Hướng dẫn giải độc khi bị ngộ độc tại nhà năm 2024

Trong những trường hợp ngộ độc thực phẩm nhẹ, để giải độc cho cơ thể người bệnh cần bổ sung chất lỏng và bù nước. Vậy sau khi bị ngộ độc thực phẩm nên uống gì để nhanh hồi phục? Hãy cùng Bệnh viện Đại học Y Tân Tạo tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Sau khi xác định ngộ độc thực phẩm và sơ cứu bước đầu, bạn nên nghỉ ngơi để dạ dày được ổn định và tránh ăn, uống trong vài giờ.

Uống nhiều nước hoặc dung dịch bổ sung điện giải

Việc bị nôn mửa, tiêu chảy và đau bụng khi bị ngộ độc thực phẩm sẽ khiến cơ thể mất nước. Vì vậy, người bệnh cần uống từng ngụm nước nhỏ ngay khi có thể. Bên cạnh đó, người bệnh cũng có thể sử dụng dung dịch bù nước đường uống, đặc biệt là với những đối tượng như trẻ nhỏ, người già và người có bệnh nền. Ngoài ra, nước ép trái cây pha loãng, đồ uống thể thao và các loại nước canh, nước hầm thịt hoặc rau củ cũng có thể dùng để bổ sung chất lỏng cho người bị ngộ độc thực phẩm.

Tiếp theo, khi đã có thể ăn uống trở lại, nên cho người bệnh ăn những thức ăn dễ tiêu hóa, thân thiện với dạ dày. Chế độ ăn BRAT bao gồm chuối, gạo, sốt táo và bánh mì nướng được khuyến cáo dành cho người mới bị ngộ độc thực phẩm. Bên cạnh đó, nên tránh ăn các loại thức ăn giàu chất béo vì chúng sẽ làm gia tăng áp lực “làm việc” cho dạ dày.

Uống men vi sinh

Một số chuyên gia y tế khuyến cáo người bệnh nên bổ sung các loại men vi sinh sau khi bị ngộ độc thức ăn. Các loại men vi sinh có tác dụng cân bằng hệ vi sinh đường ruột, giảm thiểu triệu chứng đau bụng và tái khởi động lại hoạt động của đường tiêu hóa. Lưu ý: Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng các loại men vi sinh cho người bị ngộ độc.

Uống các loại trà thảo dược

Bị ngộ độc thực phẩm nên uống gì? Bạn có thể tận dụng một số loại thảo dược có sẵn trong nhà để làm giảm các triệu chứng khó chịu do ngộ độc thức ăn như:

  • Trà gừng: Uống một cốc trà gừng hoặc ngậm một lát gừng tươi trong miệng có thể làm dịu dạ dày và cải thiện các triệu chứng khó chịu do ngộ độc thực phẩm.
  • Húng quế: Uống một cốc nước ép từ húng quế, thêm một chút mật ong có thể giúp làm giảm cảm giác đau quặn bụng.
  • Hạt thì là: Hạt thì là có đặc tính kháng khuẩn. Vì vậy, bạn có thể pha một ít hạt này với nước ấm, thêm một chút muối và uống mỗi ngày 2 lần.
  • Giấm táo: Bạn có thể uống một chút giấm táo pha với nước ấm. Thức uống này có tác dụng ngăn ngừa vi khuẩn phát triển và làm dịu các cơn đau.
  • Nước chanh ấm: Nước chanh pha cùng với nước ấm, uống nhiều lần trong ngày giúp làm sạch dạ dày và giảm viêm.

BỊ NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM KHÔNG NÊN UỐNG GÌ?

Khi bị ngộ độc thực phẩm, người bệnh không nên uống một số loại thức uống như:

  • Thức uống có cồn như rượu, bia.
  • Cà phê, trà hoặc các loại thức uống chứa caffeine.
  • Sữa và các chế phẩm từ sữa.

Ngoài ra, người bệnh không nên uống bất kỳ loại thuốc nào khi chưa được bác sĩ chỉ định. Trong trường hợp ngộ độc không được kiểm soát, cần nhanh chóng đến bệnh viện để kịp thời cấp cứu.

KHI NÀO CẦN ĐẾN GẶP BÁC SĨ?

Hầu hết các trường hợp ngộ độc thực phẩm đều có thể tự phục hồi nếu được chăm sóc tốt tại nhà. Tuy nhiên, nếu rơi vào những trường hợp sau, cần nhanh chóng đến bệnh viện:

  • Có các triệu chứng ngộ độc nghiêm trong như bị nôn và tiêu chảy liên tục, đau bụng dữ dội.
  • Các triệu chứng ngộ độc không thuyên giảm sau vài giờ.
  • Xuất hiện các triệu chứng mất nước nghiêm trọng như trở nên lú lẫn, nhịp tim nhanh, mắt trũng sâu, tiểu ít hoặc vô niệu.
  • Phụ nữ có thai, trẻ em và người lớn tuổi bị ngộ độc.
  • Người mắc các bệnh mãn tính như bệnh viêm ruột (IBD), bệnh tim mạch, đái tháo đường hoặc bệnh thận.
  • Người có hệ miễn dịch yếu, ví dụ như đang dùng thuốc, điều trị ung thư hoặc HIV.

CÁCH PHÒNG NGỪA NGỘ ĐỘC THỰC PHẨM

Mặc dù không thể phòng ngừa ngộ độc thực phẩm hoàn toàn nhưng bạn có thể áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm để giảm thiểu nguy cơ ngộ độc.

  • Rửa tay sau khi thay tã, hắt hơi, chạm vào động vật, sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.
  • Không uống sữa chưa tiệt trùng.
  • Rửa sạch trái cây, rau củ quả trước khi ăn.
  • Đảm bảo nhiệt độ tủ lạnh đúng với hướng dẫn sử dụng, vệ sinh tủ lạnh thường xuyên.
  • Luôn đảm bảo nấu chín thức ăn.
  • Giữ dao và thớt sạch sẽ.
  • Chú ý mua sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, sản phẩm tươi mới, nông sản sạch.
  • Không ăn thực phẩm đã hết hạn hoặc không được bảo quản đúng cách.

Bài viết trên đây là nội dung chia sẻ về chủ đề ngộ độc thực phẩm nên uống gì, cũng như không nên uống gì. Trong trường hợp tình trạng ngộ độc không thuyên giảm trong vài giờ hoặc có các triệu chứng nghiêm trọng, cần đến ngay bệnh viện để được cấp cứu kịp thời.

Chủ đề