Dự thảo đại lý thuế làm dịch vụ kế toán năm 2024

Một trong những nội dung đang được DN và cử tri quan tâm đó là Dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi đề xuất bổ sung vào phạm vi hoạt động của đại lý thuế dịch vụ kế toán cho DN nhỏ và siêu nhỏ. Quan điểm của các chuyên gia trong ngành đều cho rằng, đề xuất này là phù hợp với yêu cầu thực tiễn, giúp tiết kiệm chi phí và tạo thuận lợi cho DN nhỏ, siêu nhỏ.

Theo Phó vụ trưởng Vụ Tuyên truyền hỗ trợ Tổng cục Thuế Lê Thị Thủy, dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi quy định đại lý thuế được làm dịch vụ kế toán cho DN siêu nhỏ trước hết xuất phát từ đặc thù các DN siêu nhỏ thường có doanh thu dưới 10 tỷ đồng đối với kinh doanh thương mại và dưới 3 tỷ đồng/năm với các ngành nghề khác. Bên cạnh đó, DN siêu nhỏ có số lượng lao động dưới 10 người, nên rất khó để tổ chức riêng một bộ máy kế toán mà cách tốt nhất là thuê các DN chuyên làm thủ tục về thuế và kế toán. Tuy nhiên, Luật Quản lý thuế hiện hành lại quy định các đại lý thuế chỉ được cung cấp dịch vụ về thuế, không được cung cấp các dịch về kế toán. Do đó, DN siêu nhỏ có nhu cầu sẽ phải thuê 2 đơn vị cung cấp dịch vụ về thuế riêng và kế toán riêng. Việc này sẽ khiến DN siêu nhỏ gặp nhiều khó khăn do chi phí tăng cao, tốn nhiều thời gian công sức và đôi khi việc xử lý số liệu cũng không đồng nhất. Trên thực tế, hoạt động của đại lý thuế gắn bó chặt chẽ với các quy định về kế toán. DN đại lý thuế muốn làm thủ tục kê khai thuế không thể không biết các quy định về kế toán, trong khi quy định về chế độ kế toán đối với DN siêu nhỏ hiện nay rất đơn giản và các đại lý thuế hoàn toàn có đủ khả năng cung cấp các dịch vụ này. Vì thế việc bổ sung dịch vụ kế toán vào phạm vi hoạt động của đại lý thuế là phù hợp và cần thiết.

Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam Nguyễn Thị Cúc nêu thực trạng, hiện cả nước có trên 700 nghìn DN thì có đến trên 500.000 DN siêu nhỏ. Theo kế hoạch đến năm 2020 sẽ có thêm khoảng 500.000 DN siêu nhỏ nữa phát triển từ hộ kinh doanh đi lên. Tuy nhiên, toàn quốc hiện chỉ có trên 100 DN đủ điều kiện cung cấp dịch vụ kế toán và đang phục vụ cho trên 5.000 khách hàng. Nếu so với trên 500.000 DN siêu nhỏ đang hoạt động, thì số DN cung cấp dịch vụ về kế toán còn rất khiêm tốn và chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Việc không có đủ các DN cung cấp dịch vụ kế toán tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế. Bởi do tiềm lực tài chính hạn chế nên nhiều DN siêu nhỏ đang phải sử dụng đội ngũ kế toán chui, không am hiểu pháp luật, dẫn đến lập sai chứng từ, sổ sách kế toán. Hậu quả là DN không những không tiết kiệm được chi phí, mà còn phải chịu thêm tiền phạt chậm nộp, thậm chí bị xử phạt từ 1-3 lần tiền thuế do vi phạm các quy định về kế toán.

Đối với cơ quan thuế, hiện nay số lượng cán bộ rất có hạn và đang thực hiện tinh giản biên chế, trong khi phải quản lý trên 700.000 DN. Nếu không có giải pháp hỗ trợ DN tuân thủ pháp luật tốt, ngành thuế sẽ không có đủ nguồn lực để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát DN và rủi ro thất thu thuế sẽ ngày càng lớn.

Đồng quan điểm, Giám đốc Công ty kiểm toán HSK Việt Nam Ngô Trung Dũng cho rằng, nếu các đại lý thuế chỉ được làm các thủ tục về khai thuế theo Điều 20 của Luật Quản lý thuế hiện hành, sẽ khiến DN không được tiếp cận dịch vụ một cách đầy đủ, đẩy chi phí của các DN siêu nhỏ lên cao. Việc này cũng gây lãng phí rất lớn nguồn nhân lực tại các đơn vị cung cấp dịch vụ thuế và các đại lý không thể phát triển được. Theo hướng này, nếu Luật Quản lý thuế sửa đổi được thông qua, sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cả đại lý thuế và người nộp thuế. Bởi quy định này phù hợp với thực tiễn của Việt Nam hiện nay và xu hướng hội nhập quốc tế (các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc các đại lý thuế đều được cung cấp các dịch vụ về kế toán). Quan trọng là quy định bổ sung về phạm vị hoạt động của đại lý thuế sẽ tạo điều kiện để các DN, người nộp thuế được tiếp cận các dịch vụ trọn gói kê khai thuế kế toán, qua đó tiết kiệm được chi phí; trong khi cơ quan thuế quản lý rủi ro thông qua các đại lý thuế, sẽ góp phần tăng tính minh bạch và tính tuân thủ pháp luật của các DN nhỏ và vừa tại Việt Nam.

