Chức năng nào là quan trọng nhất trong văn học năm 2024

Ở Việt Nam, vào cuối những năm ba mươi, đầu những năm bốn mươi của thế kỷ XX, trước tác động của lịch sử, các nhà thơ, nhà văn như: Tố Hữu, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Nam Cao, Trần Huyền Trân, Thâm Tâm… đã cho thấy trong sáng tác của họ những dự cảm về tương lại, những tín hiệu báo trước cuộc cách mạng tháng Tám sẽ diễn ra vào những năm sau đó không lâu. Tố Hữu viết:

Ta nghe hè dậy bên lòng

Mà chân muốn đạp tan phòng hè ôi!

Nam Cao viết truyện Cơn giông, truyện Sống mòn, truyện Điếu văn với cảm giác bức bối và với triết lý “sống tức là thay đổi”. Nguyên Hồng viết truyện Lửa, Nhân loại, Ngày mai, đặc biệt là tập truyện ký Cuộc sống để nói đến cái không khí ngột ngạt, cái sức nóng chuẩn bị bùng cháy vào một ngày nào đó không xa. Tô Hoài thì cảm thấy “Bốn phương và quanh mình đã nóng như lửa và thực sự lửa đang cháy. Mỗi người, người nào cũng đương cần tự quyết định chết hay là đứng lên? Một con đường” (Hồi ký Tự truyện). Còn Trần Huyền Trân và Thâm Tâm thì dự cảm da diết về các chuyến đi đầy quả quyết nhưng cũng đầy dùng dằng, lưỡng lự. Và gần đây, chắc ai cũng nhớ, vào cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ XX, trong đời sống văn học nghệ thuật đã xuất hiện những phóng sự, những truyện ngắn, những tiểu thuyết, những vở kịch gây xôn xao dư luận, thu hút được sự quan tâm theo dõi của toàn xã hội. Các tác phẩm này không chỉ trực diện phản ánh những vấn đề gay cấn nóng bỏng của thực tại mà còn đưa ra được những dự báo, cảnh báo trước về những vấn đề của cơ chế chính sách, của đời sống xã hội và con người.

Ngay từ năm 1984, nghĩa là trước đổi mới 2 năm, Lưu Quảng Vũ đã viết xong vở kịch Tôi và chúng ta. Với vở kịch này, Lưu Quang Vũ đã phản biện lại cả một cơ chế. Anh đưa lên sân khấu 21 nguyên tắc tài vụ cũ kỹ, lỗi thời, kìm hãm sản xuất. Anh công khai bảo vệ những tư tưởng mới, những lối nghĩ mới, những cung cách quản lý, và làm ăn mới, đồng thời công khai phê phán cơ chế quan liêu bao cấp trong lĩnh vực quản lý kinh tế và lĩnh vực tư tưởng tinh thần. Còn Xuân Trình, cũng ngay từ năm 1985 với vở hài kịch trữ tìnhMùa hè ở biển đã hài hước hóa những típ cán bộ kiểu như Đoàn Xoa-sản phẩm của cơ chế quản lý quan liêu bao cấp đã tỏ ra không còn phù hợp với đòi hỏi mới của cuộc sống. Thái độ của Xuân Trình trong vở kịch này là thái độ ủng hộ, thái độ bênh vực cho những cái mới đang còn khó phân định đúng - sai, thái độ phê phán dưới hình thức hài kịch những cái đã trở nên lỗi thời, không còn phù hợp với yêu cầu mới của cuộc sống và sự phát triển khách quan của lịch sử để “giả từ với quá khứ một cách vui vẻ” như C.Marx đã từng nói. Tiếp tục mạch cảm hứng công dân và tư tưởng sáng tạo của mình, trong Khoảnh khắc và vô tận - có thể xem là tập II của Tôi và chúng ta - Lưu Quang Vũ đưa cả vấn đề giá - lương - tiền, vấn đề cơ chế quản lý, vấn đề tổ chức cán bộ, vấn đề tâm lý đạo đức… lên sân khấu. Trong khi dành nhiều tâm huyết vào việc cổ vũ cho những kiểu người mới, kiểu làm ăn mới, ngay từ vở kịch này, anh đã kịp nhìn thấy trước và cảnh báo toàn xã hội về lối làm ăn, tính toán láu cá, vụ lợi, chỉ chú ý đến lợi ích cá nhân và đơn vị mình mà không tính đến lợi ích của nhà nước và toàn xã hội. Thực tiễn quá trình đổi mới đã cho thấy cảnh báo đó của Lưu Quang Vũ là hoàn toàn chính xác. Còn Xuân Trình thì cho rằng có những cái tốt của ngày hôm qua không còn thích ứng với cuộc sống của ngày hôm nay. Cơ chế mới đòi hỏi những kiểu người mới, và ngược lại, những kiểu người mới cần phải có cơ chế mới,mới phát huy được năng lực sáng tạo của mình. Trong Mùa hè ở biển, anh đã lên tiếng bênh vực cho chính sách khoán hộ lúc đó đang còn phải làm chui. Ở một phương diện khác, trong vở Nhân danh công lý, cũng từ năm 1984, Doãn Hoàng Giang và Võ Khắc Nghiêm đã trực diện đấu tranh với thế lực tiêu cực, lớn tiếng đòi hỏi một sự dân chủ, bình đẳng trước pháp luật và cuộc sống.

