Chính phủ liêm chính kiến tạo là gì

Ngày 28/12/2016, tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Chính phủ đang hướng đến xây dựng một Chính phủ kiến tạo phục vụ nhân dân[1]. “Chính phủ kiến tạo” tuy là một thuật ngữ không còn xa lạ với thế giới, nhưng lại là mới ở Việt Nam.

“Chính phủ kiến tạo” là một chính phủ được tổ chức và hoạt động trên tinh thần xây dựng, tạo ra một môi trường cho mọi chủ thể có cơ hội tìm kiếm và thực hiện mưu cầu hạnh phúc của mình mà không trực tiếp làm tất cả mọi việc cho người dân. Ở Mỹ, chúng ta thường thấy, trong các bản báo cáo hàng năm của Chính phủ đều có mục mỗi năm tạo ra được bao nhiêu việc làm. Đấy là một biểu hiện cho việc Chính phủ của họ kiến tạo sự phát triển. Chính phủ không tự làm mọi thứ cho người dân, mà chỉ tạo ra môi trường, chủ yếu là môi trường pháp lý, để mọi người dân chủ động sáng tạo và làm cho mình hạnh phúc hơn. Cách đây gần 200 năm, trong tác phẩm Bàn về tự do (1859), J. S Mill đã chỉ ra rằng, cho dù có kết quả như nhau, nhưng một thứ do người khác làm cho mình và một thứ do chính mình tự làm ra, thì - với tư cách là con người - người ta vẫn thích và tự hào với cái của mình làm ra hơn.

Khái niệm “Chính phủ kiến tạo” thường đi đôi với sự “liêm chính”, “minh bạch” và “trong sáng” của chính phủ. Đó là một chính phủ trong sạch và chịu trách nhiệm giải trình trước Quốc hội và trước nhân dân. Những tính chất đó của Chính phủ thường gắn liền hữu cơ với nhau. Không liêm chính, minh bạch… không thể có Chính phủ kiến tạo.

Chính phủ kiến tạo phát triển là Chính phủ tạo điều kiện cho mọi sự phát triển. Chính phủ không làm thay dân, mà tạo khuôn khổ thể chế và mọi điều kiện cần thiết khác để từng người dân có thể dễ dàng lao động, làm ăn, có thể vươn lên thực hiện các ước mơ, hoài bão của mình. Khi người dân có điều kiện để mưu cầu hạnh phúc, thực hiện mọi ước mơ, cũng như có năng lực làm chủ cuộc sống, phát triển kinh tế, có năng lực xây dựng cuộc sống tốt đẹp thì đó là sự phát triển. Sự phát triển đó là quan trọng nhất, thực chất nhất và bền vững nhất[2].

“Chính phủ kiến tạo” ở đây được dùng ở nghĩa rộng

cho cả bộ máy nhà nước, nhưng trong đó có Chính phủ bao gồm Thủ tướng và các Bộ trưởng thành viên Chính phủ là trung tâm. Người đứng đầu Chính phủ và các thành viên của Chính phủ phải thuộc tầng lớp tinh hoa, có học thức và phải có bộ máy công chức trung thành, có chuyên môn nghiệp vụ. Trong số những đặc trưng của mô hình nhà nước này, C. Johnson nhấn mạnh tới sự ưu tiên vào trọng tâm của các nhà hoạch định chính sách. Đó là việc các nhà lãnh đạo quốc gia ưu tiên tuyệt đối cho tăng trưởng kinh tế một cách vững chắc. Sự đoàn kết của tầng lớp tinh hoa xoay quanh mục tiêu này làm cơ sở cho một sự can thiệp đặc biệt của nhà nước vào nền kinh tế[3].

Tại Hội thảo bàn về Chính phủ kiến tạo do Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức đầu năm 2017, ông Võ Trí Thành cho rằng: Khái niệm kiến tạo không mới, nhưng bây giờ được nhấn mạnh nhiều hơn. Nếu hiểu kiến tạo là tạo môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp và người dân từ khởi sự đến làm ăn thuận lợi, thì có lẽ chưa đầy đủ. Nội hàm kiến tạo có thể có tới bốn chiều cạnh. Đầu tiên, Chính phủ kiến tạo thì bản thân phải đủ năng lực, đủ minh bạch, đủ khả năng giải trình. Thứ hai, là có đủ khả năng tạo ra tầm nhìn tốt và chính sách tốt. Chính sách tốt bao gồm từ tư duy, tầm nhìn, thiết kế, thực thi và như vậy, phải rất chuyên nghiệp “Việt Nam nói về ý tưởng thì nhiều nhưng thiết kế chưa chuyên nghiệp”. Thứ ba, một Chính phủ kiến tạo là Chính phủ tương tác thân thiện với xã hội, người dân, với thị trường và doanh nghiệp, với sự minh bạch và trách nhiệm giải trình. Thứ tư, Chính phủ kiến tạo là biết tạo ra và chia sẻ sự phát triển[4].

