Da sáp mắt tiền như thế nào

Da sáp hiện nay trong cộng đồng đồ da handmade ở VN có thể coi là 1 loại da thần thánh khi mà vừa có thể dùng làm túi, làm giày, làm sandal, làm ví, làm găng tay, vừa có thể dùng bọc nón, bọc hộp gỗ, trải bàn, hoặc treo tường,… Bản thân da sáp được ưa chuộng nhiều bởi tính thẩm mỹ cao, độ bền và kể cả khi trầy thì da vẫn đẹp và chất, thậm chí còn thêm phần cá tính. Vậy, làm sao để phân biệt da sáp với những loại da khác? Da sáp có bao nhiêu loại? Và tính chất, ưu điểm cũng như nhược điểm của da sáp như thế nào? Da sáp gọi chung trong tiếng anh là Waxy Leather. Da sáp có nhiều loại: Sáp láng, sáp mill, sáp khô, sáp ướt, sáp pull up, sáp dầu…Bạn xem hình bên dưới để dễ hình dung.

Thống kê các loại da sáp thông dụng, được ưa thích sử dụng trong ngành sản xuất túi ví da

Da sáp là 1 loại da được thuộc bằng hoá chất (chrome tan), sau khi thuộc, công đoạn cuối da sẽ được chà 1 lớp sáp, sáp nhiều/ít, sáp khô/ sáp ướt, độ dày/mỏng, đanh/mềm đều tuỳ thuộc vào nhu cầu và mục đích sử dụng. Đặc trưng dễ nhận thấy của da sáp là bề mặt da nhám, mờ, và rất dễ trầy. Dùng móng tay cào NHẸ ở 1 góc da sẽ thấy da xước trắng lên, dùng da đầu ngón tay chà miết nhiều lần, vết trầy sẽ mờ đi trông thấy. Da sáp thường có mùi sáp đặc trưng so với những da khác. Da sáp có cấu tạo lỗ chân lông hở, không đc sơn, phủ màu kín như da sơn, nappa, nên da rất dễ thấm nước. Khi đốt bạn sẽ nghe thấy mùi khét bánh quy (mùi sáp cháy), trong khi đa số những loại da khác đốt lên sẽ nghe mùi tóc cháy.

2. Phân loại các loại da sáp?

Phân biệt các loại da sáp: Da sáp được phân thành 2 loại cơ bản: sáp láng và sáp mill. Da sáp láng là loại da đã được chà, bào mòn lớp cật để ko còn vân, không còn lỗi da. Da sáp láng có thể được in vân, in lỗ, in hạt,… hoặc để láng tuỳ theo mục đích sử dụng. Da sáp mill là loại da để nguyên lớp vân, bao gồm cả vết côn trùng cắn hoặc vết thẹo,… Da sáp mill thường được chọn làm từ da nguyên liệu có bề mặt đẹp, những con da không được chọn, sẽ chuyển qua xử lí mặt làm da sáp láng hoặc nhiều loại khác. Cơ bản phân biệt da mill với da hạt in, nhìn tổng thể con da, ta sẽ thấy sự phân bổ các nếp nhăn của da mill-tự-nhiên ko đều, về các vị trí như háng, bụng, nách, một phần cổ, da sẽ rậm vân hơn, càng vào sâu thân da và lưng da, da sẽ láng hơn, ít vân hơn. Còn da in hạt thì cả con da sẽ đều hạt.

Da sáp in hạt, hạt đều nguyên miếng da.

Sáp mill tự nhiên, vân khác nhau, tuỳ vị trí.

Da sáp láng hay sáp mill đều có da sáp ướt và da sáp khô của mỗi loại. Đúng như tên gọi thì sáp ướt bề mặt nhờn rít, mình da nặng, lượng sáp nhiều (da tay ai hơi khô, vuốt qua cũng trầy), màu sắc của da sáp ướt thường là màu đậm, tươi, khi trầy, chà sát nhẹ bằng da tay sẽ về màu rất dễ. Sáp khô thì bề mặt láng hơn, mình da nhẹ hơn, lượng sáp ít, độ trầy xước thấp hơn sáp ướt (tuy nhiên khi trầy, lấy tay xoa thì ít về hoàn toàn trạng thái ban đầu), màu sắc của da sáp khô thường không tươi như da sáp ướt. Da sáp ướt: Không đổi màu khi bóp, bẻ. Đây gọi là sáp ướt phổ thông. Nếu đổi màu quằn quại, màu nổi rất ấn tượng, bề mặt vẫn NHÁM, ta gọi là DA SÁP NGỰA ĐIÊN (crazy-horse). Da sáp ngựa điên thường gây cho người nghe hiểu nhầm đó là da ngựa. Da sáp ngựa điên là 1 loại DA BÒ được rất nhiều bạn ưa chuộng vì sự cá tính, bụi bặm, độc và lạ. Ví dụ: Trên cùng 1 con da, làm 2 sản phẩm, với các tác động khác nhau sẽ tạo ra 2 sản phẩm màu sắc nổi lên khác nhau, tạo nên chất riêng cho từng sản phẩm.

Sáp ngựa điên ướt (chưa chuẩn lắm)

Nếu đổi màu, mặt da LÁNG hơn (không nhám như da sáp ngựa điên) thì đó là DA SÁP DẦU. Mặt da láng bóng nhẹ, nhưng vẫn rít, và trầy. Da sáp dầu này vẫn đổi màu nhưng ít hơn da sáp ngựa điên, và cũng được nhiều bạn trẻ ưa chuộng.