Đó là chưa kể đến những tác phẩm như: Cù lao Tràm, Đứng trước biểncủa Nguyễn Mạnh Tuấn còn ra đời sớm hơn. Đặc biệt là hàng loạt phóng sự nghệ thuật của Trần Huy Quang, Minh Chuyên, Phùng Gia Lộc… làm khuấy động xã hội bằng những chất liệu hiện thực sinh động, có sức truyền cảm mạnh mẽ. Đó thực sự là những áp lực, những tín hiệu báo trước của thời kỳ đổi mới sẽ được chính thức khởi động vào năm 1986.

Như vậy là, bằng mẫn cảm nghệ sĩ và tinh thần công dân của mình, các nghệ sỹ đã góp phần dân chủ hóa xã hội, đề xuất với Đảng và Nhà nước những vấn đề lớn của đời sống sản xuất vật chất và tinh thần xã hội để từ đó hoạch định chiến lược đổi mới, làm thay đổi diện mạo đất nước. So với yêu cầu phát triển, thành tựu văn học thời kỳ tiền đổi mới, tuy còn khiêm tốn nhưng rất đáng được ghi nhận. Đó là sự khởi đầu có ý nghĩa trọng đại góp phần mở ra một thời kỳ mới của đất nước. Ngay cả những người khó tính nhất cũng phải thừa nhận từ năm 1986 đến nay, đất nước ta đã đạt được những kỳ tích lớn lao. Cơ chế quản lý quan liêu bao cấp có thâm niên hàng mấy chục năm, khi tỏ ra không còn phù hợp đã nhanh chóng được thay thế; chính trị ổn định; kinh tế tăng trưởng; mức sống được cải thiện rõ rệt; bộ mặt đất nước đang thay đổi từng ngày, từng giờ. Cần phải khẳng định rằng trong thành tựu của công cuộc đổi mới có đóng góp đáng kể của văn học, nghệ thuật.

Song, rất tiếc là trong quá trình chuyển giai đoạn những năm qua, văn học, nghệ thuật dường như không tiếp tục được mạch cảm hứng công dân, cảm hứng chính luận và vai trò tích cực của mình như thời kỳ tiền đổi mới. Dường như khi những bức bối của cuộc sống đã được giải quyết thì nhiệt huyết công dân và tâm huyết nghệ sĩ có phần giảm và lắng xuống. Đáng lẽ phải phát huy tinh thần đó vào việc đề xuất, kiến giải những vấn đề mới, phản ánh cả mặt tích cực lẫn mặt tiêu cực của quá trình đổi mới và đưa ra những dự báo chính xác cho tương lai… thì không ít nghệ sỹ, không ít tác phẩm lại có chiều hướng quay về với những “bi kịch nhỏ”, những số phận cá nhân, những toan tính đời thường, gặm nhấm quá khứ hoặc chạy theo cám dỗ của tiền bạc và hư danh, bỏ quên thiên chức cao quý của nghệ sỹ để chấp nhận mua vui, giải sầu cho những công chúng thấp kém về thị hiếu thẩm mỹ nhưng lại có tiền bằng những sáng tác ít giá trị nghệ thuật, nặng về câu khách thông qua các chi tiết giật gân, hiếu kỳ. Trong lịch sử văn học đã từng có những nhà văn nổi danh nhờ những “nhân vật nhỏ bé” như A.Sekhốp, những kiếp “đời thừa” và “sống mòn” như Nam Cao, nhưng với điều kiện nhà văn phải có tâm, có tài và số phận của những nhân vật nhỏ bé, những kiếp đời thừa, kiếp sống mòn trong tác phẩm phải mang một ý nghĩa xã hội – lịch sử và nhân sinh cao cả. Nếu không, nhà văn sẽ chết chìm trong thế giới nhân vật ô hợp và tầm thường do chính mình tạo ra.

