Đánh giá thực trạng công tác đánh giá phân loại năm 2024

Trong công tác tổ chức- cán bộ, đánh giá cán bộ là khâu mở đầu, rất hệ trọng, mang tính quyết định cho toàn bộ các khâu tiếp theo của công tác cán bộ; là tiền đề và là cơ sở để thực hiện việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và các chế độ, chính sách đối với cán bộ; nếu sai khâu mở đầu sẽ dẫn đến sai ở tất cả các khâu còn lại của công tác cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của Đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”. Do đó, đánh giá cán bộ đúng sẽ góp phần xây dựng được đội ngũ cán bộ “đủ tâm, đủ tầm” để “đủ sức” hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.

Trong những năm qua, Ban Thường vụ Huyện ủy Đại Lộc luôn quan tâm đến công tác đánh giá cán bộ; thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác đánh giá cán bộ một cách dân chủ, khách quan, toàn diện, xem đây một trong những nhiệm vụ hàng đầu của công tác tổ chức và cán bộ.

Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Quy định về kiểm điểm, đánh giá xếp loại cán bộ diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý. Hằng năm, ban hành hướng dẫn về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng đối với tổ chức đảng, đảng viên; tập thể và cá nhân cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp; công chức, viên chức trên địa bàn huyện. Mặt khác, Ban Thường vụ Huyện ủy phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách và đồng chí Tổ trưởng Tổ công tác Huyện ủy đứng điểm ở các chi đảng bộ theo dõi, kiểm tra, dự chỉ đạo kiểm điểm và đề xuất Ban Thường vụ về đánh giá, phân loại tập thể và cá nhân lãnh đạo, quản lý ở cơ quan, đơn vị, địa phương phụ trách.

Nội dung và tiêu chí đánh giá được quy định cụ thể theo từng chức danh cán bộ; theo các nhóm đối tượng có vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ tương đồng để đánh giá, xếp loại. Ở những nơi có vấn đề nổi cộm; có biểu hiện mất đoàn kết nội bộ; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ; có đơn thư, khiếu nại, tố cáo; có dư luận gây bức xúc, Ban Thường vụ Huyện ủy sẽ gợi ý kiểm điểm đối với tập thể và cá nhân phụ trách. Từ năm 2020 đến nay, toàn huyện có 1.570 lượt cán bộ, công chức, viên chức (không tính viên chức ngành giáo dục) được đánh giá, xếp loại. Trong đó bao gồm 246 lượt cán bộ, công chức do Ban Thường vụ Huyện ủy quyết định xếp loại; 1.324 lượt cán bộ, công chức, viên chức do lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương quyết định xếp loại. Kết quả đánh giá, xếp loại hằng năm cho thấy, tỷ lệ cán bộ, công chứ, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên chiếm trên 95%.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đánh giá cán bộ của huyện Đại Lộc vẫn còn một số khó khăn, hạn chế nhất định. Ở một vài nơi, còn có tình trạng nể nang; chưa thật sự lấy hiệu quả công việc để làm thước đo đánh giá cán bộ. Việc kiểm điểm tự phê bình và phê bình còn hạn chế. Kết quả đánh giá, xếp loại thi đua một số ngành cấp trên chưa kịp thời, thường là chậm hơn so với thời điểm tổ chức đánh giá, xếp loại cán bộ cuối năm nên khó khăn trong việc thực hiện.

Từ những kết quả đạt được và những hạn chế cần khắc phục, để công tác đánh giá cán bộ đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện cần thực hiện tốt một số giải pháp:

Một là, cấp ủy các cấp cần quán triệt đầy đủ các quy định hướng dẫn của cấp trên về nhận xét đánh giá cán bộ, công chức hằng năm và triển khai thực hiện nghiêm túc.

Hai là, xây dựng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp sát với từng nhóm chức danh cán bộ, từng đối tượng cán bộ; cụ thể hóa bộ tiêu chí đánh giá cán bộ theo hướng xác định cụ thể công việc; bảo đảm lấy phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống làm gốc; kết quả, hiệu quả công việc làm thước đo chủ yếu trong đánh giá, xếp loại. Phương thức đánh giá cần được bổ sung những yếu tố định lượng về công việc, thời gian hoàn thành công việc, những giải pháp sáng tạo trong giải quyết công việc.

Ba là, đẩy mạnh phân cấp việc nhận xét, đánh giá cán bộ theo hướng “Ai giao việc người đó đánh giá”; cấp trên đánh giá cấp dưới; người trực tiếp quản lý, sử dụng đánh giá cán bộ; gắn trách nhiệm của cá nhân với tập thể; người đứng đầu, cá nhân lãnh đạo, quản lý được phân công phụ trách lĩnh vực, địa bàn với kết quả hoạt động, hiệu quả công tác của địa phương, tổ chức, cơ quan, đơn vị.

Bốn là, đánh giá cán bộ không chỉ xem xét trong một thời điểm, một thời gian ngắn mà còn phải xem xét trong cả quá trình để thấy được sự chuyển biến; phải kết hợp theo dõi thường xuyên với đánh giá định kỳ. Thực hiện đánh giá liên tục, đa chiều; cán bộ tự kiểm điểm đánh giá; cấp ủy và lãnh đạo cơ quan cấp trên quản lý cán bộ; cơ quan tổ chức theo dõi đánh giá; tập thể cơ quan, đơn vị nơi cán bộ công tác đánh giá, cán bộ; nhân dân nơi cán bộ sinh hoạt và cư trú tham gia góp ý kiến đánh giá. Công tác kiểm điểm phải bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, đoàn kết, thống nhất; trung thực, khách quan, toàn diện; công bằng, công khai, minh bạch; đúng thẩm quyền, trách nhiệm.

Năm là, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải thật sự công tâm, khách quan trong đánh giá cán bộ; nắm rõ ưu khuyết điểm của từng cán bộ, công chức, viên chức; nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình của cán bộ, công chức, viên chức; thẳng thắn gợi ý và tạo không khí cởi mở để tập thể góp ý chân thành, kể cả khi kiểm điểm, phê bình người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Người đứng đầu có kết luận, nhận xét đúng những ưu, khuyết điểm của cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý.

Sáu là, các ngành dọc cấp trên cần đánh giá, xếp loại thi đua đối với ngành cấp dưới kịp thời, tạo điều kiện thực hiện công tác đánh giá cán bộ đảm bảo quy định.

“Cán bộ là cái gốc của công việc”, “Mọi công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Chính vì vậy, công tác đánh giá cán bộ cần phải được thực hiện nghiêm túc ở tất cả các tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương để đội ngũ cán bộ thực sự là “những công bộc” được nhân dân tin tưởng.

Chủ đề