Du lịch Đà Nẵng phát triển như thế nào

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch TP. Đà Nẵng

Du lịch được khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của TP. Đà Nẵng. Vậy, ngành du lịch đã đạt được những kết quả gì trong giai đoạn vừa qua, thưa bà?

Thời gian qua, hoạt động du lịch TP. Đà Nẵng đã có bước tăng trưởng ấn tượng, định vị thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới và thực sự thể hiện vai trò ngành kinh tế mũi nhọn, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Tốc độ tăng trưởng bình quân tổng thu du lịch giai đoạn 2016-2019 đạt 24,6%, tăng 5,5 %. Đóng góp quan trọng vào GRDP thành phố (năm 2016 là 23,72%, đến năm 2019 là 31,4% (trong đó đóng góp trực tiếp là 13,7%, đóng góp lan tỏa vào các ngành, lĩnh vực khác là 17,7%).

Ngành du lịch cũng tạo ra nhiều việc làm với 50.963 lao động trong năm 2019, tăng gấp 2,2 lần so với năm 2016. Du lịch Đà Nẵng cũng đã được vinh danh với nhiều giải thưởng, danh hiệu quốc tế như: Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu Châu Á, đứng đầu Top 10 điểm đến toàn cầu năm 2020…

Bên cạnh những thành tựu trên, theo bà du lịch Đà Nẵng còn những hạn chế gì?

Du lịch Đà Nẵng phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và kỳ vọng. Một trong những hạn chế, khó khăn, thách thức đó là hoạt động du lịch rất nhạy cảm với biến động kinh tế - xã hội trong và ngoài nước, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh...

Điển hình gần đây nhất là đại dịch Covid-19 đã gây ra thiệt hại lớn cũng như làm thay đổi xu hướng, thói quen du lịch. Ngành du lịch cũng đang đối mặt với sự thiếu bền vững về cơ cấu thị trường, chất lượng tăng trưởng, quy mô doanh nghiệp nhỏ và hạn chế về năng lực cạnh tranh quốc tế; sự cạnh tranh điểm đến “khốc liệt” trong và ngoài nước.

Sản phẩm du lịch đã được đầu tư phát triển với một số sản phẩm đẳng cấp nhưng vẫn chưa có nhiều sản phẩm đặc trưng. Trong khi đó, chất lượng nguồn nhân lực mặc dù được cải thiện nhưng vẫn chưa đạt được sự đồng bộ và tính chuyên nghiệp. Cách mạng công nghiệp 4.0 vừa là cơ hội cũng là thách thức cho ngành du lịch phải đổi mới, ứng dụng công nghệ trong xúc tiến quảng bá, khai thác và quản lý các hoạt động du lịch.

Chúng ta cũng thiếu các cơ chế chính sách đặc thù để thu hút đầu tư phát triển du lịch, thu hút du lịch du thuyền, trung tâm thương mại, vui chơi giải trí đẳng cấp quốc tế. Các khu vực tiềm năng đặc sắc như bán đảo Sơn Trà, tuyến đường thủy quanh bán đảo Sơn Trà, đường thủy kết nối với Hội An còn nhiều vướng mắc để khai thác và phát triển du lịch.

Đà Nẵng đang hướng đến phát triển du lịch chất lượng cao, có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh quốc tế.

Du lịch được khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của TP. Đà Nẵng. Vậy, mục tiêu phấn đấu của ngành du lịch Đà Nẵng trong 5 năm tới là gì?

Thành phố xác định phát triển các ngành dịch vụ tạo ra giá trị gia tăng lớn, phát huy thế mạnh về du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu quốc tế là một trong ba trụ cột và phát triển du lịch, dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng là một trong năm lĩnh vực mũi nhọn cần tập trung ưu tiên.

Theo đó, mục tiêu phấn đấu của ngành du lịch trong 5 năm đến là tiếp tục phát triển du lịch bền vững và thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố, có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh quốc tế; tập trung vào du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; xây dựng Đà Nẵng trở thành điểm đến du lịch, trung tâm dịch vụ hàng đầu, tầm khu vực, thành phố sự kiện, trung tâm hội nghị quốc tế.

Phấn đấu đến năm 2025 đón 12-13 triệu lượt khách, tăng 1,4 lần so với 2019; trong đó, có 4,2 lượt khách quốc tế; tốc độ tăng trưởng bình quân tổng thu du lịch giai đoạn 2021-2025 ước đạt 12-12,5%/năm.

Vậy, những giải pháp khắc phục hạn chế cũng như để đạt được mục tiêu đề ra trong 5 năm đến của ngành du lịch Đà Nẵng là gì?

