Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng hiện này được thực thi như thế nào

Quảng Nam là địa phương có rừng và đất rừng rộng lớn, chiếm 3/4 diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh. Với diện tích đất đất có rừng là 683.034 ha (rừng tự nhiên: 466.207 ha, rừng trồng: 216.817 ha), tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi; đến cuối năm 2020, độ che phủ rừng đạt 59,33%.

Trong bối cảnh nguồn ngân sách của tỉnh đầu tư cho ngành lâm nghiệp để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng còn hạn chế thì việc huy động các nguồn lực xã hội thông qua hệ thống Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng gắn với việc thực thi Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng để đầu tư cho công tác bảo vệ và phát triển rừng đã trở thành nguồn lực chính thúc đẩy thực hiện chủ trương xã hội hoá nghề rừng.

Theo Nghị định 156/2018/NĐ-CP, ngày 16/11/2018 của Chính phủ, các bên sử dụng dịch vụ môi trường rừng(DVMTR) phải chi trả tiền cho bên cung ứng dịch vụ. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch có hưởng lợi từ DVMTR sẽ phải trả tiền DVMTR tính bằng 1% doanh thu thực hiện trong kỳ. Các cơ sở sản xuất thuỷ điện, mức chi trả 36 đồng/Kwh điện thương phẩm; các cơ sở sản xuất nước sạch 52 đồng/m3 nước thương phẩm; các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước từ nguồn nước 50 đồng/m3;

Phát huy hiệu quả đề án chi trả DVMTR

Đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Quảng Nam đã ký kết được 81 đơn vị sử dụng dịch vụ môi trường rừng, trong đó: 29 đơn vị sản xuất thủy điện, 09 đơn vị sản xuất nước sạch, 43 đơn vị nước công nghiệp.

Với 466.207 ha rừng tự nhiên, đến nay Quảng Nam thực hiện Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng được khoảng 283.000 ha, chiếm khoảng 60 % (thuộc địa bàn của 73 xã/12 huyện). Để có được kết quả này, tính từ năm 2013 đến nay, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Quảng Nam đã hoàn thành việc lập được 15 đề án chi trả DVMTR thuộc các lưu vực sản xuất thủy điện, nước sạch. Trên cơ sở rà soát của các đề án đã giúp các chủ rừng và UBND các xã được giao trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng xây dựng phương án, tổ chức lực lượng bảo vệ rừng đạt hiệu quả. Ngoài ra, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Quảng Nam tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết cho mọi người tham gia công tác quản lý bảo vệ rừng, việc gắn kết việc chi trả dịch vụ môi trường rừng với các chương trình phát triển sinh kế khác nhằm tạo thêm thu nhập bền vững cho các cộng đồng sống phụ thuộc vào rừng.

Kết quả đạt được từ chính sách chi trả DVMTR  

Nhìn lại qua gần 10 năm triển khai thực hiện Chính sách chi trả DVMTR, với những kết quả đạt được đã có những tác động, ảnh hưởng tích cực đến công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh, đó là:

Đã thực hiện được công tác rà soát, xác định diện tích rừng có cung ứng DVMTR, giúp công tác bảo vệ rừng được tiến hành thuận lợi; góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành, các địa phương và người dân thấy được vai trò, giá trị của rừng mang lại, từ đó tổ chức thực hiện nhiệm vụ QLBVR được tốt hơn; nâng cao được năng lực của các chủ rừng, xây dựng được lực lượng bảo vệ rừng đông đảo, thường xuyên tham gia tuần tra, kiểm tra rừng, từ đó phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến rừng, rừng được bảo vệ tốt, tình trạng khai thác lâm sản trái phép, phát rừng để làm nương rẫy,… giảm đi đáng kể.

Mặt khác, Chính sách chi trả DVMTR đã huy động được nhiều nguồn lực để thực hiện việc bảo vệ rừng bền vững, góp phần đẩy nhanh chủ trương xã hội hóa nghề rừng, đặc biệt là những địa phương có điều kiện kinh tế khó khăn.

Một cán bộ kiểm lâm đang gắn bảng tuyên truyền “bảo vệ rừng đặc dụng”

Rừng là tài nguyên vô cùng quý giá của con người mà ông cha truyền dạy bao đời “Rừng vàng, biển bạc”, rừng còn được ví như lá phổi xanh của trái đất.