Sáp dầu

Da sáp khô: Nhiều bạn dễ nhầm lẫn với da nubuck khi ít gặp, vì bề mặt nhám, màu đều và không đổi màu, nhưng da sáp dễ bị trầy hơn, có bề mặt đanh hơn, và mùi sáp đặc trưng. Đây là một loại da thường gặp.

Da sáp khô

Có 1 loại sáp mình cũng hay gặp, gọi là DA SÁP BUCK (con lai giữa sáp và nubuck). Da này có độ đanh, bề mặt nhung mịn nhẹ, sờ giống da nubuck nhưng hiệu ứng nhẹ hơn và bản chất vẫn là da sáp (Da sáp Buck). Da này thường đc dùng trong giày với mạc quần jeans. Da rất ít trầy, bề mặt thấm hút mạnh. Da này thường chỉ dễ bị nhầm lẫn với da nubuck.

Da sáp buck

Quay trở về da sáp ngựa điên, cũng như bên sáp ướt, DA SÁP NGỰA ĐIÊN KHÔ cũng đổi màu quằn quại, tuy nhiên mình da nhẹ hơn, bề mặt nhám nhưng ko rít, sờ có cảm giác trơn láng hơn. SÁP PULL-UP, cực giống sáp dầu ở độ láng- bóng, giống sáp ngựa điên ở độ đổi màu, và cũng dễ trầy. Đây là con lai của da sáp và da pull-up, độ chạy màu cao hơn da pull-up. Nhiều nơi thì sáp pull-up cũng gọi là sáp dầu, nhưng để cho dễ phân biệt, bên sáp khô mình gọi là sáp pull-up, bên sáp ướt mình gọi là sáp dầu.

Da sáp pull up

3. Ưu và nhược điểm của da sáp?

Ưu điểm của da sáp: Da sáp rất bụi bặm và cá tính, luôn đem đến cái chất riêng trong từng sản phẩm (mặc dù cùng 1 con da). Da sáp có độ bền bề mặt cao, càng trầy càng đẹp, sản phẩm chịu được va đập thoải mái không sợ xấu đi. Da sáp có hiệu ứng “lên nước” rất rõ, vì da có độ nhám cao, dễ trầy nên để lại nhiều vệt, sau khi lên nước sẽ bóng hơn, chai lì hơn (do mồ hôi tay, và tác động vật lí như cầm, nắm sử dụng) nhìn sẽ giống như đồ cổ.

Da sáp rất dễ trầy

Nhược điểm của da sáp: Cũng là vì cái trầy-đẹp mà nhiều người không thích trầy sẽ không thích da sáp ở điểm này. Da sáp nhìn sẽ cũ cũ hơn các da khác do lớp sáp trên bề mặt da. Da sáp dễ bị mốc nếu sử dụng trong môi trường ẩm và không biết cách bảo quản. Da sáp dễ dính màu trên bề mặt áo quần người sử dụng (không ảnh hưởng đến màu sắc sản phẩm) tuy nhiên giặt vẫn ra. Da có chất sáp nên sẽ khó ăn sơn cạnh (lâu dài dễ bong lớp sơn), vì vậy da sáp thường là để nguyên cạnh hoặc đánh gum (hiệu ứng gum không cao như trên cạnh da Veg). Bề mặt da nhám tự nhiên nhưng rất nhanh bóng trong quá trình sử dụng hoặc được đánh bóng tuỳ vào con mắt thẩm mĩ của mỗi người.

4. Bảo quản da sáp

Bảo quản Da sáp chưa thành phẩm? Đối với da sáp chưa thành phẩm, chúng ta bảo quản bằng cách để riêng biệt khỏi da sáp cùng loại cũng như da khác, để tránh việc lây màu từ da này qua da kia, lây sáp từ con da sáp nhiều sang con da sáp ít (hiện tượng thâm da). Thường xuyên mở da sáp ra và dùng khăn sạch (khô) lau chùi bụi bẩn. Để da sáp ở chỗ khô thoáng, tránh ánh nắng trực tiếp, tránh hơi ẩm từ nền đất, tường. Nếu da lên mốc, dùng nước xịt kính pha loãng ra xịt lên và dùng khăn sạch chùi xoắn ốc ở vị trí đó. Thay đổi khăn khi qua vị trí khác để tránh lây mốc. Sau đó để da khô thoáng tự nhiên không sấy, không phơi nắng (dễ gây khô, giòn da) . Nếu mốc nặng thì phải xử lý cả mặt sau và mặt trước với cách trên nhưng dùng bàn chải riêng cho mặt sau. Bảo quản da sáp thành phẩm? Bảo quản da sáp thành phẩm về cơ bản giống như da sáp chưa thành phẩm. Nhưng với thành phẩm thì bạn nên nhồi giấy báo đã bóp mềm vào bên trong để hút ẩm, giữ form dáng. Tránh đi mưa, hay dính nước vào sản phẩm, nếu bị ướt cần được lau khô và phơi thoáng trong nhà để tránh bị mốc. Vệ sinh, lau chùi định kì để đảm bảo da không bị mốc. Da sáp là 1 loại da đẹp, cá tính, có thể được sử dụng trong nhiều dòng sản phẩm. Tuy nhiên nên được lưu ý về tính chất da cũng như cách bảo quản sản phẩm trước khi bắt tay vào làm. Da sáp tuy bền nhưng không phải không hư, da sáp sẽ mốc, và trở nên hôi hám nếu người dùng không biết cách chăm sóc cũng như bảo quản hàng ngày.

Sưu tầm từ internet.

Chủ đề