Công văn chỉ đạo tăng cường an toàn thực phẩm năm 2024

Công văn 56 /UBND-VHXHV/v Tăng cường công tác bảo đảm An toàn thực phẩm trên địa bàn

Kính gửi:

- Ban chỉ đạo liên ngành về An toàn thực phẩm thị trấn; - Các đơn vị: Trạm Y tế, Công an thị trấn, các trường học; Đài truyền thanh thị trấn, Trang TTĐT thị trấn; - Các doanh nghiệp trên địa bàn; - Các khu dân cư.

Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh nhiều trường hợp ngộ thực phẩm ở lứa tuổi học sinh, một số học sinh có triệu chứng nghi ngờ ngộ độc thực phẩm sau khi ăn sáng tại các hàng quán và người bán hàng rong xung quanh khu vực trường học. Kết quả điều tra liên ngành cho thấy nguyên nhân chủ yếu do học sinh sử dụng các thức ăn/đồ uống (dạng quà vặt) như xúc xích, thịt xiên, bánh kẹo, đồ nướng, đồ khô tẩm sấy, bánh tráng trộn, nước uống có ga, nhiều màu, trà sữa, thạch rau câu,... bán xung quanh khu vực trường học.

Theo quan sát, cảm quan dụng cụ hành nghề của hầu hết các hàng quán và người bán hàng rong khá đơn giản gồm mẹt, xô đá, cốc nhựa hoặc xe đẩy nhỏ để dễ dàng tránh các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý. Đặc điểm nổi bật của các loại hàng hoá này là hình thức bắt mắt, rẻ tiền, ăn nhanh, không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, một số loại sản phẩm chỉ có chữ nước ngoài, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Mặc dù, cho đến thời điểm này trên địa bàn chưa có xảy ra vụ ngộ độc tập thể nào liên quan tới các loại thực phẩm trên. Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng cộng với việc tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm gây nên ngộ độc thực phẩm bất cứ lúc nào bởi các hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố (loại hình hàng rong, quán tạm) xung quanh khu vực trường học; tại các bếp ăn tập thể; tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn.

Thực hiện các văn bản chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, huyện: Văn bản số 817/UBND-YT ngày 14/5/2024 của UBND huyện về triển khai công điện số 44/CĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ về ngăn ngừa, xử lý ngộ độc thực phẩm; Văn bản số 747/UBND-YT ngày 6/5/2024 của UBND huyện về tăng cường công tác đảm bảo an toàn thực phẩm khu vực xung quanh khu vực trường học; Văn bản số 527/SCT-QLCN ngày 8/5/2024 về tăng cường công tác đảm bảo ATTP lĩnh vực ngành công thương quản lý; Văn bản số 549/SCT-QLTM ngày 10/5/2024 về tăng cường công tác quản lý chợ trên địa bàn tỉnh. Nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với việc đảm bảo ATTP tại địa phương, ngăn ngừa tối đa các vụ ngộ độc xảy ra đối với người dân trên địa bàn. Chủ tịch UBND- Trưởng ban chỉ đạo liên ngành về ATTP thị trấn yêu cầu:

1. Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP thị trấn Tăng cường trách nhiệm, tham mưu nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo văn bản chỉ đạo, hướng dẫn (Quyết định số 542/QĐ-UBND ngày 17/3/2020 của UBND tỉnh Phú Thọ). - Đối với hoạt động quản lý thức ăn đường phố: Tham mưu chỉ đạo, chú trọng hoạt động quản lý đối với các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, áp dụng biện pháp xiết chặt hoạt động kinh doanh thức ăn đường phố trên địa bàn; đặc biệt đối với các hàng rong, quán tạm khu vực xung quanh trường học. Đẩy mạnh công tác truyền thông tại cộng đồng để các trường học, phụ huynh và học sinh hiểu về mối nguy khi sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm do hàng rong, quán tạm cung cấp không đảm bảo ATTP. Khuyến cáo, hướng dẫn phụ huynh và học sinh chỉ mua và sử dụng những sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, bảo đảm ATTP; tuyên truyền các phụ huynh hạn chế/không cho tiền các con tự mua, ăn “quà vặt” cũng như tác hại việc sử dụng thực phẩm không bảo đảm ATTP tới sức khỏe con người,...

- Đối với bếp ăn tập thể tại các doanh nghiệp, bếp ăn bán trú cho học sinh, bữa cỗ tập trung đông người: Tham mưu tuyên truyền, chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ sở SXKD, đơn vị có bếp ăn tập thể tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ, Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn về ATTP, xác định rõ vai trò của người đứng đầu các doanh nghiệp, cơ sở SXKD có bếp ăn tập thể trên địa bàn chịu trách nhiệm công tác bảo đảm ATTP theo quy định. Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, giáo dục cán bộ, công nhân, người lao động kiến thức, pháp luật về ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, thực hành vệ sinh trong ăn uống, lựa chọn, sử dụng thực phẩm bảo đảm an toàn; không mua, sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm an toàn. Đồng thời, huy động sự tham gia, phát huy vai trò phản biện, giám sát bảo đảm ATTP tại bếp ăn tập thể của tổ chức đoàn thể, công đoàn doanh nghiệp theo quy định. Đảm bảo thực hiện ký hợp đồng thuê đối với tổ chức/cá nhân kinh doanh tại bếp ăn tập thể khi có đủ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP phù hợp, còn hiệu lực và chấp hành nghiêm các quy định, điều kiện đảm bảo về ATTP. Các hoạt động bữa cỗ tập trung đông người phải thực hiện ký cam kết đảm bảo ATTP với cơ quan trạm y tế thị trấn.

