Đánh giá trường đại học mỹ thuật hà nội

Lượt xem: 32

Nội dung

  • 1. GIỚI THIỆU VỀ MÌNH
  • Cựu sinh viên ngành Thiết kế đồ họa Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội
  • 2. REVIEW – NGÀNH THIẾT KẾ ĐỒ HỌA ĐẠI HỌC MỸ THUẬT CÔNG NGHIỆP HÀ NỘI
  • Sĩ tử tỉnh lẻ và chuyện luyện thi khối H
  • Chuyện mình đã đậu vào ngành thiết kế đồ họa Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội
  • Cùng mình trải nghiệm học ngành Thiết kế Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội dưới đây nào
  • 3. THẦY CÔ
  • 4. NHẬN XÉT – CÁI NÔI CỦA RẤT NHIỀU CÁ NHÂN NỔI BẬT 
  • 5. REVIEW – CƠ SỞ VẬT CHẤT
  • KÝ TÚC XÁ (KTX) – Cũng là vấn đề lớn mà sinh viên Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội quan tâm.
  • KẾT LUẬN

1. GIỚI THIỆU VỀ MÌNH

Cựu sinh viên ngành Thiết kế đồ họa Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội

Mình là Phương Anh, nick name Jen
Mình có tự hào và hài lòng vì mình đã từng theo ngành thiết kế đồ họa Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội?

Chính xác là có!  Mặc dù, niềm tin vào chất lượng giảng dạy của  trường cũng từng có lúc vơi đi, nhưng sau khi tốt nghiệp và ra trường, mình hoàn toàn hài lòng vì từng học ngành thiết kế đồ họa tại Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Luôn thầm cảm ơn bản thân đã không bỏ học ở năm 3. ^^!

Tại sao lại vậy? Mình xin chia sẻ qua bài viết này nhé!

Bài viết này của mình sẽ giúp bạn phần nào trả lời những câu hỏi: 
– Mình đã từng học ngành thiết kế đồ họa tại Đại học Mỹ thuật Công Nghiệp Hà Nội như thế nào?
– Luyện thi đầu vào khoa thiết kế đồ họa Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội có khó không? Tỉ lệ “chọi” đáng sợ không?
– Quá trình trở thành một Senior Graphic Designer của mình ra sao?

Từ đó giúp bạn giải đáp thắc mắc: 
– Học thiết kế đồ họa ở đâu? 
– Có nên học ngành thiết kế đồ họa tại các trường học công lập? (Cụ thể là Đại học Mỹ Thuật Công nghiệp Hà Nội.) 
– Chất lượng giảng dạy của các trường công lập có kém hơn các trung tâm đào tạo thiết kế đồ họa khác? (Cảm nhận cá nhân so sánh giữa Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội và khóa học Design fundamental của DAS – Huy Tạ)  

NOTE: Bạn đang muốn biết thêm chi tiết, hay thông tin tuyển sinh cụ thể của năm hiện tại thì đăng nhập website chính thức của trường.

Chúng mình bắt đầu tìm hiểu nhé ^^!

Sĩ tử tỉnh lẻ và chuyện luyện thi khối H

“Tóm tắt: Thi nghệ thuật, muốn học trường nào nên chọn trường đó để ôn thi. Học sinh từ các tỉnh khác, luyện tập ở địa phương, 2 – 3 tháng nên chọn lớp luyện tại Hà Nội, luyện vẽ theo tiêu chí phong cách của trường.”

Tỉ lệ “chọi” đầu vào của Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội khá cao: Chỉ tiêu đầu vào ngành học thiết kế đồ họa Đại học Mỹ thuật công nghiệp Hà Nội năm 2021 là 140 sinh viên – Cao nhất so với các chuyên ngành khác.

Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội là một đích đến khá khó khăn. Cái khó khăn đó chắc chắn được nhân đôi đối với những học sinh sống ngoài Hà Nội như mình. Không sao! Nếu muốn đi, ta ắt sẽ tìm được đường. Có lẽ, mình cũng giống như các sĩ tử tỉnh lẻ đi trước: Học vẽ cơ bản tại quê nhà, 2 tháng cuối sẽ ôn thi tại các lò luyện thi trên Hà Nội.

Mỗi trường đào nghệ thuật, thiết kế có chỉ tiêu phong cách thể hiện, chất lượng bài thi khác nhau, nên thi trường nào, mình chọn ôn tại trường đó. Ngồi viết những dòng này, khiến mình gợi nhớ lại những ngày hè tháng 5 năm 2013 – Kỷ niệm về cái nóng “hừng hực” của thời tiết và không khí căng thẳng của phòng luyện chen chúc người và bảng vẽ của thầy Chung – Thân và thầy Quân Da Cam. 