Chính phủ kiến tạo phát triển là mô hình nhà nước nằm ở giữa mô hình nhà nước điều tiết, theo chủ nghĩa tân tự do và mô hình nhà nước kế hoạch hóa tập trung, theo mô hình Xô-viết. Nhà nước không làm thay thị trường mà chủ động can thiệp vào thị trường để thúc đẩy phát triển công nghiệp và tăng cường sức mạnh cạnh tranh của quốc gia trên trường quốc tế, phát triển và tăng trưởng kinh tế là mục tiêu tối thượng.

2. Phải làm gì để Chính phủ trở thành Chính phủ kiến tạo phát triển

Trước tiên là Chính phủ không tham gia vào công việc kinh doanh, tức là “không vừa là người đá bóng vừa là người thổi còi”. Do vậy, cần phải loại bỏ tình trạng các doanh nghiệp trực thuộc các cơ quan nhà nước, các công ty trực thuộc các bộ. Trong trường hợp còn sự trực thuộc này thì không thể có sự công bằng giữa các chủ thể kinh doanh. Đã từ lâu chúng ta đưa ra chủ trương bỏ Bộ chủ quản, nhưng cho đến nay, việc thực hiện chủ trương này vẫn không tiến triển được bao nhiêu. Các Bộ và cơ quan ngang Bộ cũng như các cơ quan ban ngành của trung ương đều không muốn bỏ các tổng công ty, công ty, cục, tổng cục trực thuộc, ngược lại các tổng công ty, các công ty, cục, rồi tổng cục đều muốn trực thuộc các Bộ, ban ngành trung ương để được hưởng một sự bảo trợ nhất định. Cổ phần hóa cũng là một chủ trương đúng để các doanh nghiệp bình đẳng với nhau trong hoạt động, nhưng việc này cũng được tiến hành một cách rất chậm chạp. Các cơ quan, các tổ chức cứ tầng tầng lớp lớp trực thuộc lẫn nhau. Nếp sống và làm việc theo cơ chế bao cấp, tập trung ảnh hưởng rất lớn, làm méo mó thị trường, dẫn tới tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các chủ thể, và lợi ích nhóm có điều kiện sinh sôi nảy nở.

Để có được một chính phủ kiến tạo và liêm chính thì phải bắt đầu bằng việc: Chính phủ, các cơ cấu tổ chức của Chính phủ cùng các cơ cấu khác của bộ máy nhà nước phải làm những phần việc đúng chức năng của mình, tức là thực thi những nhiệm vụ, quyền hạn đã được Hiến pháp và luật quy định. Chính phủ phải biết phân tích và hoạch định chính sách quốc gia. Đưa các chính sách đó vào trong pháp luật chứa đựng những khuôn khổ thể chế cần thiết để cho công việc làm ăn của người dân ngày một dễ dàng hơn. Quan trọng nhất ở đây là quyền tự do kinh doanh, quyền tự do tài sản phải được bảo đảm; sự minh bạch phải được tăng cường; các cam kết hợp đồng phải được tôn trọng; các tranh chấp phải được giải quyết nhanh chóng và hiệu quả; cơ chế cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động kinh tế cũng như mọi hoạt động khác, phải được bảo đảm.

Mặc dù nền kinh tế nước ta đã chuyển sang cơ chế thị trường nhưng cung cách làm việc vẫn còn nhiều điều quen theo tư duy cũ, ảnh hưởng rất lớn đến chủ trương kiến tạo và liêm chính của Chính phủ. Trong một nền kinh tế thị trường, cần phải giảm bớt sự can thiệp của các Bộ và cơ quan ngang bộ để tăng tính chủ động cho người dân và các doanh nghiệp. Mọi chủ thể kinh doanh chỉ cần tuân thủ theo luật do Quốc hội ban hành. Trong các trường hợp phải tuân thủ theo văn bản của các cơ quan của Chính phủ thì văn bản đó phải được sự cho phép của Quốc hội, được ghi rõ trong luật. Tránh tình trạng như Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư đã được ban hành, đã đi vào đời sống mới nhưng việc xóa bỏ các điều kiện kinh doanh ghi trong các văn bản dưới luật lại diễn ra rất chậm, không hiệu quả.

