Hộ kinh doanh nhỏ lẻ là gì

Hộ kinh doanh là gì? Vị trí pháp lý của hộ kinh doanh? Đặc điểm của hộ kinh doanh? Hồ sơ, thủ tục để đăng ký hộ kinh doanh? Hộ kinh doanh có phải là doanh nghiệp không?

Để có được sự phát triển như ngày nay phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, một trong số đó là nhờ sự đóng góp của mỗi người dân Việt Nam. Trên khắp mọi nẻo đường, từ nông thông tới thành thị, chúng ta đều có thể bắt gặp hàng loạt các cửa hàng, công ty, nhà máy…

Chính vì vậy, nhà nước ta luôn tạo điều kiện hết sức có thể để mỗi cá nhân, tổ chức lao động, kinh doanh, sản xuất, tạo thu nhập, giúp nền kinh tế pháp triển hơn. Bên cạnh các công ty được thành lập ngày càng lớn mạnh thì không thể thiếu vai trò của hộ kinh doanh. Vậy, hộ kinh doanh là gì? Hộ kinh doanh có phải là doanh nghiệp không? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn đọc hiểu hơn về vấn đề nêu trên.

Luật sư tư vấn luật về hộ kinh doanh trực tuyến qua điện thoại: 1900.6568

Căn cứ pháp lý:

  • Luật doanh nghiệp 2014;
  • Bộ luật dân sự 2015;
  • Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp;

Mục lục bài viết

  • 1 1. Hộ kinh doanh là gì?
  • 2 2. Vị trí pháp lý của hộ kinh doanh:
  • 3 3. Đặc điểm của hộ kinh doanh:
  • 4 4. Hồ sơ, thủ tục để đăng ký hộ kinh doanh:
  • 5 5. Hộ kinh doanh có phải là doanh nghiệp không?

Hiện nay pháp luật nước ta đã quy định chi tiết về hộ kinh doanh tại các văn bản luật và văn bản dưới luật. Căn cứ theo khoản 1 Điều 66 của Nghị định 78/2015/NĐ-CP quy định như sau: “1. Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh.”

Như vậy hộ kinh doanh là một tổ chức do một cá nhân hay một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đã đủ độ tuổi theo quy định, có thể chịu trách nhiệm đầy đủ cho hành vi cua mình hoặc một hộ gia đình làm chủ và chỉ được đăng ký kinh doanh dưới quy mô mười người lao động và chịu trách nhiệm bằng chính tài sản của mình.

Hộ kinh doanh tiếng Anh được dịch như sau: Household business

2. Vị trí pháp lý của hộ kinh doanh:

Căn cứ theo quy định tại khoản 1, Điều 66 của Nghị định 78/2015/NĐ-CP và Điều 101 Bộ luật dân sự 2015 thì trường hợp hộ gia đình , tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự khi xảy ra các vấn đề liên quan đến chủ thể pháp lý thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự tức sẽ là chủ thể pháp lý. Hộ kinh doanh chỉ là cách gọi chung cho những nhóm cá nhân kinh doanh với trách nhiệm vô hạn (chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh).

Với tất cả những điều trên, hộ kinh doanh không được là một chủ thể pháp lý mà là các thành viên trong hộ kinh doanh sẽ là chủ thể pháp lý hợp pháp nhân danh chính mình thực hiện các công việc liên quan đến hoạt động kinh doanh và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình.

Hộ kinh doanh như một chủ thể doanh nghiệp không tồn tại trong Luật doanh nghiệp hiện hành, nhưng hộ kinh doanh thực chất đã có tư cách pháp lý trong rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật từ rất lâu rồi, nổi bật là trong Bộ luật dân sự. Cũng cần tính đến thực tế hộ kinh doanh là khái niệm sinh ra từ thực tiễn mang tính truyền thống và văn hóa của Việt Nam, bắt đầu từ “hộ gia đình”.

Xem thêm: Sự khác biệt giữa hộ kinh doanh và doanh nghiệp tư nhân

Nghị định 78/2015/NĐ-CP nói trên quy định về đăng ký doanh nghiệp cũng áp dụng cho cả cá nhân, nhóm cá nhân và hộ gia đình. Ngoài ra, các cá nhân đó khi tham gia hoạt động kinh doanh sẽ trở thành thương nhân theo quy định của Luật thương mại. Tóm lại, pháp lý cho cá nhân kinh doanh đã tương đối đầy đủ và rõ ràng, không cần làm rối thêm bằng cách đưa vào trong Luật doanh nghiệp nữa.

3. Đặc điểm của hộ kinh doanh:

Hộ kinh doanh sẽ có các đặc điểm nổi bật sau đây:

Thứ nhất, đối tượng thành lập hộ gia đình

Theo quy định của Nghị định 78/2015/NĐ-CP quy định thì đối tượng tham gia thành lập hộ kinh doanh chính một cá nhân làm chủ, có toàn quyền quyết định đối với hoạt động của tổ chức. Còn đối với hộ kinh doanh do một nhóm người làm chủ hay một hộ gia đình làm chủ thì mọi hoạt động kinh doanh sẽ do các thành viên trong nhóm hay hộ gia đình quyết định mọi việc liên quan đến vấn đề kinh doanh. Và điều kiện bắt buộc đó là các cá nhân tham gia phải đủ độ tuổi theo quy định, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, làm chủ được hành vi của mình.

