Chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của một bộ quản lý chuyên ngành

Các quy định tại dự thảo sẽ là hành lang pháp lý giúp các cá nhân, tổ chức khi tham gia vào hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) thực hiện thủ tục hải quan chủ động, thuận lợi.

Quy định cụ thể thủ tục

Thương mại điện tử là xu hướng tất yếu trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam cũng như của các nước trên thế giới. Với tốc độ tăng trưởng cao của thương mại điện tử, đòi hỏi các cơ chế chính sách quản lý phải thay đổi phù hợp với hoạt động của thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại điện tử đối với hàng hóa XNK.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án quản lý hoạt động thương mại điện tử đối với hàng hóa XNK việc xây dựng Nghị định về quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch qua thương mại điện tử là bước tiếp theo để tạo hành lang pháp lý nhằm đảm bảo các quy định phù hợp với thông lệ quốc tế, phòng chống gian lận thương mại...

Chính vì vậy, tại dự thảo Bộ Tài chính đưa ra các mục tiêu chính sách cần đạt được. Trong đó vấn đề quan trọng là quy định về Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan với mục tiêu xây dựng được các quy định về hệ thống đảm bảo việc triển khai xây dựng, vận hành; tạo cơ sở pháp lý để các cơ quan tổ chức, cá nhân thực hiện việc kết nối với hệ thống, cơ quan quản lý nhà nước khai thác dữ liệu trên hệ thống.

Theo Bộ Tài chính, hiện nay giao dịch thương mại điện tử được thực hiện trên các thiết bị điện tử, hệ thống phần mềm… vì vậy, để quản lý được loại hình này cần có Hệ thống đảm bảo việc thuận lợi, tương thích và theo kịp với sự phát triển của công nghệ thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Giải pháp để thực hiện vấn đề này là xây dựng các quy định mới công khai, minh bạch để tổ chức, cá nhân tham gia vào Hệ thống quản lý đối với hàng hóa XNK giao dịch của thương mại điện tử, cơ quan quản lý nhà nước thực hiện việc chia sẻ thông tin, quản lý thông tin, cho phép hay không cho phép cá nhân, tổ chức tham gia vào Hệ thống quản lý đối với hàng hóa XNK giao dịch qua thương mại điện tử. Hệ thống này là một phần trong Hệ thống tổng thể chung của ngành Hải quan.

Hiện nay giao dịch thương mại điện tử được thực hiện trên các thiết bị điện tử, hệ thống phần mềm… vì vậy, để quản lý được loại hình này cần có Hệ thống đảm bảo việc thuận lợi, tương thích và theo kịp với sự phát triển của công nghệ thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

Một vấn đề nữa cần có tại dự thảo Nghị định đó là quy định về thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK được giao dịch qua thương mại điện tử, để đảm bảo tạo cơ sở pháp lý tạo thuận lợi, giảm thời gian thông quan hàng hóa. Theo đó, dự thảo Nghị định sẽ quy định về nội dung thông tin, đơn vị cung cấp thông tin, nguyên tắc hình thức cung cấp thông tin về hàng hóa XNK; hồ sơ hải quan khi thực hiện thủ tục hải quan; thủ tục hải quan đối với hàng hóa XNK được giao dịch qua thương mại điện tử; thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu phải tái xuất, hàng hóa xuất khẩu phải tái nhập; thủ tục hải quan đối với hàng hóa đưa vào, lưu trữ tại kho ngoại quan trước khi có đơn hàng và thủ tục XNK đối với hàng hóa đang lưu giữ tại kho ngoại quan.

Tạo thuận lợi trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành

Dự thảo cũng đưa ra quy định về cách tính trị giá hải quan, thu nộp thuế, các chính sách về thuế nhằm mục tiêu thu đủ, thu đúng các khoản thuế theo quy định, đồng thời tạo thuận lợi cho người nộp thuế trong việc cung cấp hồ sơ liên quan đến trị giá hải quan.

Theo đó, các thủ tục sẽ được quy định gồm: Thủ tục thu nộp thuế, phí hải quan; trị giá hải quan; miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế, xử lý tiền nộp thừa, ấn định thuế, thời hạn nộp thuế đối với hàng hóa XNK giao dịch qua thương mại điện tử.