Chuyện mình đã đậu vào ngành thiết kế đồ họa Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội

“Tóm tắt: Năm 2014, bài thi của Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội gồm 02 nội dung: Ngữ văn, vẽ chì CẢ NGƯỜI trên giấy A0, vẽ bố cục và màu sắc, dùng các hình kỷ hà (vuông, tròn, tam giác, lượn sóng) để sáng tạo. Bài vẽ sẽ được đánh giá ở thang điểm nhân đôi.”

Hình họa: Vẽ người đối với mình thực sự khó ^^! Khi biết được điểm thi đậu vào chuyên ngành đăng ký, mình thực sự vui và bất ngờ. Ngày thi hình họa, tên của mình là Anh nên thuộc nhóm học sinh được vào phòng thi sớm, chọn góc đặt giá vẽ, mình đã chọn góc “tủ” – chính diện, những bạn sau vào sẽ lần lượt chọn vào những góc còn trống trong phòng. Cái tên trời đánh khiến mình hay bị gọi lên bảng kiểm tra bài đầu tiên cũng mang lại may mắn cho mình ấy chứ! 

Bố cục màu: Mình tự tin dự thi bài này nhất! Mình đã rất thích và luyện tập rất nhiều từ thanh sắc độ âm bản (trắng – đen), đến cách lên bố cục, cách đánh thứ tự lên màu. Bật mí là mình cũng có tone màu “tủ” – hehe!

Các môn văn hóa cũng khá quan trọng nhé các bạn.

Cùng mình trải nghiệm học ngành Thiết kế Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội dưới đây nào

Năm đầu tiên: Như các trường khác, mình không được học nhiều về chuyên ngành đồ họa, các môn học hầu như là: Văn hóa, triết… Nhưng có những môn học cơ bản để bổ trợ cho khả năng sáng tạo sau này: Hình họa, vẽ chữ cơ bản, phối cảnh cơ bản…

Ngoại khóa hè năm nhất, sinh viên Đại học Mỹ thuật Công Nghiệp Hà Nội học quân sự tại Mai Lĩnh, chúng mình đã có khoảng thời gian khá vui, đáng có trong cuộc đời sinh viên.

Năm thứ 2: Mình được học qua các bài vẽ “thâm diễn” (nghiên cứu, vẽ kỹ chi tiết đối tượng), sau đó phát triển sang các bài tập về tư duy mảng nét. Những bài tập nền tảng này, giá trị rất cao cho sự nghiệp thiết kế đồ họa, đặc biệt là bạn theo mảng thiết kế nhận diện thương hiệu. Ngoài ra, còn có những bài tập liên quan đến khắc gỗ, giúp tụi mình dần dần tiếp cận và hiểu về cách máy in in hình và quy trình in ấn sản phẩm.  

Ngoại khóa năm 2, chuyến thực tập, vừa học, vừa chơi tại bản Lác, Mai Châu không những giúp tụi mình có khoảng thời gian bên các bạn cùng lớp, mà còn giúp nâng cao khả năng vẽ tranh phong cảnh bằng các chất liệu: Chì, sắt, nước. Đó là những cơ hội và kỷ niệm khó quên! ^^! 

Năm học thứ 3 và 4: Sinh viên Đại học Mỹ thuật Công Nghiệp lần lượt được trải nghiệm quy trình thiết kế các sản phẩm đồ họa thuộc nhiều mảng, từ đơn giản đến nâng cao. Việc được tiếp cận, nghiên cứu về cả thiết kế nhận diện thương hiệu, ngôn ngữ quảng cáo hình ảnh (banner/ poster/ brochure…), vẽ tranh minh họa cho truyện dài, truyện ngắn, picturebook… rất có ích!

Vì tụi mình dễ dàng lựa chọn hướng đi chuyên sâu cho bản thân, thu hẹp, tìm ra con đường chính để phát triển nghề. Bản thân mình đã lựa chọn thiết kế nhận diện thương hiệu làm con đường đi chính, vì mình rất thích vẽ nét, mảng hay các biểu tượng cho một logo. (Xem sản phẩm của mình tại đây) 

Năm thứ 5: Tụi mình sẽ có hai đồ án quan trọng: Tiền tốt nghiệp và tốt nghiệp. Mặc dù thích làm nhận diện thương hiệu, nhưng mình đã thách thức bản thân ở mảng thiết kế minh họa truyện cho hai đồ án quan trọng này. Trải nghiệm này đã giúp mình có được kinh nghiệm thực tế từ nhận xét, hướng dẫn của thầy cô ở cách tạo hình nhân vật, thay đổi các góc nhìn khác nhau trong tranh khi minh họa cho mỗi chương truyện. Mình thực sự hài lòng và biết ơn với tất cả. 