Dưới tác động hai mặt của cơ chế thị trường, văn học nghệ thuật và nghệ sỹ đang có thêm những yếu tố kích thích mới, những động lực sáng tạo mới. Nhưng cũng chính cơ chế thị trường đang làm nao núng không ít ngòi bút và hoen ố không ít tác phẩm. Ai cũng biết sex có thể cần cho người này, người kia, từng nơi từng lúc và từng người, nhưng với văn chương chân chính thì không, nhất là loại sex rẻ tiền, ô uế như đã từng thấy trong một số tác phẩm gần đây. Bởi vì đó là chuyện sau cánh cửa chứ không phải là chuyện phơi ra trên trang giấy. Có chăng, nó phải được nghệ thật hóa và phải được thể hiện theo quy luật của cái đẹp. Hơn nữa, tình yêu của con người với tư cách là một đề tài vĩnh cửu, không chỉ có vậy mà nó còn mang những giá trị cao cả hơn, trong sáng hơn, nhân đạo hơn, nó nâng cao con người chứ không hạ thấp con người đến mức chỉ còn như những sinh vật bình thường. Khai thác vào những chuyện đời tư như một khuynh hướng mới hình thành trong văn học hiện nay, cũng là một hướng, nhưng ít có cơ hội để trở thành tác phẩm văn học lớn thực sự khi người viết mang động cơ vụ lợi và non kém về trình độ nghệ thuật.

Xu hướng quay lại với quá khứ, khai thác vào đề tài lịch sử như một số nhà văn đang làm hiện nay cũng là một hướng có triển vọng. Xu hướng này đã từng làm một phong trào lớn thu hút nhiều trí thức văn nghệ sĩ thời kỳ cuối những năm ba mươi, đầu những năm bốn mươi của thế kỷ XX, đó là “Phong trào văn nghệ phục cổ”. Các nhà văn, nhà nghệ sĩ tham gia vào phong trào này xem đó là cách để trốn tránh thực tại, để thể hiện khát vọng yêu nước, tìm trong lịch sử những bài học về tinh thần chống ngoại xâm… mà không bị kiểm duyệt của thực dân Pháp. Ngày nay, lý do đó không còn có cơ sở để tồn tại, nhưng đề tài lịch sử, cảm hứng lịch sử thì vẫn sẽ mãi mãi là miền đất hứa của sáng tạo nghệ thuật. Vấn đề là ở chỗ nhà văn, nhà nghệ sĩ phải là người xâu chuỗi lịch sử, phát hiện ra trong dòng chảy của nó những mối liên hệ tinh thần giữa quá khứ - hiện tại – và tương lai. Nhà văn có thể biến lịch sử thành những cái cớ để gửi đến con người hiện tại những thông điệp về giá trị đạo đức tinh thần như ý của nhà văn Pháp A.Dumas từng nói, nhưng nhà văn không được bóp méo lịch sử, xuyên tạc lịch sử, thậm chí minh họa lịch sử một cách thô thiển, vụng về. Trong khi trở về với đề tài lịch sử, cần nhớ rằng bên cạnh nhà văn còn có các nhà sử học, các nhà văn hóa học và những người yêu mến lịch sử dân tộc. Đi ngược hành trình, nhà văn rất dễ cô đơn khi động cơ thiếu trung thực và không có người đồng hành.

