xã hội. Chất lượng học của mỗi thẻ bị giảm xuống khi bạn nghiện cảm giác lật thẻ, chỉ muốn “nhìn cho qua thẻ mới” để hoàn thành bộ thẻ dang dở nhưng vẫn nghĩ mình đang học tốt, tiến bộ vì số thẻ hoàn thành tăng lên. Đồng thời, thời gian bạn dành cho lật thẻ càng nhiều sẽ làm giảm thời gian bạn dành cho các kĩ năng khác: viết, nói, ... khi học ngôn ngữ. Vì vậy có thể sẽ lệch đi mục đích ban đầu của bạn là sử dụng ngôn ngữ thành thục.

- Đừng tải quá nhiều bộ thẻ có sẵn trên mạng: Không phải bộ thẻ nào cũng phù hợp với bạn, tải nhiều sẽ khiến bạn rối, học không hết và còn tốn dung lượng của máy tính/ điện thoại không cần thiết.

- Đừng quá áp lực về số thẻ tồn còn lại: Nhiều khi bạn sẽ ám ảnh bởi số thẻ còn lại trên app và “cày” đến khi hết thì thôi. Điều này sẽ khiến khuyết điểm của Anki càng lớn và càng ảnh hưởng đến việc học của bạn (như mình nói ở phần trên).

- Khi sáng tạo thẻ mới, hãy dùng phương pháp “chia để trị” để có thể học từ vựng sâu hơn: Quá nhiều thông tin trên thẻ sẽ khiến bạn muốn pass thẻ đó nhanh nhanh để học thẻ mới. Thế nên trừ khi không thể chia (ví dụ mình đưa cả bài đọc thi thử vào 1 card Anki), bạn nên chia nhỏ ra: 1 thẻ 1 từ vựng có thêm 1-2 collocations hoặc phrasal verbs thôi, rồi tạo thẻ khác có collocations chứa từ đó. Đừng nhét 1 mớ rồi ráng nuốt hết 1 lần, chỉ nhìn thấy chán muốn bỏ qua thôi.

- Không ngần ngại khi ít sử dụng Anki đi để phát triển các kĩ năng ngôn ngữ còn lại: Số thẻ tồn tăng lên khi bạn tập trung cải thiện kĩ năng giao tiếp chẳng là vấn đề to tát. Anki cung cấp cho bạn nền móng từ vựng nhưng nó không phải là thứ có thể giúp bạn giao tiếp rành rọt như mục tiêu ban đầu khi học ngôn ngữ. (Với việc ôn thi THPT, Anki là 1 App rất mạnh. Khi lên đại học với mục đích thành thạo ngôn ngữ thì mình rút ra được kinh nghiệm trên).

Nếu biết tận dụng ưu điểm và khắc phục nhược điểm, Anki hoàn toàn có thể trở thành một trợ thủ đắc lực của bạn. Hãy hiểu rõ mục đích, quá trình và kiểm soát việc dùng Anki sao cho phù hợp với bản thân nhất.

-----

Bài viết dựa vào kinh nghiệm bản thân trong suốt quá trình dùng Anki cho đến hiện tại, có tham khảo tư liệu và kinh nghiệm một phần từ Spiderum, Minh is Learning Something – A blog about learning (minhlearning.com), wikipedia, …