Chiến lược thâm nhập thị trường Myanmar của Viettel

Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) liệu có tiếp tục “dấn thân” vào thị trường Myanmar sau khi đã trượt thầu viễn thông tại thị trường này?

Trả lời VnEconomy bên lề hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm của Bộ Thông tin và Truyền thông, chiều 1/7, ông Tống Viết Trung, Phó tổng giám đốc Viettel, cho biết, Viettel vẫn tiếp tục theo đuổi thị trường Myanmar, vì hiện tại đây vẫn là thị trường viễn thông đầy tiềm năng.

Ông Trung cho biết, Viettel đã theo đuổi thị trường Myanmar tương đối lâu, với nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, đây là thị trường tương đối khó vì thu hút quá nhiều nhà cung cấp dịch vụ. 

“Viettel đã cố gắng hết sức, cả về giá bỏ thầu, về chuẩn bị tài liệu, cũng như có cam kết hấp dẫn đối với Chính phủ Myanmar”, ông Trung nói. 

Hai hãng viễn thông Telenor ASA của Nauy và Ooredoo đến từ Qatar trở thành những nhà mạng viễn thông nước ngoài đầu tiên được phép hoạt động ở Myanmar. Theo ông Trung, các thông tin bên lề cho thấy, có đơn vị trúng thầu đã bỏ giá rất cao, nên Viettel nếu có cố thêm bỏ 100 hay 200 triệu USD cũng không có hiệu quả gì, và việc đối thủ trúng thầu là nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp này.

Tuy nhiên, ông cũng cho biết, những đơn vị trượt thầu vẫn có thể hợp tác với các công ty đã có giấy phép đầu tư. Và hiện giờ Viettel đang nghiên cứu khả năng thứ hai. 

Theo ông Trung, cùng với việc tiếp tục theo đuổi thị trường Myanmar, Viettel cũng cân đối trong chiến lược chung để đầu tư vào các thị trường khác.

Myanmar được xem là một thị trường viễn thông sơ khai có sức hấp dẫn lớn. Tính tới cuối năm 2012, mới chỉ có 5,4 triệu người trong tổng số 60 triệu dân của nước này sở hữu thuê bao di động. Chính phủ Myanmar đang muốn tăng tỷ lệ dân số dùng di động lên 75-80% trong thời gian từ nay đến năm 2015-2016. Theo dự kiến, Quốc hội nước này sẽ thông qua một bộ luật viễn thông mới trong vài tháng tới.

Thương vụ 1,5 tỷ USD vào thị trường mới nổi

Giữa tháng 4, Viettel đã phát đi thông báo xác nhận việc Viettel bắt đầu tham gia vào thị trường viễn thông Myanmar với một kế hoạch ‘làm ăn lớn’, thông qua việc liên doanh với một đối tác nội địa. Cụ thể, trong lần thuyết trình trước Chính phủ Myanmar vào cuối tháng 3/2016, liên doanh Viettel tại Myanmar cho biết sẽ dự kiến cùng đầu tư 1,5 tỷ USD để xây dựng một mạng viễn thông hiện đại, rộng khắp toàn đất nước Myanmar, phủ tới gần 95% dân số trong vòng ba năm.

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng phát triển nhanh về dữ liệu data và công nghệ thông tin tại Myanmar, Viettel sẽ xây dựng mạng lưới dựa trên công nghệ 3G tần số 900Mhz và 2100 Mhz. Viettel cũng sẽ nhanh chóng cung cấp dịch vụ 4G trên dải tần 1800Mhz nếu được Chính phủ Myanmar cấp phép bổ sung vào cuối năm nay.

Theo công bố của Chính phủ Myanmar trong thư chào thầu, hiện tại tỷ lệ sử dụng smartphone tại đất nước này đã đạt trên 60%. Với tốc độ phát triển kinh tế tốt, tăng trưởng GDP trên 8% hàng năm, Myanmar sẽ có tốc độ phát triển về data tương ứng, đặc biệt có tới 80% người dân lựa chọn máy điện thoại thông minh smartphone khi mua máy.

Mặc dù đang ở giai đoạn đầu phát triển thị trường viễn thông, Chính phủ Myanmar đã quy hoạch tất cả 4 giấy phép viễn thông, trong đó 2 giấy phép dành cho công ty tư nhân nước ngoài và 2 giấy phép dành cho doanh nghiệp trong nước. Từ "quy hoạch" này, Viettel đã được lựa chọn để tham gia liên doanh cho giấy phép viễn thông thứ 4, và là giấy phép cuối cùng tại Myanmar, nằm trong số 2 giấy phép dành cho doanh nghiệp trong nước. 