Việc quy định đại lý thuế được làm dịch vụ kế toán cho doanh nghiệp (DN) siêu nhỏ giúp giảm chi phí cho DN, tạo điều kiện để DN siêu nhỏ phát triển, cũng như có thể khuyến khích hộ kinh doanh lên DN.

* PV: Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đang được Chính phủ trình Quốc hội thông qua có quy định đại lý thuế được phép làm dịch vụ kế toán cho DN siêu nhỏ. Xin bà cho biết quy định này có ý nghĩa như thế nào đối với DN siêu nhỏ?

- Bà Nguyễn Thị Cúc: Theo quy định tại Điều 20 Luật Quản lý thuế hiện hành, các DN làm dịch vụ thủ tục về thuế (gọi tắt là đại lý thuế) chỉ được làm các thủ tục về thuế như: đăng ký thuế, tính thuế, kê khai thuế, nộp thuế cho DN. Các đại lý thuế làm các dịch vụ về thuế cho DN được quyền ký trên tờ khai thuế của DN, thay mặt DN ký trên giấy nộp thuế, trên các mẫu biểu kê khai cho DN theo quy định.

Hiện cả nước có khoảng 520.000 DN siêu nhỏ, những DN này có bộ máy kế toán rất đơn giản, thậm chí có DN không có người làm kế toán, nhưng họ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ thuế, họ được ký hợp đồng với các đại lý thuế để thay mình thực hiện nghĩa vụ thuế, vì chức năng làm tờ khai về thuế thì chỉ có đại lý thuế thực hiện. Nếu đại lý thuế không được phép làm dịch vụ kế toán thì họ lại phải đi thuê một DN làm dịch vụ kế toán, lấy số liệu của người làm kế toán đó cung cấp cho đại lý thuế để kê khai và nộp thuế. Như vậy rất mất công sức, tăng chi phí sản xuất kinh doanh. Để giảm chi phí họ thuê kế toán “chui”, không có bằng cấp, không chịu trách nhiệm trước pháp luật, nên DN gặp rất nhiều rủi ro. Đặc biệt, hiện nay chúng ta đang thực hiện Nghị quyết 35, phấn đấu đến năm 2020 có 1 triệu DN. Theo đó hàng trăm ngàn hộ cá nhân kinh doanh chuyển đổi lên DN, thì vấn đề kế toán cho DN siêu nhỏ càng khó khăn hơn.

Thấy được khó khăn đó, nên Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 132/2018/TT-BTC về chế độ kế toán cho DN siêu nhỏ. Theo hướng dẫn của thông tư này, hệ thống kế toán rất đơn giản, chỉ có 7 tài khoản, thậm chí có một số trường hợp không cần phải lập báo cáo tài chính.

Rõ ràng, để thực hiện nghĩa vụ thuế đối với những DN siêu nhỏ là rất đơn giản. Vậy tại sao lại không giao cho đại lý thuế làm luôn việc khai, nộp thuế và ký trên sổ sách kế toán (nếu có), như thế vừa tạo điều kiện thuận lợi, và tiết kiệm chi phí cho DN.

Khi sử dụng những đại lý thuế này, vừa tiết kiệm chi phí chung cho xã hội và cho cả chi phí của cơ quan thuế. Đồng thời hiệu quả quản lý thuế cao hơn, minh bạch, rõ ràng hơn. Bởi các đại lý thuế họ có trình độ, có kỹ năng, có trình độ chuyên môn, tránh rủi ro về thuế.

* PV: Dự thảo luật cũng quy định, để đáp ứng điều kiện làm dịch vụ kế toán cho DN siêu nhỏ, đại lý thuế phải có ít nhất 2 người được cấp chứng chỉ hành nghề đại lý thuế. Theo bà, quy định như vậy có hợp lý không?