Vì vậy, việc thực hiện chính sách chi trả DVMTR sẽ là bước đột phá trong việc giải quyết nhiều vấn đề, trong đó trọng tâm là 3 nhóm vấn đề cơ bản về môi trường, kinh tế và xã hội, góp phần giảm thiểu mất rừng, suy thoái rừng và nâng cao chất lượng rừng, làm tăng khả năng phòng hộ của rừng, đảm bảo cân bằng sinh thái giảm thiểu biến đổi khí hậu, hạn chế hạn hán, lũ lụt.

Chính sách này sẽ tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức và sẽ tăng cường sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa đơn vị chủ rừng với chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ rừng, tổ chức thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ phát triển rừng bền vững.

Tuy vậy, hiện nay, quy định về cơ chế tài chính về DVMTR cũng như quy định về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng trong Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 chưa rõ so với các văn bản dưới Luật (Nghị định, Thông tư) đã được thể hiện đầy đủ và hiệu quả.

Từ thực tiễn trên, để nâng cao hiệu quả của chính sách, việc nghiên cứu đề xuất đưa nội dung cơ bản của DVMTR vào dự án Luật Lâm nghiệp thay thế Luật Bảo vệ và Phát triển rừng năm 2004 là cần thiết. Được sự hỗ trợ của Trung tâm nghiên cứu Lâm nghiệp quốc tế (CIFOR), nhóm tư vấn đã nghiên cứu, đề xuất đưa một số nội dung cơ bản của DVMTR và Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng vào dự thảo Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sửa đổi.

Theo bản dự thảo Luật lần thứ 5, chi trả DVMTR được đề cập tại Mục 4 “Dịch vụ môi trường rừng” thuộc Chương VII “Sử dụng rừng” gồm 3 nội dung chính, được thể hiện trong 03 Điều:

Luật mới đưa ra (i) Các loại dịch vụ môi trường rừng cụ thể là Bảo vệ đất, hạn chế xói mòn, bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối, chống gió, bão, cát bay, hạn hán, xâm nhập mặn; bảo vệ các cơ sở kinh tế, công trình ven biển phục vụ cho đời sống xã hội; Điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội; Hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng, chống suy thoái rừng, tăng trưởng xanh; Bảo vệ cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái rừng cho dịch vụ du lịch; Cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn và con giống tự nhiên, sử dụng nguồn nước từ rừng và các yếu tố từ môi trường, hệ sinh thái rừng để nuôi trồng thủy sản.

Bên cạnh đó, (ii) Nguyên tắc chi trả dịch vụ môi trường rừng được nêu rõ Tổ chức, cá nhân được hưởng lợi từ DVMTR phải chi trả tiền DVMTR cho các chủ rừng của các khu rừng tạo ra dịch vụ đã cung ứng; Thực hiện chi trả DVMTR bằng tiền thông qua hình thức chi trả trực tiếp hoặc chi trả gián tiếp; Tiền chi trả DVMTR thông qua Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng là tiền của bên sử dụng DVMTR ủy thác cho Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng để trả cho các chủ rừng cung ứng DVMTR;

Tiền chi trả DVMTR là một yếu tố trong giá thành sản phẩm của tổ chức, cá nhân sử dụng DVMTR; Đảm bảo công khai, dân chủ, khách quan, công bằng; phù hợp với hệ thống pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.