Hai đơn vị được chỉ định đàm phán liên doanh với Viettel, sẽ chiếm 51% cổ phần, bao gồm một công ty địa phương là The Myanmar National Holding Public Limited và một công ty nhà nước là Star High Public Company Limited. Việc liên doanh với các công ty địa phương đã có nhiều năm kinh nghiệm sẽ giúp Viettel thuận lợi thâm nhập thị trường cũng như mau chóng xây dựng một mạng viễn thông rộng khắp đáp ứng nhu cầu đúng của người dân Myanmar. 

Theo các lãnh đạo Viettel, với quan điểm đầu tư bền vững và hiệu quả đã được duy trì xuyên suốt từ trước tới nay, Viettel sẽ nhanh chóng thực hiện các thủ tục đàm phán liên doanh cũng như chuẩn bị các phương án tài chính kĩ thuật và kinh doanh cần thiết cho dự án. Nếu được cấp phép thành công, Viettel sẽ lan tỏa kinh nghiệm đầu tư viễn thông của mình trên 10 quốc gia trên thế giới tới Myanmar.

"Viettel đã có kinh nghiệm trong việc tạo ra sự bùng nổ ở thị trường viễn thông, biết cách đưa dịch vụ đến mọi người dân. Chiến lược đầu tư dài hạn của Viettel thông qua vùng phủ rộng toàn quốc, chất lượng mạng lưới vượt trội và cách kinh doanh phù hợp với từng địa phương, Viettel đã nhận được sự ủng hộ, chào đón của rất nhiều chính phủ, nhà đầu tư viễn thông trên thế giới. Chúng tôi hy vọng sẽ thành công trong việc đàm phán thành lập liên doanh viễn thông tại Myanmar lần này", ông Lê Đăng Dũng, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, phụ trách hoạt động đầu tư quốc tế cho biết.

Đầu tư quốc tế là một trong ba trụ cột chiến lược

Hồi đầu năm nay, khi nói về hoạt động đầu tư ra nước ngoài, lãnh đạo Viettel từng nhấn mạnh chiến lược tiếp tục đầu tư, phát triển thị trường dịch vụ viễn thông ở nước ngoài. Trao đổi với báo chí, Thượng tá Tào Đức Thắng, Phó tổng giám đốc Viettel cho hay năm 2015, Viettel khai trương dịch vụ tại 2 nước là Tanzania (thương hiệu Halotel) và Burundi (thương hiệu Lumitel), đưa tổng số nước Viettel đang kinh doanh lên 10 nước, thị trường 270 triệu dân (bằng 3 lần dân số Việt Nam). Trong 10 nước thì Viettel đã có lãi tại 6 nước, các nước còn lại sẽ có lãi trong năm 2016. Doanh thu từ hoạt động tại nước ngoài của Viettel đạt gần 1,5 tỷ USD tương đương mức tăng trưởng 25%.

Với hơn 50 triệu dân, Tanzania là quốc gia đông dân nhất trong số các thị trường nước ngoài mà Viettel đang cung cấp dịch vụ. Trong khi đó, thương hiệu Lumitel của Viettel tại Burundi là một trong những nhà mạng có tốc độ phát triển thuê bao cao nhất trong các thị trường Viettel từng đầu tư.

Một điểm đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư ra nước ngoài, Viettel tự hào là nhà mạng luôn tiên phong cung cấp công nghệ hàng đầu tại các quốc gia mà Viettel tham gia đầu tư. Chẳng hạn, công nghệ 4G hiện nay Viettel đã triển khai tại Campuchia, Lào và tới đây sẽ triển khai tại Burundi, Cameroon, Peru…

"Đầu tư quốc tế được xác định là 1 trong 3 trụ cột chiến lược của Viettel, đó là lý do Viettel đặt mục tiêu đến năm 2020 phải đứng trong Top 10 doanh nghiệp viễn thông về đầu tư ra nước ngoài trên thế giới, từ 20 đến 25 nước, thị trường nước ngoài với dân số 600-800 triệu dân. Trung bình mỗi năm, Viettel đầu tư vào 1 đến 2 thị trường mới với tốc độ, quy mô và hiệu quả ngày càng cao. Doanh thu từ thị trường nước ngoài đang đi đúng lộ trình kế hoạch của Viettel. Chúng tôi đặt mục tiêu duy trì tốc độ tăng trường doanh thu bình quân 15-20%/ năm, mỗi thị trường sẽ thu hồi vốn trong vòng 3-5 năm", ông Tào Đức Thắng cho biết.