- Bà Nguyễn Thị Cúc: Đại lý thuế là một DN kinh doanh có điều kiện, điều này có nghĩa, họ muốn đứng ra thay mặt người nộp thuế ký trên tất cả các hồ sơ, thủ tục về thuế thì họ phải đủ trình độ, đủ điều kiện hành nghề. Một trong những điều kiện, đó là một đại lý thuế phải có ít nhất 2 người được cấp chứng chỉ hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế. Muốn có chứng chỉ hành nghề thì phải tham gia và trúng tuyển kỳ thi do Tổng cục Thuế tổ chức. Trong kỳ thi này, học viên phải đỗ 2 môn thuế: Chính sách pháp luật về thuế, quản lý thuế, kê khai thuế và môn kế toán: nguyên lý kế toán, kế toán DN, kế toán thuế (trừ trường hợp miễn thi theo quy định của Bộ Tài chính).

Khi học viên thi đạt yêu cầu cả hai môn đó, thì mới được cấp chứng chỉ. Nghĩa là khi đã được cấp chứng chỉ, người hành nghề đại lý thuế đã có đủ trình độ theo yêu cầu về thuế, về kế toán. Việc quy định đại lý thuế có ít nhất 2 người có chứng chỉ là hợp lý, đảm bảo chất lượng dịch vụ và đương nhiên DN này có đủ khả năng làm dịch vụ đại lý thuế, cũng như dịch vụ kế toán cho DN nhỏ, siêu nhỏ.

Hiện nay chúng ta mới có 105 DN cung cấp về dịch vụ kế toán, 555 DN đủ điều kiện hành nghề đại lý thuế, tập trung nhiều nhất ở các thành phố lớn: Hà Nội 171 đại lý, TP.Hồ Chí Minh 214 đại lý thuế. Tuy nhiên, mới chỉ có 41 tỉnh, thành phố có đại lý thuế, còn lại 22 địa phương chưa có đại lý thuế như: Sơn La, Phú Thọ, Hưng Yên, Phú Yên, Sóc Trăng, Hậu Giang, Bạc Liêu…

Vấn đề hiện nay là phải phát triển các đại lý thuế tại các tỉnh chưa có đại lý thuế nói trên và tăng thêm số lượng các công ty làm dịch vụ kế toán, đại lý thuế ở các tỉnh đã có đại lý thuế, vì các DN làm dịch vụ kế toán hiện nay mới cung cấp cho 5.000 DN. Trong khi đó, hiện có 520.000 DN siêu nhỏ, nếu cả 555 đại lý thuế cũng làm vụ kế toán thì cũng không cung cấp được bao nhiêu.

Nói thế để thấy rằng thị trường còn rất rộng và cần phải bổ sung thêm dịch vụ kế toán cho đại lý thuế, phải phát triển thêm hệ thống đại lý thuế. Nhưng không vì thế mà phát triển các đại lý thuế bằng mọi giá, mà vẫn phải đảm bảo chất lượng dịch vụ, vì thế cần phải đảm bảo điều kiện thi cử như quy định hiện hành.

* PV: Ngoài việc cho phép đại lý thuế được làm dịch vụ kế toán như dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi), theo bà cần phải làm gì để tạo điều kiện thuận lợi cho các DN siêu nhỏ, cũng như khuyến khích hộ kinh doanh lên DN?

- Bà Nguyễn Thị Cúc: Việc Bộ Tài chính ban hành Thông tư 132/2018/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán cho DN siêu nhỏ, cũng là bước chuyển biến quan trọng để khuyến khích các DN siêu nhỏ phát triển, cũng như khuyến khích hộ kinh doanh lên DN.

Với thông tư này, chế độ kế toán đối với DN siêu nhỏ hiện nay thuận lợi hơn trước rất nhiều. Nhưng bên cạnh đó, để khuyến khích hộ kinh doanh lên DN thì chính sách thuế đối với hộ kinh doanh cũng phải tương đồng với DN nói chung, DN siêu nhỏ nói riêng. Còn nếu như, tính doanh thu không sát, hộ kinh doanh nộp thuế thấp hơn khi lên DN thì sẽ không khuyến khích được họ chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên DN. Bên cạnh đó các chính sách, thủ tục hành chính khác liên quan như chính sách bảo hiểm xã hội, an toàn lao động, phòng cháy chữa cháy… cũng phải đơn giản, minh bạch để DN dễ thực hiện.

Vừa qua, Bộ Tài chính cũng đang dự thảo Nghị quyết về ưu đãi thuế cho DN siêu nhỏ trình Chính phủ để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội với mức thuế suất thuế TNDN từ 15 - 17% so với thuế suất thông thường 20%. Nếu như nghị quyết này được ban hành, cũng là biện pháp để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN. Bên cạnh đó các hỗ trợ về thị trường, vốn, công nghệ, phần mềm kế toán, miễn phí cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử… cũng cần được tăng cường hơn về phía Nhà nước cũng như các DN cung cấp phần mềm, làm dịch vụ kế toán, thuế.