Dòng máu lạc hồng là gì

(ĐNĐT) - Chẳng nơi nào trên Quả đất hơn 7 tỷ người lại tồn tại một nghi lễ đặc biệt khi hàng triệu triệu người dân một đất nước cùng thờ cúng Quốc tổ. Trong ngày đặc biệt có một không hai trên thế giới này, triệu triệu con tim đất Việt tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn công lao của những người đã có công lập nên quốc gia hình chữ S bên bờ Biển Đông và nhắc nhở nhau cùng đồng lòng, chung sức xây dựng đất nước.

Tổ mẫu - Mẹ Âu Cơ

Từ bấy lâu nay, câu chuyện Mẹ Âu Cơ sinh được trăm con, “năm mươi xuống biển, năm mươi lên non” cùng hình tượng Đức Quốc tổ Lạc Long Quân vừa huyền bí, vừa oai hùng đã thấm sâu trong tâm khảm mỗi người dân đất Việt. Cũng vì thế, chẳng phải ngẫu nhiên khi nhà điêu khắc nổi tiếng Lê Công Thành quyết tâm dựng tượng Mẹ Âu Cơ ngay trên Công viên Biển Đông ở thành phố Đà Nẵng. Có thể với nhiều người dân Đà Nẵng và du khách, rất khó để hình dung và hiểu được hết ý nghĩa của bức tượng này, bởi vậy, không ít lời ra tiếng vào, khen cũng có mà chê cũng lắm. Gác lại câu chuyện bàn cãi về tính thẩm mỹ của bức tượng, tác giả Nguyễn Đình An đã khẳng định điều ông tâm đắc về hình tượng Mẹ Âu Cơ này trên Tạp chí Non Nước: “Quá trình sáng tạo Mẹ Âu Cơ và quá trình đưa Mẹ Âu Cơ hiển hiện thành hình khối ở Công viên Biển Đông đúng là một việc không giống ai. Việc không giống ai trên các lĩnh vực khác thì còn có thể bàn cãi, chứ trong lĩnh vực nghệ thuật thì rất nên là như vậy”.

Tác giả Nguyễn Đình An nhớ lại chuyện Lê Công Thành dựng tượng Mẹ Âu Cơ: “Đầu năm 2007, anh dựng hai bức tượng trước biển, rất đẹp và rất có ấn tượng ở Khu du lịch Đồ Sơn (Hải Phòng). Hải Phòng có ý định giao cho anh cả một quả đồi rộng lớn để anh toàn quyền xây dựng một vườn tượng. Từ chối lời mời và sự giao phó đó, anh về với Đà Nẵng, quyết tâm dựng tượng Người mẹ và bọc trứng - Mẹ Âu Cơ ở thành phố quê hương”.

Tượng Mẹ Âu Cơ tại Công viên Biển Đông (Đà Nẵng).

Vậy đấy, Lê Công Thành, với sự quyết tâm và tình yêu quê hương của một người con xứ Quảng, đã mang đến cho Đà Nẵng một nét độc đáo “chẳng giống ai”. Đà Nẵng đã có nhiều ý tưởng sáng tạo “chẳng giống ai” mà ý tưởng đó giờ hiện hữu là chiếc cầu quay sông Hàn, cầu Rồng độc nhất vô nhị. Cho nên, dù ai có bình phẩm gì đi nữa thì hình tượng Mẹ Âu Cơ sừng sững, hiên ngang giữa đất trời, sông biển ngay trên thành phố xinh đẹp này cho thấy, Đà Nẵng thực sự đã tạo nên một cách riêng của mình trong chuỗi những chương trình, phần việc cần làm để tưởng nhớ tổ tông, khẳng định dòng máu con Lạc cháu Hồng, cha Rồng mẹ Tiên và để nhắc nhở muôn đời con cháu mai sau biết ơn những đấng sinh thành, lập quốc.