Tóm tắt: Học đồ họa tại Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội giống như được học luôn một cái nghề, được trải nghiệm quy trình thiết kế thực tế mà không phải thực tập sau tốt nghiệp, được tiếp cận nhiều mảng, khía cạnh của thiết kế đồ họa cơ bản nhất, tâm hồn nghệ thuật, cảm thụ nghệ thuật, hiểu rõ ranh giới giữa nghệ thuật truyền thống và nghệ thuật ứng dụng, quan trọng hơn cả là được định hướng một con đường thẳng tắp cho sự nghiệp thành công. 

3. THẦY CÔ

Chỉ cần một từ duy nhất để diễn tả về thầy, cô của mình –  CHẤT! 
Tại sao lại chất? Mình sẽ giải thích ngay dưới đây.  

Chất thứ nhất là chuyên môn cao

Học vấn: Đã từng được đào tạo thạc sĩ tại các trường lớn ở Việt Nam và nước ngoài như Nga, Pháp, Nhật… Mặc dù, ngành thiết kế đồ họa tại Việt Nam đang phát triển nhưng chúng ta vẫn bị hạn chế trong việc tiếp cận kiến thức chính thống, chất lừ như các nước khác.

Vậy nên, cá nhân mình luôn cảm thấy biết ơn vì được “du học” qua lời dạy và kiến thức thầy, cô. Ví dụ: Thầy chủ nhiệm lớp chuyên ngành năm 2 và 3 của mình là thầy Hiệp – đã từng học ở Nga. Mỗi lần lên lớp giao/ duyệt bài, thầy đều “xách” theo vài cuốn sách rất to, rất quý để tụi mình tham khảo. Những cuốn sách này chẳng mua được ở đâu cả vì thầy sưu tầm từ thời còn học tại Nga. 

Thành tựu: Là những gương mặt nổi bật trong “làng thiết kế”, hội họa; sở hữu Art Gallery riêng, studio, thương hiệu thời thời trang chất, dự án thiết kế khủng, tổ chức sự kiện về thiết kế đồ họa hay và ý nghĩa. 

Những cái tên tiêu biểu trong hành trình đi học của mình

  • Thầy Hoàng Nghĩa Hiệp: Có Art Gallery riêng và đóng góp rất lớn trong Hội họa Việt Nam. Nếu bạn lên Google tìm kiếm tên “Hoàng Nghĩa Hiệp art Gallery” sẽ ra những bài báo có tên thầy như ảnh dưới đây. Không những vậy, thầy là một trong những nghệ sĩ được ArtBlueStudio featured, và có nhiều tác phẩm nổi tiếng như “Mother and child at the market” – được triển lãm tại Affordable Art Fair Singapore tháng 11/2014. Đối với sự nghiệp thiết kế đồ họa, thầy là phó khoa Thiết kế đồ họa tại Đại học Mỹ thuật Công Nghiệp Hà Nội, giám khảo cuộc thi Asanzo renew logo 2018… Nếu mà kể ra hết thì dài lắm ^^! 
  • Cô Hiền Tròn: Cô giáo mình kính yêu nhất. Cô đã từng làm Art Director/Manager tại Style TV và TV Plus – Style TV, visual tại Canifa, founder thương hiệu thời trang có phong cách độc đáo, đậm tính “art” tên là Bility. Các tác phẩm của cô mang phong cách rất độc đáo, phóng khoáng, tích cực, mới đây cô chia sẻ trên facebook cá nhân tác phẩm chào đón năm Nhâm Dần bằng vải độc đáo và thu hút cực kỳ. 
  • Thầy Lê Huy: Thầy có studio lamphong – sở hữu các tác phẩm visual lớn tại Việt Nam gần đây như: Nhâm Nhi Dần, Em bé Điện Biên… 

Và nhiều thầy cô khác mình không thể kể hết trong một bài. Bạn nghĩ sao nếu bản thân được theo học những người tài giỏi, năng động, có tầm và nổi bật trong “giới” như trên? Isaac Newton đã từng nói “Tôi nhìn được xa hơn bởi tôi đứng trên vai những người khổng lồ”, chúng ta sẽ được học rất rất nhiều kiến thức chuyên sâu, kinh nghiệm ứng dụng thực tế đời sống như là vận hành một business riêng. ^^! 

