Có lẽ nào ta yêu nhau sản xuất năm năm 2024

Đây là bộ phim truyền hình đầu tay của đạo diễn Tống Thành Vinh – người từng thực hiện các phim điện ảnh: Mưa, Cánh sen xanh, Đường xa vạn dặm... Phim đánh dấu sự trở lại của diễn viên Anh Thư trong vai cô gái câm Ẩn Lan và người mẫu Ngọc Quyên trong vai Nam Mai. Đây cũng là hai tuyến nhân vật làm nên sóng gió cho phim với những số phận buồn, những khát khao được sống và được yêu mãnh liệt nhưng cũng đầy những trăn trở, hy sinh.

Không chỉ khai thác cuộc sống của những người trẻ, phim còn đi sâu vào những bi kịch trong mối quan hệ giữa các gia đình. Chính vì thế, các diễn viên vào các vai cha mẹ, như: Mai Huỳnh, Diễm My, Hồng Hạnh, Trung Dũng... đã có rất nhiều đất diễn. Có lẽ nào ta yêu nhau là bộ phim phiên bản Hàn Quốc đầu tiên trong loạt phim chuyển thể từ kịch bản Hàn sẽ được khởi quay trong thời gian tới của Hãng phim Việt và Công ty BHD, như: Ngôi nhà hạnh phúc, Đừng đùa với thiên thần... Phim dự kiến sẽ được phát sóng lúc 20 giờ trên kênh VTV1 từ ngày 21-4 tới.

Ngọc Quyên chưa thật sự thuyết phục người xem về diễn xuất trong "Có lẽ nào ta yêu nhau".Bộ phim truyền hình Có lẽ nào ta yêu nhau phát sóng vào “giờ vàng” (20h các ngày thứ hai, ba, tư hàng tuần) trên VTV1 chưa mang lại cảm giác mới lạ cho khán giả truyền hình như lời quảng bá của nhà sản xuất mà chỉ thấy sự mỏi mệt.

Được giới thiệu là bộ phim chuyển thể từ kịch bản Anh em sinh đôi nổi tiếng của Hàn Quốc, ngay khi chưa lên sóng, khán giả đã náo nức chờ đợi bộ phim “xác Hàn hồn Việt”.

Anh em sinh đôi từng thu hút khán giả vì những tình tiết cảm động, giản dị. Nhiều khán giả rơi lệ ngậm ngùi trước số phận cơ cực của người em gái song sinh bị lưu lạc trong nghèo khó.

Bắt đầu từ việc người mẹ chạy trốn cùng người tình, bỏ lại đứa con gái duy nhất bơ vơ không người thân nương tựa. Theo lời nhắn gửi của mẹ, cô gái nhỏ Nam Mai (còn gọi là Sùng) lên thành phố tìm đến gia đình ông bà Gia Huy.

Mệt vì diễn viên "đơ"

Khán giả quan tâm đến tình cảm gia đình ấm áp – điều mà phim nào của Hàn Quốc cũng thành công. Ở đây là gia đình ông bà Gia Huy, một gia đình mẫu mực có ba thế hệ cùng chung sống. Tuy nhiên, phim đã đi đến tập thứ 11 nhưng vẫn chưa tạo cho khán giả một cái nhìn tin cậy vào sự yêu thương, gắn bó tình thâm trong gia đình kiểu mẫu này.

Khán giả cũng hiếm khi thấy gia đình họ tề tựu đông đủ ăn cơm, cũng chẳng có buổi chuyện trò thân mật, cùng chia sẻ mọi việc diễn ra trong ngày mà chỉ thấy cảnh bà Gia Huy lúc nào cũng quạu quọ với chồng, xét nét con gái lớn, bà nội thì đi ra đi vào hỏi “quý tử” Gia Bảo. Mỗi khi cậu út Gia Bảo về là bà nội chạy ra: “Gia Bảo về rồi hả con”, bà Gia Huy cũng ra phòng khách nhìn con rồi vào.

Khán giả mong thấy hai người phụ nữ quan trọng trong nhà chia sẻ niềm vui nỗi buồn với Ẩn Lan – cô con gái lớn bị câm nhưng chỉ thấy bà nội thở dài nhìn cô cháu bất hạnh, người mẹ thì chưa một lần tỏ vẻ âu yếm con, đôi lúc còn nhìn con khó chịu. Không khí trong nhà lạnh lẽo, chẳng thể nào ấm lên nổi khi ông Gia Huy đi làm về nhìn thấy mặt vợ lúc nào cũng rầu rầu.

Biết tin đứa con gái bị chối bỏ Nam Mai đi tìm, ông Gia Huy chỉ thoáng ngạc nhiên. Người xem mong chờ khi hai cha con họ gặp nhau, ông Gia Huy sẽ xúc động lặng người vì dù sao đó cũng là giọt máu của mình, cô con gái thì bàng hoàng sửng sốt. Nhưng thật lạ lùng, khi Nam Mai hỏi: “Có đúng bác là cha cháu không?”, ông Gia Huy gật đầu, gương mặt cô gái vẫn tỉnh như không. Sau vài câu qua lại thì khán giả mới nhìn thấy giọt nước mắt hiếm hoi của cô, rồi cô bắt đầu nói.