Việc triển khai xây dựng Chính phủ kiến tạo và liêm chính về cơ bản phải được tiến hành bắt đầu từ trung ương, từ Quốc hội cho đến Chính phủ (bao gồm cả Thủ tướng và các bộ trưởng), bằng các chủ trương, chính sách chứa đựng trong các văn bản luật của Quốc hội và văn bản dưới luật của Chính phủ. Nhưng chủ thể thực hiện trực tiếp thì lại chủ yếu ở địa phương, nhất là các quận, huyện, các ban, ngành ở cơ sở, nơi trực tiếp với người dân. Trong mọi trường hợp, người dân phải biết quyền của mình là gì, phải yêu cầu ai, cấp nào đảm bảo cho việc thực hiện. Vì vậy, vấn đề tuyên truyền chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo và liêm chính trên các phương tiện thông tin đại chúng là rất cần thiết.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nhấn mạnh, xét đến cùng, tăng trưởng kinh tế là công việc của người dân và doanh nghiệp; nhiệm vụ của Chính phủ và các địa phương là tạo tiền đề để người dân, doanh nghiệp tạo ra sự tăng trưởng. Đây cũng chính là bản chất của Chính phủ kiến tạo. Chính phủ đẩy mạnh, phát huy tiềm năng tăng trưởng qua các giải pháp không tốn nhiều tiền bạc như cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; ưu tiên tập trung xử lý các “điểm nghẽn” để tái cơ cấu kinh tế một cách thực chất, tạo lập nền tảng vững chắc cho tăng trưởng dài hạn. Chính phủ kiến tạo còn phải đưa ra được những chính sách có tầm nhìn xa, khái quát rộng[5].

Năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19/2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 về cải thiện môi trường kinh doanh 2016 - 2017 và Nghị quyết 35/2016/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020. Nghị quyết số 19/2016/NQ-CP và đặc biệt là Nghị quyết số 35/2016/NQ-CP của Chính phủ đã thể hiện được tinh thần cốt lõi của Chính phủ kiến tạo, phục vụ. Các địa phương đồng loạt ban hành chương trình, kế hoạch hành động triển khai thực hiện các nghị quyết này. Nhiều địa phương còn ban hành cả chỉ thị để cụ thể hóa từng lĩnh vực, ký cam kết tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Các phương tiện truyền thông vào cuộc, tập trung tuyên truyền. Nhiều hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo các cấp với cộng đồng doanh nghiệp có cách làm hoàn toàn mới đã được tổ chức, ít nhiều mang lại khí thế mới, niềm tin mới.

3. Thử thách của Chính phủ kiến tạo phát triển

Xây dựng Chính phủ thành Chính phủ kiến tạo bằng bất cứ giá nào là không nên và có hại. Bởi vì khi đó rất dễ rơi vào tình trạng Chính phủ toàn quyền, tập trung, chuyên chế, toàn trị như các Chính phủ đã có trong lịch sử nhân loại trước đây. Trong nhận thức của nhiều người hiện nay, xã hội muốn phát triển cần phải có một Chính phủ mạnh, thậm chí là chấp nhận các Chính phủ “có nét độc tài”, nhất là ở các nước Phương Đông: “Chính phủ kiến tạo tương đương với Chính phủ độc tài nhưng sáng suốt, Chính phủ kiến tạo bằng mọi giá”. Nhưng, sẽ rất khó để có một Chính phủ mạnh, một Chính phủ có tình trạng “độc tài” nhưng “sáng suốt” như của Hàn Quốc, Singapore - nơi mà Chính phủ có những nét độc tài nhưng “có lợi cho sự phát triển kinh tế”. Chúng tôi đồng ý với quan điểm của Amartya Sen và Francis Fukuyama khi không thừa nhận những tác động tích cực của “bàn tay sắt” đối với sự phát triển kinh tế của các nước trên, phản bác sự biện minh của Lý Quang Diệu khi ông cho rằng[6], ở các nước Phương Đông, muốn phát triển cần phải độc tài[7].

Ngày nay, các Chính phủ phải có những bảo đảm về dân chủ, về quyền tự do và các quyền con người khác của người dân[8]. Trong thời đại thông tin, trí tuệ của con người ngày càng được mở rộng và phát triển, nên sẽ hạn chế việc Chính phủ có những quyết định vi phạm dân chủ và nhân quyền, tạo ra tình trạng bất công bằng cho sự phát triển. Khi ý thức cá nhân và quyền con người được bảo đảm, người dân không thể cho phép hy sinh quyền lợi của cá nhân để đổi lấy mục tiêu phát triển kinh tế.