Chất thứ hai là tâm huyết lớn

Ngoài giờ học trên lớp, các thầy cô duyệt bài, sửa bài giúp tụi mình mọi lúc, mọi nơi có thể, đêm, ngày. Đợt mình làm tốt nghiệp, cô Hiền Tròn đã duyệt bài cả đêm cho mình, đưa ý kiến để mình sửa bài và in bài, chỉ dừng khi không còn thời gian để đẩy bài mình lên được nữa. Còn thầy Hiệp thì tuyệt lắm, khi còn đứng lớp thầy chỉ bảo tận tình, làm mẫu nhiệt lắm, ngay cả khi đã về hưu, thầy vẫn dành thời gian lên lớp coi xem tụi mình học hành như nào cơ. 

Đặc điểm này bạn có thể yên tâm, hầu hết các thầy, cô ở khoa thiết kế đồ họa Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà nội đều có, ngay cả thầy trưởng khoa. Mình chỉ ví dụ hai cái tên luôn trong lòng mình :3 

Chất thứ ba là trẻ trung, gần gũi, thân thiện, thương sinh viên

Ấn tượng và kỷ niệm khó quên nhất là năm nhất. Mình nhớ lớp đang học bài: Chữ cơ bản. Thầy giáo khác đứng ngoài gọi thầy mình qua cửa sổ lớp: Tí nhậu không? Đối với mình, hành động này rất tấu hài và gần gũi.

Trong những năm tháng mài mông trên giảng đường, chúng mình cũng không ít những ngày thầy, cô khao ăn vặt hay rủ đi ăn bún đậu mắm tôm buổi trưa. Viết đến những dòng này, sao mà nhớ thầy cô quá.

4. NHẬN XÉT – CÁI NÔI CỦA RẤT NHIỀU CÁ NHÂN NỔI BẬT 

Không chỉ đứng top 2 toàn quốc, trường ĐH Mỹ Thuật Công Nghiệp Hà Nội không ngoa khi được khẳng định là cái nôi của rất nhiều cá nhân nổi bật trong ngành công nghiệp sáng tạo.
Để ví dụ thực tế mình xin nêu vài cái tên tiêu biểu, gợi ý luôn cho các bạn “mentor” nhé!

Trước khi giới thiệu mình muốn nhắc lại đến việc Thiết kế đồ hoạ được chia ra rất nhiều chuyên ngành nhỏ: Vẽ minh hoạ, thiết kế nhận diện, thiết kế website…<Xem thêm chi tiết về cách chia ngành học thiết kế đồ hoạ tại đây> 

  • Minh hoạ: Giang Phạm Illustration là tài năng mình muốn giới thiệu tới các bạn đầu tiên. Với phong cách hiện đại, pha trộn anime, bạn Giang đã để lại nhiều ấn tượng với nhiều bức tranh fanart tuyệt đẹp. Fanpage Camgiang Illustration của bạn thu hút hơn 2k lượt theo dõi.
  • Nhận diện thương hiệu: Không phải tự phụ, nhưng với nỗ lực trong suốt 8 năm, mình tự tin là một trong những cái tên có thể giúp mọi người tìm ra giải pháp tốt nhất cho thương hiệu của mình. Ngoài ra, lớp học ngành thiết kế đồ họa của mình tại Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội cũng có một số cái tên nổi bật: Võ Nguyễn Quỳnh Trang, Quang Huy… 

5. REVIEW – CƠ SỞ VẬT CHẤT

Từ 2018 mình chưa được dịp quay lại trường nhưng cơ sở vật chất của đại học Mỹ thuật Công nghiệp có lẽ là điểm yếu của trường. Tại sao lại vậy thì mình sẽ giải thích ngay đây! 

^^! Khen nhiều thì cũng phải chê.
Các phòng học, bàn ghế và đặc biệt khu học hình họa của trường khá cũ, phòng học các môn đường lối khu A (trừ giảng đường tầng 1) sát trần và khá nóng. Khu và phòng học hình họa tuy đã được sửa sang nhưng vẫn mang nét “cổ kính”. Đặc sản của đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội là: LỤT – Vào mùa mưa bạn có thể thấy thác nước chảy tại cầu thang sảnh chính giữa và sân trường hóa thành bể bơi.

