Giá trị di sản văn hóa tràng an năm 2024

PGS.TS. Nguyễn Hồng Thục, Đại học Quốc gia Hà Nội, tính thử giá trị tiềm năng cho kinh tế di sản của Ninh Bình theo công thức của Noonan (2003) tổng hợp từ 129 địa điểm văn hóa: 5 - 7 triệu lượt khách du lịch/năm x 42,78 USD (mức sẵn lòng chi trả du lịch/người) = 192 - 300 triệu USD/năm. Nếu tính biến (t) theo thời gian, chẳng hạn sau 10 năm, thì giá trị tiềm năng du lịch di sản của Ninh Bình có thể lên tới hơn 3 tỷ USD/năm, tức khoảng 75.000 tỷ đồng/năm. “Nếu (Ninh Bình) lựa chọn định hướng phát triển Đô thị di sản thiên niên kỷ - biểu tượng duy nhất ở Việt Nam, thì tiềm năng chi trả du lịch của du khách có thể lên đến 12 tỷ USD/năm”, PGS.TS. Nguyễn Hồng Thục ước tính.

Nhưng câu hỏi là làm sao khai thác được tiềm năng du lịch này? Đây cũng là mong muốn, trăn trở của tỉnh Ninh Bình, tìm kiếm giải pháp xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng và khác biệt, biến di sản thành tài sản. Bởi năm 2023, Ninh Bình đón gần 6,6 triệu lượt khách, song doanh thu du lịch ước đạt chỉ trên 6.500 tỷ đồng.

Xây dựng sản phẩm du lịch chất lượng và khác biệt

Ninh Bình lựa chọn hướng đi lên với Đô thị di sản thiên niên kỷ bao chứa cả Thành phố di sản thế giới và Thành phố sáng tạo, tựa vào Quần thể danh thắng Tràng An về kinh tế và du lịch di sản. Đây được đánh giá là hướng đi đúng đắn của đô thị hóa kiểu mới trong các chiến lược phát triển đột phá.

Vì thế, Ninh Bình đang mong muốn xây dựng được các sản phẩm du lịch thể hiện giá trị di sản một cách đầy đủ, chân xác và khoa học từ giá trị văn hóa chiếm cư của người tiền sử, để giá trị về địa chất, địa mạo tại Tràng An và cao hơn nữa là bảo tồn và phát huy hiệu quả và bền vững giá trị Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An, xứng đáng là mô hình mẫu mực về bảo tồn và phát triển kinh tế - xã hội như Tổng Giám đốc UNESCO từng nhận xét.

Theo PGS.TS Trần Tân Văn, Viện Khoa học địa chất và Khoáng sản Việt Nam, khi Tràng An được công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới đã đáp ứng cả 3 tiêu chí về văn hóa, thẩm mỹ, và giá trị địa chất, địa mạo. Vì thế, Ninh Bình có thể khai thác loại hình du lịch xanh, du lịch sinh thái, trong đó có du lịch địa chất. Đây là loại hình du lịch văn hóa - sinh thái mới, có thể phát triển ở những khu vực có các đặc điểm, giá trị địa chất quan trọng, nhằm làm giàu thêm nội dung, nâng cao chất lượng du lịch nói chung và thu hút du khách.

Giá trị di sản văn hóa tràng an năm 2024
Di sản Tràng An còn nhiều giá trị cần được đánh thức. Ảnh: Nguyễn Minh

Đặc biệt, di sản địa chất ở Tràng An rất phong phú với hàng trăm biểu hiện, vừa có thể sử dụng vào các mục đích du lịch, tuyên truyền quảng bá, nâng cao nhận thức cộng đồng; vừa có thể dành cho các đối tượng du khách muốn tìm hiểu sâu hơn về địa chất học nói chung cũng như đặc điểm địa chất, địa mạo khối đá vôi Tràng An nói riêng. Song PGS.TS. Trần Tân Văn cũng lưu ý rằng, “việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản địa chất gắn với du lịch ở Quần thể danh thắng Tràng An cần huy động sự tham gia của cộng đồng địa phương trong bảo tồn các điểm tham quan và cảnh quan xung quanh cũng như phát triển cơ hội sinh kế; đồng thời phát triển hệ thống sản phẩm địa phương chất lượng, gắn với nhãn mác công viên địa chất”.

PGS.TS. Lâm Bá Nam, Chủ tịch Hội Dân tộc học và Nhân học Việt Nam thì cho rằng, Quần thể danh thắng Tràng An là danh lam độc đáo, đặc sắc và đặc biệt hơn là gắn liền với quá trình quần tụ trên mảnh đất này từ hàng vạn năm trước. Chính yếu tố di sản văn hóa đã tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt đối với khách tham quan, các nhà khoa học trong và ngoài nước.

“Để đánh thức tính độc đáo của di sản này, Ninh Bình cần tập trung khai thác trên khía cạnh du lịch và phát triển đời sống của cư dân Tràng An. Trước hết phải xây dựng các tour hành trình di sản, tạo dựng các dạng thức không gian văn hóa đặc trưng; bài học này đã được khẳng định ở nhiều điểm du lịch, có sức hút lớn đối với du khách trong nước và quốc tế”, PGS.TS Lâm Bá Nam kiến nghị.

“Tràng An chính là Tràng An”

Theo TS. Vũ Thế Long, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu con người và môi trường thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam, "Tràng An danh thắng chính là Tràng An", chứ không phải “Quế Lâm của Việt Nam", cũng không phải "Hạ Long trên cạn" như một số người hay ví von. Bởi lẽ, Tràng An có những giá trị đặc biệt, riêng có; việc gìn giữ và phát huy những giá trị địa chất, địa mạo, văn hóa, lịch sử là trách nhiệm của chính quyền địa phương, người dân Ninh Bình nói riêng và người dân cả nước nói chung.

Ông Phùng Quang Thắng, Phó Chủ tịch Thường trực Liên chi hội Lữ hành Việt Nam, góp ý, để khai thác các sản phẩm du lịch di sản, Ninh Bình cần tiếp tục xây dựng các sản phẩm có chất lượng và khác biệt, tăng hàm lượng văn hóa, yếu tố trải nghiệm cho du khách. Đồng thời, tăng cường liên kết vùng, liên kết với các thành phố di sản trong nước và quốc tế để tạo thành mạng lưới vững chắc, cùng bảo tồn và phát triển.

Dẫn phát biểu của Homer trong Odyssey vào thế kỷ thứ IX, rằng “du khách không bao giờ quên được người chủ nhà đã rộng rãi thết đãi họ”, PGS.TS Nguyễn Hồng Thục nhấn mạnh tầm quan trọng giữa du khách và dân bản địa trong phát triển du lịch thành công tại các di sản văn hóa. “Tương lai của Đô thị di sản với tầm nhìn thiên niên kỷ tới hoàn toàn phụ thuộc vào cách chúng ta đồng hành với Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới với sự định cư liên tục để có được nền văn hóa Tràng An có cội nguồn sâu sắc, ghi dấu ấn vào chủ quyền và độc lập hơn 1000 năm trước của cha ông”.

Ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu là tiền đề quan trọng để Ninh Bình phát triển kinh tế di sản dựa trên những giá trị bản địa, lịch sử vốn có. Đây cũng là định hướng mà Ninh Bình đang tập trung khai thác, phù hợp với yêu cầu của UNESCO trong bảo tồn, phát huy giá trị bền vững của Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quần thể danh thắng Tràng An.