Chúng minh việt nam là nền văn minh lúa nước năm 2024

Biên phòng - Năm 2020 là “Năm Chủ tịch ASEAN” của Việt Nam và là lần thứ 2 Việt Nam đảm nhiệm vai trò này từ khi gia nhập khối. Một lần nữa, mục tiêu thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc văn hóa ASEAN được đặt ra trong nhiều ưu tiên của ASEAN trong một khu vực đang phát triển mạnh mẽ trên nền tảng văn hóa đặc sắc.

Hoa điên điển mọc dại và có nhiều vào mùa nước nổi vùng Tây Nam bộ là nguyên liệu làm nên nhiều món ăn được ưa thích. Ảnh: Thụy Văn

Việt Nam kỷ niệm mốc son tròn 25 năm gia nhập ASEAN (Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á) vào tháng 7 vừa qua, cũng là thời điểm rà soát lại các mục tiêu mà “Năm chủ tịch ASEAN” thực hiện. Dịch Covid-19 lan rộng trên thế giới đã làm hạn chế hầu như các hoạt động kỷ niệm, sự kiện văn hóa và hành động chủ động thích ứng, tạo động lực sinh ra tiềm năng phát triển, gắn kết khối.

Tuy nhiên, thật may mắn đối với riêng mục tiêu gìn giữ bản sắc văn hóa thì các quốc gia trong khối ASEAN đều có sẵn các mảng truyền thống đặc sắc không pha trộn. Biểu tượng của khối ASEAN thể hiện rất rõ đây là khu vực có chung đặc điểm văn hóa liên quan đến văn minh lúa nước, chung một hình thái địa lý và thói quen canh tác. Điều đó thể hiện rõ ràng nhất qua đời sống văn hóa (bao gồm việc ăn - ở - mặc), tín ngưỡng và lễ hội.

Sắc màu văn hóa chung khối ASEAN hiện nay được coi là mảng rực rỡ nhất, đặc sắc nhất của thế giới do các dân tộc ở các quốc gia đều có trang phục đẹp mắt xuất phát từ truyền thống ươm tơ sợi và dệt vải bằng cây trồng tự nhiên rất phát triển. Thứ nữa, với nền nông nghiệp tiên tiến, thói quen ăn gạo từ cây lúa nên tính cách các tộc người nhu thuận, hiền hòa, sùng đạo Phật và đề cao sự nhân ái. Nhiều quốc gia ASEAN có lễ hội té nước vào kỳ đầu con nước lớn như Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia... Đây là lễ hội liên quan mật thiết đến tín ngưỡng cầu mùa, thờ thần nước và đương nhiên không nằm ngoài văn minh lúa nước.

Các lễ hội khác như du Xuân, cầu an, đua thuyền, thả diều, thi đấu các con vật liên quan mật thiết đến cuộc sống của cư dân nông nghiệp như chọi gà, chọi trâu, đua dê, ngựa... cũng đều thể hiện thói quen sinh hoạt cách mùa, theo từng vụ lúa, hoa màu nông nghiệp. Lúc nông nhàn thì tổ chức lễ hội, thi đấu các con vật nuôi, thi sản phẩm cây trồng, lấy thóc làm đơn vị đo lường, làm chuẩn để điều chỉnh giá cả thị trường, giá trị kinh tế và công lao động. Đây là đời sống văn hóa có tinh thần nhân văn, nồng ấm, mềm mại, rất phù hợp để đưa ra những quyết sách phát triển chung có nội sinh là nguồn lực tiềm năng con người, văn hóa như du lịch, dịch vụ.