Trong báo cáo tại Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ TP. Đà Nẵng nhiệm kỳ 2020-2025, chúng tôi đã đề ra 8 giải pháp chính, đó là: Tập trung khôi phục hoạt động du lịch sau ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19; Thực hiện cơ cấu lại ngành du lịch theo 4 lĩnh vực cơ bản gồm cơ cấu lại thị trường khách, sản phẩm du lịch, hệ thống cơ sở hạ tầng-cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và nguồn nhân lực.

Cùng với đó sẽ triển khai quy hoạch định hướng phát triển du lịch với trọng tâm dọc theo bờ biển Sơn Trà - Ngũ Hành Sơn (Bờ Đông), ven vịnh Đà Nẵng, khu vực đồi phía Tây và Bán đảo Sơn Trà để khai thác hiệu quả các tài nguyên mặt nước tự nhiên, di tích văn hóa lịch sử, cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học, để toàn bộ thành phố sẽ trở thành một điểm du lịch đặc sắc với 6 nút du lịch chuyên đề, quy hoạch các khu tổ hợp giải trí ban đêm riêng biệt.

Bên cạnh đó, sẽ xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch, trong đó: Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao để tạo sự khác biệt, nâng cao sức hấp dẫn và cạnh tranh của điểm đến Đà Nẵng; Phát triển các sản phẩm, dịch vụ kinh tế ban đêm và tăng cường khai thác du lịch thủy nội địa.

Bốn nhóm sản phẩm chủ lực được xác định: du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch mua sắm, vui chơi giải trí, golf, hội nghị hội thảo (M.I.C.E); du lịch văn hoá, lịch sử, tâm linh, cộng đồng, sinh thái (gắn với nông nghiệp công nghệ cao) và du lịch đô thị gắn với thành phố trung tâm của cả khu vực. Đa dạng hóa sản phẩm hỗ trợ: du lịch ẩm thực, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch cưới.

Đà Nẵng đang chú trọng phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, chất lượng cao để tạo sự khác biệt.

Tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư, huy động các nguồn lực để phát triển du lịch, trong đó ưu tiên đầu tư công cho phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch, các đề án du lịch lớn đã phê duyệt tại Nam Ô, Thọ Quang, K20, Hòa Vang và hỗ trợ hình thành các sản phẩm mới, đặc sắc như Tuyến phố đi bộ Bạch Đằng - Nguyễn Văn Trỗi - Trần Hưng Đạo, Phố du lịch An Thượng, Phố đêm 24/7, bán đảo Sơn Trà. Kêu gọi đầu tư Cảng Sông Hàn, Cảng Sông Thu, trung tâm du thuyền, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, chuyển đổi Cảng biển Tiên Sa thành cảng du lịch.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - chất lượng dịch vụ: Đặt mục tiêu chuyên nghiệp lên hàng đầu, triển khai chuẩn hóa nguồn nhân lực và quy trình phục vụ đối với các hoạt động, dịch vụ phục vụ du lịch đạt chuẩn chuyên nghiệp.

Đổi mới công tác quản lý nhà nước, phát triển du lịch phù hợp định hướng và mục tiêu đề ra. Tháo gỡ các điểm nghẽn-khó khăn vướng mắc hiện nay để phát triển du lịch bền vững. Tăng cường năng lực cạnh tranh của hệ thống doanh nghiệp du lịch, phát triển các mô hình hợp tác công - tư trong quản lý khai thác các khu điểm du lịch, di tích văn hóa lịch sử… Hỗ trợ khuyến khích hình thành các doanh nghiệp du lịch có thương hiệu, đủ năng lực cạnh tranh quốc tế. Đồng thời tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng, gìn giữ môi trường du lịch an ninh, an toàn và mến khách.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động quản lý, khai thác và xúc tiến quảng bá du lịch. Ưu tiên ứng dụng công nghệ số để quản lý điểm đến, quản lý bãi biển, phát triển các ứng dụng hỗ trợ du khách tiếp cận, trải nghiệm các dịch vụ du lịch.

Tăng cường liên kết hợp tác trong và ngoài nước để phát triển du lịch, tập trung mở rộng liên kết vùng, quốc gia và quốc tế để hợp tác quảng bá điểm đến, khai thác sản phẩm và trao đổi nguồn khách. Tranh thủ lợi thế các thị trường có kết nối đường bay trực tiếp, nguồn lực từ các cơ quan ngoại giao và các hiệp hội nghề nghiệp trong và ngoài nước để triển khai các hoạt động, chương trình hợp tác phát triển. Xúc tiến mở các đường bay trực tiếp đến Mỹ, châu Âu, Úc, Ấn Độ...

Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Để phát triển du lịch thành phố thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chất lượng cao, có thương hiệu, cạnh tranh quốc tế, thời gian tới, ngành du lịch sẽ tiếp tục phối hợp cùng các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, định hướng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP. Đà Nẵng với tinh thần quyết tâm, sáng tạo đổi mới và nỗ lực cao nhất, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển du lịch thành phố

Cám ơn bà về cuộc trao đổi này!

- Ông đánh giá như thế nào về sự hồi phục của du lịch địa phương thời gian qua?

- Đà Nẵng đang ghi nhận sự phục hồi du lịch mạnh mẽ từ các nguồn khách, đặc biệt là khách trong nước. Đến thời điểm này, du lịch Đà Nẵng tăng trưởng 20-25% so với năm 2019. Điều này cho thấy sức hấp dẫn và năng lực phục vụ lượng khách lớn của du lịch thành phố.

Ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng. Ảnh: Sun Group

Có một số lý do tạo nên những tín hiệu tích cực này, như sự chuẩn bị của lãnh đạo thành phố, Sở Du lịch, cộng đồng doanh nghiệp cẩn thận, tỉ mỉ, đầy đủ cho việc trở lại. Chúng tôi không bất ngờ với sự gia tăng nhanh chóng nhu cầu của du khách và hệ thống dịch vụ của du lịch Đà Nẵng hoàn toàn đáp ứng được sự phục hồi nhanh chóng, bài bản, trật tự, với một chất lượng cao và mức chi phí kiểm soát được. Đây là nền tảng cho sự phục hồi của du lịch.

Sự khôi phục của du lịch cũng rơi đúng mùa cao điểm của Đà Nẵng, mùa đẹp nhất khi các trung tâm khách đều hướng sự quan tâm đến Đà Nẵng. Song song đó, chúng tôi dồn toàn lực chuẩn bị cho sự phục hồi thị trường khách nước ngoài từ ngày 15/3. Bằng việc hình thành thêm nhiều sản phẩm mới cũng như hoàn thiện, làm phong phú hơn sản phẩm cũ, hệ sinh thái sản phẩm của Đà Nẵng hiện rất tốt, phù hợp với khách trong và ngoài nước.

Tiếp theo, khâu quảng bá, xúc tiến của thành phố đã triển khai thường xuyên. Cả trong thời gian dịch, chúng tôi có các kênh quảng bá online. Ngay khi dịch được kiểm soát, chúng tôi nhanh chóng triển khai xúc tiến tại các thị trường trong nước và nước ngoài.

Cuối cùng, chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp đồng loạt, chung tay triển khai các chuỗi sự kiện lớn, các hoạt động giải trí hè. Trong đó, các doanh nghiệp như Sun Group đã tích cực đồng hành tổ chức các sự kiện giải trí lớn như Carnival đường phố Sun Fest, tạo sức hấp dẫn, thu hút sự quan tâm của du khách.

Vũ công biểu diễn trong carnival đường phố Sun Fest tại Đà Nẵng. Ảnh: Sun Group

- Theo ông, ở giai đoạn sắp tới, du lịch Đà Nẵng cần tập trung phát triển nhóm sản phẩm nào để có thể phát huy tối đa thế mạnh?

- Có thể nói Đà Nẵng là một trong các địa phương hiếm hoi sở hữu nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Thành phố bây giờ không xác định ở tầm cỡ quốc gia mà phải ở khu vực.

Trên cơ sở lợi thế, tiềm năng đó, cộng đồng doanh nghiệp chúng tôi xác định các nhóm sản phẩm du lịch trụ cột. Chúng tôi cũng có sự bàn bạc, trao đổi thống nhất với thành phố, đề xuất để khai thác tốt nhất các lợi thế này. Thứ nhất là nhóm sản phẩm du lịch văn hoá di sản: Ít thành phố nào được như Đà Nẵng, trong bán kính 50-70km có 4-5 di sản văn hoá. Đặc biệt, thành phố phối hợp sản phẩm tốt, nơi văn hoá di sản gắn với văn hoá bản địa, văn hoá ẩm thực, nếp sống đô thị..., tạo thành nhóm sản phẩm văn hoá lịch sử hấp dẫn cho thành phố.

Thứ hai là nhóm sản phẩm du lịch MICE. Hiện nay, thành phố có hệ sinh thái tổ chức sự kiện tốt bậc nhất cả nước. Thành phố sẽ hình thành chuỗi sự kiện địa phương, là điểm đến thu hút các tập đoàn, tổ chức ngoại giao, các công ty đến tổ chức sự kiện.