Nhân vật bà nội trong phim đúng là bà nội kiểu… Hàn Quốc, có quyền uy đầy mình, mỗi tiếng nói của bà các thành viên trong nhà đều nghe răm rắp. Đặc biệt bà và con dâu rất ăn ý nhau, kể cả trong chuyện… ám muội. Nhưng vẫn không thấy được sự yêu thương lan tỏa dành cho con cháu.

Nếu trông chờ vào diễn xuất của diễn viên thì khán giả lại sẽ thất vọng. Mỗi khi cần diễn đạt bằng nội tâm thì đạo diễn cứ cho diễn viên gào thét, khóc than. Đây cũng là căn bệnh chung của phim Việt.

Trong tình huống người tình bị xã hội đen đánh đập, bắt đi, bà Hoài chỉ có thể gào khóc, kể lể thảm thiết. Giá mà bà Hoài cứ lặng lẽ khóc, lặng lẽ ôm đầu, sự đau đớn thể hiện qua nét mặt, có lẽ nỗi đau của bà sẽ được người xem đồng cảm.

Ngược với mẹ, Nam Mai khi biết tin ông Gia Huy là cha ruột của mình, lẽ ra phải sửng sốt cực độ, đằng này cô bình tĩnh một cách ngạc nhiên cứ như cô đã biết điều đó.

Nội dung câu chuyện trong Có lẽ nào ta yêu nhau vốn dĩ đã hay, chuyển sang “hồn Việt”, biên tập và đạo diễn chỉ cần đưa các tình huống cho phù hợp với Việt Nam. Tâm lý nhân vật thì ở đâu cũng vậy, cũng đau khổ, cũng hạnh phúc vì vui buồn sướng khổ của cuộc đời. Những tình huống trên không cần diễn viên phải giỏi nghề mới xử lý được, chỉ cần một chút tinh tế, một chút chiều sâu là lấy được cảm xúc của khán giả.

Phim thu tiếng trực tiếp nên bao nhiêu cái dở đều bày ra trước mắt khán giả. Giọng điệu Nam Mai cứ ngang phè, ngay cả khi cần bày tỏ sự kinh ngạc bàng hoàng. Lời thoại của nhân vật Uy Long cứ đều đều như trả bài, đoạn cao trào cần lên giọng thì vẫn cứ nghe anh… trả bài.

Mệt vì... "ý đồ" của đạo diễn

Nhiều khán giả cho rằng xem Có lẽ nào ta yêu nhau thật mệt mỏi, có lẽ không sai. Nhiều người đã đổ oan cho cái tivi nhà mình bị hỏng màu, bị hư vì thỉnh thoảng màn hình tối thui. Sau nhiều lần như thế, khán giả phát hiện đây hóa ra là “ý đồ” của đạo diễn.

Nói về “ý đồ” của đạo diễn thì nhiều vô kể. Bất kể tình tiết nào đạo diễn cũng muốn gửi gắm nhiều ý tưởng vào. Nhiều đến nỗi xem cảnh hai cha con họ gặp nhau, máy quay cứ lia đi lia lại khung ảnh gia đình treo trong phòng làm việc của ông Gia Huy và chiếu đậm ảnh Gia Bảo lên. Có lẽ đạo diễn muốn nhấn mạnh đến mối liên hệ huyết thống giữa Nam Mai và Gia Bảo chăng?

Hình ảnh, ánh sáng trong phim cũng rất “lạ”. Mặt nhân vật lúc vàng, lúc tím, lúc thì đỏ… góc quay của máy thì cứ lia lên lia xuống một cách chậm rãi đến... mỏi mắt. Chỉ có cảnh Nam Mai ngồi ôm gối trong nhà mà đến mấy góc máy, kéo dài cả hai, ba phút. Cảnh tắm của bà Gia Huy cực kỳ "ấn tượng" với màn kỳ cọ, dội nước.

Chỉ có cảnh Nam Mai đi ra đi vào trường đại học nhìn mặt người anh song sinh của mình mà góc quay cứ mờ mờ ảo ảo, giựt tới giựt lui làm người xem tối tăm mặt mũi. Đến đoạn này, Ngọc Thanh - một khán giả tại TP.HCM kêu lên: “Cứ như là tay quay phim phải quay lén không bằng!”.

Xem Có lẽ nào ta yêu nhau, chợt nhớ về những ngày đầu xem phim Việt Nam trong tâm trạng “vừa xem vừa ấm ức”. Diễn viên đẹp cũng không thể làm nên thành công bộ phim khi có quá nhiều điều chưa làm thỏa mãn người xem.

Đây là bộ phim truyền hình được nhà sản xuất BHD đầu tư mạnh, đạo diễn cùng êkip làm việc phải ăn dầm nằm dề hàng tháng trời trên xứ sở Đà Lạt. Đạo diễn Tống Thành Vinh cũng rất mạo hiểm khi đưa ra nhiều ý tưởng mới lạ qua bộ phim.

Lạ mà được khán giả chấp nhận thì sẽ trở thành cái hay nhưng nếu lạ mà gây mệt mỏi cho khán giả thì cho rằng Có lẽ nào ta yêu nhau chưa thành công hay bởi khán giả chưa bắt kịp với cái mới lạ này?