Đông Nam Á được xem là cái nôi của cây lúa. Cư dân vùng đều có thói quen sinh sống tập trung tại các đồng bằng lớn, có nền văn minh lưu vực sông, và có nghệ thuật ẩm thực phong phú, yêu thích lễ hội. Trong số 5 kỷ lục thế giới mới mà Việt Nam đề cử vào tháng 8-2020 với mong muốn quảng bá rộng rãi ra toàn cầu gồm có: Việt Nam là quốc gia có nhiều món mắm nhất, nhiều món chế biến từ nhiều loài hoa nhất, nhiều món gỏi cuốn nhất, nhiều món chế biến từ gạo nhất và nhiều món hòa trộn sợi và nước nhất. Hầu hết các kỷ lục này đều có liên quan đến nền ẩm thực đặc trưng của văn minh lúa nước. Thói quen ăn uống của người Việt gắn với với tự nhiên, hệ thực vật, các loài thủy sản sông biển phong phú, các loại hoa, quả, trái cây nhiệt đới đậm đà hương vị, đặc biệt là cây lúa.

Khả năng sáng tạo vô bờ bến và bàn tay khéo léo trong điều chế đã giúp người Việt Nam biến hệ thực, động vật phong phú thành đồ ăn, thức uống và vượt lên trở thành nghệ thuật ẩm thực khiến thế giới ngưỡng mộ, trầm trồ. Đơn cử như các loài hoa sử dụng làm nguyên liệu trong chế biến món ăn như hoa sen, súng, điên điển, so đũa, phượng, ban tía, bông bí, mướp, bông thiên lý... tới hàng trăm loại với mùi và vị khác nhau đã là một nét đặc sắc không có quốc gia nào có. Đây cũng là nguồn lực bất tận để xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế bằng du lịch trải nghiệm, nhấn mạnh sự độc đáo và giá trị riêng của ẩm thực Việt Nam.

Thói quen ăn hòa trộn nhiều nguyên liệu và gia vị tạo nên sức hút của ẩm thực miền nhiệt đới. Và không chỉ Việt Nam, các quốc gia còn lại như Lào, Thái Lan, Campuchia, Myanmar, Philippines, Malaysia... cũng đều có văn hóa ẩm thực bản địa đặc sắc. Trong các cẩm nang du lịch của các quốc gia vùng Đông Nam Á, chỉ dẫn địa lý về cây trồng nông nghiệp và ẩm thực được tạo ra từ cây trồng bản địa luôn được nhấn mạnh. Cây lúa giữ vị trí then chốt trong đời sống cư dân Đông Nam Á từ mâm cơm hằng ngày tới đỉnh cao nhu cầu của cộng đồng người là tín ngưỡng, tôn giáo. Đây cũng chính là lý do để đời sống của nhân dân các dân tộc phong phú, duy trì một liên minh ASEAN gắn kết trên nhiều lĩnh vực dựa trên sự tương đồng văn hóa.

Hàng trăm loại chè ngọt chế biến từ gạo và các loại ngũ cốc - món ăn truyền thống của cố đô Huế. Ảnh: Thụy Văn

Thế giới đánh giá màu sắc của văn hóa vùng Đông Nam Á là hành trình của di sản và ẩm thực. Ngoài sự đặc sắc của các kỳ lễ hội liên quan đến tuần trăng, chế độ nhật triều, con nước đặc trưng của văn minh nông nghiệp, đời sống tín ngưỡng của các dân tộc cũng giản dị, gần gũi. Tục thờ bà chúa xứ, thành hoàng làng, tục ăn tết trùng vào các tiết khí, mùa vụ theo chu kỳ vụ mùa khí hậu hình thành một bộ sưu tập phong phú các hành trình khám phá Đông Nam Á mà không có mùa nào giống mùa nào, không năm nào giống năm nào. Triết học phương Đông đề cao sự thích ứng và hòa hợp tự nhiên của con người và cũng chính là xu hướng mà thế giới đang hướng tới. Ở các quốc gia vùng Đông Nam Á, triết lý đó dường như dẫn dắt và phổ quát các mặt đời sống từ khởi thủy cho đến ngày nay.

Sự bảo tồn văn hóa không phải là hành động bảo quản, “đóng băng” nguyên liệu văn hóa trong bảo tàng. Khối ASEAN đề cao sự liên kết và khai thác thế mạnh văn hóa để phát triển. Nếu có thể, chỉ bảo tồn không gian văn hóa và tô điểm, làm nét các hạng mục để có thể quảng bá, phát triển rộng ra toàn thế giới, tạo ra sự giao thoa từ gốc văn minh lúa nước.