Thứ ba là nhóm sản phẩm du lịch đô thị: Đà Nẵng là thành phố trung tâm của khu vực miền Trung và Tây Nguyên. Đây là điểm trung chuyển, thu hút du khách đến vui chơi giải trí, mua sắm, học hành, y tế, tạo thành du lịch đô thị, giống như Dubai hay Singapore. Thành phố có tiềm năng và hạ tầng rất phù hợp để phát triển theo định hướng này.

Cuối cùng là du lịch sinh thái rừng núi sông hồ. Phía Tây Đà Nẵng có Bà Nà, có núi Thần tài, có hệ sinh thái du lịch nông nghiệp... , là tiềm năng để Đà Nẵng đầu tư phát triển nhằm gia tăng trải nghiệm cho khách du lịch ở giai đoạn sau Covid-19.

- Câu chuyện du lịch về đêm đã được đặt ra từ lâu, nhưng dường như vẫn chưa thực sự trở thành thế mạnh của Đà Nẵng. Theo ông, du lịch Đà Nẵng cần phát triển du lịch về đêm như thế nào?

- Các sản phẩm, hoạt động du lịch về đêm là một trong những nhóm giải pháp mà thành phố cũng như cộng đồng doanh nghiệp quan tâm. Đây có thể được xem là mảnh ghép còn thiếu để đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp của khu vực.

Cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua cũng đã nỗ lực đầu tư cho hệ sinh thái về đêm, Bà Nà Hills đã có sản phẩm về đêm, Công viên châu Á được kỳ vọng biến thành trung tâm giải trí về đêm... Chúng tôi có các điểm vui chơi, giải trí, ăn uống về đêm như phố đi bộ An Thượng, trước mắt đáp ứng được một số nhu cầu cơ bản của du khách. Đương nhiên, để phát triển hệ sinh thái du lịch về đêm theo chiều sâu, cần có sự đầu tư hơn nữa từ phía doanh nghiệp cũng như chủ trương của thành phố.

Lâu đài Mặt trăng tại Sun World Ba Na Hills. Ảnh: Sun Group

- Dù sở hữu nhiều thế mạnh và lợi thế, song để vươn lên trở thành trung tâm du lịch quốc tế hay điểm đến quốc tế như kỳ vọng, dường như Đà Nẵng vẫn còn thiếu điều gì đó, thưa ông?

- Có thể nói, Đà Nẵng có nhiều tiềm năng và khả năng trở thành trung tâm du lịch quốc tế. Tuy nhiên, để du lịch phát triển nhanh hơn, hấp dẫn hơn còn thiếu một vài mảnh ghép.

Thứ nhất, Đà Nẵng là trung tâm du lịch biển, nơi đầu biển cuối sông, nhưng đến nay vẫn chưa có sản phẩm nào vươn ra biển dành cho du khách. Hiện chỉ có dịch vụ dù bay, dù lượn nhưng còn nhỏ lẻ. Đây là nhóm sản phẩm du lịch Đà Nẵng rất thiếu để có thể cạnh tranh với các điểm đến du lịch biển khác trong nước như Khánh Hòa, Kiên Giang... chứ chưa so sánh với các điểm đến như Phuket hay Bali.

Thứ hai, du lịch thuỷ nội địa khu vực sông Cổ Cò cũng cần được khai thông. Nếu không được thì các sản phẩm du lịch dọc hai bên bờ như làng nghề, du lịch vui chơi giải trí, đô thị, mua sắm... sẽ không có đầu ra. Nếu hoàn thiện, du lịch thuỷ nội địa Cổ Cò sẽ tạo ra thương hiệu du lịch mới cho Đà Nẵng.

Thứ ba, về các loại hình du lịch vui chơi giải trí, mua sắm, show diễn, đặc biệt trải nghiệm về đêm, Đà Nẵng đã có nhưng vẫn thiếu. Hàng Châu có show diễn Tống Thành, Hội An có Ký ức Hội An, nhưng Đà Nẵng chưa có một show diễn nào đủ đẳng cấp để khách đến xem buổi tối. Bên cạnh đó, các trung tâm mua sắm lớn về đêm cũng chưa có, đây cũng là mảnh ghép cần đẩy mạnh.

Cuối cùng, Đà Nẵng được định vị là thành phố sự kiện lễ hội thì cần thêm nhiều sự kiện hấp dẫn hơn nữa. Lễ hội Pháo hoa quốc tế quay trở lại trong 8 tuần liên tiếp là sự kiện mà cộng đồng du lịch mong chờ. Đà Nẵng cần phải nâng tầm bằng những sản phẩm như thế.

Hoài Phong

Video liên quan

Chủ đề