Cuộc chiến tranh cách mạng của dân tộc ta ở thế kỷ XX sẽ còn là đề tài lớn cho văn học, nghệ thuật những thế kỷ tiếp theo. Nhưng đó không phải là toàn bộ sứ mệnh của văn học. Nói đúng ra, nó vẫn chỉ là một trong những món nợ mà văn chương cần phải trang trải cho lịch sử dân tộc mà thôi. Trong cuộc sống xã hội hiện đại còn có bao nhiêu vấn đề quan yếu khác mà văn học nghệ thuật cần phản ánh. Trong quá trình đổi mới và hội nhập, vấn đề tìm kiếm, xây dựng một mô hình xã hội lý tưởng mới, một con đường phát triển mới, một trật tự xã hội mới, trong đó các giá trị tinh thần nói chung, giá trị con người nói riêng được tôn vinh; mọi tiềm năng sáng tạo được giải phóng, mọi nhu cầu hưởng thụ vật chất và văn hóa chính đáng được đáp ứng… đang là những vấn đề lớn mà nghệ sĩ chân chính không thể đứng ngoài cuộc. Chẳng lẽ ở đó không có đất cho những tác phẩm nghệ thuật lớn? Không có chỗ cho những xúc cảm nghệ thuật cao cả?

Không thể phủ nhận được rằng trong tiến trình đổi mới và hội nhập hơn hai mươi năm qua, nền văn học, nghệ thuật của chúng ta đã cho thấy những dấu hiệu mới, những cách tân về phương diện hình thức và phương thức biểu hiện. Nhưng, cái mà giới văn học, nghệ thuật đang cần hiện nay là ý thức trách nhiệm nghệ sĩ – công dân trước xã hội. Một cách nhìn mới về chiến tranh, một thái độ mới về những số phận bị bỏ quên, những bi kịch nhỏ giữa đời thường… đối với văn học vẫn luôn luôn đáng khích lệ và trân trọng. Nhưng, những phát hiện lý giải mới về tâm lý, đạo đức của con người trong cơ chế thị trường; những vẫn đề mới nảy sinh trong đời sống xã hội như: vấn đề chuyển đổi hệ giá trị đạo đức tinh thần diễn ra trong thời kỳ đổi mới và hội nhập; những vấn đề lớn mang tính toàn cầu như vấn đề số phận con người trước sự biến đổi khí hậu, môi trường và những biến cố thiên tai, dịch bệnh… những tác động của làn sóng công nghiệp hóa đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn; những vấn đề tâm lý – xã hội nảy sinh trong quá trình đô thị hóa; những biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống, khuynh hướng bạo lực, bạo hành trong gia đình, nhà trường và xã hội đang gia tăng; lỷ lệ người chết do tai nạn giao thông và các nguyên nhân khác đang hàng ngày, hàng giờ cướp đi sinh mệnh của hàng trăm, hàng nghìn con người; vấn đề phân hóa giàu nghèo trong xã hội, đặc biệt là tâm lý bất an của con người hiện đại trước các tác động của xã hội và môi trường, trong đó, cái xấu, cái ác đang có chiều hướng lấn át làm lu mờ cái đẹp, cái thiện…, chẳng lẽ đó không phải là những vấn đề của con người xã hội mà văn học cần quan tâm sao?

Chúng ta đang sống trong thời đại có những biến đổi khó lường. Những thành tựu của khoa học và công nghệ - sản phẩm trí tuệ của con người đạt được ở cuối thế kỷ XX, đầu thế kỷ XXI này – sẽ cho phép các nhà khoa học ở từng lĩnh vực tiến hành xử lý các dữ kiện để đưa ra những dự báo toàn cầu, dự báo về từng khu vực và từng lĩnh vực. Có lẽ vì vậy mà ngày nay dự báo đã trở thành một ngành khoa học (khoa học dự báo) đang phát triển ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài trí tuệ của con người, máy tính sẽ là công cụ hữu hiệu giúp cho các ngành khoa học thực hiện các dự báo của mình. Còn văn học – sẽ dự báo tương lai như thế nào và bằng phương tiện nào?

Có lẽ, cũng giống như các nhà môi trường – sinh thái học, các nhà kinh tế - chính trị học, các nhà xã hội học, thiên văn học và các nhà khoa học ở những lĩnh vực khác nhau…, các nghệ sĩ cũng có những cách dự báo riêng của mình. Dự báo đó không dựa trên các thực nghiệm khoa học mà dựa trên các chiêm nghiệm từ đời sống; không dựa trên sự phân tích những yếu tố riêng lẻ mà dựa vào những khái quát lớn trên diện rộng. Hạt nhân của dự báo đó đương nhiên là những vấn đề liên quan đến con người, của con người, vì nói như M.Gorki, “văn học là nhân học”.

