Đánh giá sân bóng rổ đại học y

Nhắc đến sân Y là nhớ đến sân bóng cũ kỹ, phủ nét trầm mặc. Hơn 30 năm nó chứng kiến biết bao thế hệ đam mê cuồng nhiệt với trái bóng màu cam và bảng rổ.

Nhắc đến sân Y là nhớ đến sân bóng cũ kỹ, phủ nét trầm mặc. Hơn 30 năm là quãng thời gian nó chứng kiến biết bao thế hệ đam mê cuồng nhiệt với trái bóng màu cam và bảng rổ.

Từ những năm 90, tại Hà Nội đã có ít nhiều những sân bóng rổ. Nhưng phong trào thời đó vẫn còn im ắng lắm, đơn giản bởi những người biết đến trái bóng màu cam thời ấy vẫn chưa có nhiều.

Có một vài sân thoát khỏi tình cảnh u ám ấy và sân Y là một trong số đó. Cùng với sân 10-10, sân Ams và sân Vạn Phúc thì sân Y là một trong số những sân luôn có người chơi bóng rổ hằng ngày.

Hơn 30 năm qua, sân Y vẫn vậy

Trải qua những thăng trầm của thời gian, khi những sân trên bị xóa sổ để nhường chỗ cho những công trình bề thế mọc lên thì sân Y vẫn còn đó như một chiến tích của những người yêu mến bóng rổ Thủ đô.

Sân Y có lẽ là sân bóng rổ duy nhất tại Hà Nội lúc nào cũng đông vui như “trảy hội”, từ sáng sớm đến đêm khuya, xưa vẫn thế và đến nay vẫn vậy.

Bao câu chuyện cười ra nước mắt

Được bao quanh bởi ký túc xá Đại học Y, vì vậy sân Y cũng diễn ra hàng loạt câu chuyện dở khóc dở cười.

Biết bao thế hệ sinh viên gắn liền với sân Y

“Tiếng bóng đập từ 5 rưỡi sáng bất kể Đông hay Hè và có khi đến 11 giờ đêm vẫn chưa hết” Nam Anh, một sinh viên ở ký túc xá Đại học Y Hà Nội chia sẻ. “Nếu chấp nhận ở trong ký túc xá đại học Y đồng nghĩa bạn sẽ phải chấp nhận làm quen với những âm thanh hoạt náo từ bóng rổ, dù chơi hay không”.

Lúc vui thì các anh chị em đứng ngoài hành lang, từ cửa sổ cổ vũ. Khi buồn khi bực thì sẵn sàng cho cả xô rác xuống sau khi đã nhắc nhở mọi miệng về nhiệm vụ bất khả thi…trật tự.  

Tiếng bóng, tiếng chạy rồi tiếng hò hét đã trở thành một thứ đặc sản đối với những sinh viên trường Y. Những ai mới tiếp xúc thì khó chịu, lâu dần thành quen rồi đến khi không được nghe lại thấy…trống vắng.

Thế hệ lớn tuổi, những người gắn bó với sân Y đã hơn 30 năm

“Bà Hùng” người vẫn được các thế hệ sinh viên Đại học Y nhớ lại với cái biệt danh mỹ miều “Người gác ngôi đền lịch sử” nhớ lại:

Ngày xưa có anh Nguyên trường Tổng hợp (nay là Đại học Quốc gia), chiều nào cũng đội mũ bảo hiểm đèo quả bóng lên sân xin chơi cùng anh em (những năm 90 mà đã tích cực đội mũ bảo hiểm là hiếm lắm).

Anh Nguyên chơi không giỏi, được cái nhiệt tình kéo lại, hơn nữa anh lại có quả bóng da khá ngon, nên việc đợi vào đội 3,đội 4 cũng là trong tầm tay. 

Một sinh viên Kiến trúc đam mê sân Y dựng đồ họa

Hình ảnh quen thuộc của anh là chạy đà từ xa dẫn bóng lên rổ, vòng qua lưng (1 vòng). Qua háng (vòng nữa). Lên rổ (trượt). Bao nhiêu lần vẫn trượt. Nhưng anh không nản bao giờ.Ý chí con người vững vàng thế chứ.

Mãi rồi mọi người cũng quen. Nhiều người nhớ cái động tác đấy mới chết. Lên sân là đưa mắt nhìn xem anh Nguyên đã lên chưa, sắp biểu diễn chưa. Vui lắm.

Những dấu vân tay huyền thoại

Từ trước đến nay, dân bóng rổ thường có sở thích là so trình xem ai bật cao hơn. Và những dấu vân tay in trên bảng rổ cũng ra đời từ ấy.

Mực bút bi, nhọ nồi rồi gạch son mài ra trộn nước, quệt ngón tay vào đó rồi thi nhau bật lên “đóng ấn” vào bảng rổ. Rồi bình phẩm đánh giá khên chê ỉ ôi đủ kiểu.

Những trận đấu diễn ra đến đêm là thứ đặc sản dành cho sinh viên ký túc xá Y

Cho tới bây giờ, bảng rổ vẫn in mờ những dấu vết của mực và than. Cái cao, cái thấp chồng chéo lên nhau. Đó là hình ảnh chứa biết bao kỷ niệm của một thời tuổi trẻ.

Có những dấu vân tay vẫn còn hằn lên rõ nét, có những dấu tích đã mai một theo thời gian. Nhưng nó vẫn giữ nguyên vẹn những ký ức, những giá trị chẳng thể thay đổi theo năm tháng.

Nét cũ kỹ tạo nên những nhân tài

Trải qua hơn 30 năm với biết bao thế hệ cuồng nhiệt với trái bóng rổ, sân Y đã chứng kiến biết bao huyền thoại ra đời từ ấy. Từ những Tú “Đen”, Trung “Chick”, “Bà” Hùng cho tới bây giờ nó vẫn đang nuôi dưỡng những ngôi sao hàng đầu của bóng rổ Việt Nam.

Những Hoàng “Ca”, Đạt “Doc” cho tới Hưng “Bún”, Tuấn Anh “Cò”,…. nói đại loại là tất cả những người chơi bóng rổ tại Hà Nội không ít thì nhiều đều đã từng lăn lộn tại sân Y.

Sân bóng cũ kỹ này vẫn là sân nhà tại HBL của những CLB hàng đầu tại Hà Nội. Hàng chiều vẫn có những Hoàng “Ca”, Đạt “Doc”, Trung “Kon” của Hidden, Tuấn Anh “Cò”, Nam “Pao” của Dwarf tới tập luyện và thi đấu.

Chưa kể tới những đội nữ như Les, Fudo,… Mỗi buổi chiều, nếu những ai đam mê bóng rổ Hà Nội thì cứ đến sân Y sẽ thấy các anh tài góp mặt.

Tấm ảnh Đạt "Doc" đăng trên Facebook cá nhân với chỉ 1 chữ: "Nhà"

Hoàng “Ca”, Đạt “Doc” chẳng còn xa lạ những sân bóng sôi động tại NBA, nhưng trên trang cá nhân hình ảnh sân Y vẫn được cặp anh em sinh đôi này gọi là “Nhà”.

Chỉ một chữ nhưng nó đủ nói lên tất cả về cái hồn, cái chất của sân Y mà không sân đấu lớn nhỏ nào có được. Nét cũ kỹ, cổ kính và đầy ắp kỷ niệm ấy, còn nơi nào có được?

Chủ đề