Nhưng đừng lo nhé, năm 2018 trường đã đầu tư dàn MAC khủng cho các học viên học ngành thiết kế đồ họa, chính mình cũng đã được trải nghiệm học vẽ digital tại phòng này. Đây cũng là một điểm tương đối sáng.

KÝ TÚC XÁ (KTX) – Cũng là vấn đề lớn mà sinh viên Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội quan tâm.

Cá nhân mình thấy KTX trường mình khá ổn. Mình đã ở KTX 4 năm, các vấn đề xoay quanh việc ở KTX chỉ là: Cơ sở vật chất (giường, phòng, nhà vệ sinh, khu vực giữa phòng khá rộng cho mọi người làm bài…), bạn ở cùng phòng (tính cách, sinh hoạt…) 

  • Về cơ sở vật chất KTX: Ở phía trước có một khoảng sân rộng đủ để mọi người thể dục, thể thao: Bóng đá, đu xà, đánh cầu… Khuôn viên phía ngoài KTX tuy khá hoang và nhiều nét vẽ bậy nhưng phòng ở khá rộng (Đủ cho 6 – 8 người 1 phòng, có nguyên cả 1 khoảng giữa phòng để chúng mình sinh hoạt), trước mỗi phòng có nhà vệ sinh riêng, không dùng chung toàn KTX, nước máy. 

    Sinh viên không được nấu ăn trong KTX, trường có căng tin đủ các món tự chọn. Chất lượng nấu ăn thì theo từng nhà thầu, năm mình học chỉ có 1 thời gian ngắn mình ăn tại căng tin trường, sau này đổi bếp khác món ăn giảm chất lượng nên mình sang ngõ cạnh Đại học Văn hóa ăn trưa, tối.

  • Xoay quanh vấn đề ăn uống và thời gian đóng/ mở KTX có những kỷ niệm khó quên lắm luôn. LƯU Ý, mình không cổ xúy hay lôi kéo, hướng dẫn bạn làm theo những gì mình kể tiếp theo đây nhé! Mình nhớ những lần vội vàng giấu nồi cơm điện nấu trộm khi các thầy cô đi kiểm tra, phòng mình 8 người, đứa nào, đứa ấy mỗi đứa 1 thứ quẳng vào gầm giường, bê ra ban công… =)) Hành vi này có thể dẫn đến chập điện, cháy, nổ các bạn nên cân nhắc trước khi liều nha. 

    Thời gian đóng/ mở KTX mặc dù có quy định nhưng nhà trường và các bác bảo vệ vẫn tạo điều kiện cho các bạn đi làm thêm hỗ trợ gia đình. KTX trường Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội có 2 cổng, cổng chính trong khuôn viên trường, cổng phụ phía sau trường (Cổng này sẽ đóng muộn hơn cổng chính 1 chút)

  • Đăng ký ở KTX khá dễ dàng, bạn đến phòng quản lý KTX gặp quản lý tại đây, hỏi cách làm giấy tờ, ghi danh, đóng tiền, cọc tiền cơ sở vật chất là được nhé. Có cơ hội là sinh viên bạn hãy thử một lần ở KTX nhé, khá vui! Tuy nhiên, ở đâu cũng sẽ có người này, người kia, mới đầu hãy nên chủ động bảo vệ tài sản cá nhân. 

KẾT LUẬN

Vậy là mình đã review chi tiết nhất có thể các nội dung, vấn đề liên quan đến Ngành thiết kế đồ họa Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội cho các bạn phía trên. Cảm ơn các bạn đã theo dõi và hy vọng bài viết của mình hữu ích, giúp bạn tự tin hơn khi chọn nơi để học thiết kế đồ họa.

  • Luyện thi đầu vào và đậu ngành thiết kế độ họa đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội
  • Quá trình học ngành thiết kế đồ họa tại đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội 
  • Thầy cô 
  • Đào tạo đầu ra chất lượng
  • Cơ sở vật chất lớp học và ký túc xá

Đọc thêm:
Review nghệ sĩ – nhà thiết kế đồ họa yêu thích – Rara Kuastra
Luyện tập thiết kế đồ họa bằng cách thiết kế lại nhãn chai nước Tazo
Lịch sử hình thành và phát triển LOGO FACEBOOK 2004 – hiện tại
Bắt đầu học thiết kế đồ họa từ đâu?

Theo dõi Youtube để xem nhiều video học sáng tạo khác: Foxei ArtStu

Chủ đề