Nửa đầu thế kỷ XX, trước thảm họa khốc liệt của hai cuộc thế chiến trước nhịp độ phát triển nhanh của khoa học kỹ thuật, nhiều nhà văn, nhà triết học hiện sinh ở phương Tây đã đưa ra những dự báo ảm đạm về thân phận của con người (Huyền thoại Sidíps của A.Camus là một ví dụ), về nguy cơ tha hóa của con người trước văn minh công nghiệp (vở kịch Những cái ghếcủa Ionessco là một ví dụ). Đặc biệt là khi người máy ra đời, đảm nhiệm những công việc phức tạp và đạt độ chính xác cao thì hình ảnh con người bằng xương bằng thịt dưới con mắt của các nhà “Kỹ trị” dường như có phần bị tha hóa trước những sản phẩm do chính mình chế tạo ra. Gần đây, khi chú Cừu Dolly ra đời và khi bản đồ gen người phát hiện, vấn đề nhân bản vô tính người được các nhà khoa học đưa ra như một khả năng có thể thực hiện đã khiến cho các nhà nhân văn, các nhà đạo đức học lên tiếng cảnh báo. Quả thực, đó không phải là những lo toan không có căn cứ. Song, chính nhờ các tiên cảm, dự báo mà trong quá trình phát triển, con người với tư cách là chủ nhân của lịch sử, là “trung tâm vũ trụ” đã không để cho máy móc lấn át vai trò của mình, trái lại, càng làm cho trí thông minh và khả năng lao động sáng tạo của con người ngày càng được đề cao bởi năng suất lao động và bởi các thao tác kỹ thuật nối dài khả năng của con người.

Thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang đặt ra nhiều vấn đề bức thiết, trong đó có vấn đề con người – nhân tố chủ thể quyết định tốc độ và chiều hướng phát triển. Các mối quan hệ giữa con người với cơ chế, con người với máy móc công nghệ, con người với con người, con người với sản phẩm hàng hóa, con người với môi trường sống và lao động của mình… sẽ được đặt ra và giải quyết như thế nào? Đương nhiên, không phải chỉ là mối quan tâm của các nhà triết học, kinh tế học, chính trị học, đạo đức học… mà con là mối quan tâm của các nhà văn, các nghệ sĩ mẫn cảm trước thời cuộc. Muốn hay không, thời kỳ mới của lịch sử sẽ tạo ra những hệ giá trị mới, những chuẫn mực đạo đức tinh thần mới mà hôm nay, những người mang thiên chức nghệ sĩ có thể hình dung, tiên đoán. Ngay cả những niềm vui, nỗi buồn sâu xa về số phận, thân phận của mỗi cá nhân trong cộng đồng và trước thế sự cũng luôn luôn là những ám ảnh, những nghiền ngẫm suy tư của mỗi nhà văn, mỗi nhà nghệ sỹ để trong mỗi sáng tác của mình không chỉ hiển hiện thực tại mà còn thấp thoáng hình bóng của tương lai.

Chức năng quan trọng nhất của văn học là gì?

– Ý kiến trên đã khẳng định chức năng cao cả của văn học: phục vụ cho con người, hướng con người đến cái chân- thiện-mỹ.

Chức năng quan trọng nhất của văn hóa là gì?

– Văn hóa góp phần làm ổn định tình trạng xã hội Bởi nó là những thứ đã tồn tại thời gian dài, đi sâu vào trong nhận thức của từng người dân. Do vậy mọi hành vi của người dân đều chịu sự điều chỉnh. Bởi một khuôn khổ tập quán, đạo đức của dân tộc.

Thế nào là chức năng thẩm mĩ của văn học?

Chức năng thẩm mỹ tức là chức năng về cái đẹp. Bản chất của con người là yêu cái đẹp, thích mình đẹp và hướng về cái đẹp. Văn học cũng như những ngành nghệ thuật khác, là một trong nhiều phương tiện hướng con người tới cái đẹp. Cái đẹp làm thỏa mãn nhu cầu trái tim, nhu cầu tâm hồn của con người.

Chức năng nhận thức là gì?

Nhận thức là khả năng của con người và các hệ thống sống khác nhau để nhận biết, hiểu và có kiến thức về thế giới xung quanh. Nó liên quan đến khả năng tiếp nhận thông tin từ các giác quan, xử lý thông tin đó trong não bộ và tạo ra ý thức và hiểu biết về thế giới.