Đặc điểm của hàng hóa giao dịch thương mại điện tử là hàng hóa mua với số lượng nhỏ, chủ hàng là cá nhân, mục đích mua chỉ để sử dụng cho cá nhân, vì vậy cần tạo thuận lợi trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa

Vấn đề quan trọng cũng được quy định tại dự thảo Nghị định là quy định về kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK. Theo Bộ Tài chính, hiện có quá nhiều văn bản quy định về việc miễn kiểm tra, thủ tục kiểm tra, loại hàng hóa phải kiểm tra. Tuy nhiên, đặc điểm của hàng hóa giao dịch thương mại điện tử là hàng hóa mua với số lượng nhỏ, chủ hàng là cá nhân, mục đích mua chỉ để sử dụng cho cá nhân, vì vậy cần tạo thuận lợi trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa như: Miễn kiểm tra chuyên ngành khi trị giá hải quan nhỏ; miễn kiểm tra chuyên ngành trong trường hợp mua số lượng nhỏ (số lượng và loại miễn do cơ quan quản lý chuyên ngành đề xuất); cập nhật kết quả kịp thời trên hệ thống đảm bảo tốc độ thông quan nhanh. Với các giải pháp đặt ra đảm bảo cơ quan quản lý chuyên ngành vẫn kiểm soát được hàng hóa, đồng thời thời gian thông quan hàng hóa nhanh chóng, người mua thuận lợi khi thực hiện mua hàng sử dụng cho cá nhân.

Cụ thể, dự thảo quy định một số đặc thù trong việc kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa XNK gồm: Quy định về tên hàng, số lượng được miễn theo năm của mỗi cá nhân thực hiện việc mua hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử; quy định về trị giá hải quan nhỏ hơn mức quy định trở xuống (dự kiến quy định từ 1 triệu đồng trở xuống) được miễn giấy phép, điều kiện, kiểm tra chuyên ngành (trừ kiểm dịch); quy định về việc cập nhật kết quả kiểm tra chuyên ngành trên Hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử; quy định về các trường hợp đặc biệt như có cảnh báo an toàn thực phẩm, lây lan dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường… thì dừng áp dụng chế độ miễn kiểm tra.

Kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử nhưng vẫn đảm bảo thuận lợi để người mua, người bán tuân thủ thực hiện đúng theo quy định pháp luật - Ảnh minh họa
Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ trên toàn thế giới và Việt Nam cũng không thể nằm ngoài sự phát triển này. Theo đánh giá của Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam tại báo cáo về Chỉ số thương mại điện tử Việt Nam (EBI) trong 5 năm gần đây thì tốc độ tăng trưởng trung bình năm của Việt Nam từ 25-30%. Nếu Việt Nam vẫn duy trì mức độ tăng trưởng này thì quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam năm 2025 đứng thứ ba Đông Nam Á sau Indonesia và Thái Lan. Với tốc độ tăng trưởng cao như trên cần thiết phải có những biện pháp quản lý mới phù hợp với hoạt động giao dịch thương mại điện tử qua biên giới đảm bảo việc quản lý hải quan nhưng không ảnh hưởng đến sự phát triển của hoạt động thương mại điện tử qua biên giới.

Theo quy định hiện hành thì đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử hay xuất khẩu, nhập khẩu được giao dịch theo phương thức truyền thống thủ tục hải quan được thực hiện giống nhau. Tuy nhiên, đặc điểm của hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử trong thời gian vừa qua tăng nhanh, thời gian để tiến hành giao dịch mua bán hàng hóa đơn giản, nhanh chóng, hàng hóa được giao đến tận địa chỉ của người mua, lượng giao dịch tăng cao tại các thời điểm giảm giá, trong khi đó hiện nay hàng hóa mua qua thương mại điện tử đưa về Việt Nam thực hiện thủ tục hải quan như đối với hàng hóa thông thường nên gặp phải một số vướng mắc.

Cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước chưa có một cơ chế riêng về quản lý đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử nên khi thực hiện các thủ tục hải quan, thủ tục liên quan đến lĩnh vực quản lý của các bộ, ngành, người mua hàng qua thương mại điện tử tại Việt Nam gặp khó khăn trong việc nhận hàng hóa được mua từ nước ngoài. Do đó, hình thành nên một bộ phận thực hiện việc mua hộ hàng hóa trên website và vận chuyển số hàng hóa này về Việt Nam theo các con đường không chính thống, đặc biệt là qua biên giới đường bộ gây khó khăn trong công tác đấu tranh đối với các hành vi gian lận thương mại. Vì vậy, cần thiết phải có những quy định để kiểm soát đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử nhưng vẫn đảm bảo thuận lợi để người mua, người bán tuân thủ thực hiện đúng theo quy định pháp luật.