Sức mạnh thực sự của Chính phủ kiến tạo thể hiện qua một xã hội năng động, người dân được phát triển tối đa năng lực cá nhân, xã hội đồng thuận, đa dạng và phong phú. Không dựa vào dân chủ, vào sự chính đáng thì không thể có chính phủ kiến tạo.

Quản lý vĩ mô của Chính phủ ngày nay không phải là sự nghiệp của một hay vài nhóm người. Việc cập nhật, xử lý thông tin trong nước và ngoài nước, sử dụng công nghệ, sử dụng trí thức tìm kiếm các phương tiện tối ưu cho cuộc sống… làm cho công việc quản lý trở nên thuận tiện hơn. Đây là cách quản lý dân chủ, khoa học mà nhiều quốc gia hiện nay đang áp dụng. Phương pháp cai trị độc đoán, độc tài, chuyên chế ngày càng bị lên án vì không có lợi cho sự phát triển bền vững của các quốc gia[9].

Một thử thách nữa của Chính phủ kiến tạo là đối đầu với lợi ích nhóm. Chính phủ kiến tạo rất dễ rơi vào tay một số người có chung lợi ích cá nhân. Lợi ích nhóm luôn tồn tại, vấn đề là không thể hy sinh lợi ích của dân tộc hay của nhóm lớn hơn cho nhóm bé hơn, nhóm đặc quyền, đặc lợi. Vấn đề cũng không phải là loại bỏ lợi ích nhóm, mà là làm sao hài hòa được lợi ích giữa các nhóm, lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp, người dân và nhà nước. Tìm ra được cách thức để họ có thể đàm phán, thương lượng với nhau nhằm bảo đảm sự hài hòa về lợi ích mới thực sự quan trọng. Vì thế, Chính phủ phải công khai hóa quá trình ban hành quyết định, mọi thông tin đầu vào phải khách quan, trung thực. Mọi quyết định đều phải chịu trách nhiệm giải trình và phải giải trình được. Nếu không giải trình được thì phải chịu trách nhiệm. Mọi hoạt động tác động đến chính sách đều phải được điều chỉnh và công khai hóa chứ không thể “đi đêm”[10]./.

GS,TS. Nguyễn Đăng Dung - Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

ThS. Nguyễn Đăng Duy - Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội

[1] Hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017, ngày 28/12/2016.

[2] Xem Nguyễn Sĩ Dũng, “Chính phủ kiến tạo không làm thay dân mà giúp dân mưu cầu hạnh phúc”, VOV ngày 23/9/2016.

[3] Chalmers Johnson, “MITI and the Japanese Miracle: The Growth of Industrial Policy”, 1925-1975, p. 18-19.

[4] Tọa đàm “Kinh tế 2017 và sinh khí mới từ Chính phủ kiến tạo”, Thời báo Kinh tế Việt Nam 12/1/2017.

[5] Hội nghị trực tuyến với các địa phương triển khai nhiệm vụ kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017, tlđd.

[6] Lý Quang Diệu cho rằng, hệ thống phi dân chủ có khả năng hơn trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế/ A. Sen: “Dân chủ và công bằng xã hội/Dân chủ kinh tế thị trường và phát triển từ góc nhìn châu Á”, The World Bank tr. 34.

[7] A. Sen, “Nhân quyền và các giá trị Á Đông/ Về pháp quyền và chủ nghĩa hợp hiến”, Khoa Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội, Nxb. Lao động - Xã hội, 2012, tr. 243- 244.

[8] Hồ Sĩ Quý, “Một số vấn đề về dân chủ độc tài và phát triển”, Nxb. Lý luận Chính trị, 2014, tr. 251.

Chính phủ kiến tạo phát triển là gì?

Chính phủ kiến tạo phát triển là cách tiếp cận cơ chế hoạt động của Chính phủ ở các nước coi trọng vai trò của thị trường, tích cực can thiệp để định hướng thị trường nhưng cũng không tuyệt đối hóa nó.

Chính phủ hành động là gì?

Chính phủ hành động là sự thể hiện cụ thể và trực tiếp nhất của quyền hành pháp: thi hành pháp luật, hiện thực hóa các mục tiêu của pháp luật thông qua các hoạt động chấp hành và điều hành của hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước; là Chính phủ chủ động trong việc chấp hành và điều hành, thích ứng với thực tiễn, đưa ...

Chủ đề