Đồng thời,
 Luật mới cũng chỉ ra (iii) Các loại rừng được chi trả DVMTR gồm: rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất và rừng ngoài quy hoạch cho lâm nghiệp đạt đủ các điều kiện về tiêu chí, chức năng của rừng theo quy định hiện hành. Đối tượng được hưởng tiền DVMTR bao gồm (1) Chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng hoặc tự phục hồi, phát triển rừng được Nhà nước công nhận hoặc nhận chuyển giao rừng từ tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật, cụ thể gồm: Tổ chức trong nước (Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ; Tổ chức kinh tế gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam; Đơn vị kinh tế quốc phòng; đơn vị quốc phòng, an ninh khác được Chính phủ phê duyệt (sau đây viết chung là đơn vị thuộc lực lượng vũ trang); Tổ chức nghiên cứu khoa học, công nghệ, đào tạo, dạy nghề về lâm nghiệp); Hộ gia đình, cá nhân trong nước; Cộng đồng dân cư và Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam; (2) Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng ổn định lâu dài với các chủ rừng là tổ chức nhà nước; (3) Các tổ chức khác được Nhà nước giao quản lý rừng có cung ứng DVMTR. 06 Đối tượng phải chi trả tiền DVMTR là Các cơ sở sản xuất thủy điện phải chi trả tiền dịch vụ về bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng suối; về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất thủy điện; Các cơ sở sản xuất và cung ứng nước sạch phải chi trả tiền dịch vụ về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất nước sạch; Các cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước trực tiếp từ nguồn nước phải chi trả tiền dịch vụ về điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất; Các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch có hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng phải chi trả tiền dịch vụ về bảo vệ cảnh quan tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng phục vụ cho dịch vụ du lịch; Các đối tượng phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng cho dịch vụ hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng, bao gồm các cơ sở sản xuất công nghiệp, tổ chức, cá nhân có phát thải khí nhà kính; và Các đối tượng phải trả tiền cho dịch vụ cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn và con giống tự nhiên; sử dụng nguồn nước từ rừng và hệ sinh thái rừng để nuôi trồng thủy sản. Hình thức chi trả DVMTR gồm chi trả trực tiếp và chi trả gián tiếp, tuy nhiên Nhà nước khuyến khích áp dụng hình thức chi trả trực tiếp cho tất cả các trường hợp nếu bên cung ứng và bên sử dụng DVMTR tự thỏa thuận được mức tiền chi trả. Quản lý, sử dụng tiền DVMTR sẽ được Chính phủ quy định chi tiết cùng với những nội dung về đối tượng, hình thức chi trả, kiểm tra, giám sát chi trả DVMTR.

Liên quan đến Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Lâm nghiệp mới đề cập tại Mục 2 “Đầu tư và tài chính trong lâm nghiệp” thuộc Chương X “Giá rừng, đầu tư và tài chính trong lâm nghiệp” được thể hiện trong 01 Điều “Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng”.

Theo đó, về Loại hình thì Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng là Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; tổ chức, hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập, do cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập; về Mục đích thành lập thì Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng được thành lập để huy động các nguồn lực của xã hội cho bảo vệ và phát triển rừng, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hoá nghề rừng; nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng của những người được hưởng lợi từ rừng hoặc có các hoạt động ảnh hưởng trực tiếp đến rừng; nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, sử dụng và bảo vệ rừng cho các chủ rừng, góp phần thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp.

Quỹ hoạt động trên Nguyên tắc không vì mục đích lợi nhuận; Hỗ trợ cho các chương trình, dự án hoặc các hoạt động phi dự án mà ngân sách nhà nước chưa đầu tư hoặc chưa đáp ứng yêu cầu đầu tư; và Phải đảm bảo công khai, minh bạch, hiệu quả, sử dụng đúng mục đích và phù hợp với quy định của pháp luật. Về Cơ cấu tổ chức, Quỹ ở Trung ương do Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thành lập còn Quỹ ở cấp tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập. Nguồn tài chính hình thành Quỹ gồm nguồn Tài trợ, đóng góp tự nguyện, vốn nhận ủy thác của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước; Tiền chi trả DVMTR; Tiền bồi hoàn do làm suy giảm hoặc mất đi giá trị đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng và bồi hoàn do chuyển đổi mục đích sử dụng đất có rừng sang mục đích khác; Các khoản đóng góp bắt buộc do khai thác lâm sản từ rừng do nhà nước đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư; và Từ các Quỹ và các nguồn tài chính khác. Ngoài ra Chính phủ sẽ quy định cụ thể về điều kiện thành lập, chức năng, nhiệm vụ; cơ cấu tổ chức; cơ chế quản lý, sử dụng tài chính của Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng.

Việc những nội dung cơ bản về DVMTR và Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng được đề cập trong Luật Bảo vệ và Phát triển rừng sửa đổi sẽ là căn cứ quan trọng để ban hành những Nghị định, Thông tư hướng dẫn cụ thể thực hiện chính sách sau này. 

                                                                              Nguồn: BĐH VNFF

Video liên quan

Chủ đề