Đánh giá xếp loại công chức năm 2024

Có hiệu lực từ 15.9, Nghị định số 48/2023/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức có nhiều điểm mới.

Đánh giá xếp loại công chức năm 2024
Người dân thực hiện giải quyết thủ tục hành chính tại công sở ở Hà Nội. Ảnh: Hải Nguyễn

Theo đó, Nghị định 48/2023/NĐ-CP có 5 điểm mới trong đánh giá công chức, viên chức.

Thứ nhất, Nghị định 48/2023/NĐ-CP bổ sung hướng dẫn xếp loại công chức, viên chức bị kỷ luật Đảng. Quy định cũ tại khoản 4 Điều 2 Nghị định 90/2020/NĐ-CP chỉ nêu sử dụng kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức để liên thông đánh giá, xếp loại chất lượng Đảng viên.

Điểm mới trong đánh giá công chức từ 15.9.2023 đã bổ sung chi tiết hướng dẫn xếp loại, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức đã bị kỷ luật Đảng hoặc kỷ luật hành chính.

Thứ hai, Nghị định 48/2023/NĐ-CP sửa tiêu chí xếp loại chất lượng không hoàn thành nhiệm vụ. Theo đó, một trong các tiêu chí làm căn cứ xếp loại cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ đã được sửa từ “có hành vi vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá” thành “có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá”.

Như vậy, thống nhất ở cả cán bộ, công chức, viên chức việc bỏ cụm từ “trong quá trình thực thi nhiệm vụ”. Đồng nghĩa với đó là, mở rộng phạm vi đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.

Theo Nghị định mới, từ 15.9.2023, không còn giới hạn những hành vi bị kỷ luật trong quá trình thực thi nhiệm vụ nữa mà trong bất cứ trường hợp nào, khi bị kỷ luật trong năm đánh giá thì cán bộ, công chức, viên chức đều có thể bị xem xét đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.

Điểm mới thứ 3 của Nghị định này đó là thay đổi phương thức lưu trữ kết quả đánh giá, xếp loại. Phương thức lưu trữ tài liệu kết quả đánh giá xếp loại chất lượng của cán bộ, công chức, viên chức từ việc phải thể hiện bằng văn bản thì từ 15.9.2023, phương thức lưu giữ tài liệu này còn được thực hiện bằng phương thức điện tử.

Thứ tư là Nghị định quy định không xem xét lại kết quả xếp loại chất lượng trước 15.9.2023. Theo đó, những trường hợp đã có kết quả xếp loại chất lượng trước ngày 15.9.2023 sẽ không được xem xét lại. Các trường hợp cấp có thẩm quyền thực hiện xem xét đánh giá, xếp loại chất lượng trước ngày 15.9.2023, tiếp tục áp dụng quy định của pháp luật tại thời điểm đó, tức là vẫn áp dụng quy định cũ tại Nghị định 90/2020/NĐ-CP.

Điểm mới thứ 5 của Nghị định 48/2023/NĐ-CP là về việc ban hành quy chế đánh giá.

Thực tế cho thấy, quá trình thực hiện các quy định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức, các bộ, ngành, địa phương phản ánh vướng mắc, thiếu căn cứ pháp lý để xử lý một số tình huống phát sinh trong công tác cán bộ. Một số quy định cần sửa đổi để bảo đảm thống nhất trong áp dụng pháp luật như thẩm quyền đánh giá, xếp loại; quy định về việc ban hành Quy chế đánh giá...

Để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, đồng thời giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu thống nhất giữa pháp luật của Nhà nước và quy định của Đảng, những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn thì việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị định 90 là cần thiết, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

Theo Nghị định số 90/2020/NĐ-CP, kể từ ngày 20/8/2020 quy định về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức có một số nội dung mới như sau:

1. Thời điểm đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức

Nghị định số 90/2020/NĐ-CP đã quy định cụ thể thời điểm đánh giá trước ngày 15/12, cụ thể: Thời điểm đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức được tiến hành trước ngày 15 tháng 12 hàng năm, trước khi thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên và tổng kết công tác bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đồng thời, quy định kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức được sử dụng làm cơ sở để liên thông trong đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên.