Lãnh đạo này cũng nhấn mạnh rằng "quan điểm của Viettel là đầu tư nhanh, mạnh vào xây dựng cơ sở hạ tầng đảm bảo dẫn đầu về chất lượng và quy mô mạng lưới, làm nền tảng cho phát triển kinh doanh, mở rộng thị trường và thu hồi vốn trong thời gian ngắn nhất". Các thị trường Viettel đầu tư hầu hết ở xa và khó khăn về mặt địa lý so với Việt Nam nên việc quản lý, tối ưu chi phí đầu tư là yếu tố được đặt lên hàng đầu trong mọi hoạt động hoạch định chiến lược và ra quyết định. Ngoài việc tính toán kỹ lưỡng hiệu quả đầu tư, Viettel còn tập trung nhiều vào việc tối ưu chi phí vận hành thường xuyên. 

Nhìn về tương lai, lãnh đạo Viettel cho biết quyết tâm sẽ phải đứng vị trí số 1 hoặc số 2 ở những thị trường đã đầu tư. Mục tiêu này bước đầu đã được khẳng định sau thành công của 6/10 thị trường Viettel đã vươn lên top đầu. "Sự phát triển của một đất nước phần nào phụ thuộc vào viễn thông, chứ không phải viễn thông chỉ có thể bùng nổ khi GDP đạt một mức nhất định.

Tại nhiều nước như Lào, Campuchia, Đông Timor… khi Viettel đầu tư, đưa giá cước thấp và sản phẩm tới người dân thì viễn thông đã bùng nổ, kéo theo sự phát triển về kinh tế xã hội. Đây cũng chính là cái mà chính phủ cũng như người dân tại các nước đang phát triển đang rất cần và mong muốn có được từ nhà đầu tư nước ngoài", ông Thắng nhấn mạnh.

Dù là thị trường nước ngoài mới nhất của Viettel, nhưng Myanmar đã nằm trong tầm ngắm của nhà mạng này từ hơn 10 năm trước.

Chia sẻ về thị trường Myanmar, Viettel nhận định đây chính là thị trường có quá trình xúc tiến đầu tư lâu nhất, có sự tham gia của nhiều nhân sự thuộc nhiều thế hệ của Viettel nhất và ngay chính TGĐ Nguyễn Mạnh Hùng đã đích thân sang Myanmar không dưới 20 lần.

Các lãnh đạo Viettel đã quyết tâm sẽ gắn bó lâu dài với thị trường này vì 2 lý do chính. Một là, Myanmar và Việt Nam có nhiều nét văn hóa tương đồng như về vị trí, văn hóa và mối quan hệ chính trị vẫn luôn tốt đẹp giữa 2 quốc gia. Lý do thứ 2 là kinh tế quốc gia này còn nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt, thị trường viễn thông còn rất sơ khai, mạng nhà nước MPT giữ vị trí độc quyền.

Tiềm năng của thị trường Myanmar có lẽ thể hiện rõ ràng nhất qua việc tại thời điểm nhóm khảo sát đầu tiên sang thị trường này “nằm vùng” đã không khỏi bất ngờ khi một SIM điện thoại tại đây có giá tới 2.000 USD. Kinh tế đóng cửa cùng sự độc quyền của mạng di động nhà nước MPT đã khiến việc sử dụng dịch vụ viễn thông tại Myanmar trở nên xa xỉ, chỉ phục vụ tầng lớp thượng lưu.

Chiến lược thâm nhập thị trường Myanmar của Viettel

Sau 10 năm “mai phục”, Viettel quyết tâm hoàn thành xây dựng 7.200 trạm phủ sóng di động, 33.000 km cáp quang tại Myanmar.

Con đường gia nhập thị trường Myanmar của Viettel cũng vì thế mà mịt mù bởi kinh tế nước này không rõ khi nào sẽ mở cửa và nếu mở cửa, liệu có cơ hội nào cho nhà mạng đến từ Việt Nam.

Theo chia sẻ của các cán bộ Viettel đầu tiên hoạt động tại Myanmar, những ngày đầu năm 2013, con đường tìm cơ hội đầu tư ở Myanmar tưởng chừng như mơ hồ, bỗng nhiên le lói lên hi vọng. Ngày 15/1/2013, Viettel nhận được tin Chính phủ Myanmar chính thức công bố mở thầu cấp 2 giấy phép viễn thông quốc tế.

