Đánh giá kết quả hoạt động của đại biểu hđnd

Chia sẻ kinh nghiệm trong nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu HĐND và Tổ đại biểu HĐND tỉnh, tại Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 (Khu vực phía Bắc), Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hưng Yên Phạm Văn Khuê cho biết, áp lực của dư luận xã hội đối với đại biểu HĐND cũng buộc mỗi đại biểu phải hoạt động tốt hơn, có trách nhiệm hơn trước xã hội và cử tri.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hưng Yên Phạm Văn Khuê khẳng định,trong hoạt động của Hội đồng nhân dân (HĐND), đại biểu HĐND và Tổ đại biểu HĐND giữ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, là nhân tố cơ bản quyết định chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND. Để HĐND thực sự đại diện cho nhân dân, là nơi gửi gắm, củng cố niềm tin của cử tri phải bắt đầu từ vai trò, trách nhiệm và kết quả hoạt động của từng đại biểu HĐND, Tổ đại biểu HĐND.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hưng Yên Phạm Văn Khuê phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 (Khu vực phía Bắc)

Trong những năm qua, nhận thức được vị trí, vai trò của đại biểu và Tổ đại biểu HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh Hưng Yên đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm đổi mới hoạt động của đại biểu và Tổ đại biểu HĐND.

Trong đó, chú trọng công tác bồi dưỡng nghiệp vụ cho đại biểu HĐND cấp tỉnh và cấp huyện. Nhiệm kỳ 2016-2021 và từ đầu nhiệm kỳ 2021-2026 đến nay, Thường trực HĐND tỉnh Hưng Yên đã phối hợp với Ban Công tác đại biểu thuộc UBTVQH, Trung tâm bồi dưỡng dân cử tổ chức thành công 06 lớp tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ cho đại biểu dân cử cấp tỉnh và cấp huyện; phối hợp với Thường trực HĐND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức các lớp tập huấn cho trên 8.000 đại biểu HĐND cấp xã đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Tại các Kỳ họp HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã chủ động, khoa học trong phân chia các tổ thảo luận tương ứng với các Tổ đại biểu HĐND tỉnh đảm bảo phù hợp với thực tế; có gợi ý thảo luận Tổ để các đại biểu, Tổ đại biểu có khung nội dung khi tiến hành thảo luận, đảm bảo đúng trọng tâm, trọng điểm nhằm phát huy tối đa trí tuệ và tinh thần trách nhiệm của từng đại biểu, Tổ đại biểu HĐND, góp phần vào thành công của Kỳ họp HĐND tỉnh.

Chủ động xây dựng và ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Thường trực HĐND tỉnh với Đoàn ĐBQH tỉnh, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, trong đó nhấn mạnh công tác phối hợp để đại biểu HĐND, Tổ đại biểu HĐND tỉnh thực hiện nhiệm vụ tiếp xúc cử tri trước các Kỳ họp HĐND tỉnh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đại biểu, Tổ đại biểu HĐND thực hiện một trong những nhiệm vụ quan trọng của người đại biểu dân cử, tạo cầu nối giữa đại biểu HĐND, Tổ đại biểu HĐND với cử tri và nhân dân trong tỉnh.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Hưng Yên Phạm Văn Khuê cũng cho biết, bên cạnh những mặt tích cực đạt được, hoạt động của đại biểu và Tổ đại biểu HĐND tỉnh Hưng Yên còn một số bất cập, hạn chế, đó là: trong hoạt động giám sát có một số đại biểu kiêm nhiệm vừa là chủ thể thực hiện giám sát, vừa là đối tượng chịu sự giám sát nên còn lúng túng trong việc thể hiện đầy đủ trách nhiệm của mình. Tình trạng né tránh, ngại va chạm của đại biểu HĐND trong hoạt động giám sát, thẩm tra, chất vấn...chưa được khắc phục triệt để. Chưa có nhiều cuộc tiếp xúc cử tri nơi cư trú; việc gặp gỡ, đối thoại để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri, việc liên hệ chặt chẽ với cử tri ở đơn vị bầu ra mình đôi lúc còn chưa hiệu quả. Hoạt động của một số Tổ đại biểu còn mang tính hình thức, thiếu chủ động, chưa phát huy hết vai trò, chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật; việc tổ chức họp Tổ không thường xuyên, xây dựng kế hoạch và tổ chức các cuộc giám sát độc lập của Tổ đại biểu còn hạn chế; hoạt động tiếp dân, giám sát, đôn đốc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của cử tri hiệu quả chưa cao; việc đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh chưa nhiều,...

Hội nghị tổng kết công tác HĐND các tỉnh, thành phố năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 (Khu vực phía Bắc)

Trên cơ sở thực tiễn hoạt động, Thường trực HĐND tỉnh Hưng Yên rút ra kinh nghiệm và đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu, Tổ đại biểu HĐND tỉnh.