So với quy định tại Nghị định 88/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 56 thì thời điểm đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức được tiến hành trong tháng 12 hàng năm, trước khi thực hiện việc bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm; không quy định ngày nào nên không thống nhất trong việc thực hiện.

2. Về mức đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức

Nghị định số 90/2020/NĐ-CP quy định đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức có 04 mức, gồm: Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; hoàn thành tốt nhiệm vụ; hoàn thành nhiệm vụ; không hoàn thành nhiệm vụ. Tại mức xếp loại “hoàn thành nhiệm vụ” đã bỏ cụm từ “...nhưng còn hạn chế về năng lực” so với quy định tại Nghị định 56/2015/NĐ-CP.

Đồng thời, cũng bỏ các tiêu chí liên quan đến sáng kiến, giải pháp, công trình khoa học... khi đánh giá, xếp loại cán bộ, công chức, viên chức ở mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ theo như quy định tại Nghị định 56/2015/NĐ-CP.

3. Không đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, viên chức chưa công tác đủ 6 tháng

Nghị định số 90/2020/NĐ-CP quy định rõ trường hợp không đánh giá chất lượng cán bộ, công chức, viên chức chưa công tác đủ 6 tháng nhưng vẫn phải kiểm điểm thời gian công tác trong năm, trừ trường hợp nghỉ chế độ thai sản.

Cán bộ, công chức, viên chức nghỉ không tham gia công tác theo quy định của pháp luật trong năm từ 03 tháng đến dưới 06 tháng thì vẫn thực hiện đánh giá nhưng không xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Đối với cán bộ, công chức, viên chức nghỉ chế độ thai sản theo quy định của pháp luật thì kết quả xếp loại chất lượng trong năm là kết quả xếp loại chất lượng của thời gian làm việc thực tế của năm đó.

Bên cạnh đó, Nghị định số 90/2020/NĐ-CP quy định cụ thể về việc Lưu giữ tài liệu đánh giá, xếp loại chất lượng cán hộ, công chức, viên chức. Tại Điều 22 Nghị định quy định kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng được thể hiện bằng văn bản, lưu vào hồ sơ CBCCVC, bao gồm: Biên bản cuộc họp nhận xét, đánh giá; Phiếu đánh giá, xếp loại chất lượng CBCCVC; Nhận xét của cấp ủy nơi công tác (nếu có); Kết luận và thông báo bằng văn bản về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng CBCCVC của cấp có thẩm quyền; Hồ sơ giài quyết kiến nghị về kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng CBCCVC (nếu có); Các văn bản khác liên quan (nếu có).

Ngoài ra, Nghị định số 90/2020/NĐ-CP cũng đã có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức tại các Điều 17, Điều 18, Điều 19 Nghị định số 90.

Nghị định 90/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/8/2020 và bãi bỏ các Nghị định 56/2015/NĐ-CP về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định 88/2017/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 56/2015/NĐ-CP về đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức.

Đánh giá lại công chức khi nào?

Thời điểm đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức được tiến hành trước ngày 15 tháng 12 hàng năm, trước khi thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên và tổng kết công tác bình xét thi đua, khen thưởng hàng năm của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

Từ chức được định nghĩa như thế nào?

Từ chức được giải thích theo quy định tại khoản 13 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức 2008 như sau: Từ chức là việc cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý đề nghị được thôi giữ chức vụ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm.

Công chức có bao nhiêu loại?

Hiện nay, tính theo ngạch bổ nhiệm thì công chúc được chia làm 4 loại, bao gồm: Công chức loại A,công chức loại B, công chức loại C và công chức loại D.

Có bao nhiêu nội dung đánh giá cán bộ công chức?

Theo đó, công chức được đánh giá theo các nội dung sau: - Chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, quy định của cơ quan, tổ chức, đơn vị. - Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tác phong và lề lối làm việc; - Năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.