Đốt vàng mã như thế nào cho đúng

Với quan niệm “trần sao âm vậy”, nhiều người đốt vàng mã “gửi” cho người đã khuất mong muốn họ có tiền để tiêu, không bị đói khổ, thiếu thốn; dù không biết làm như vậy có tác dụng không.

Sau khi đọc bài viết dưới đây, chúng ta sẽ giải đáp được thắc mắc, đốt vàng mã người mất có thực sự nhận được không? Và chúng ta cần làm gì để họ bớt khổ, được sung sướng, hạnh phúc. Kính mời các bạn cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!

Đốt vàng mã là gì?

Đốt vàng mã (hay hóa vàng) là đốt những đồ làm bằng giấy như tiền vàng, áo quần, mũ mã, ngựa xe,... Việc làm này thường mang ý nghĩa gửi biếu người thân, tiên tổ đã khuất; để họ có tiền tiêu, có nhà ở, có xe đi lại dưới cõi âm.

Đốt vàng mã như thế nào cho đúng
Đốt vàng mã gửi biếu người thân dưới, tiên tổ đã khuất (ảnh minh họa)

Đốt vàng mã người âm có nhận được không?

Câu trả lời là người âm không nhận được. Tư duy một cách đơn giản: nếu đốt vàng mã người âm nhận được thì dù chúng ta đốt giấy vụn hay rác rưởi, họ cũng phải nhận hết vì nhìn chung các loại đó khi đốt đều thành tro.

Tờ giấy vốn dĩ chỉ là giấy bình thường, đem in thì lại thành tiền âm phủ, không in thì vẫn là giấy. Đem đi in rồi đốt, tờ giấy ấy cũng hóa thành tro, không còn nguyên dạng. Cho nên, người đã mất không thể nhận được gì từ vàng mã đã đốt, nếu nhận được thì chỉ nhận tro và khói mà thôi.

Tục lệ đốt vàng mã được bắt nguồn từ vua quan phong kiến Trung Quốc: Khi vua chết, cung phi, mỹ nữ, người hầu, của cải vàng bạc đều được chôn theo. Còn thường dân thì không thể chôn người sống và vàng bạc thật như vậy nên nghĩ ra việc làm hình nhân thế mạng, tiền vàng giả bằng giấy để chôn cùng người chết. Nhưng sau này, thấy việc chôn như vậy thì tốn đất, nên họ nghĩ ra cách đốt. Từ đó, tục lệ đốt vàng mã ra đời; chứ không có cơ sở cho rằng, người âm sẽ nhận được khi chúng ta đốt.

Như vậy, quan niệm đốt vàng mã là vô lý, không đúng sự thật.

Tại sao người âm lại đòi vàng mã?

Thực tế, một số người được “người âm” báo mộng về đòi đốt vàng mã. Việc này được giải thích như sau: Những người khi còn sống có nhận thức sai thì khi chết đi, họ trở thành vong linh có nhận thức sai, không biết đúng sự thật.

Nếu trước khi chết, họ có nhận thức sâu sắc rằng, đốt vàng mã người chết tiêu được; thì khi chết đi, họ rơi vào cảnh khổ, có nhân duyên nhập vào người sống và đòi vàng mã để mong bớt khổ.

Thế nhưng, năm nay đốt rồi, họ chưa thấy hết khổ tưởng là chưa có, họ lại đòi tiếp. Năm này qua năm khác họ vẫn đòi nhưng không thấy hết khổ. Như vậy, việc đốt vàng mã để vong linh bớt khổ là sai sự thật.

Theo quan niệm của đạo Phật: nghiệp được tạo ra từ nhận thức và quan điểm của chúng ta. Thế nhưng, những nhận thức đó chưa chắc đã là sự thật, có nhận thức đúng với sự thật, có nhận thức không đúng với sự thật. Và chính những nhận thức đó sẽ đồng hành cùng chúng sinh đi tái sinh. Nhận thức theo tà kiến thì theo nghiệp tà đi tái sinh, nhận thức đúng với chính kiến thì theo chính kiến đi tái sinh.