Thứ hai, hoạt động sản xuất của hộ kinh doanh

Đối với hộ kinh doanh thì hoạt động kinh doanh thường mang tính thuần nông hoặc kinh doanh sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, ít chịu sự quản lý chặt chẽ của nhà nước. Hoạt động kinh doanh chủ yếu của hộ kinh doanh sẽ bao gồm các hoạt động sau như: sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, làm muối và những người bán hàng rong, quà vặt, buôn chuyến, kinh doanh lưu động, làm dịch vụ có thu nhập thấp không phải đăng ký, trừ trường hợp kinh doanh các ngành, nghề có điều kiện, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định mức thu nhập thấp áp dụng trên phạm vi địa phương.

Thứ ba, quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh

Pháp luật nước ta quy định cụ thể các quyền và nghĩa vụ của hộ kinh doanh như sau:

Xem thêm: Cần lưu ý những gì khi mở hộ kinh doanh cá thể?

Chủ thể tham gia thành lập hộ kinh doanh bắt buộc phải là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực pháp luật và năng lực hành vi dân sự đầy đủ; các hộ gia đình có quyền thành lập hộ kinh doanh và có nghĩa vụ đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.

Chỉ được đăng ký một hộ kinh doanh trong phạm vi toàn quốc và được quyền góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp với tư cách cá nhân.

Cá nhân thành lập và tham gia góp vốn thành lập hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.

Thứ tư, cá nhân, nhóm người hoặc các thành viên trong hộ kinh doanh chịu trách nhiệm vô hạn

Trường hợp hộ kinh doanh làm ăn không thuận lợi dẫn đến thua lỗ thì khi phát sinh các khoản nợ, các cá nhân, thành viên phải chịu trách nhiệm trả hết các khoản nợ, không phụ thuộc vào số tiền kinh doanh mà họ đang có.

Bên cạnh đó, theo quy định tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP quy định Cá nhân đã thành lập và tham gia góp vốn thành lập hộ kinh doanh không được đồng thời là chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại. Quy định này xuất phát từ việc chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh của công ty hợp danh đều phải chịu trách nhiệm vô hạn bằng toàn bộ tài sản vốn có của mình.Vì vậy việc quy định này sẽ không làm ảnh hưởng đến lợi ích của của các bên.

4. Hồ sơ, thủ tục để đăng ký hộ kinh doanh:

Thứ nhất, hồ sơ thành lập:

Cá nhân, nhóm cá nhân hoặc người đại diện hộ gia đình gửi Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt địa điểm kinh doanh. Nội dung Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh gồm:

Xem thêm: Chủ hộ kinh doanh là gì? Chủ hộ kinh doanh cá thể có được thành lập công ty không?

  • Tên hộ kinh doanh, địa chỉ địa điểm kinh doanh; số điện thoại, số fax, thư điện tử (nếu có);
  • Ngành, nghề kinh doanh;
  • Số vốn kinh doanh;
  • Số lao động;
  • Họ, tên, chữ ký, địa chỉ nơi cư trú, số và ngày cấp Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân thành lập hộ kinh doanh đối với hộ kinh doanh do nhóm cá nhân thành lập, của cá nhân đối với hộ kinh doanh do cá nhân thành lập hoặc đại diện hộ gia đình đối với trường hợp hộ kinh doanh do hộ gia đình thành lập.

Kèm theo Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh phải có bản sao hợp lệ Thẻ căn cước công dân hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu còn hiệu lực của các cá nhân tham gia hộ kinh doanh hoặc người đại diện hộ gia đình và bản sao hợp lệ biên bản họp nhóm cá nhân về việc thành lập hộ kinh doanh đối với trường hợp hộ kinh doanh do một nhóm cá nhân thành lập.

Thứ hai, cơ quan có thẩm quyền

Khi tiếp nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, nếu có đủ các điều kiện sau đây:

  • Ngành, nghề kinh doanh không thuộc danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh;
  • Tên hộ kinh doanh dự định đăng ký phù hợp quy định tại Điều 73 Nghị định này;
  • Nộp đủ lệ phí đăng ký theo quy định.

Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo rõ nội dung cần sửa đổi, bổ sung bằng văn bản cho người thành lập hộ kinh doanh.

Thứ ba, thời hạn giải quyết

Nếu sau 03 ngày làm việc, kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thì người đăng ký hộ kinh doanh có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

5. Hộ kinh doanh có phải là doanh nghiệp không?

Theo quy định tại khoản 10 Điều 4 của Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 có hiệu lực năm 2021 quy định như sau: “ Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh.”

Như vậy, mặc dù hộ kinh doanh là tổ chức có tên riêng, có tài sản và chủ thể kinh doanh khá chuyên nghiệp đi nữa thì theo quy định của pháp luật hộ kinh doanh không phải là doanh nghiệp. Bởi lẽ, hộ kinh doanh hoạt động mang tính chất riêng lẻ, không thường xuyên, chuyên nghiệp, không có con dấu, không được mở chi nhánh, văn phòng đại diện và đặt biệt không được thực hiện các quyền mà doanh nghiệp đang có như hoạt động xuất nhập khẩu hay áp dụng Luật phá sản khi kinh doanh thua lỗ.

Xem thêm: Thuế khoán là gì? Các trường hợp nào phải nộp thuế khoán?

Hiện nay pháp luật nước ta chỉ quy định có 05 loại hình doanh nghiệp như sau:

  • Công ty cổ phần
  • Công ty TNHH một thành viên;
  • Công ty TNHH hai thành viên trở lên;
  • Công ty hợp danh;
  • Doanh nghiệp tư nhân;

Như vậy muốn tổ chức của mình được công nhận là một doanh nghiệp thì chủ thể cần phải thành lập tổ chức thuộc một trong năm loại hình trên đây. Việc thành lập doanh nghiệp sẽ mang lại nhiều cơ hội cho việc kinh doanh cũng như khẳng định được vị thể của tổ chức trên thị trường.