Do vậy, việc xây dựng Nghị định quy định quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử là thực sự cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ về chính sách quản lý, chế độ để đảm bảo công tác quản lý của cơ quan hải quan hiệu quả, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, phù hợp với thông lệ quốc tế.

Bổ sung đối tượng áp dụng

Theo dự thảo, về đối tượng áp dụng: Ngoài các đối tượng tương tự như các trường hợp xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa thông thường, thì tại dự thảo Nghị định quy định thêm các đối tượng là chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử, website thương mại điện tử bán hàng ví dụ như sàn thương mại điện tử Amazon ở Mỹ, sàn thương mại điện tử Alibaba ở Trung Quốc, quy định này tương đồng với quy định người nộp thuế tại Luật Quản lý thuế.

Dự thảo Nghị định cũng quy định cụ thể về địa điểm làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử như sau:

Đối với hàng hóa xuất khẩu được đăng ký tờ khai hải quan tại: Chi cục Hải quan nơi người khai hải quan có trụ sở hoặc nơi có cơ sở sản xuất, kinh doanh; hoặc Chi cục Hải quan nơi tập kết hàng hóa xuất khẩu; hoặc Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất hàng.

Hàng hóa nhập khẩu được đăng ký tờ khai hải quan tại: Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập hàng; hoặc Chi cục Hải quan quản lý địa điểm tập kết, kiểm tra giám sát tập trung đối với hàng bưu chính, chuyển phát nhanh trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử gửi qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh; hoặc Chi cục Hải quan quản lý kho ngoại quan trong trường hợp hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử nhập khẩu từ kho ngoại quan.

Nhóm quy định về quản lý thuế

Tương tự như chính sách quản lý hàng hóa, hiện hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử không có quy định riêng về chính sách thuế, hiện nay theo quy định của pháp luật về thuế nhập khẩu có quy định hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính, dịch vụ chuyển phát nhanh (không phân biệt hàng hóa thương mại điện tử hay hàng hóa khác) có trị giá hải quan từ 1.000.000 đồng trở xuống hoặc có tổng số thuế từ 100.000 đồng trở xuống thì được miễn thuế nhập khẩu (Theo khoản 11 Điều 1 Nghị định số 18/2021/NĐ-CP của Chính phủ), tuy nhiên Nghị định số 18/2021/NĐ-CP chưa quy định cụ thể số lần hoặc cụ thể lô hàng được miễn thuế, do vậy dẫn đến việc người khai hải quan lợi dụng chính sách này để chia nhỏ lô hàng nhằm mục đích miễn thuế. Do vậy, để tương đồng với hàng hóa gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, bưu chính và để ngăn chặn việc lợi dụng chính sách ưu đãi về thuế, tại dự thảo Nghị định quy định cụ thể như sau:

“Mỗi tổ chức, cá nhân mua hàng chỉ được hưởng tiêu chuẩn miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu quy định tại điểm a, điểm b dưới đây không quá 1 đơn hàng/ngày và không quá 4 đơn hàng/tháng:

a) Hàng hóa nhập khẩu có trị giá hải quan theo từng đơn hàng từ 1.000.000 đồng Việt Nam trở xuống;

b) Hàng hóa nhập khẩu có trị giá hải quan theo từng đơn hàng trên 1.000.000 đồng Việt Nam nhưng có tổng số tiền thuế nhập khẩu phải nộp dưới 100.000 đồng Việt Nam.

Trường hợp hàng hóa nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử có trị giá hải quan theo từng đơn hàng trên 1.000.000 đồng Việt Nam và có tổng số tiền thuế nhập khẩu phải nộp trên 100.000 đồng Việt Nam thì phải nộp thuế nhập khẩu đối với toàn bộ trị giá hàng hóa nhập khẩu.”

Quy định như trên nhằm ngăn chặn tình trạng tổ chức, cá nhân lợi dụng chính sách miễn thuế để chia, tách hàng hóa nhằm mục đích trốn thuế khi thực hiện mua bán hàng hóa qua giao dịch thương mại điện tử.

Đồng thời, để hạn chế việc lợi dụng chính sách ưu đãi về thuế đối với hàng hóa gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, bưu chính theo quy định tại Nghị định số 18/2021/NĐ-CP cũng như để đồng bộ chính sách ưu đãi về thuế giữa hàng hóa gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh, bưu chính với hàng hóa giao dịch qua thương mại điện tử, Bộ Tài chính đề xuất định mức miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa gửi qua dịch vụ bưu chính phải được áp dụng theo định mức đối với hàng nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử như đề xuất trên.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Khánh Linh


Video liên quan

Chủ đề