Làm những điều sau, vong linh người thân đã mất chắc chắn sẽ no đủ hơn

Theo quan niệm của đạo Phật, chúng ta sinh ra ở kiếp này là do tội và phúc. Vong linh cũng vậy, cũng do tội và phúc mà lưu chuyển, tái sinh. Cho nên, muốn giúp họ bớt khổ thì phải gửi đến cho họ bằng phúc báo từ việc thiện chúng ta tạo ra, việc làm lợi ích cho nhiều người. Đó là phúc, là đạo đức, không liên quan gì đến phần vật chất là vàng mã.

Chúng ta và các cõi khác chỉ liên quan với nhau qua tâm linh thì phải nhận bằng tâm linh. Để vong linh được hết khổ chúng ta phải cúng dường, làm phước, bố thí để hồi hướng cho họ.

Trong Kinh Vu Lan Bồn có kể câu chuyện Ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ. Sau khi đắc lục thông, Ngài đã dùng năng lực thần thông, tìm kiếm chỗ tái sinh của mẹ. Do lúc còn sống mẹ Ngài thường tạo các ác nghiệp nên sau khi chết, mẹ Ngài bị đọa làm ngạ quỷ ở chỗ tối tăm, lạnh lẽo, rất đói khát.

Thương mẹ, Ngài dùng thần thông giúp mẹ có chút cơm, chút bánh; lần thứ nhất cơm bánh ấy biến thành than lửa, lần thứ hai thì cơm bánh ấy biến thành cục băng. Trước sức mạnh của nghiệp, năng lực thần thông của Ngài cũng bất lực.

Đốt vàng mã như thế nào cho đúng
Ngài Mục Kiền Liên dâng bát cơm đến cho mẹ mình là bà Thanh Đề (ảnh minh họa)

Ngài Mục Kiền Liên đến bạch Đức Phật chỉ dạy cách cứu mẹ. Đức Phật dạy rằng: dù lòng hiếu thuận của Ngài Mục Kiền Liên có lớn tới đâu cũng không thể cứu được mẹ mình. Nếu tất cả những bậc thần kỳ, các thầy tà ma ngoại đạo lại cộng với bốn vị thiên vương cõi Trời tập trung thần lực cũng không thể cứu đỡ mẹ Ngài thoát khỏi chốn ngạ quỷ đau khổ. Muốn cứu được mẹ Ngài phải nhờ đến thần lực của mười phương Tăng.

Sau đó, Ngài Mục Kiền Liên báo gia đình sắm sửa đồ dâng lên cúng dường tứ sự đến Tăng chúng trong mùa tự tứ (mùa an cư kiết hạ). Và nhờ công năng thanh tịnh của Tăng, nhờ uy lực của phước báu nâng đỡ, mẹ Ngài được sanh thiên, làm thuộc hạ tùy tùng Tứ đại thiên vương.

Như vậy, muốn cứu được vong linh hết khổ, siêu sinh về cảnh giới an lành phải nhờ đến công đức cúng dường tứ sự (y áo, thức ăn, thuốc men, ngọa cụ) đến chư Tăng; thì phước đó mới cầu siêu đủ cho vong linh được siêu thoát.

Đốt vàng mã như thế nào cho đúng
Người thân nên cúng dường Tam Bảo trong mùa tự tứ hồi hướng cho vong linh để họ thoát khổ (ảnh chụp tại chùa Ba Vàng)

Trên đây là chia sẻ của Cô Phạm Thị Yến - Pháp danh Tâm Chiếu Hoàn Quán - Chủ nhiệm CLB Cúc Vàng - Tập Tu Lục Hòa chùa Ba Vàng.

Qua bài viết này, mong rằng quý đọc giả sẽ có cái nhìn đúng đắn về việc đốt vàng mã. Đồng thời, cũng biết làm các việc thiện để hồi hướng giúp ích cho người đã khuất cũng như bản thân được hạnh phúc.