Giờ đây, trong chan hòa nắng, gió và màu xanh thăm thẳm của biển ở Công viên Biển Đông là hình ảnh Mẹ Âu Cơ với bọc trứng uy nghi mà thấm đẫm tình người. “Hình tượng Lạc Long Quân - Âu Cơ là một minh chứng hùng hồn khẳng định rằng, tất cả các dân tộc ở Việt Nam đều chung một huyết thống, là anh em một nhà, chung một Tổ mẫu, đều từ một bọc trứng mà thành hình. Và vì thế, các thế lực thù địch muốn dùng chiêu bài thâm độc để chia rẽ sự đoàn kết giữa các dân tộc ở Việt Nam đều sẽ bị thất bại. Bởi người Việt - gọi chung bằng hai tiếng “đồng bào” - tức là mọi người đều chung một bào thai, đều mang dòng máu Lạc Hồng với tình yêu thương, gắn kết chặt chẽ mà không một thế lực nào có thể chia cắt”, PGS. TS Ngô Văn Minh, Trưởng khoa Dân tộc và Tôn giáo, tín ngưỡng, Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III (Đà Nẵng) nhấn mạnh.

Dân tộc Việt Nam mãi trường tồn

Không phải đơn giản mà Việt Nam có một ngày đặc biệt để thờ cúng Quốc tổ. Theo ông Ngô Văn Minh, nghi lễ này thực chất là sự phóng đại của tục thờ cúng tổ tiên của người dân Việt. “Trong gia đình, người ta thường thời cúng tổ tiên bởi họ là đấng sinh thành, dưỡng dục. Ông bà, cha mẹ đã khuất trở thành những vị thần bản mệnh cho những thành viên còn sống. Mở rộng ra, ở các làng xóm, người dân thờ Thành hoàng với tư cách là người có công với làng, là vị thần phù hộ cho làng. Tục thờ cúng tổ tiên, thờ Thành hoàng giúp cho các thành viên trong gia đình, trong làng xóm cố kết chặt chẽ hơn. Và giờ đây, với ngày Giỗ tổ Hùng Vương, dân tộc Việt Nam cũng muốn ghi nhận công lao của những người đã có công lập quốc, muốn chọn một ngày để ai ai cũng tự ý thức được về nguồn cội của mình và có trách nhiệm hơn trong việc chung tay, xây dựng đất nước”, ông Ngô Văn Minh chia sẻ.

Lễ rước kiệu của 7 xã, phường vùng ven về đền Hùng tri ân công đức tổ tiên. Ảnh: TTXVN

Lễ hội đền Hùng năm nay có hàng trăm Việt kiều ở khắp nơi trên thế giới về tham dự cùng với đó là sự góp mặt của đại diện nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Điều đó càng khẳng định ý nghĩa sâu sắc của ngày Giỗ tổ và cho thấy, dù là người dân Việt, sinh sống trong nước hay bất cứ nơi nào trên thế giới, đều là con cháu của các Vua Hùng. Sự kết nối xuất phát từ nguồn gốc sâu xa này tạo nên một sức mạnh lớn lao mà không một dân tộc nào trên thế giới có được. Sức mạnh này là nguồn lực tinh thần để triệu triệu người dân Việt Nam đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Bên cạnh đó, theo ông Ngô Văn Minh, Giỗ tổ Hùng Vương là một sự khẳng định cho lòng tự tôn dân tộc, cho sự trường tồn của đất nước Việt Nam. Nghi lễ này một lần nữa khẳng định, dân tộc Việt Nam có một lịch sử hình thành từ ngàn đời, có gốc gác, có tổ tông, không lẫn vào đâu được. Từ thời phương Bắc xâm chiếm đất Việt và trải qua nhiều năm bị các nước phương Tây đô hộ, người Việt luôn giữ cho mình một bản sắc riêng, hoàn toàn khác biệt, độc đáo và mang đậm truyền thống dân tộc Việt.

Từ câu chuyện chung một dòng máu Lạc Hồng, hướng về ngày Giỗ tổ Hùng Vương, một lần nữa nhắc chúng ta nhớ lại lời dặn của Bác Hồ trong một bức thư gửi đồng bào dân tộc thiểu số miền Nam viết năm 1946: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng lòng đoàn kết của chúng ta không bao giờ giảm bớt. Chúng ta quyết góp chung lực lượng lại để giữ vững quyền tự do, độc lập của chúng ta”.

Dòng máu Lạc Hồng là sáng tác của ai?

Lê Quang

Con Lạc Cháu Hồng có ý nghĩa gì?

"Con Lạc cháu Hồng" là cụm từ được dùng để chỉ con cháu người Việt.

Chủ đề