- Đối với việc đảm bảo ATTP lĩnh vực ngành công thương quản lý: Tăng cường các biện pháp quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) đối với những cơ sở kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, các sản phẩm bánh, kẹo, nước uống... Đặc biệt, quan tâm xử lý triệt để đối với các cơ sở kinh doanh sản phẩm thực phẩm có in chữ nước ngoài nhưng không có tem, nhãn phụ công khai địa chỉ danh tính cơ sở sản xuất, hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt...Chú trọng kiểm soát hoạt động tại các cơ sở sản xuất kinh- doanh tại các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, hộ sản xuất rượu thủ công... nhằm bảo đảm ATTP tại địa phương.

Tham mưu thường xuyên kiểm tra (định kỳ hoặc đột xuất), giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm, bếp ăn tập thể, các hộ kinh doanh thực phẩm khu vực chợ khu công nhân Supe... xử lý nghiêm đối với sản phẩm, cơ sở thực phẩm vi phạm về ATTP thuộc thẩm quyền UBND cấp xã, tham mưu xử lý, tiêu huỷ sản phẩm thực phẩm không đảm bảo ATTP, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không thực hiện ghi nhãn, mác theo quy định (nếu có) và đăng tải các cơ sở có vi phạm lên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương.

Tổ chức phối hợp liên ngành trong kiểm tra, giám sát, chủ động ngăn ngừa, phát hiện thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, không bảo đảm ATTP. - Đối với các bữa cỗ tập trung nhiều người ăn: Tham mưu tuyên truyền và thực hiện đăng ký An toàn thực phẩm với Trạm y tế- Thường trực BCĐ thị trấn để được hướng dẫn cụ thể.

2. Trạm Y tế, công an thị trấn, bộ phận khuyến nông Căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp chặt chẽ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tham mưu UBND tăng cường công tác kiểm tra liên ngành, chuyên ngành, xử lý vi phạm hành chính lĩnh vực ATTP đối với các cơ sở, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật theo quy định hiện hành. Giao Trạm y tế chủ trì phối hợp với công chức Văn hoá- Xã hội lập danh sách, nắm bắt thực trạng các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn để làm cơ sở đầy đủ cho công tác quản lý, kiểm tra, giám sát. 3. Các nhà trường Tăng cường theo dõi, nắm bắt các hoạt động kinh doanh thực phẩm xung quanh khu vực trường học, nhất là các hàng rong, quán tạm, phát hiện thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm không đảm bảo ATTP... từ các đối tượng xâm nhập vào trường học ảnh hưởng đến sức khoẻ học sinh, kịp thời báo cáo UBND thị trấn và các cơ quan chức năng trên địa bàn kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về ATTP theo quy định. Phối hợp chặt chẽ các cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật về ATTP. Thường xuyên khuyến cáo, hướng dẫn phụ huynh và học sinh chỉ mua và sử dụng những sản phẩm thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ, bảo đảm ATTP. Khuyến cáo phụ huynh hạn chế/không cho tiền các con tự mua ăn “quà vặt” và tác hại của việc sử dụng thực phẩm không bảo đảm ATTP ảnh hưởng sức khỏe con người... Đảm bảo ATTP trong công tác quản lý bếp ăn bán trú của học sinh theo quy định. Phát huy vai trò của Ban đại diện hội cha mẹ học sinh, tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên nhà trường tham gia giám sát công tác bảo đảm ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm xung quanh trường học. 4. Đài truyền thanh, Trang thông tin điện tử thị trấn Thực hiện công khai các cơ sở vi phạm về ATTP trên phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền tác hại của việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm không đảm bảo ATTP. Đẩy mạnh công tác truyền thông để phụ huynh, học sinh, doanh nghiệp, người dân lựa chọn mua và sử dụng thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, thực phẩm đảm bảo chất lượng ATTP, có đủ tem, nhãn theo quy định.

5. Các khu dân cư Chủ động, phối hợp kiểm tra, giám sát, báo cáo việc chấp hành các quy định của pháp luật ATTP đối với các cơ sở kinh doanh thực phẩm, thức ăn đường phố, các quán bán hàng rong, xe đẩy xung quanh trường học. Thực hiện rà soát, lập danh sách các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm hiện có trên địa bàn khu( theo mẫu đính kèm) gửi về UBND thị trấn( qua công chức Văn hoá- Xã hội) để tổng hợp báo cáo. Thời gian: Trước ngày 6/6/2024.

Yêu cầu Ban chỉ đạo liên ngành về ATTP thị trấn, các cơ quan, đơn vị có liên quan, các doanh nghiệp, các khu dân cư nghiêm túc thực hiện./.