Tạo ra áp lực của dư luận xã hội buộc mỗi đại biểu phải hoạt động tốt hơn, có trách nhiệm hơn

Một là, trong công tác bầu cử đại biểu HĐND, Thường trực HĐND cần tham mưu cấp uỷ trong việc lựa chọn các ứng cử viên để bầu; việc xây dựng cơ cấu đại biểu cần cân nhắc vừa bảo đảm tính cơ cấu, vừa bảo đảm chất lượng đại biểu; phải tạo cho cử tri có nhiều cơ hội hơn để lựa chọn được những đại biểu đủ đức, đủ tài, tâm huyết với hoạt động của cơ quan dân cử để đại diện cho họ thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu HĐND.

Hai là, Thường trực HĐND chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để các cấp, các ngành và toàn xã hội nhận thức đầy đủ, đúng đắn về vai trò, vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của HĐND và đại biểu HĐND. Đây cũng là cách tạo ra áp lực của dư luận xã hội đối với đại biểu HĐND, buộc mỗi đại biểu phải hoạt động tốt hơn, có trách nhiệm hơn trước xã hội và cử tri. Đồng thời mỗi đại biểu HĐND phải chủ động, tích cực tham gia các hoạt động thuộc trách nhiệm của người đại biểu, thể hiện đầy đủ quyền hạn của mình trên các lĩnh vực hoạt động của Thường trực, các Ban, Tổ đại biểu HĐND và nhiệm vụ của người đại biểu HĐND.

Ba là, ban hành quy chế đánh giá, nhận xét đại biểu hàng năm gắn với lấy phiếu tín nhiệm theo quy định của Đảng, Nhà nước và các đoàn thể; kịp thời khen thưởng, biểu dương những đại biểu có thành tích trong hoạt động của HĐND.

Bốn là, hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp, bảo đảm các điều kiện như kinh phí, trang thiết bị cần thiết giúp đại biểu hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tăng cường tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ đối với các đại biểu để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cần thiết cho hoạt động, nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ của người đại biểu HĐND.

Chủ động kế hoạch hoạt động của Tổ đại biểu HĐND

Đối với Tổ đại biểu HĐND, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng đối với hoạt động của Tổ đại biểu HĐND các cấp. Đảng đoàn, Thường trực HĐND tỉnh chủ động tham mưu giúp cấp ủy Đảng thường xuyên cho chủ trương, định hướng hoạt động của đại biểu HĐND, Tổ đại biểu HĐND, những nhiệm vụ trọng tâm cần tập trung giám sát với cơ quan nhà nước ở địa phương, tại kỳ họp và giữa hai kỳ họp HĐND.

Kỳ họp HĐND tỉnh Hưng Yên

Thường trực HĐND tỉnh chỉ đạo Tổ đại biểu HĐND lập kế hoạch công tác năm báo cáo Thường trực HĐND tỉnh thông qua; đồng thời hướng dẫn, chỉ đạo Tổ trưởng các Tổ đại biểu thực hiện chặt chẽ lịch sinh hoạt, lịch tiếp dân, công tác tiếp xúc cử tri, giám sát độc lập theo chuyên đề của Tổ, công tác phối hợp giám sát, chất vấn, thảo luận tổ cũng như thảo luận tại hội trường và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Tổ viên.

Tổ đại biểu HĐND (bao gồm cả đại biểu HĐND) phải đề cao tinh thần trách nhiệm theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản quy định về tổ chức và hoạt động của HĐND. Tích cực tham gia các hoạt động của HĐND, nhất là việc tham gia vào hoạt động kỳ họp của HĐND tỉnh; đại biểu HĐND phải dành thời gian nghiên cứu tài liệu kỳ họp HĐND để có những đóng góp cho việc thực hiện chức năng quyết định tại kỳ họp của HĐND, đảm bảo đúng pháp luật, phù hợp với thực tiễn của từng địa phương; đồng thời tích cực tham gia các hoạt động giám sát của HĐND, hoạt động tiếp xúc cử tri, tham gia các hoạt động chung của Tổ đại biểu HĐND.

Thường xuyên chú trọng công tác tập huấn bồi dưỡng nâng cao kỹ năng hoạt động tới các Tổ đại biểu như: kỹ năng hoạt động thẩm tra, giám sát, tiếp xúc cử tri, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Tăng cường tổ chức các hội nghị, hội thảo trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa các Tổ đại biểu HĐND trong cùng cấp hoặc giữa Tổ đại biểu HĐND cấp tỉnh với cấp huyện giúp đại biểu thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định.

Hoàn thiện pháp luật hướng dẫn tổ chức và hoạt động của Tổ đại biểu HĐND. Ngày 30/01/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 629/2019/UBTVQH14 hướng dẫn hoạt động của HĐND, trong đó có hướng dẫn về một số hoạt động của Tổ đại biểu HĐND như việc sử dụng con dấu, chữ ký, việc chuyển sinh hoạt và hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung cần được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét để hướng dẫn cụ thể hơn như: vai trò, nhiệm vụ của Tổ trưởng, Tổ phó trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Tổ đại biểu HĐND; Quy trình, thủ tục ban hành các văn bản kiến nghị nhân danh Tổ đại biểu HĐND; Quy định cụ thể thời gian, nội dung họp Tổ đại biểu HĐND qua đó cung cấp những thông tin, tài liệu cần thiết liên quan đến nội dung kỳ họp kịp thời cho đại biểu nghiên cứu và tiếp xúc với cử tri./.

Chủ đề