Sau hơn 10 năm tại thị trường, việc Chính phủ Myanmar cấp một lúc 2 giấy phép dường như là cơ hội không thể tốt hơn cho Viettel. Chính nhà mạng cũng cảm nhận được đây là cơ hội cần nắm bắt dù phải đối mặt với rất nhiều đối thủ đáng gờm, những ông lớn trong ngành viễn thông.

Không ngoài dự đoán, thị trường viễn thông Myanmar được ví như “cô gái đẹp” bỗng dưng mở cửa đã thu hút những cái tên lớn của làng viễn thông thế giới. Đã có 91 nhà mạng trên khắp thế giới tham gia đấu thầu, trong đó có những nhà mạng lớn và lâu đời nhất trên thế giới như từ Vodafone, Airtel, Telenor, Digicel… đều có mặt.

Sau vòng sơ loại, Viettel lọt vào nhóm 11 nhà mạng tiềm năng nhất. Tuy nhiên, một tháng sau đó, nhờ những lợi thế nhất định, Telenor và Ooredoo đã trúng thầu. Toàn bộ công sức 10 năm “mai phục” thị trường Myanmar của Viettel tưởng chừng đổ bể. Thế nhưng lãnh đạo nhà mạng quân đội vẫn quyết định tìm kiếm khả năng liên doanh để tham gia thị trường.

Chiến lược thâm nhập thị trường Myanmar của Viettel

Mytel là trái ngọt của hành trình hơn 10 năm “mai phục” thị trường Myanmar của Viettel.

Trái ngọt mang tên Mytel

Sau ngày đánh rơi cơ hội đầu tiên gần 1 năm, hi vọng cho Viettel lại lóe lên khi có thông tin công ty cung cấp Internet Yatanarpon (YTP) xin được giấy phép thứ 4 từ chính phủ Myanmar.

Ngay lập tức, Viettel đã tiếp cận đơn vị này để đàm phán phương án liên doanh. Hai bên đã có nhiều buổi làm việc và đích thân lãnh đạo cao nhất của Viettel khi đó đã sang Myanmar để tham gia đàm phán.

Tưởng chừng mọi điều khoản đã ổn thỏa, liên doanh giữa hai bên là khả thi thì chỉ một thời gian ngắn sau đó, Chính phủ Myanmar đã quyết định hủy việc cấp giấy phép thứ 4 cho YTP.

Hai lần vuột mất cơ hội, lãnh đạo Viettel vẫn giữ nguyên quyết tâm sẽ gia nhập thị trường Myanmar khi có cơ hội tiếp theo. Cơ hội đó đến vào đầu năm 2016.

Chính phủ Myanmar bất ngờ cấp phép để một nhà mạng nước ngoài lập liên doanh viễn thông với các đơn vị của Myanmar và Viettel một lần nữa quyết tâm có được chìa khóa để tham gia thị trường này. Thời hạn chuẩn bị hồ sơ thầu chỉ gần 1 tháng trong khi thông thường là 3 tháng đã khiến cán bộ Viettel Myanmar phải làm gấp 3 công suất.

Chiến lược thâm nhập thị trường Myanmar của Viettel

Tổng giám đốc Viettel Global Nguyễn Thanh Nam đã ký hợp đồng liên doanh giữa Viettel và đối tác Myanmar để cho ra đời thương hiệu Mytel.

Hồ sơ thầu được hoàn thiện trước hạn chỉ 1 tiếng đồng hồ và Viettel là đơn vị duy nhất kịp hoàn thiện hồ sơ. Những cái tên lớn như Orange, Singtel và China Telecom đều không kịp chuẩn bị hồ sơ để tham gia.

Và đến ngày 8/9/2016, Tổng giám đốc Viettel Global Nguyễn Thanh Nam đã chính thức đặt bút ký vào Hợp đồng liên doanh giữa Viettel và đối tác Myanmar, là khởi đầu mới mang đầy sự nỗ lực, kỳ vọng của Viettel tại thị trường này.

Trái ngọt của 10 năm “mai phục” đã dần thành hình khi 9/6 tới đây, Viettel sẽ chính thức khai trương mạng viễn thông tại Myanmar với thương hiệu Mytel, trở thành nhà mạng thứ 4 tại quốc gia này.

Đây là thị trường quốc tế thứ 10 và có quy mô dân số lớn nhất mà Viettel từng đầu tư (gần 53 triệu người).

Ngô Minh
Nguồn Zing News

Đang tải từ khóa...